Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

GIÁO TRÌNH DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC- Chương 5 phần 2

Chuyên ngành: Ngôn ngữ trị liệu, Phục hồi chức năng

NGỮ DỤNG HỌC

3 LẬP LUẬN

I- KHÁI QUÁT VỀ LẬP LUẬN

Trong giao tiếp, ta thường xuyên phải thuyết phục người khác để người đó tin vào hoặc làm theo nhũng điều mà ta mong muốn. Để thuyết phục được người nhận, người phát phải biết xây dựng lập luận (tư duy thể hiện qua hành động ngôn ngữ) hợp lý¹. Có thể nói lập luận là một hoạt động thường xuyên trong sử dụng ngôn ngữ.

¹Cần lưu ý là để người khác bị thuyết phục phải có lập luận hợp lý, nhưng không phải cứ có lập luận tốt là người nghe bị thuyết phục. Sự thuyết phục người khác phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác trong giao tiếp như: giọng điệu trạng thái tâm lý, chức năng tâm lý xã hội v.v.

1. Khái niệm lập luận

Lập luận là đưa ra nhũng lí lẽ (được gọi là luận cứ trong lập luận) nhằm dẫn dắt người nghe đến một kết luận nào đó mà người nói muốn đạt tới.

Công thức của lập luận như sau: p,q, … —- ⇒ r

Trong đó, p, q… là (các) lí lẽ (luận cứ), r là kết luận.

Luận cứ trong lập luận có thể là thông tin miêu tả hay một định luật, một nguyên lí xử thế nào đó.

Ví dụ: (1) Cái áo này rẻ quá, mua đi, (luận cứ là một thông tin miêu tả). (2) Những số có tận cùng là 5 hoặc 0 đều chia hết cho 5, số 1340 tận cùng bằng 0. Số 1340 chia hết cho 5 (luận cứ là một quy tắc toán học). (3) Học sinh phải giữ trật tự trong giờ học. Đang giờ học chúng ta không nên nói chuyện riêng, (luận cứ là một quy luật).

Trong ba lập luận trên có hai lập luận (1) và (3) là những lập luận đời thường, lập luận (2) là lập luận logic. Lập luận đời thường và lập luận logic có những khác biệt nhất định. Kết luận trong lập luận logic là kết luận có thể xác định được tính đúng / sai dựa vào tính đúng / sai của các luận cứ và phương pháp lập luận, trong khi đó, ở lập luận đời thường có thể có các lập luận chứa các kết luận trái ngược nhau mà không xác định được tính đúng / sai của nó. Người ta nói, lập luận đời thường có tính tranh biện, tức trước một lập luận, có thể có nhũng phản luận cứ để dẫn đến kết luận ngược lại. Quay lại ví dụ (1) trên đây, có thể đưa ra những phản luận cứ: chất liệu vải không tốt, may không đẹp, đã lỗi thời, hết mốt, mặc không hợp v.v… để dẫn đến kết luận ngược lại – “không mua”. Tính chất tương tự không có ớ các lập luận logic²

²Trong bài này thuật ngữ lập luận được dùng để chỉ lập luận đời thường, đối lập với lập luận logic

2. Các thành phấn của lập luận

2.1. Luận cứ và kết luận

Lập luận đầy đủ gồm hai phần: luận cứ (các luận cứ) và kết luận. Tuy nhiên, trong thực tế, có thể có những lập luận không đầy đủ, hoặc chỉ có luận cứ, hoặc chỉ có kết luận để người nhận tự suy ra các thành phần còn lại.

Ví dụ: (1) Bố ơi, con học từ sáng đến giờ rồi, mệt quá. (từ phát ngôn đó, ông bố – người nhận – có thể suy ra kết luận mà người con muốn hướng tới: “Cho con nghỉ học, ra chơi một lúc”). (2) Bố ơi, cho con nghỉ học, ra chơi một lúc. (Khác với ví dụ (1), ví dụ này chỉ gồm kết luận mà không có luận cứ).

Các kết luận và luận cứ hàm ẩn phụ thuộc rất đáng kể vào hoàn cảnh giao tiếp. Người phát phải chú ý đến các điều kiện giao tiếp để người nhận có thể suy ra phần còn thiếu trong lập luận được.

2.2. Lập luận đơn và lập luận phức

Tính chất luận cứ và kết luận của phát ngôn nào đó có tính chất tương đối. Tức là, một phát ngôn là kết luận của lập luận này nhưng đồng thời có thể là luận cứ của một lập luận khác. Nói cách khác, một lập luận có thể bao gồm nhiều lập luận nhỏ hơn – các lập luận bộ phận. Tùy theo tính phức tạp của lập luận, ta có các lập luận đơn (gồm 1 lập luận) và lập luận phức (lập luận gồm các lập luận bộ phận).

Ví dụ: (1) Hôm nay, trời đẹp, lại được nghỉ cả ngày, chúng tôi tổ chức đi dã ngoại. (2) Các bạn lớp A đều là những người đã từng đạt giải quốc gia, đạt điểm cao trong kì thi tuyển chọn, họ thực sự là những người có phẩm chất trí tuệ tốt. Thêm vào đó, họ rất chăm học, cứ hết giờ học trên lớp là họ lại vào thư viện đọc sách đến tối mịt mới về. Kì này, chắc chắn lớp A sẽ đứng đầu khóa về kết quả học tập.

