Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

ĐIỀU TRỊ BẰNG LASER CÔNG SUẤT THẤP CHIẾU NGOÀI (ĐIỀU TRỊ BẰNG LASER CÔNG SUẤT THẤP VÀO ĐIỂM VẬN ĐỘNG VÀ HUYỆT ĐẠO)

Chuyên ngành: y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại, Vật lý trị liệu
Mặc dù có ứng dụng trong YHCT nhưng ở mục người thực hiện lại không có BS YHCT.

- Bs Đỗ Thị Thúy Anh

I. ĐẠI CƯƠNG

Laser là một hình thức điều trị bằng nguồn ánh sáng đơn sắc đặc biệt. Cơ chế tạo ra tia laser dựa trên hiện tượng khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ cưỡng bức. Trong phục hồi chức năng thường sử dụng các laser công suất thấp có hiệu ứng kích thích sinh học nhằm điều chỉnh lại các rối loạn hoạt động của mô bị tổn thương, tăng cường sức đề kháng và tái tạo lại mô. Laser thường sử dụng là laser khí He-Ne và các laser bán dẫn (semi-conductor laser), phát tia trong vùng ánh sáng đỏ hoặc vùng hồng ngoại (gần).
Laser công suất thấp có thể dùng chiếu ngoài, chiếu nội mạch hoặc chiếu trên các điểm vận động và huyệt đạo (laser châm) để điều trị bệnh.

II. CHỈ ĐỊNH

– Chống viêm các loại, bao gồm: viêm cấp tính, bán cấp hay mạn tính, viêm của tổ chức phần mềm (da, cơ), xương khớp, nội tạng…
– Giảm đau: đau do chấn thương, đau thần kinh, đau xương khớp, đau điểm…
– Kích thích tái tạo mô, làm nhanh liền sẹo vết thương, vết loét.
Điều hòa tuần hoàn và hoạt hóa hệ thần kinh trung ương (laser nội mạch).
– Điều trị trên huyệt đạo (laser châm): chỉ định vị trí huyệt giống như huyệt dùng trong châm cứu.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Có bệnh ác tính nặng, sốt, u, lao, suy kiệt, bệnh truyền nhiễm cấp tính.
– Đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu.
– Người bệnh không đồng ý điều trị.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
a. Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.
b. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu, người hành nghề y được đào tạo.
2. Người bệnh
– Nằm hoặc ngồi tư thế thoải mái trong khi điều trị. Bộc lộ da vùng điều trị.
– Giải thích để người bệnh hiểu, hợp tác trong điều trị.
3. Phương tiện
– Máy laser công suất thấp: laser He-Ne hoặc laser bán dẫn.
– Dụng cụ dẫn tia laser: dây quang sợi và/hoặc đầu mở rộng tia.
– Đầu chiếu tia laser: dạng ống, bút, kim laser.
– Băng dính cố định đầu chiếu tia laser.
– Bông cồn sát trùng da và dụng cụ chiếu laser.
4. Hồ sơ bệnh án
Ghi chép đầy đủ các thông tin về người bệnh, chỉ định điều trị rõ ràng.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Chọn các tham số kỹ thuật cần thiết tùy theo loại laser đã chọn, bao gồm:
– Bước sóng laser.
– Công suất đầu phát laser.
– Chế độ phát xung hay liên tục, tần số lặp lại xung.
– Cường độ chùm tia laser: tính bằng mật độ công suất (với laser liên tục) hay mật độ năng lượng (với laser xung).
– Đặt thời gian điều trị (tự động trên máy hay bằng đồng hồ hẹn giờ bên ngoài).
2. Chiếu chùm tia laser vào vùng điều trị (qua dây quang sợi hoặc đầu mở rộng
tia). Áp dụng các kỹ thuật chiếu laser
– Chiếu chùm: chiếu chùm tia laser bao phủ lên toàn bộ bề mặt vùng tổn thương bằng đầu mở rộng tia hoặc bằng kỹ thuật quét chùm tia laser (di chuyển hình xoáy ốc
hoặc hình dích dắc).
– Chiếu điểm: chiếu chùm tia laser trực tiếp lên vị trí điểm vận động.
– Chiếu lên huyệt (laser châm): chiếu chùm tia laser trực tiếp lên vị trí của huyệt đạo. Áp dụng công thức huyệt giống như trong châm cứu theo Y học cổ truyền.
Lưu ý: Chùm tia laser phải được chiếu vuông góc với bề mặt da bộ phận cơ thể điều trị. Có thể dùng băng dính cố định đầu phát tia lên bề mặt da tại vị trí huyệt đạo trong quá trình điều trị. Tránh để chùm tia laser chiếu trực tiếp vào mắt có thể làm tổn thương võng mạc đáy mắt.
* Thời gian điều trị phụ thuộc vào loại bệnh lý, cường độ của đèn laser.
3. Kết thúc điều trị
– Khi hết thời gian điều trị: chỉnh cường độ về “0” rồi tắt công tắc nguồn.
– Một số máy có chế độ hẹn giờ tự động, thì máy sẽ tự động ngừng phát tia khi hết thời gian điều trị mà vẫn giữ nguyên giá trị của các tham số kỹ thuật cho lần điều trị tiếp theo.
– Tháo đầu phát laser khỏi vị trí điều trị. Khử trùng đầu phát và dây quang sợi bằng cồn 70 độ rồi đặt về vị trí bảo quản.
– Kiểm tra vị trí chiếu tia xem có biểu hiện gì bất thường hay không.
– Dặn dò người bệnh những điều cần thiết trước khi về.

VI. THEO DÕI

1. Trong khi điều trị
– Theo dõi hoạt động của máy, các thông số, chùm tia.
– Phản ứng của người bệnh, đặc biệt khi chiếu trên huyệt (laser châm).
2. Sau khi điều trị
Ghi chép diễn biến sau điều trị: tình trạng người bệnh, tình trạng vùng điều trị.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Vượng châm: ít khi xảy ra. Nếu có, dừng điều trị, xử trí theo quy định