Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

BÀI TẬP KÉO DÃN

Chuyên ngành: Bác sĩ tư vấn sức khỏe tổng quát, Chăm sóc người có vấn đề sức khỏe, Phục hồi chức năng

I. KHÁI NIỆM

1. Định nghĩa

Kéo dãn là một thao tác kỹ thuật được thiết kế để kéo dài cấu trúc mô mềm bị co ngắn, gây ra giảm hay mất tính mềm dẻo và tính đàn hồi, từ đó phục hồi và gia tăng tầm vận động khớp.

2. Các khái niệm

-Tính mềm dẻo là khả năng của mô mềm có thể duỗi ra và thư dãn tạo nên độ dài mới lớn hơn sau khi lực kéo dãn đã được loại bỏ.
– Tính đàn hồi là khả năng của mô mềm trở lại độ dài ban đầu của chúng sau khì kéo dãn thụ động.
– Co rút là quá trình hình thành sẹo dính, tổ chức xơ. Khi tổ chức sẹo, xơ nằm giữa các mô bình thường sẽ làm co ngắn cơ và các tổ chức khác đi qua khớp, gây giới hạn vận động và giảm chức năng.
– Co rút không hổi phục là mất tính mềm dẻo và đàn hồi vĩnh viễn của mô mềm, xảy ra khi tổ chức mô mềm và tổ chức liên kết bình thường bị thay thế bởi một số lượng lớn tổ chức không duỗi dãn được như xơ, sẹo dính hay xương.
– Co cứng là tình trạng tăng trương lực cơ do tổn thương thần kinh trung ương nên cơ luôn ở trạng thái co cứng, hậu quả lâu dài là hạn chế tầm vận động khớp.

II. CÁC HÌNH THỨC KÉO DÃN

Có ba phương pháp cơ bản để kéo dài các tổ chức co được (cơ) và tổ chức không co được (tổ chức liên kết), đó là kéo dãn thụ động, ức chế cơ chủ động và tự kéo dãn.

1. Kéo dãn thụ động

Là phương pháp có thể tác động kéo dài cả hai tổ chức co được và không co được.
1.1. Kéo dãn thụ động bằng tay
Sử dụng lực ngoại lai của người điều trị để kiểm soát hướng đi, tốc độ, cường độ, thời gian kéo dãn đối với các tổ chức mô mềm bị co rút đã làm hạn chế tầm vận động khớp. Các tổ chức này được kéo dài quá độ dài ban đầu của chúng.
Ký thuật kéo dãn thụ động bằng tay đưa các cấu trúc cơ và mô mềm dãn quá tầm vận động tự do, do vậy bệnh nhân phải thư dãn càng nhiều càng tốt trong khi kéo dãn.
Lực kéo dãn được áp dụng trong thời gian ít nhất 15 — 30 giây và được nhắc lại vài lần trong một liệu trình tập.
Cường độ và thời gian kéo dãn tuỳ thuộc vào sức chịu đựng của người bệnh, sức bền và tính kiên trì của người điều trị. Kéo dãn bằng tay với cường độ thấp và kéo dài sẽ dễ chịu hơn là kéo dãn với cường độ cao mặc dù người bệnh vẫn có thể chịu đựng được.
Kéo dãn thụ động bằng tay là phương pháp kéo dãn có thời gian ngắn, kết quả đạt được về tầm vận động là nhất thời, làm cho cơ vân dãn tạm thời do thay đổi các sợi đàn hồi trong phần gối của actin – myosin.
1.2. Kéo dãn thụ động bằng cơ học
Có hai loại kéo dãn thụ động bằng cơ học được sử dụng, đó là kéo dãn thụ động bằng cơ học kéo dài và kéo dãn thụ động bằng cơ học có chu kỳ.
Ca hai kỹ thuật này đều phải sử dụng các loại dụng cụ bằng cơ học để cung cấp lực kéo dãn cho bệnh nhân.
1.2.1. Kéo dãn thụ động bằng cơ học kéo dài
Sử dụng dụng cụ cơ học cung cấp một lực bên ngoài với cường độ thấp trong một thời gian dài cho các tổ chức bị co ngắn.
Thời gian kéo dãn có thể từ 20 — 30 phút hoặc lâu hơn trong một vài giờ.
Lực kéo dãn có thể được cung cấp bởi máy, nẹp, bột nhiều lần, hệ thống ròng rọc…
Kéo dãn cường độ thấp trong một thời gian kéo dài bằng cơ học có hiệu quả rõ ràng hơn kéo dãn thụ động bằng tay, bệnh nhân cũng có cảm giác dễ chịu thoải mái hơn.
Độ dài tổ chức được duy trì sau khi lực kéo dãn đã được loại bỏ, tuy nhiên độ dài mới này chỉ lâu bền nếu nó được sử dụng đều đặn sau đó.
1.2.2. Kéo dãn thụ động bằng cơ học có chu kỳ
Sử dụng dụng cụ cơ học tạo ra tầm vận động tự động thực hiện theo chu kỳ.
Cường độ, độ dài của từng chu kỳ và số chu kỳ kéo dãn trong một phút có thể điều
chỉnh được ở hệ thống này.
Loại kỹ thuật kéo dãn này giống kéo dãn thụ động bằng tay về cường độ và thời gian nhưng người bệnh có thể thực hiện độc lập.
Kéo dãn thụ động cơ học có chu kỳ làm cải thiện tầm vận động và có thể thay thế một cách hữu ích đối với kéo dãn thụ động bằng tay cho một số người bệnh.

