Cảm xúc: Thất tình theo Y học cổ truyền
Để chuẩn bị giảng bài cho lớp học viên của trường Chile, Trung quốc, thất tình theo các y văn cổ cần được xem xét để đối chiếu với YHHĐ.
“Giáo trình hiểu biết Tóm tắt Nội kinh” của lương y Nguyễn Trung Hòa, Hội Y học Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh tái bản 1994.
Kinh Văn 27- chương III Tạng tượng Tr. 123-125
Hoàng đế viết: Nguyện văn Dũng Khiếp (1)chi sở do nhiên? Thiếu Du viết: Dũng sĩ giả mục thâm dỉ cố (2) trường hành trực giương (3), tam tiêu lý hoành(4) kỳ tâm đoan trực(5) kỳ can đại dỉ kiên, kỳ đởm mãn dỉ bang (6), nộ tắc khí thịnh nhi hung trương, can cử nhi đởm hoành, thư liệt nhi mục giương: mao khởi nhi diện thương(7) thử dũng sĩ chi sở do nhiên giả dã, Hoàng đế viết: Nguyện văn Khiếp sĩ chi sở do nhiên? Thiếu Du viết: Khiếp sĩ giả, mục đại nhi bất giảm(8), âm dương tương thất (9), kỳ tiêu lý tung (10), yết cán đoản nhi tiểu (11) can hệ hoản, kỳ đởm bất mãn nhì tung trường vị đỉnh (12) hiếp hạ không, tuy phương đại nộ, khí bất năng mãn kỳ hung, can phế tuy cử, khí suy phụ hạ, cố bất năng cửu nộ, thử khiếp sĩ, chi sở do nhiên giả dã (Linh khu/ Luận dũng thiên)
Hoàng đế nói: Xin Ngài cho ta biết về tính cách con người vì sao có phân biệt kẻ dũng người khiếp? Thiếu Du nói: Loại người dũng sĩ thì mắt sâu mà kiên định, xương hố mắt nhô cao mà cứng, chân mày rậm, lông mày thẳng đứng, nếp nhăn của da dẻ bắp thịt giống như ngang, quả tim ngay mà thẳng, gan to mà cứng cáp, mậtt đầy mà rộng chiều ngang, khi nổi giận thì khí thế hùng tráng mà ngực sườn căng lớn, lá gan nhếch lên, túi mật đầy cứng mà ngang, mắt sáng quắc, tròn xoe, dạng như muốn xé banh ra, lông tóc dựng đứng, mặt hiện sắc xanh tím, đó là tính cách của dũng sĩ và nguyên nhân cái dung. Hoàng Đế nói: Xin giảng lại một lần về tình huống sinh lý của kẻ hèn khiếp? Thiếu Du nói: con người hèn khiếp, mắt tuy to, nhưng không sâu không cố định, huyết khí mát điều hòa, nếp nhăn của bì phu cơ nhục dọc mà chẳng ngang, ngực lép, buồng gan mềm dãn, túi mật không đầy mà thòng xuống, ruột dạ dày gầy bé mà thẳng, dưới sườn trống rỗng, tuy khi nổi giận hơi (khí) cũng không đầy ở ngực, gan phổi tuy cử động, khi giảm cơn giận thì nó đã thòng xuống như cũ, cho nên loại người ấy có ít giận dai, đó là tính cách và hiện tượng sinh lý của kẻ hèn khiếp.
Giải thích danh từ
(1)Dũng Khiếp: Dũng chỉ người dũng cảm, to mật, Khiếp chỉ kẻ nhu nhược, mật bé, cho nên Trương Cảnh Nhạc nói: khí cang trường của kẻ Dũng chất nhu nhược của kẻ Khiếp.
(2) Mục thâm dỉ cố: Mã Thời nói: hai mắt rất sâu mà chắc cứng không láo liên. Trương Cảnh Nhạc nói: “tàng chứa khí chắc cứng” “mắt sâu mà chắc cứng” là hình dung tượng nhãn châu rất sâu, nhãn quang rất kiên định.
