Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

BÀI TẬP VẬN ĐỘNG THỤ ĐỘNG

Chuyên ngành: Bác sĩ tư vấn sức khỏe tổng quát, Phục hồi chức năng
Bài này có ích cho cả y học thể thao, cho việc tập luyện thể hình...

- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý

I. ĐỊNH NGHĨA

Vận đông thụ động là những cử động được mang lại bởi một lực ngoại lai thông qua yếu tố cơ học hay người điều trị, mà không có co cơ chủ động ở phần vận động.

  • Yếu tố cơ học: sức kéo của trọng lực, lò xo….
  • Người điều trị thực hiện cử động: là những cử động theo giải phẫu, được thực hiện bởi người điều trị cho bệnh nhân. Chúng có thể được thực hiện ở một khớp để duy trì chiều dài cơ hay cũng có chế được thực hiện ở nhiều khớp đồng thời, (chuỗi cử động) như là những hoạt động tự nhiên và chức năng.

II. NGUYÊN TẮC VÀ TÁC DỤNG

1. Nguyên tắc cơ bản

  1. Những phần cơ thể không cử động sẽ được nâng đỡ hoàn toàn.
  2. Những phần cơ thể cử động sẽ được người điều trị cầm nắm thoải mái.
  3. Chuỗi cử động phải được xác định từ xa tới gần hay từ gần tới xa để được sử dụng đúng mục đích. Ví dụ: để điều trị cho bệnh nhân tổn thương thần kinh thì chuỗi cử động thụ động từ gần tới xa được dùng, ngược lại để trợ giúp tuần hoàn tĩnh mạch hay mạch bạch huyết cho bệnh nhân thì chuỗi cử động thụ động từ xa tới gần thường được dùng hơn.
  4. Khi cử động đến cuối tầm vận động, phía mặt da bị kéo căng của chi thể nên được cầm nắm nhẹ nhàng để tránh bị co kéo.
  5. Ngươi điều trị thực hiện kĩ thuật, cầm nắm để cố định, càng gần khớp cử động càng tốt, để bảo đảm cử động chỉ xảy ra ở khớp cần tập.
  6. Khi thực hiện cử động hết tầm vận động, khớp có thể hơi bị kéo dãn, do vậy người điều trị nên ép nhẹ cuối tầm cử động.
  7. Người điều trị nên thực hiện cử động một cách dịu dàng, đều đặn, đến hết tầm vận động mà không gây đau, cử động nên được lặp đi lặp lại.
  8. Thay đổi trong kỹ thuật cầm nắm phải nhẹ nhàng. Vị trí của bàn tay người điều trị đặt sao cho sự thay đổi là tối thiểu để không tạo ra những kích thích không cần thiết.

2. Tác dụng của bài tập vận động thụ động

  • Ngăn ngừa sự kết dính và duy trì tầm văn động khớp.
  • Khi cơ bị liệt, cử động thụ động duy trì kí ức về mẫu vận động (trí nhớ quy trình) bằng cách kích thích các mút thần kinh cảm thụ bản thể.
  • Duy trì độ mềm dẻo của cơ, ngăn ngừa co rút.
  • Trợ giúp lưu thông tuần hoàn tĩnh mạch
  • Cử động nhịp nhàng có tác dụng thư dãn cơ.

II. VẬN ĐỘNG THỤ ĐỘNG CẢ CHI TRÊN

Bệnh nhân nằm ngửa hay nằm nghiêng, người điều trị đứng sao cho có thể nhìn thấy mặt bệnh nhân trong từ thế chân trước chân sau.

1. Cử động của đai vai

Có hai cách cầm nắm

  • Nâng và hạ vai: Một tay trên khớp vai, tay kia đặt dưới khuỷu gập.
  • Kéo ra trước và ra sau: một tay cầm nắm quanh khuỷu, tay kia quanh đai vai, đưa đai vai di chuyển ra trước và ra sau.

2. Cử động của khớp ổ chảo cánh tay

Có hai cách cầm nắm:

  1. Nếu khớp ổ chảo cánh tay không bị giới hạn thì một tay người điều trị đặt tại khớp khuỷu và kéo nhẹ, tay kia áp lòng ngón cái của bàn tay vao lòng bàn tay bệnh nhân ở ngón cái để cố định khớp, cổ tay bệnh nhân trong tư thế duỗi nhẹ. Vị thế khởi đầu của cánh tay là dang trung tính, khuỷu gập 90º. Cử động hướng về phía cơ thể được thực hiện đầu tiên là khép và dang, sau đó dang và khép trong mặt phẳng ngang suốt tầm độ khớp, xoay trong và xoay ngoài, sau đó tiếp tục về vị trí dang trung tính. Tiếp theo gập, dang và xoay ngoài hoàn toàn khớp vai.
  2. Nếu khớp ổ chảo cánh tay bị cứng, cần phải cố định đai vai, thì bàn tay người điều trị đặt trên khớp vai, cẳng tay người điều trị nâng đỡ cánh tay của bệnh nhân với bàn tay của người điều trị nắm khuỷu tay hoặc cổ tay của bệnh nhân. Cử động có thể được thực hiện như trên.