2. Kéo dãn bằng ức chế cơ chủ động

Ức chế cơ chủ động là những kỹ thuật trong đó người bệnh thư dãn phản xạ các cơ sẽ kéo dài trước khi dùng phương pháp kéo dãn. Một khi cơ đã được ức chế (thư dãn) thì lực kéo dài cơ kháng trở là tối thiểu.
Các kỹ thuật kéo dãn ức chế cơ chủ động chỉ có tác dụng với các cấu trúc cơ chứ không có tác dụng với các tổ chức liên kết. Các kỹ thuật này cũng được sử dụng nếu cơ được kéo dãn còn phân bố thần kinh bình thường và dưới sự điều khiển của ý thức.
Phương pháp này không thể sử dụng ở những bệnh nhân bị yếu cơ nhiều, co cứng hay liệt do rối loạn thần kinh cơ.
Thuận lợi của phương pháp này là hình thức kéo dãn thoải mái hơn phương pháp kéo dãn thụ động truyền thống thời gian ngắn, cường độ cao. Bất lợi của phương pháp này là chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc đàn hồi của cơ và chỉ làm tăng độ dài cơ tạm thời.
Có 3 loại kỹ thuật ức chế cơ chủ động chính:
2.1. Kỹ thuật giữ – nghỉ
Người bệnh thực hiện co cơ đẳng trường các cơ bị căng trước khi được kéo dài thụ động chúng. Sau khi co cơ bị căng, cơ đó được thư dãn, do ức chế tự động làm cơ được kéo dài dễ dàng hơn.
2.2. Kỹ thuật co – nghỉ
Là kỹ thuật co cơ bị căng, thư dãn cơ đó và co cơ đối kháng với cơ bị căng. Một khi cơ đối kháng với cơ bị căng co ngắn lại thì cơ bị căng sẽ được kéo dài ra. Kỹ thuật này kết hợp với kỹ thuật ức chế tự động và kỹ thuật ức chế tương hỗ để kéo dài cơ bị căng.
Ví dụ: bệnh nhân giới hạn tầm vận động khớp cổ chân làm khó khăn gập lưng bàn chân.
Kỹ thuật này làm tăng đáng kể tầm vận động khớp so với kỹ thuật giữ – nghỉ và cả hai kỹ thuật đều làm tăng đáng kế tầm vận động so với kỹ thuật kéo dãn bằng tay.
2.3. Co cơ chủ vận
Trong kỹ thuật này, người bệnh co chủ động có đề kháng các cơ đối kháng với nhóm cơ bị căng (nhóm cơ chủ vận), làm ức chế tương hỗ các nhóm cơ bị căng (cơ đối vận) và kéo dài các nhóm cơ đó dễ dàng hơn khi các chi cử động.