(3)Trường hoành trực giương: Trương Cảnh Nhạc nói: Trường hoành là rộng lớn, ý nói ngang dọc, trực giương là ngó thẳng mà sáng hoắc vậy.
(4)Tam tiêu lý hoành: Trương Cảnh Nhạc nói: Hễ gồng lên thì bắp thịt ắt ngang, hễ mềm dãn thời bắp thịt ắt dọc, đó là mô tả bì phu cơ nhục không mềm mại dịu dàng, cũng như tục thường nói hoành nhục (bắp thịt ngang) vậy.
(5) Kỳ tâm đoan trực: Trương Cảnh Nhạc nói: khí của kẻ cang cường dũng sĩ, chính là ý tứ tâm địa ngay thẳng.
(6) Kỳ đởm mãn di bàng: Trương Ẩn Am nói: tinh trắp của mật đầy khắp tứ phía, tức tình huống đởm trắp đầ,y thể hiện túi mật no đầy.
(7) Mao khởi nhi diện thương: tức lông tóc dựng đứng mà mặt hiện sắc xanh tím.
(8) Mục đại nhi bất giảm: Mã Thời nói: mắt ngoài tuy to mà không sâu, mở nhắm lung tung, chuyển tròng không bình thường (láo liên).
(9) Âm dương tương thất: đấy là âm dương chỉ khí huyết mà nói, như Trương Cảnh Nhạc nói: âm dương lổi nhau thì khí huyết dễ rối loạn, tức là ý chuyển nhìn chòng chọc.
(10) Kỳ tiêu lý tung, tức nếp nhăn của thớ thịt dọc mà không ngang.
(11) Yết cán: đó là xương ngực, sách Linh khu/ Cốt đạt thiên nói: hõm vai trở xuống tới xương ngực (yết cán) dài chín thốn.
(12) Trường vị đỉnh: đỉnh là thẳng mà không cong queo, Trương Cảnh Nhạc nói: trường vị đỉnh là ít gấp khúc vậy, chỉ ruột bé nhỏ mà thẳng, hình dung sự không cường kiện.
NHẬN XÉT Dũng sĩ với kẻ hèn Khiếp là chia làm hai loại hình người khác nhau về tính cách, nguyên nhân tạo ra Dũng hay Khiếp quyết định là do công năng nội tạng khỏe hay yếu, mà rất chủ yếu đấy là tim gan và mật, vì công năng sinh lý 3 tạng ấy nó là chủ tể hoạt động về tư tưởng, tinh thần của người, cho nên nó quan hệ trực tiếp đến người, về tính cách Dũng Khiếp khác nhau.
Kinh văn VII chương V Bệnh năng Tr 194-195
Dư tri bách bệnh sinh vu khí (1) dã; Nộ tắc khí thượng, Hỉ tắc khí hoãn, Bi tắc khí tiêu, Khủng tắc khí hạ, Hàn tắc khí thu, Quýnh tắc khí tiết, Kinh tắc khí loạn, Lao tắc khí hao, Tư tắc khí kết (Tố vấn/ Cử thống luận)
Rất nhiều bệnh đều do khí cơ thất điều mà sản sinh ra, như tình chí phẫn nộ sẽ dẫn tới can khí lừng lên, tinh chí vui mừng bèn làm cho cơ năng buông lỏng, tình chí bi ai hay khiến cho chí khí tiêu mất, thường cứ sợ sệt hay khiến tình tự rụng rời.
Khí trời lạnh mát chân lông thớ thịt phải vít chặt làm cho dương khí thu liễm chặt chẽ.
Khí trời nóng bức, chân lông thớ thịt lại phải khai phóng làm cho dương khí phát tiết ra ngoài.
Bị sự hù dọa sợ hãi, sẽ thấy tâm tình bất an, nặng hơn thì tinh thần rối loạn.
Nhọc mệt quá mức tinh khí sẽ hao tổn.
Tư lự quá nhiều hay bị khí kết không thư thái.