Để hoàn chỉnh các cử động của khớp vai, bệnh nhân cần được chuyển sang tư thế nằm nghiệng để thực hiện cử động duỗi hoàn toàn khớp ổ chảo cánh tay.

3. Cử động của khớp khuỷu

Một tay người điều trị nằm ở phía sau của khuỷu tay phải của bệnh nhân, người điều trị áp lòng ngón cái của bàn tay vào lòng bàn tay bệnh nhân ở ngón cái đê cố định khớp cổ tay bệnh nhân trong tư thế duỗi nhẹ, khuỷu gập 90º. Thực hiện cử động gập dầu tiên, áp nhẹ ở cuối tầm độ gập và sau đó là cử động duỗi, kéo dãn nhẹ ở cuối tầm độ duỗi.

4. Cử động của khớp quay – trụ

Cử động quay sấp và quay ngửa có thể được thực hiện với cách cầm nắm giống như khớp khuỷu. Tuy nhiên khuỷu gập nửa tầm độ và giữ như vậy trong suốt cử động.

5. Cử động của khớp cổ tay

Một bàn tay nắm lấy lòng bàn tay của bệnh nhân ở cạnh quay, bàn tay kia nắm ở gần khớp cổ tay ở cạnh trụ. Thực hiện cử động gập cổ tay cẩn thận không để ngón cái trên mặt mu bàn tay bệnh nhân kéo căng da. Sau đó thực hiện cử động duỗi, nghiêng trụ, nghiêng quay trong tư thế cổ tay thẳng.

6. Các cử động phối hợp của chi trên

  • Khuỷu gập với quay ngửa, khuỷu duỗi với quay sấp, để duy trì chiều dài thụ động của cơ nhị đầu cánh tay và hoạt động của khớp khuỷu.
  • Khuỷu duỗi, quay sấp với duỗi, dang, xoay trong khớp vai và ngược lại-khuỷu gập, quay ngửa với gập, khép, xoay ngoài khớp vai.
  • Duỗi, dang các ngón, ngón cái, cổ tay với quay ngửa, duỗi khuỷu và ngược lại gập, khép các ngón, ngón cái, cổ tay với quay sấp, gấp khuỷu để duy trì chiều dài thụ động của các cơ mặt trước và mặt sau cẳng tay và hoạt động của các khớp trên.

IV. VẬN ĐỘNG THỤ ĐỘNG CỦA CHI DƯỚI

Đặt bệnh nhân nằm ngửa hoặc nằm nghiêng. Vì tầm vận động duỗi đầy đủ của khớp háng không thể thực hiện được trong vị thế nằm ngửa nên phải chuyển bệnh nhân sang nằm nghiêng hoặc nằm sấp.

1. Các cử động của khớp háng

1.1. Cử động xoay trong và xoay ngoài khớp háng

Người điều trị đặt một tay ở mặt trước phần dưới xương chày và tay kia ở mặt trước của đùi, xoay chân vào trong và ra ngoài hoặc gập háng tới khoảng 80º bằng cách để một tay dưới phần dưới của đùi và tay kia dưới phần dưới của cẳng chân, phần dưới chân được di chuyển ra phía ngoài để thực hiện cử động xoay trong, di chuyển vào trong để thực hiện cử động xoay ngoài. Một tay nâng đỡ, duy trì tư thế gập và cho phép chân xoay tại khớp háng.

1.2. Cử động khép và dạng khớp háng

Một tay người điều trị giữ mặt sau phần dưới đùi, tay kia ở vùng cổ chân, khớp gối duỗi hay gập nhẹ. Để thực hiện cử động khép hoàn toàn thì chân kia phái dang hay chân
cử động phải được nâng cao và hơi gập háng để đi qua mặt trước của chân kia.
Khi thục hiện cử động dang, nếu chân kia không dang, người điều trị phải lưu ý lúc ở cuối tầm độ, vì khi đó khung chậu sẽ nghiêng bên.
Để phát hiện cử động nghiêng khung chậu, người điều trị trượt nhẹ bàn tay đặt trên vùng cổ chân bệnh nhân của mình xuống mặt sau khớp gối bệnh nhân và nâng đỡ chân trên cẳng tay trong khi tay kia đặt ở gai chậu trước trên.