3. Tự kéo dãn

Tự kéo dãn là bài tập linh hoạt mà người bệnh tự thực hiện. Người bệnh kéo dãn một cách thụ đông những cơ co rút của chính họ bằng cách sử dụng khối lượng cơ thể như lực để kéo dãn.
Người bệnh cũng có thể ức chế chủ động một cơ để làm tăng độ dài của nó.
Cường độ và thời gian áp dụng tự kéo dãn cũng tương tự như kéo dãn thụ động do người điều trị thực hiện.

lII. CHỈ ĐỊNH VÀ MỤC ĐÍCH CỦA BÀI TẬP KÉO DÃN

1. Chỉ định

– Khi tầm vận động khớp bị hạn chế do hậu quả của co rút, dính khớp và hình thành sẹo tổ chức, dẫn đến các cơ, tổ chức liên kết, da bị co ngắn lại.
– Khi phòng ngừa các biến dạng cấu trúc, co rút phần mềm do hạn chế tầm vận động khớp gây ra
– Khi co cứng, co rút làm giới hạn các hoạt động chức năng hàng ngày của bệnh nhân.
– Khi các cơ bị yếu và các tổ chức bị căng. Các tổ chức bị căng được kéo dài trước khi tập mạnh cơ yếu thì hiệu quả tập mạnh cơ sẽ tốt hơn.

2. Mục đích

— Kéo dãn để đạt được hoặc tái thiết lập lại tầm hoạt động của khớp và khả năng vận động của các tổ chức mô mềm bao quanh khớp.
— Kéo dãn để đề phòng co rút vĩnh viễn tổ chức, mô mềm quanh khớp.
— Kéo dãn để tăng tính mềm dẻo chung của phần cơ thể trước khi tập mạnh các cơ.
— Kéo dãn để đề phòng hoặc hạn chế tối thiểu nguy cơ tổn thương gân cơ liên quan đến các hoạt động thể lực đặc biệt và thể thao.

IV. CHỐNG CHỈ ĐỊNH, NHỮNG LƯU Ý KHI THỰC HIỆN BÀI TẬP KÉO DÃN

1. Chống chỉ định

— Khi có khối xương (cơ hoá cốt, u xương…) làm giới hạn tầm vận động khớp.
— Bệnh nhân sau gãy xương mới.
— Viêm cấp tính, nhiễm trùng trong khớp hoặc quanh khớp.
— Bất cứ khi nào cơ đau nhói, đau cấp tính khi cử động khớp hoặc khi kéo dài cơ.
— Khi có khối máu tụ hoặc các dấu hiệu khác của chấn thương phần mềm.
— Khi sự co cứng hoặc co ngắn của các mô mềm tạo nên sự ốn định khớp. Vì lúc này không thể ổn định khớp bằng độ bền vững của cấu trúc và sức mạnh cơ bình thường nữa.
— Khi co cứng hoặc co ngắn các mô mềm là cơ sở để tăng các khả năng chức năng, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị liệt nặng.

2. Những lưu ý khi sử dụng các bài tập kéo dãn

— Không bắt buộc khớp vượt quá tầm vận động bình thường một cách thụ động.
— Thận trọng khi kéo dãn ở những trường hợp gãy xương mới. Ổ gãy phải được bảo vệ bằng cách cố định giữa nơi gãy và khớp vận động.
— Thận trọng khi kéo dãn ở những bệnh nhân có (hay nghi ngờ) loãng xương nặng do bệnh lý, do nằm lâu, do tuổi hay do sử dụng thuốc.
— Tránh kéo dãn mạnh các cơ và tổ chức liên kết đã bị bất động một thời gian quá dài.
— Lưu ý là các bài tập kéo dãn cơ cường độ cao trong thời gian ngắn thường làm chấn thương và hậu quả là làm yếu các mô mềm.
— Bổ sung các bài tập tăng cường sức mạnh vào chương trình kéo dãn để bệnh nhân có thể phát triển sự cân bằng thích hợp giữa độ mềm dẻo và sức mạnh.
— Nếu bệnh nhân đau khớp hoặc nhức cơ kéo dài hơn 24 giờ là dấu hiệu của lực kéo dãn đã quá mức.
— Tránh kéo dãn các mô bị phù vì nó dễ tốn thương hơn mô bình thường. Khi kéo dãn dễ gây đau và làm phù tăng lên.
— Tránh kéo dãn quá mức các cơ yếu, đặc biệt các cơ nâng đỡ cơ thể trong mối tương quan với trọng lực.