Giải thích danh từ:
(1) Khí: hàm nghĩa rất rộng, khí của khí thương này là chỉ khí của tạng phủ, ở đây chủ yếu là chỉ can khí.
Khí hoãn, khí tiêu, khí hạ, khí kết, các chữ khí ấy là chỉ tình tự biến hóa mặt tinh thần mà nói,
Khí hao, có thể giải thích là tinh lực hao, khí thu, khí tiết chủ yếu là chỉ công năng điều tiết đối với sự kích thích bên ngoài.
(2) Quýnh: là nhiệt
NHẬN XÉT: đoạn kinh văn này, đại bộ phận nội dung là bàn luận về sự biến hóa của phương tiện tình chí, có thể nói là tiếng báo trước cho đời sau về nội nhân thất tình.
Nói chung, cơ thể được sinh tồn trong khối đại tự nhiên nhất định không thể xa rời được sự tiếp xúc luôn luôn với hoàn cảnh xung quanh này. Bất kỳ sự vật nào của hoàn cảnh xung quanh đều là nhân tố kích thích đối với cơ thể.
Về phương diện kích thích tinh thần có sung sướng hay không sung sướng đương nhiên có hại với người. Nhưng khi sung sướng quá độ cũng sẽ dẫn đến bệnh tật. Do đó người xưa đem chữ mừng (tức Hỷ) xếp vào một trong bảy nhân tố gây bệnh. Đủ thấy người xưa đối với nhân tố tình chí gây bệnh rõ đã có nhận thức rất sâu sắc.
“Trung y học khái luận” tập Thượng; Bệnh viện Y học Dân tộc Thanh Hóa tái bản 1975.
THẤT TÌNH Tr.135
Thất tình là chỉ vào bảy thứ tình chí biến đổi khác nhau là: mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, kinh. Những sự biến đổi này là biểu hiện cụ thể của tinh thần hoạt động, theo ảnh hưởng của sự vật khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, làm cho tình chí của con người hoạt động biến đổi từng giờ từng phút. Nhưng trong tình trạng bình thường sự biến đổi đó và có thể tiết chế được, cho nên không trở ngại đến sức khỏe. Nếu như mừng giận lo nghĩ quá, tinh thần kích thích thì liền ảnh hưởng đến sinh lý bình thường mà phát sinh tật bệnh. Như thiên Cử thống luận sách Tố vấn nói: ”Giận thì khí bốc lên, mừng thì khí hoãn, buồn thì khí tiêu, sợ thì khí hạ, kinh thì khí loạn…, nghĩ thì khí kết.” Thiên Âm dương ứng tượng đại luận nói: “Mừng quá hại tâm, giận quá hại can, nghĩ quá hại tỳ, lo quá hại phế, sợ quá hại thận.” Những điều đó đều là nói rõ thất tình bị thiên thắng là không có lợi đối với nội tạng của thân thể người ta. Ngoài ra, thất tình tuy nhiên có thể làm cho ngũ tạng sinh bệnh, nhưng quy kết lại thì tất nhiên là gốc ở tâm, vì “tâm tàng thần”, tâm là chủ thể của ngũ tạng lục phủ, thất tình động đến tất nhiên ảnh hưởng đến tâm. Thiên Khẩu vấn sách Linh khu nói: “Buồn, thương, lo, sầu thì động đến tâm, tâm động thì ngũ tạng lục phủ đều giao động.” Nói rõ hơn, tâm là chủ tể của thân thể con người, có tác dụng quan hệ lẫn nhau với nội tạng.
- Mừng
Mừng là biểu hiện sự vui vẻ của tâm tình, mừng thì ý hòa khí thư thái, dinh vệ điều hòa, là hiện tượng khỏe mạnh không có bệnh, nhưng nếu mừng quá thì tâm khí bị hao tổn. Thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Khi vui mừng thì thần tán ra mà không chứa lại.” Đó là mừng quá làm cho thần khí tản mát mà tâm thần không yên. Lại có khi đột nhiên mừng, quá đột nhiên vui quá cũng ảnh hưởng đến tâm thần mà sinh bệnh. Thiên Bản thần lại nói: “Vui mừng quá đáng thì hại đến phách của phế.” Đó là vui mừng quá độ mà ảnh hưởng đến phế, trên thực tế là tật bệnh của thần chí.