1.3. Cử động gập khớp háng

Cử động gập khớp háng có thể thực hiện bằng hai cách:
Gập háng khi gối duỗi
Nâng cao bằng cách nắm bàn chân ở mặt sau cổ chân, bàn tay kia ở gối bệnh nhân. Tầm độ gập khớp háng có thể bị giới hạn bởi sự kéo căng của cơ tứ đầu đùi.
Gập háng khi gối gập
Khởi đầu cử động, một tay của người điều trị giữ ở dưới gót, cẳng tay nâng đỡ bàn chân và tay trái giữ ở mặt sau phần dưới đùi. Cả khớp háng và khớp gối được gập đồng thời. Đề đạt được tầm độ gập đầy đủ, người điều trị cần ép nhẹ cuối cử động bằng cách di chuyển bàn tay trái lên mặt trước phần trên xương chày, gần khớp gối và tay phải nắm cổ chân, mặt trước trong, khi cử động đến tầm độ giữa và về lại vị trí cũ khi bắt đầu cử động duỗi.

1.4. Cử động duỗi khớp háng

Có thể thực hiện khi bệnh nhân trong tư thế nằm nghiêng hay nằm sấp. Trong vị thế bệnh nhân nằm nghiêng, chân bệnh nhân hơi gập, một tay người điều trị nâng đỡ chân ở mặt trong đùi gần khớp gối, tay kia đặt trên vùng chậu cùng bên.

2. Cử động của khớp gối

Cử động gập và duỗi khớp gối trong vị thế nằm nghiêng, khớp háng duỗi, do vậy duỗi gối hoàn toàn có thể được thực hiện. Bệnh nhân nằm nghiệng, tay phải người điều trị dưới mặt trong khớp cổ chân, tay trái dưới mặt trong dưới đùi, khớp háng gập nhẹ khi thực hiện gập gối hoàn toàn để tránh kéo dãn cơ thẳng đùi.

3. Cử động của khớp cổ chân

Có thể sử dụng một cái gối dưới cẳng chân để nâng gót chân lên khỏi mặt giường hay đựa bàn chân ra khỏi cạnh giường.

3.1. Cử động gập mặt lưng và mặt lòng bàn chân

Một tay đặt trên mặt trước cổ chân và một tay kia trên bàn chân ở phần giữa, bàn tav ôm vòng qua bàn chân, các ngón tay đặt ở cạnh trong bàn chân, cử động gập mặt lòng nên được thức hiện trước.

3.2. Cử động nghiêng trong và nghiêng ngoài bàn chân

Có thể được thực hiện bởi cách cầm nắm như trên hoặc bàn chân được cầm nắm từ cạnh ngoài phần gót bằng tay phải và tay trái vòng qua cổ chân, trên mặt trong của xương gót để cố định cẳng chân và đầu gần của các xương bàn.

4. Cử động phối hợp của chi dưới

4.1. Gập, khép, xoay ngoài khớp háng với duỗi, dạng, xoay trong tiếp theo
4.2. Gập, dang, xoay trong khớp háng với duỗi, khép, xoay ngoài tiếp theo
Trong một cử động với mẫu chéo như vậy, chi thể cần được nâng đỡ ở khớp gối và cổ chân.
Các cử động khớp háng thường kết hợp với cử động khớp gối và cổ chân như: gập háng với gập gối và gập mặt lưng bàn chân.
Trường hợp đặc biệt cần thực hiện mẫu duỗi háng với gập gối như ở giai đoạn tái rèn luyện mẫu đi trong thì nhấc ngón.
4.3. Cử động kết hợp gập mặt mu với nghiêng trong, gập mặt lòng với nghiêng ngoài
4.4. Cử động kết hợp gập mặt lòng với nghiêng trong, gập mặt mu với nghiêng ngoài

V. VẬN ĐỘNG THỤ ĐỘNG CỦA ĐẦU

Cử động đầu có thể được thực hiện trong vị thế nằm ngửa với đầu đưa ra ngoài cạnh giường và được nâng đỡ bởi tay kỹ thuật viên.

1. Gập và duỗi

Có ba cách cầm nắm.