Ví dụ (1) là một lập luận đơn, bao gồm hai luận cứ và một kết luận, như sau: (p) Hôm nay, trời đẹp và (q) Chúng tôi được nghỉ cả ngày; kết luận (r) Chúng tôi tổ chức đi dã ngoại.

Ví dụ (2) là một lập luận phức. Có thể phân tích lập luận này như sau: (p1) Các bạn lóp A đã từng đạt giải quốc gia và (q1) Các bạn lớp A đạt điểm cao trong kì thi tuyển chọn  ⇒ (r1 =p) Các bạn lớp A có phẩm chất trí tuệ tốt . Rồi ta có (p2) Các bạn lớp A cứ hết giờ học là lại vào thư viện đọc sách đến tối mịt mới về ⇒ (r2 =q) Các bạn lóp A rất chăm học. ⇒ (r) Kì này chắc chắn lóp A sẽ đứng đầu khoá về kết quả học tập. Như vậy, lập luận lớn hướng tới kết luận chung (r) gồm hai luận cứ là (p) và (q); (p) và (q) lại chính là hai kết luận (r1) và (r2) của hai lập luận bộ phận gồm các luận cứ (p1), (q1) và (p2).

2.3. Vị trí của luận cứ và kết luận

Trong một lập luận, luận cứ và kết luận có thể có những vị trí khác, tự do. Kết luận có thể (thường) đứng sau các luận cứ. Trật tự: p, q ⇒ r nhưng cũng có thể là r ⇐p, q

3. Lập luận và thông tin miêu tả

Lập luận và thông tin miêu tả có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thông thường, người ta miêu tả không nhằm mục đích miêu tả thuần túy mà nhằm dẫn dắt đến một kết luận nào đó. Theo O. Ducrot (1930-2024), mỗi thông tin miêu tả đều tiềm ẩn giá trị lập luận.

Hai thông tin miêu tả, có giá trị lập luận cùng chiều, có thể được nối với nhau bằng từ ; còn hai thông tin miêu tả có giá trị lập luận trái ngược nhau thì nối được với nhau bằng từ nhưng. Với các từ để thử như vậy, ta dễ dàng nhận thấy, hai thông tin mà chỉ có thể được nối với nhau bằng từ nhưng, không nối được với nhau bằng từ và, vậy hai thông tin chứa lập luận tiềm ẩn ngược chiều nhau.  Ta nói: Anh ấy thông minh nhưng xấu trai. Mà không nói: Anh ấy thông minh và xấu trai.

Bên cạnh các thông tin miêu tả, kiểu câu hỏi có / không cũng tiềm ẩn giá trị lập luận. Ví dụ: Chúng tôi có làm anh khó chịu không? Câu hỏi này tiềm ẩn câu trả lời: không. Nó có giá trị nghĩa tương đương với thông tin miêu tả: “chúng tôi không làm anh khó chịu”. Do vậy, câu hỏi đó tiềm ẩn giá trị lập luận, chẳng hạn, nó hướng tới kết luận: “anh nên ở lại chơi thêm mấy ngày nữa.”

II- HƯỚNG LẬP LUẬN VÀ HIỆU LỰC LẬP LUẬN CỦA LUẬN CỨ

1. Hướng lập luận của luận cứ

Hướng lập luận của luận cứ là kết luận mà luận cứ hướng tới. Trong một lập luận có nhiều luận cứ, các luận cứ có thể đồng hướng lập luận, có thể nghịch hướng lập luận.

Nếu: p ⇒ r (luận cứ p hướng tới kết luận r), và q⇒ r (luận cứ q hướng tới kết luận r); ta có: p và q là hai luận cứ đồng hướng lập luận.

Nếu: p ⇒ r (luận cứ p hướng tới kết luận r), và q ⇒ – r.(luận cứ q hướng tới kết luận trái ngược với r); ta có: p và q là hai luận cứ nghịch hướng lập luận.

2. Hiệu lực lập luận của luận cứ

Hiệu lực lập luận của luận cứ là giá trị quyết định hướng kết luận của lập luận. Chẳng hạn, đưa hai luận cứ p, q nghịch hướng vào lập luận (như ở mục 1), nếu kết luận của lập luận là r, thì luận cứ p có hiệu lực lập luận mạnh hơn q; và ngược lại, nếu kết luận của lập luận là -r, thì luận cứ q có hiệu lực lập luận mạnh hơn p.

Hiệu lực lập luận của luận cứ phụ thuộc vào vị trí của luận cứ trong lập luận. Luận cứ nào càng đứng sau, càng có hiệu lực lập luận cao. Có thể thấy rõ điều này trong một lập luận có hai luận cứ nghịch hướng lập luận.

Ill- CHỈ DẪN LẬP LUẬN

Chỉ dẫn lập luận là những phương tiện ngôn ngữ được dùng để làm rõ hướng lập luận của luận cứ và để nối kết các thành phần trong lập luận. Có hai loại chỉ dẫn lập luận là tác tử lập luận và kết tử lập luận.