- Giận
Phàm người ta một khi gặp sự việc không hợp lý, hoặc vì việc không thỏa mãn, thường thường thấy khí tức lên không bằng long, nhân đó khí nghịch xông lên, lửa giận đùng đùng. Thiên Tứ thời thích nghịch tòng luận sách Tố vấn nói: “Khí huyết nghịch lên làm cho người ta hay giận.” Thiên Điều kinh luận sách Tố vấn lại nói: “Huyết có thừa thì hay giận.” Đó là nói rõ người khí huyết vượng thịnh thì dễ sinh ra giận. Nói trái lại giận quá cũng thấy hao tổn huyết dịch, cho nên trong thiên Âm dương ứng tượng đại luận lại câu: “Giận quá thì hại âm,” bởi vì âm huyết suy kém thì thủy không nuôi được mộc, can hỏa càng vượng, hễ đụng đến thì phát ra, cho nên người âm suy thì hỏa vượng phần nhiều hay giận. Giận chẳng những một mình tạm can sinh ra, mà các tạng khác cũng có thể sinh ra giận, như thiên Tật bệnh điều 26 của sách Trương thị loại kinh nói: “Giận vốn thuộc can mà có người nói đởm làm ra giận,” vì can đởm là biểu lý với nhau, can khí tuy mạnh mà sự quyết đoán là nhờ ở đởm. Có kẻ nói: “Huyết dồn lên trên, khí dồn xuống dưới, tâm buồn bực hay giận, là vì dương bị âm thắng cho nên bệnh liên cập đến tâm.” Có kẻ nói: “Giận dữ quá độ thì tổn hại đến chí của thận.” Lại có kẻ nói: “Tà xâm vào đường lạc của kinh túc thiếu âm làm cho người ta tự nhiên hay giận,” là vì phát ra ở phần âm mà xâm lấn vào thận. Như thế là can, đởm, tâm, thận, bốn tạng đó đều có thể sinh ra giận.
- Lo
Lo sầu là trạng thái trầm lặng uất ức của tình chí, nếu như lo sầu quá độ, rầu rĩ không vui thì khí không thư thái, thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Lo sầu thì khí bị bế tắc không thông.” Phế chủ khí, khí đã bế tắc thì phế cũng nhân đó mà bị thương tổn, cho nên thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn lại nói: “Lo hại phế”, nhưng lo cũng có thể hại tỳ, thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Lo sầu không giải được thì hại đến ý của tỳ.” Thiên Tạng tượng điều 9 trong sách Trương thị loại kinh lại nêu cụ thể ra nguyên nhân lo hại đến tỳ, như nói: “Lo vốn là chí của phế mà cũng hại đến tì, là vì khí của mẹ và con thông với nhau”.
- Nghĩ
Nghĩ là biểu hiện sự tập trung tinh thần để suy xét vấn đề. Thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Cân nhắc suy nghĩ một sự việc gọi là ‘nghĩ’”. Đó là nói “nghĩ” là dùng ý chí để suy đi xét lại, vì thế, sự lo nghĩ hoàn toàn phải dựa vào sự giúp đỡ của tinh thần, nếu lo nghĩ nhiều quá thì tinh thần bị ảnh hưởng, ý chí cũng thêm rối loạn, tình hình ấy trong thiên Bản thần sách Linh khu cho là: “Tâm sợ hãi lo lắng thì hại đến thần.” Chữ Tâm nói ở đây là chỉ vào thần minh của tâm mà nói ý nghĩa tức là tác dụng của “thần minh” của tâm; nhân vì lo nghĩ mà bị tổn hại. Mặt khác chí của tỳ vốn là “nghĩ”, nhưng lo nghĩ quá độ cũng có thể hại đến tỳ.