  • Một tay dưới chẩm, tay kịa dưới cằm, tay dưới thực hiện cử động và kéo, tay trên cằm giữ và kiểm soát không để đầu đu đưa.
  • Cả hai tay nâng đỡ phía sau của đầu. Điều bất tiện của phương pháp này là cử động duỗi đầy đủ của đầu có thể không được kiểm soát tốt.
  • Đầu được nâng đỡ trên hai cẳng tay quay sấp bắt chéo, các đầu ngón tay nghỉ trên cạnh ngoài của vai bệnh nhân.

2. Nghiêng

Có thể sử dụng cách cầm nắm thứ nhất và thứ hai ở trên. Cần thay đổi bàn tay sao cho đầu được nâng đỡ phía sau bởi bàn tay bên phía cử động nghiêng xuất hiện.

3. Xoay

Một tay đặt chéo phía sau đầu từ tai bên này xuống tai bên đối diện trong khi bàn tay kia nắm lấy cung hàm, các ngón tay vòng qua cằm ở phía trước và xoay đầu ngược hướng với tav trước. Để xoay theo hướng đối diện, phải di chuyển bàn tay trước xuống nâng đỡ ở sau gáy và bàn tay sau lên nâng đỡ vùng hàm.

VI. VẬN ĐỘNG THỤ ĐỘNG CỦA THÂN

Các cử động thụ động của thân thường dược thực hiện dễ hơn khi một nửa thân được treo.

Phần cơ thể không treo được cố định bởi người điều trị. Người điều trị trong tư thế nửa quỳ phía sau bệnh nhân, nghiêng về trước, đặt cánh tay vòng qua trước thân, trụ trên chân đứng và lấy tay còn lại đu đưa thân vào các vị thế gập, duỗi, gập bên thân theo yêu cầu.

Nếu không thể sử dụng treo thân thì bệnh nhân nên được tập trên giường hay trên nệm cao.

1. Cử động thân dưới

1.1. Cử động gập thân

  • Bệnh nhân nằm ngửa với gối gập hoàn toàn. Ép vào vùng lồi củ trước xương chày bằng một tay trong khi bàn tay kia đặt ở vùng cụt để nâng cột sống thắt lưng vào vị trí gập.

1.2. Cử động gập bên thân

  • Bệnh nhân trong tư thế nằm gập người, người điều trị móc một tay dưới gối bệnh nhân, nâng nhẹ, ấn ngược hướng xuống vùng eo và đưa bệnh nhân vào vị thế gập bên.

1.3. Cử động xoay thân

  • Bệnh nhân trong tư thế nằm gập người, người điều trị nắm hai gối bệnh nhân gập sát và ấn nhẹ vào hai bên khớp vai.
  • Có thể thay đổi bằng cách ấn khớp gối về một bên trong khi đó ấn khớp vai bên đối điện áp xuống giường.

1.4. Cử động duỗi thân

  • Bệnh nhân năm sấp, người điều trị đặt một tay dưới đùi, tay kia trên vùng cột sống thắt lưng, nâng đùi lên ra sau
  • Bệnh nhân có thể nằm nghiêng, người điều trị nửa quỳ phía sau bệnh nhân, một tay đặt mặt trước đùi và một tay ở dưới đùi, đưa đùi ra sau.

2. Cử động thân trên

Bệnh nhân có thể trong tư thế cưỡi, tay đặt sau cổ.

2.1. Cử động xoay

  • Người điều trị đứng phía sau, đặt một tay phía trước và một tay phía sau khớp vai, đẩy theo hướng đối diện, đùi và khung chậu được nâng đỡ ở phía sau để ngăn cản cử động không mong muốn.

2.2. Cử động gập 

  • Một tay người điều trị đặt trên vùng chẩm, gập đầu cổ và thân trên của bệnh nhân.

2.3. Cử động duỗi 

Có hai cách tạo cử động duỗi thân trên:
~ Bệnh nhân ngồi tư thể cưỡi, một tay người điều trị đặt ở trán, tay kia trên vùng giữa ngực bệnh nhân phía sau lưng, ấn vào vùng trán trong khi tay kia ấn ngược lại.
~ Bệnh nhân năm sấp, người điều trị đứng phía sau, hai tav nắm hai cổ tay bệnh nhân, kéo duỗi hai vai về sau, hai tay thẳng, bệnh nhân nâng đầu và ngực duỗi về phía sau.

2.4. Cử động gập bên

  • Người điều trị đứng phía sau bệnh nhân, móc cánh tay từ phía trước qua khuỷu gập của bệnh nhân nâng lên và di chuyển bệnh nhân sang vị thế gập bên này, bên kia.

VII. VẬN ĐỘNG THỤ ĐỘNG CƯỠNG ÉP

Vận động thụ động cưỡng ép là cử động diễn ra trong tầm độ dễ dàng, sẵn có và phải phân biệt giữa ép thêm với cưỡng ép.