V. QUY TRÌNH THỰC HIỆN BÀI TẬP KÉO DÃN THỤ ĐỘNG

1. Đánh giá người bệnh trước khi kéo dãn

— Xác định xem tổ chức nào hoặc khớp nào hạn chế, nguyên nhân làm giảm vận động khớp và chọn kỹ thuật kéo dãn thích hợp hoặc kết hợp giữa vận động và kéo dãn.
— Đánh giá độ trượt của khớp. Trước khi kéo dãn có thể sử dụng các kỹ thuật di động khớp để lập lại độ trượt khớp.
— Đánh giá sức mạnh cơ vùng có hạn chế vận động khớp và cân nhắc kỹ giá trị kéo dãn cho các cấu trúc bị hạn chế.

2. Các bước thực hiện trước khi bắt đầu kéo dãn

— Lựa chọn kỹ thuật kéo dãn tốt nhất cho người bệnh để có thể gia tăng tầm vận động khớp.
— Giải thích mục đích kéo dãn và quy trình kéo dãn cho người bệnh hiểu để họ hợp tác tốt, tạo sự tin tưởng và làm người bệnh thư dãn.
— Đặt người bệnh trong tư thế thoải mái, vững chắc và ổn định để cho phép mặt phẳng cử động là tốt nhất khi quy trình kéo dãn được thực hiện.
— Dùng các kỹ thuật thư dãn trước khi kéo dãn nếu cần thiết.
— Sử dụng nhiệt nóng đối với tổ chức mô mềm trước khi kéo dãn để làm tăng khả năng tự duỗi dài và giảm chấn thương.

3. Thực hiện kỹ thuật kéo dãn bằng tay

— Cử động chi thể chậm rãi qua phạm vì tự do của điểm bị hạn chế. Hướng kéo dãn sẽ ngược lại với hướng cơ bị co ngắn.
— Cầm nắm ở đoạn gần và đoạn xa đối với khớp tạo ra cử động. Kỹ thuật cầm nắm phải chắc chắn nhưng không gây khó chịu cho người bệnh. Nếu cần sử dụng những miếng đệm lót ở vùng có tổ chức dưới da ít, trên mặt xương, nơi giảm cảm giác, và sử dụng mặt phẳng rộng của bàn tay khi tạo lực.
— Sự cố định phải được thay đổi khi thay đổi vị trí kéo dãn.
— Khi kéo dãn cơ trên nhiều khớp, hãy kéo dãn khớp gần trước, tiếp đến là khớp xa.
— Kéo dãn cơ qua một khớp ở một thời điểm, sau đó qua toàn bộ các khớp một cách đồng thời cho đến khi độ dài tối ưu của tổ chức mô mềm đạt được.
— Tránh chèn ép khớp trong quy trình kéo dãn bằng cách kéo nhẹ nhàng, chậm, duy trì đối với khớp cử động.
— Lực vừa đủ để tạo sức căng ở các cấu trúc của mô mềm nhưng không quá mạnh để gây đau hay tổn thương các cấu trúc này.
— Tránh các cử động giật cục, tránh để rơi tay, chân đột ngột ở cuối tầm.
— Để lực kéo dãn kéo dài ít nhất 15 — 30 giây, trong thời gian này, sức căng ở tổ chức sẽ giảm xuống, cử động của khớp và chi sẽ xa hơn một ít.
— Giảm dần lực kéo dãn để người bệnh và người điều trị nghỉ một lúc, sau đó lặp lại kỹ thuật.
– Chú ý đừng cố gắng đạt được hết tầm trong một hay hai đợt điều trị. Tăng tính mềm dẻo là một quá trình chậm và từ từ. Có thể mất vài tuần điều trị mới thấy kết quả rõ ràng.