- Buồn
Buồn là do thương xót phiền não, đau khổ mà sinh ra, về phương diện sinh ra bệnh, có khi vì buồn thương, mà tổn hại đến nội tạng; cũng có khi vì nội tạng phát sinh biến hóa, mà sau đó sinh ra trạng chứng buồn thương. Như thiên Bản thần sách Linh khu nói: “Tâm khí hư thì buồn.” Thiên Tuyên minh ngũ khí luận sách Tố vấn nói: “Kinh khí… dồn lên phế thì buồn.” Đó là nói rõ vì trong nội tạng không có điều hòa mà sau đó sinh ra trạng chứng buồn. Thiên Bản thần sách Linh khu lại nói: “Buồn thương động ở trong thì hại hồn của can.” Thiên Ngược luận sách Linh khu nói: “Buồn thương quá độ thì bào lạc tuyệt, bào lạc tuyệt thì dương khí động ở trong, mà sinh chứng đi đái nhiều.” Thiên Cử thống luận sách Tố vấn nói: “Buồn thì tâm hệ căng thẳng, lá phổi dương lên, thượng tiêu không thông, dinh vệ không tản ra, khí nóng ở trong, cho nên khí tiêu đi.” Đó đều là nói rõ, vì thương buồn quá độ, mà tổn hại đến nội tạng.
- Sợ
Sợ tức là sợ hãi, là biểu hiện sự khiếp đảm do tinh thần căng thẳng đến cực độ mà gây ra. Nguyên nhân sinh ra sợ hãi tuy phần nhiều là do sự kích thích của sự vật ở bên ngoài, nhưng người thận khí suy kém, khí huyết không đủ, chí kém thần khiếp càng dễ gây ra sợ, vì “thận chứa khí’, “tâm chứa thần” huyết không đủ thì chí kém, chí kém thì dễ sợ, sợ thì thần khiếp. Vì thế thiên Bản thần sách Linh khu có nói: “Thần bị thương thì sợ hãi, như người mất hồn.” Thiên Kinh mạch sách Linh khu có chép: “Mạch túc thiếu âm thận… khi không đủ thì hay sợ và thiên Điều kinh luận sách Tố vấn nói: “Huyết không đủ thì sinh ra sợ.” Theo những lời ghi chép này, có thể thấy được trong nội tạng người ta bị hư tổn thì cũng là nhân tố trọng yếu gây ra sự sợ hãi, lại có người sợ hãi không yên cũng có thể làm hại đến nội tạng, như thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Sợ thì hại thận.” Thiên Ngọc cơ châu tàng luận sách Tố vấn nói: “Sợ thì tỳ khí lấn át đến thận”. Đó là bị hoàn cảnh ở ngoài, kích thích thái quá sinh ra sợ hãi, làm tổn thương đến nội tạng.
- Kinh
Kinh là biểu hiện sự căng thẳng đột ngột của tinh thần, bỗng nhiên bị sự biến đổi khác thường mà gây nên. Như bất thình lình gặp sự hiểm ác, đột ngột gặp phải nguy nan, mắt thấy vật gì lạ, tai nghe tiếng vang lớn, đều có thể sinh ra kinh hãi. Kinh và sợ có khác nhau, sách Nho môn sự thân nói: “Kinh là mình không biết trước, sợ là mình đã biết rồi”. Bị kinh thì làm động tâm thần ở trong, thần chí bị quấy nhiễu thì tinh thần không yên. Cho nên thiên Cử thống luận sách Tố vấn nói: “Kinh thì tâm không chỗ dựa, thần không chỗ nương, ý nghĩ không định cho nên khi rối loạn”. Tuy kinh có thể làm rối loạn tinh thần, nhưng gặp sự kinh hãi xúc động thì lại do quan hệ tâm bị hư yếu trước. Nếu tâm mạnh thì mặc dầu thốt nhiên gặp nguy hiểm; hoặc lâm vào cảnh ngộ khác thường, cũng vẫn có thể trấn tĩnh được, không đến nỗi sinh ra kinh hãi, hoặc sinh ra bệnh kinh.