1. Tác tử lập luận

Tác tử lập luận là yếu tố ngôn ngữ khi đưa vào một nội dung miêu tả nào đó sẽ làm rõ hướng lập luận của nó, độc lập với vốn thông tin miêu tả của nó, tức không làm thay đổi nội dung miêu tả.

Nội dung thông tin của các phát ngôn trên không đổi, nhưng phát ngôn có chứa đãrồi thì hướng tới kết luận (-r): muộn rồi, khẩn trương lên, còn phát ngôn có chứa mới (mới có)…thôi thì hướng tới kết luận (r): còn sớm, cứ từ từ. Ngoài các tác tử đã… rồi, mới (mới có)… thôi, còn có các tác tử: chỉ (mỗi)… thôi, những, là ít, là nhiều, ít ra, cao lắm cũng chỉ, thấp nhất cũng phải

2. Kết tử lập luận

Kết tử lập luận là những yếu tố ngôn ngữ dùng để nối kết các thành phần luận cứ và kết luận trong lập luận. Nhờ các kết tử lập luận mà quan hệ lập luận giữa các thành phần trong lập luận chặt chẽ hơn.

2.1. Kết tử đánh dấu luận cứ và kết tử đánh dấu kết luận

Căn cứ vào vị trí của các kết tử trong lập luận mà có các kết tử đánh dấu luận cứ (chuyên đứng trước các luận cứ) và các kết tử đánh dấu kết luận (chuyên đứng trước kết luận). Các kết tử lập luận: vì, bởi, nhờ, thêm vào đó, hơn nữa, bên cạnh đó … là các kết tử đánh dấu luận cứ. Các kết tử lập luận: nên, vậy, vì thế, vì vậy, thế nên, do đó, kết luận lại… là các kết tử đánh dấu kết luận.

2.2. Kết tử hai vị trí và kết tử ba vị trí

Căn cứ vào số lượng tối thiểu các luận cứ và kết luận phải có trong lập luận khi sử dụng kết tử lập luận mà các kết tử được chia thành: kết tử hai vị trí (luận cứ cùng chiều) và kết tử ba vị trí (luận cứ nghịch chiều).

  • Kết tử hai vị trí là những kết tử lập luận đòi hỏi tối thiểu phải có một luận cứ và kết luận để tạo thành lập luận. Ví dụ: Tôi mệt nên tôi nghỉ, (kết tử nên là kết tử hai vị trí, nên trong lập luận tối thiểu phải có một luận cứ và kết luận. Dĩ nhiên có thể thêm các luận cứ nữa như: có thời gian, làm xong bài…).
  • Kết tử ba vị trí là nhũng kết tử lập luận đòi hỏi tối thiểu phải có hai luận cứ và kết luận để tạo thành lập luận. Ví dụ: Trời đẹp nhưng tôi bận học, nên tôi không đi chơi. (Các kết tử vả lại, hơn nữa, thêm vào đó… là các kết tử ba vị trí).

IV- CƠ SỞ CỦA LẬP LUẬN

Lập luận họp lí là lập luận có quan hệ giữa luận cứ và kết luận được xây dựng trên những cơ sở nhất định.

Cơ sở để xây dựng quan hệ lập luận giữa luận cứ và kết luận là các lẽ thường. Lẽ thường là những chân lí thông thường có tính chất kinh nghiệm, có tính chất xem như là được mọi người thừa nhận, có tính khái quát, nhờ chúng mà ta xây dựng được lập luận.

Các lẽ thường có thể được dân tộc này, địa phương này chấp nhận nhưng lại xa lạ và không được chấp nhận ở dân tộc, địa phương khác, thậm chí trong một dân tộc, một địa phương được chấp nhận ở thời gian này nhưng lại không được chấp nhận ở thời gian khác. Tóm lại, lẽ thường có tính chất dân tộc, địa phương và tính lịch sử.

Ví dụ: (p) Mới sáng mùng một Tết, (r) không nên chạy vào nhà người khác. Quan hệ giữa luận cứ p và kết luận r trong lập luận trên là dựa vào lẽ thường trong sinh hoạt người Việt trong những ngày đầu năm. Hoặc: (p) Xe này xịn đấy. (r) Mua đi. Quan hệ giữa lập luận giữa luận cứ p và kết luận q dựa trên lẽ thường: đi mua hàng nên chọn hàng “xịn” mà mua. Lẽ thường này mới xuất hiện khi đời sống được cải thiện (vấn đề giá cả trở nên thứ yếu mà quan trọng là chất lượng hàng hóa).

Kho tàng tục ngữ của mỗi dân tộc là nơi chứa đựng những kinh nghiệm lâu đời của nhân dân về những ứng xử tự nhiên và xã hội nên chính trong kho tàng đó, con người có thể tìm thấy nhiều lẽ thường để xây dựng những lập luận trong giao tiếp. Rèn luyện kĩ năng vận dụng tục ngữ trong xây dựng lập luận là một trong những yêu cầu cơ bản của việc nâng cao khả năng sử dụng bản ngữ. Phong tục, tập quán, văn hóa sinh hoạt của các dân tộc khác nhau chính là nguồn gốc của những lẽ thường, tạo ra lập luận khác nhau trong giao tiếp đời thường của mỗi dân tộc. Việc tìm hiểu tập quán, văn hóa của dân tộc là cơ sở để sử dụng ngôn ngữ đúng và chính xác.