1. Thụ động cưỡng ép

Kĩ thuật thụ động cưỡng ép sử dụng để kéo dài cấu trúc bị co thắt của bao khớp. Có thể thực hiện khi bệnh nhân được gây tê và chỉ nên được làm bởi một bác sĩ đã được đào tạo. Sau khi thực hiện xong kĩ thuật này, người điều trị phải tập để duy trì tầm độ đã lấy lại được của khớp mặc cho bệnh nhân có thể vẫn giới hạn cử động do đau.

Kĩ thuật giữ nghỉ ngược chiều chậm có thể được sử dụng cho tới khi tầm độ chủ động tối đa được thành lập, và sau đó ở mức giới hạn của tầm độ hiện có, sử dụng thêm vào một lực ép mạnh, nhanh để lấy lại tầm độ đã bị mất. Tất cả các nguyên tắc áp dụng cho vận động thụ động đều tuân theo trong khì thực hiện kỹ thuật này.

2. Kéo dãn tăng dần

Là một hình thức khác của vận động thụ động thường được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Trẻ em bị biến dạng bẩm sinh. Khi đó phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của cầm nắm, nâng đỡ và thực hiện tư thế đúng của phần bị biến dạng. Sau mỗi ba lần kéo dãn tăng dần thì bắt buộc phải tiếp theo với bài tập cố gắng hoạt động cơ chủ động bằng cách kích thích phản xạ da vùng cơ cần tập.
  • Những bệnh nhân có các cấu trúc bị co rút, co ngắn do tư thế chống đau thích nghi, vận động khớp tới phần giới hạn và sau đó áp dụng ép quá liên tục, có hiệu quả kéo dài tổ chức trong một số trường hợp, thường kết hợp với các dụng cụ thích hợp như nẹp hay nhựa dẻo.

3. Kéo dãn thụ động

  • Thông thường các vận động viên muốn kéo dài các cơ để có được một tầm độ lớn hơn. Tuy nhiên nếu kéo dài tổ chức mà không tăng sức mạnh thì rất nguy hiểm. Do vậy, không một trường hợp kéo dài tổ chức nào được thực hiện mà không theo sau bởi các bài tập gia tăng sức mạnh để duy trì và kiểm soát tầm độ mới.
  • Kéo dãn thụ động bản thân nó không phải là một giai đoạn khởi động cho các hoạt động cơ chủ ý. Tốt hơn là người ta khởi động các nhóm cơ sẽ được kéo dãn bằng các phương pháp nước ấm, đắp ẩm, túi nóng, xoa bóp, nhiệt khô hoặc là bằng các bài tập đu đưa nhẹ nhàng trong tầm độ nhỏ. Sau đó có thể thực hiện kéo dãn thụ động trên các nhóm cơ mong muốn, hoặc bởi kỹ thuật viên, hoặc là bởi chính bệnh nhân.

Các nguyên tắc khi kéo dãn thụ động:

  1. Đầu tiên kéo dãn cơ nhẹ nhàng.
  2. Sau đó áp dụng lực kéo dãn lớn hơn trong một thời gian ngắn.
  3. Gia tăng thời gian kéo dãn trước khi gia tăng lực kéo.
  4. Người điều trị cần nhớ cấu trúc giải phẫu của cơ vì cơ một trục được kéo dẫn
    ở một khớp mà chúng hoạt động trên đó. Cơ hai trục được kéo dãn trên mỗi khớp
    thay đổi nhau trước khi được kéo dãn trên cả hai khớp một cách đồng thời. Nên thực hiện kéo dài đầy đủ trên một khớp trước khi áp dụng lực kéo trên khớp thứ hai.
  5. Kiểm tra để chắc chắn rằng, nếu bệnh nhân tự kéo dãn thì họ phải biết tất cả những quy tắc trên, biết cách làm như thế nào, biết có thể duy trì được tư thế
    đúng để đạt được yêu cầu.
  6. Cuối cùng, không khuyến khích các hoạt động quá mức có khả năng gây thương tổn khớp.
  7. Điều quan trọng là người điều trị cần nhận thức được thế nào là tầm độ khớp cần thiết cho việc thực hiện các hoạt động. Đôi khi một số hoạt động chỉ cần một tầm độ nhỏ nhưng lại cần một sức mạnh lớn, trong khi một số hoạt động khác thì lại cần tầm độ lớn nhưng sức mạnh không cần lớn. Chỉ có các vận động viên điền kinh là cần cả hai.