Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

Các bệnh cần phục hồi chức năng

Chuyên ngành: Tổng hợp, Tổng hợp, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng

1. Phục hồi chức năng là gì?

Phục hồi chức năng là một trong 3 thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến trong ngành y khoa, bao gồm phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng. Đây là một chuyên ngành trong y học, có chức năng là dùng các biện pháp y học, xã hội học…làm giảm tác động của giảm khả năng và tàn tật, tạo cho người khuyết tật có cơ hội để hội nhập, tái hội nhập xã hội, có cơ hội bình đẳng tham gia các hoạt động trong gia đình và xã hội, có cuộc sống bình thường tối đa so với hoàn cảnh của họ... (Theohttp://www.soyte.hanoi.gov.vn/​)

Thông thường, khi bị bệnh hoặc gặp chấn thương, chúng ta vẫn hay nghĩ đến các biện pháp điều trị nhanh khỏi bệnh và tránh gặp nguy hiểm. Trong nhiều tình huống, y học hiện đại đã giúp chúng ta vượt qua các giai đoạn cấp tính như vậy rất tốt rồi. Vì vậy, đã đến lúc, chúng ta nghĩ đến vấn đề duy trì sức khỏe lâu dài, ổn định, làm thế nào để giảm gánh nặng cho người chăm sóc, sống có ích và có thể tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Phục hồi chức năng là biện pháp nhằm tối đa hóa khả năng hoạt động hiệu quả, cải thiện và hồi phục các cơ quan, bộ phận gặp vấn đề, giảm thiểu tình trạng tái phát bệnh sau điều trị giai đoạn cấp, hỗ trợ phòng bệnh để tham gia các hoạt động chung. Có thể hiểu đơn giản, phục hồi chức năng là hoạt động đa ngành, kết hợp rất nhiều biện pháp khác nhau từ y học cho đến xã hội học, tâm lý học, giáo dục, hướng nghiệp, kinh tế,,… để có một chăm sóc toàn diện và riêng biệt cho từng trường hợp suy giảm hoặc khiếm khuyết cụ thể.

2. Mục đích của phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng là hoạt động chăm sóc- can thiệp tích cực với việc lựa chọn một hoặc nhiều phương pháp khác nhau để tác động như: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tạo động lực cho người bệnh, sắp xếp môi trường lao động và sinh hoạt / chọn công việc phù hợp để tạo thuận lợi cho các hoạt động,…

Trên thực tế, mục đích chính của biện pháp này là:

  • Hỗ trợ hiệu quả bằng dụng cụ, chỉnh hình hoặc tập luyện cho người bệnh để phục hồi lại chức năng của các cơ quan, bộ phận tổn thương từ sớm, ngay trong và sau quá trình điều trị, phẫu thuật.
  • Can thiệp các hoạt động bù trừ để thích nghi tốt với môi trường sống, sống tự lập, không trở thành gánh nặng người chăm sóc và xã hội.
  • Tạo động lực cho người bệnh, giúp họ có các phương cách ứng phó tâm lý tích cực, hạn chế các tác động của stress trong công việc và cuộc sống.

3. Các bệnh cần phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng là quá trình áp dụng cho những người có khó khăn về thần kinh- tâm thần, chấn thương, các bệnh lý cơ xương khớp…. Các chuyên ngành liên quan có những chỉ định cụ thể về việc áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng. Ví dụ như:

  • Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ và vừa, sai khớp, trật khớp, đau nhức lưng, viêm cột sống chưa dính khớp, vẹo cột sống,… có thể sử dụng máy kéo giãn giảm áp cột sống DTS để hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng.
  • Người bị đau khớp, viêm khớp, căng cơ, hội chứng ống cổ tay,… sau khi chơi thể thao, lao động nặng nhọc hoặc gặp chấn thương, có thể dùng phương pháp chiếu tia Laser để điều trị. Ngoài ra, một số cách giảm đau khác như chiếu hồng ngoại IR, điện xung, sóng xung kích,… cũng có thể áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể.
  • Người bị thoái hóa khớp, đau nhức xương khớp do tuổi cao hoặc gặp chấn thương,… cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau để điều trị và phục hồi chức năng cơ xương khớp.
  • Trẻ em bị các triệu chứng như chậm nói, nói ngọng, tự kỷ, chậm phát triển trí não, bàn chân bẹt,… có thể áp dụng một số biện pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
  • Bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp phục hồi chức năng sau các ca phẫu thuật chấn thương sọ não, thay dây chằng gối, thay khớp, thần kinh cột sống,…
  • Người có tâm lý rối loạn, bị stress do làm việc quá sức, trầm cảm, tự kỷ,… cũng có thể áp dụng các biện pháp ngôn ngữ trị liệu hoặc tâm  lý trị liệu để ứng phó tốt.
  • Mất ngủ, ngủ không ngon giấc, đau nửa đầu về đêm,… hoặc một số chứng bệnh mãn tính khác trong cơ thể như đái tháo đường, tăng huyết áp,… có thể áp dụng quang trị liệu.

4. Các hình thức phục hồi chức năng

Trên thực tế, có 3 hình thức chủ yếu để phục hồi chức năng, đó là thực hiện tại cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám…), tại nhà và trong cộng đồng. Tại mỗi nơi thường có các biện pháp tiến hành khác nhau, tuy nhiên thông thường sẽ kết hợp nhiều phương pháp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

  • Vật lý trị liệu: Mục đích của biện pháp này là giúp các cơ quan, bộ phận tổn thương có thể phục hồi chức năng bằng cách áp dụng một số máy móc chuyên dụng, có tác dụng giảm đau, chống viêm và kích thích khả năng tự phục hồi dựa vào quá trình sinh hóa của cơ thể.
  • Vận động trị liệu và chỉnh hình: Đây là phương pháp can thiệp tích cực ở cơ sở y tế chuyên sâu. Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân thực hiện một số bài tập vận động, nắn chỉnh xương khớp bằng tay hoặc dựa vào một số loại máy móc chuyên dụng để các cơ – xương – khớp phục hồi khả năng hoạt động, tránh bại liệt, tàn phế.
  • Tâm lý trị liệu: Đây là biện pháp giúp người bệnh hình thành hoặc củng cố các hành vi có lợi, loại bỏ các nhận thức hoặc hành vi khiến bệnh nhân kém thích nghi.
  • Hoạt động trị liệu: Đây là phương pháp nhằm hỗ trợ và giúp người bệnh phục hồi sức khỏe tốt, có thể tự chăm sóc bản thân, tìm được công việc thích hợp, tham gia tích cực vào các hoạt động thể thao tốt cho sức khỏe, nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát. Biện pháp này chủ yếu thực hiện tại nhà hoặc ngoài cộng đồng.
  • Ngôn ngữ trị liệu: Là biện pháp can thiệp về giao tiếp- ngôn ngữ và lời nói. Trong một số trường hợp có thể hỗ trợ tập viết, sử dụng ngôn ngữ kí hiệu (bé bị khuyết tật câm điếc hoặc biến chứng sau tai biến), dạy chữ nổi cho người khiếm thị,… nhằm phục hồi khả năng giao tiếp bị mất.
  • Y học cổ truyền: các biện pháp y học cổ truyền, trong đó có xoa bóp bấm huyệt, có thể tăng cường và thay thế khi thực hiên các phương pháp phục hồi chức năng nói trên. Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại vẫn luôn được đặt ra.