4 HỘI THOẠI

I- KHÁI QUÁT VỀ HỘI THOẠI

Ngôn ngữ có hai chức năng cơ bản làm phương tiện giao tiếp và làm phương tiện tư duy. Các chức năng cơ bản này của ngôn ngữ được thực hiện thường xuyên nhất trong hội thoại (giao tiếp bằng lời nói). Nói như Đỗ Hữu Châu thì “Hội thoại là hoạt động giao tiếp căn bản, thường xuyên, phổ biến của sự hành chức của ngôn ngữ” [Đỗ Hữu Châu, 2001]. Hội thoại có thể diễn ra giữa hai người (song thoại), giữa ba người (tam thoại), giữa nhiều người (đa thoại). Song, dạng cơ bản nhất của hội thoại là song thoại.

1. Trao lời, đáp lời và tương tác trong hội thoại

Hoạt động người phát Sp1 tạo ra diễn ngôn và hướng diễn ngôn của mình đến người nhận Sp2. Hoạt động này được gọi là hoạt động trao lời (truyền tin).

Tuy nhiên, hội thoại đòi hỏi các nhân vật tham gia giao tiếp phải có sự thay đổi vai người phát – người nhận trong giao tiếp. Do đó, trong hội thoại không chỉ có hoạt động trao lời một chiều mà còn có hoạt động đáp lời. Đáp lời là hoạt động người nhận chuyển thành vai người phát đáp lại lời trao. Nhưng về bản chất, vẫn là truyền tin.

Sự thay đổi luân phiên vai người phát – người nhận giữa các nhân vật giao tiếp làm nên hoạt động trao – đáp trong hội thoại.

Trong hoạt động trao – đáp, các nhân vật giao tiếp thông qua diễn ngôn và các biểu hiện phi ngôn ngữ của mình tác động qua lại với nhau. Hoạt động tác động lẫn nhau giữa các nhân vật giao tiếp chính là sự tương tác trong hội thoại. Trước khi hội thoại, giữa các nhân vật giao tiếp có sự khác biệt về những ý tưởng nào đó (không có sự khác nhau này thì giao tiếp trở nên thừa). Hội thoại, nhờ vào sự tương tác mà xoá dần những khác biệt. Hội thoại thực sự thành công khi giữa những nhân vật giao tiếp không còn sự khác biệt (ý tưởng) trước khi hội thoại.

2. Phương tiện kèm diễn ngôn hội thoại

Ngoài ngôn ngữ là công cụ chính để tạo các diễn ngôn, trong hội thoại, các nhân vật giao tiếp còn sử dụng các phương tiện (tín hiệu) phi ngôn ngữ như điệu bộ, cử chỉ, nét mặt… đế hỗ trợ, kèm theo diễn ngôn.

Cách ăn mặc, diện mạo của các nhân vật giao tiếp cũng được coi là các tín hiệu kèm diễn ngôn hội thoại vì chúng có những tác động nhất định đến tiến trình hội thoại. Có nhũng tín hiệu kèm ngôn ngữ diễn ra chậm, từ từ như khoảng cách, tư thế ngồi, đứng… của những người tham gia hội thoại; có những tín hiệu diễn ra nhanh như cử chỉ, nét mặt thay đổi theo từng phát ngôn, đoạn diễn ngôn …

Tham khảo Sức khoẻ Tâm thần tập 1 chương 4

II- CÁC NGUYÊN TẮC HỘI THOẠI

Để hội thoại diễn ra một cách bình thường và đạt được kết quả một cách rõ ràng, tường minh, các nhân vật giao tiếp phải tuân thủ các nguyên tắc hội thoại sau:

1. Nguyên tắc luân phiên về lượt lời

Nguyên tắc này đòi hỏi các nhân vật giao tiếp phải:

  • Nhường lời cho người hội thoại với mình, tức không được cướp lời của người khác khi lời của người đó chưa kết thúc.
  • Phải nối tiếp lời của người tham gia hội thoại kịp thời, tức không được để khoảng im lặng giữa các lượt lời quá dài. Mỗi ngôn ngữ có những dấu hiệu riêng về từ ngữ, ngữ điệu để thể hiện sự kết thúc diễn ngôn. Người tham gia hội thoại phải nắm được những dấu hiệu đó để không chen vào lời người khác và bắt lời cho kịp thời.

2. Nguyên tắc cộng tác hội thoại

Trong hội thoại, các nhân vật giao tiếp phải thể hiện mình là những người có tinh thần cộng tác, tức phải tuân thủ nguyên tác cộng tác hội thoại. Nguyên tắc cộng tác hội thoại được thể hiện bằng 4 phương châm hội thoại. Đó là:

  • Phương châm về lượng: Hãy làm cho phần đóng góp của anh có lượng tin đáp ứng đủ như đòi hỏi của đích cuộc hội thoại, cụ thể không nói thừa, cũng như không nói thiếu thông tin cần thiết (ngắn gọn?).
  • Phương châm về chất: Hãy làm cho phần đóng góp của anh là đúng. Cụ thể, đừng nói điều gì mà anh tin rằng không đúng. Đừng nói điều gì mà anh không đủ bằng chứng.
  • Phương châm quan hệ: Hãy làm cho phần đóng góp của anh có dính líu đến câu chuyện đang diễn ra. Đáp ứng được phương châm về quan hệ, các nhân vật giao tiếp sẽ làm cho các diễn ngôn trong hội thoại có tính liên kết với nhau. Hội thoại đòi hỏi giữa diễn ngôn của những người tham gia hội thoại phải có sự liên kết. Nếu thiếu tính liên kết giữa các diễn ngôn hội thoại, chúng ta sẽ có cuộc hội thoại giữa những “người điếc”. Sự liên kết trong hội thoại không chỉ thể hiện ở nội dung, hình thức như ở các văn bản đơn thọại mà còn phải có sự liên kết giữa các hành động ngôn ngữ của các nhân vật hội thoại.
  • Phương châm cách thức: Hãy tránh lỗi lập luận, tránh mơ hồ về nghĩa, nói có trật tự (tức đảm bảo ngữ nghĩa và cú pháp).

Các phương châm hội thoại của nguyên tắc cộng tác nêu trên đúng cho cuộc hội thoại chân thực, trong đó những người hội thoại muốn nó đạt kết quả một cách tường minh, trực tiếp.

3. Nguyên tắc lịch sự

Nguyên tắc lịch sự được cụ thể hóa thành hai bình diện: lịch sự quy ước và lịch sự chiến lược.

3.1. Lịch sự quy ước

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có những quy ước, nghi thức giao tiếp được cộng đồng chấp nhận và tuân theo. Có những nghi thức giao tiếp mang tính phổ quát, chung cho nhiều dân tộc như: chào hỏi khi gặp nhau, cảm ơn khi được người khác giúp đỡ, xin lỗi khi làm phiền người khác v.v..³ Có những nghi thức giao tiếp mang tính khu vực và có những nghi thức giao tiếp riêng biệt, đặc trưng cho từng dân tộc. Người sử dụng ngôn ngữ dù là bản ngữ hay ngoại ngữ đều cần có những hiểu biết về nhũng nghi thức giao tiếp chung cũng như riêng của các dân tộc.

³Ở đây chỉ nói đến các hành động ngôn ngữ mang tính nghi thức, còn cách thực hiện các hành động đó có sự khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn, người Anh chào nhau thân mật khi gặp mặt một cách trực tiếp bằng các từ chuyên dụng như: hello! hi! …. Trong khi đó người Việt ưa chào khi gặp mặt bằng các hành động ngôn ngữ hỏi gián tiếp khá đa dạng như: Bác đi làm à? Đi đâu đấy? Cá nhà đang ăn cơm à? Ăn cơm chưa? v.v..

Có thể thấy rõ biểu hiện của lịch sự quy ước trong tiếng Việt qua những quy ước, nghi thức xung hô buộc những người giao tiếp phải tuân theo. Việc xưng hô trong giao tiếp của người Việt phải được chú ý để thỏa mãn quan hệ tương tác theo hai trục quan hệ (vị thế và thân-sơ), đồng thời, củng phải thỏa mãn truyền thống “xưng khiêm hô tôn” của người Việt.

3.2. Lịch sự chiến lược

Nếu lịch sự quy ước mang tính chung cho cả cộng đồng trong giao tiếp, thì lịch sự chiến lược có tính riêng biệt cho từng cuộc giao tiếp cụ thể. Biểu hiện của lịch sự chiến lược được thể hiện thông qua việc chọn đề tài hội thoại và việc thực hiện các hành động ngôn ngữ.

Nguyên tắc lịch sự liên quan trực tiếp đến thể diện của những người tham gia hội thoại. Mỗi con người có hai loại thể diện: tích cực và tiêu cực. Thể diện tích cực là nhân cách, vị trí, địa vị xã hội… biểu hiện bên ngoài, qua đó chúng ta tác động đến người khác. Thể diện tiêu cực là lãnh địa riêng của từng người, chỗ yếu riêng (thương mang tính cảm xúc), hoặc có tính riêng tư, mà chúng ta không muốn cho người khác biết.

“Xưng khiêm hô tôn’’ chính là một biện pháp của lịch sự quy ước nhằm đề cao thể diện của người hội thoại. Đối với lịch sự chiến lược, để thỏa mãn nguyên tắc lịch sự, các nhân vật giao tiếp phải tránh đề cập đến các đề tài có thể đe dọa đến thể diện (cả thể diện tích cực và thể diện tiêu cực) của những người tham gia. Nguyên tắc lịch sự chiến lược gợi ý người giao tiếp tăng cường thực hiện các hành động ngôn ngữ tôn vinh thể diện, giảm thiểu các hành động đe dọa thể diện. Khi cần phải thực hiện các hành động ngôn ngữ đe dọa thể diện của người giao tiếp, các nhân vật giao tiếp phải có các biện pháp bù đắp thể diện, cụ thể:

  • Sử dụng các biểu thức ngôn hành gián tiếp. Ví dụ: (1) Tôi ra lệnh cho anh mang ngay báo cáo đến cho tôi. (biểu thức ngôn hành trực tiếp tường minh) (2) Anh mang ngay báo cáo đến cho tôi. (biểu thức ngôn hành trực tiếp nguyên cấp) (3) Anh có thể mang báo cáo đến ngay cho tôi được không? (biểu thức ngôn hành gián tiếp)
  • Sử dụng các biện pháp nói giảm, nói tránh và các biểu thức ngôn ngữ rào đón. Ví dụ: (1) Bài viết của anh tồi quá. (2) Nói thật, anh đừng giận, bài viết của anh chưa được tốt lắm.

Nguyên tắc lịch sự chiến lược còn được thể hiện qua phương châm khiêm tốn trong hội thoại. Phương châm khiêm tốn đòi hỏi người giao tiếp cần tránh nói nhiều đến cái tôi cá nhân, tránh tự khen ngợi bản thân quá nhiều.

4. Thương lượng hội thoại

Thương lượng hội thoại giữa các nhân vật giao tiếp thể hiện trước hết ở sự điều chỉnh lẫn nhau về hình thức, nội dung hội thoại. Nhờ vào thương lượng hội thoại mà cuộc hội thoại sẽ không bị phân tán và tiến triển bình thường.

4.1. Các phương diện của thương lượng hội thoại

Thương lượng hội thoại xảy ra trước hết ờ các bình diện hình thức, cấu trúc hội thoại và nội dung hội thoại.

  • Về phương diện hình thức hội thoại: Các nhân vật giao tiếp thoả thuận nhau về ngôn ngữ được dùng. Ngay cả khi giao tiếp bàng tiếng mẹ đẻ củng xảy ra sự thương lượng về phong cách, giọng điệu v.v… Thương lượng về cách hiểu các từ ngữ, câu cú… Những cách nói: Anh dùng từ này với nghĩa gì? Cách nói của anh như vậy là chưa ổn. Anh nói dài quá. Theo tôi, chúng ta nên nói thế này. v.v.. là những cách nói thường gặp trong thương lượng về hình thức hội thoại.
  • Về cấu trúc hội thoại: Các nhân vật giao tiếp thương lượng với nhau về sự mở đầu, kết thúc và lượt lời giữa các nhân vật. Những cách nói thường gặp trong thương lượng hội thoại về cấu trúc là: Anh mở đầu trước đi. Anh chờ tôi nói xong đã. Tôi đã nói xong. Bây giờ đến lượt anh v.v…
  • Về nội dung hội thoại: Các nhân vật giao tiếp thương lượng với nhau về hệ các vấn đề được đưa ra hội thoại. Có thể người này thích vấn đề này, người kia lại không thích.v.v… Những cách nói: tôi đề nghị chuyển sang vấn đề khác. Thôi, không nói về việc đó nữa. Vấn đề quan trọng thì không bàn, toàn nói chuyện đâu đâu v.v… là những cách nói thường gặp trong thương lượng về nội dung hội thoại.

4.2. Cách thức thương lượng hội thoại

Thòi gian thương lượng: Các nhân vật hội thoại có thể thỏa thuận với nhau về hình thức, cấu trúc và nội dung hội thoại ngay từ đầu hoặc trong quá trình hội thoại. Trong nhiều cuộc hội thoại có tính chất nghi thức như hội thoại ngoại giao, đàm phán với sự tham gia của nhiều bên, thương lượng hội thoại giữa các bên tham gia có thể được chuẩn bị trước khi hội thoại chính thức diễn ra.

Cách thức thương lượng: Thương lượng hội thoại có thể được diễn ra một cách trực tiếp bằng các từ ngữ tường minh. Chẳng hạn như: Thôi, chúng ta chuyển sang nói chuyện khác đi. Hoặc: Ông không nên nói nặng lời như thế... Thương lượng hội thoại cũng có thể diễn ra một cách gián tiếp, ngầm ẩn dựa theo phản ứng của người giao tiếp.

III- CẤU TRÚC HỘI THOẠI

Hội thoại là một cấu trúc với những đơn vị của nó. Người ta thường nhắc đến các đơn vị sau của hội thoại:

  • Cuộc thoại: Cuộc thoại là đơn vị hội thoại lớn nhất của hội thoại. Cuộc thoại có thể được xác định theo: (1) Sự thống nhất về nhân vật hội thoại, khi những người tham gia hội thoại thay đổi thì cuộc thoại cũng thay đổi; (2) Sự thống nhất về môi trường hội thoại, tức sự thống nhất về thời gian và địa điểm; (3) Sự thống nhất về chủ đề;
  • Đoạn thoại: Đoạn thoại là một phần của cuộc thoại bao gồm các diễn ngôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau về ngữ nghĩa (thống nhất chủ đề) và về ngữ dụng (thống nhất về đích). Các hành động ngôn ngữ như chào khi gặp mặt, hỏi thăm sức khóe… chào tạm biệt, hứa hẹn gặp nhau lần sau là những dấu hiệu của các đoạn mở thoại và kết thoại.
  • Cặp thoại: Cặp thoại là đơn vị cơ sở của hội thoại. Cặp thoại được tạo nên từ các tham thoại.
  • Tham thoại: Tham thoại được cấu tạo nên từ hành động ngôn ngữ. Hành động ngôn ngữ là nòng cốt của tham thoại. Các tham thoại hồi đáp và các tín hiệu kèm diễn ngôn trong cặp thoại đều căn cứ vào hành động ngôn ngữ nòng cốt của tham thoại dẫn nhập. Về tổ chức nội tại, một tham thoại do một hoặc một số hành động ngôn ngữ tạo nên. Nếu tham thoại do nhiều hành động ngốn ngữ tạo nên thì tham thoại đó sẽ chứa một hành động ngôn ngữ nòng cốt (còn gọi là hành động ngôn ngữ chủ hướng) và một / các hành động ngôn ngữ phụ thuộc. Hành động ngôn ngữ nòng cốt của tham thoai là hành động ngôn ngữ quyết định bản chất của tham thoại và quyết định hướng hồi đáp của tham thoại hồi đáp.
  • Ngoài ra, có người còn kê thêm hành động ngôn ngữ và sự kiện lời nói vào danh sách các đơn vị hội thoại .

5 Ý NGHĨA TƯỜNG MINH VÀ Ý NGHĨA HÀM ẨN

I- Ý NGHĨA TƯỜNG MINH

Còn gọi là ý nghĩa hiển ngôn, ý nghĩa theo câu chữ. Ý nghĩa tường minh của phát ngôn là ý nghĩa trực tiếp do các yếu tố ngôn ngữ trong phát ngôn và cấu trúc của phát ngôn đem lại.

II- Ý NGHĨA HÀM ẨN

Ý nghĩa hàm ẩn của phát ngôn, đối lập với ý nghĩa tường minh, là ý nghĩa không phải do các yếu tố ngôn ngữ trong phát ngôn đem lại mà phải nhờ suy ý mới nắm bắt được.

Trong các ý nghĩa hàm ẩn, Grice phân biệt những ý nghĩa suy ra một cách ngẫu nhiên (gọi là ý nghĩa tự nhiên) với các ý nghĩa được người nói truyền đạt một cách có ý định (gọi là ý nghĩa không tự nhiên). Grice xác định ý nghĩa hàm ẩn không tự nhiên như sau:

  • A có ý định thông qua phát ngôn U gây nên hiệu quả Z ở người nghe B.
  • A muốn rằng (có ý định rằng) điều kiện trên được thực hiện đơn giản chỉ là nhờ chỗ B nhận ra được ý định đó của A. [Dẫn theo Đỗ Hữu Châu, 2001]

III- TIỀN GIẢ ĐỊNH VÀ HÀM NGÔN

Hai loại ý nghĩa hàm ẩn khái quát nhất là tiền giả định và hàm ngôn (còn gọi là hàm ý).

  • Tiền giả định (pp’) là những căn cứ cần thiết để người nói tạo ra ý nghĩa tường minh trong phát ngôn của mình.
  • Hàm ngôn (imp.) là những nội dung có thể suy ra từ ý nghĩa tường minh và tiền giả định của một phát ngôn cụ thể nào đó.

Ví dụ: Anh Nam bỏ thuốc lá rồi. Phát ngôn trên có tiền giả định: Có anh tên là Nam, anh Nam trước đây hút thuốc lá (nghiện thuốc lá). Hàm ngôn của phát ngôn đó, tùy trường hợp giao tiếp cụ thể mà có thể là: Không nên cho anh Nam thuốc lá nữa. Hay Cũng nên bỏ thuốc như anh Nam đi.

Phân biệt tiền giả định và hàm ngôn. Sau đây chỉ nêu một sô bình diện cơ bản để phân biệt tiền giả định và hàm ngôn.

  • Tiền giả định được các nhân vật giao tiếp mặc nhiên thừa nhận, dựa vào đó, các nhân vật giao tiếp tạo ra ý nghĩa tường minh của phát ngôn. Trong khi đó, hàm ngôn được suy ra từ tiền giả định và ý nghĩa tường minh của phát ngôn. Quan hệ giữa ba loại ý nghĩa đó như bên.
  • Tiền giả định được các nhân vật giao tiếp mặc nhiên thừa nhận cho nên trong nhận thức của các nhân vật giao tiếp, tiền giả định luôn luôn đúng. Trong khi đó, cơ sở để suy ra hàm ngôn là các lẽ thường của lập luận nên với điều kiện nhận thức khác nhau về lẽ thường, hàm ngôn có thể không được tất cả các nhân vật giao tiếp chấp nhận.
  • Tiền giả định là cơ sở đề tạo nghĩa tường minh của phát ngôn cho nên tiền giả định ít lệ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp. Dù trong hoàn cảnh giao tiếp nào thi tiền giả định của phát ngôn vẫn không đổi. Trong khi đó, hàm ngôn phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh giao tiếp. Ớ các hoàn cảnh giao tiếp khác nhau, từ một phát ngôn có thể suy ra các ý nghĩa hàm ngôn khác nhau.
  • Tiền giả định được các nhân vật giao tiếp mặc nhiên thừa nhận nên về nguyên tắc, tiền giả định không chứa thông tin mới đối với những người giao tiếp. Trong khi đó, hàm ngôn lại là mục đích thông báo của người phát cho nên hàm ngôn chứa lượng thông tin cao. Với tính chất thông tin cao, hàm ngôn có thể tiếp tục được tranh luận.
  • Tiền giả định có tính chất kháng phủ định, tức tiền giả định cúa phát ngôn không thay đổi nếu phát ngôn chuyển thành phát ngôn phủ định. Ví dụ: Phát ngôn: Anh Nam bỏ thuốc rồi được chuyển thành phát ngôn phủ định: Anh Nam chưa bỏ thuốc đâu thì tiền giả định: Anh Nam trước đây hút thuốc không đổi. Trong khi đó, khi phát ngôn bị chuyển thành phát ngôn phủ định thì hàm ngôn không giữ nguyên mà thay đổi.
  • Tiền giả định không bị thay đổi với những phát ngôn có chung một nội dung mệnh đề nhưng thực hiện các hành động ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn, với nội dung mệnh đề (p): Anh Nam bỏ thuốc, ta có các phát ngôn thực hiện các hành động ngón ngữ khác nhau: Anh Nam bỏ thuốc rồi (Hành động ngôn ngữ trình bày); Anh Nam bỏ thuốc chưa ? (Hành động ngôn ngữ hỏi); Anh Nam bỏ thuốc đi! (Hành động ngôn ngữ điều khiển). Mặc dù thực hiện các hành động ngôn ngữ khác nhau nhưng các phát ngôn trên có chung một tiền giả định: Anh Nam trước đây hút thuốc. Trong khi đó, hàm ngôn của các phát ngôn trên không giống nhau. Nói cách khác, hàm ngôn không giữ nguyên nếu hành động ngôn ngữ thay đổi.
  • Vì tiền giả định là cơ sở để tạo nên nghĩa tường minh của phát ngôn, tiền giả định là thông tin đã biết đối với các nhân vật giao tiếp, nên khó có thể tường minh hóa thông tin của tiền giả định tiếp sau ý nghĩa tường minh của phát ngôn do một người phát ra. Chẳng hạn, không nên nói: Anh Nam bỏ thuốc rồi. Anh Nam trước đây hút thuốc. Trong khi đó, hàm ngôn là thông tin mới cho người giao tiếp nên dễ dàng tường minh hóa ý nghĩa hàm ngôn tiếp theo ý nghĩa tường minh của phát ngôn. Chẳng hạn, ta dễ dàng nói: Anh Nam bỏ thuốc rồi. Không nên mua thuốc cho anh Nam nữa.

IV- CƠ CHẾ TẠO HÀM NGÔN

Cơ chế tạo nghĩa hàm ngôn được phát biểu tổng quát như sau: Người nói, một mặt, tôn trọng các quy tắc ngữ dụng học như: chiếu vật, hành động ngôn ngữ, lập luận, hội thoại và giả định người nghe cũng biết và tôn trọng chúng, mặt khác lại cố tình không tuân thủ các quy tắc đó và giả định rằng người nghe cũng ý thức được chỗ không tuân thủ đó của mình.

Sự không tuân thủ các quy tắc ngữ dụng học được thể hiện cụ thể như sau:

1. Chiếu vật (quy chiếu)

Một trong những quy tắc chiếu vật là quy tắc định vị vai giao tiếp. Như trên đã nói, hệ thống các từ xưng hô có những quy ước sử dụng khá chặt chẽ, buộc những ngườí tham gia giao tiếp phải tuân thủ. Việc sử dụng các từ xưng hô không theo quy ước hoặc thay đổi cách xưng hô là một trong những cơ chế tạo ra hàm ngôn trong giao tiếp. Ví dụ, vợ chồng chuyển đôi xưng hô từ anh/em sang anh/tôi-cô/tôi-tao /mày là hàm ẩn ý nghĩa thay đổi quan hệ. Hoặc, xưng hô bố/con đối vói những người không có quan hệ huyết thống có thể thể hiện mong muốn làm con rể v.v..

2. Hành động ngôn ngữ gián tiếp

Sử dụng các hành động ngôn ngữ gián tiếp là biện pháp phổ biến để tạo ý nghĩa hàm ẩn. Ví dụ, thầy giáo thấy học sinh đi muộn, hỏi: Bây giờ là mấy giờ rồi? Qua câu hỏi này, học sinh phải nhận ra sự cảnh cáo của thầy giáo. Hoặc, ông bố trước một việc làm không tốt của con, nói: Hay nhỉ!, người con phải hiểu được ý muốn của người bố là không ủng hộ việc làm của mình, v.v…

3. Lập luận

Lập luận không đầy đủ hoặc chỉ có luận cứ hoặc chỉ có kết luận để người nghe suy ra phần còn thiếu trong lập luận là một trong những cách tạo nghĩa hàm ngôn tương đối thông dụng.

4. Hội thoại

Grice phân chia các ý nghĩa hàm ngôn thành hai loại hàm ngôn quy ước và hàm ngôn hội thoại.

4.1. Hàm ngôn quy ước là những ý nghĩa hàm ngôn được diễn đạt bằng các tín hiệu quy ước – tức các yếu tố thuộc hình thức của ngôn ngữ. Các ý nghĩa hàm ngôn quy ước không phụ thuộc vào tình huống hội thoại cụ thể.

Ví dụ: (1) Anh làm ơn mang quyển sách ấy đến được không? (2) Anh có mang hộ quyển sách ấy đến được không? Mặc dù có hình thức của phát ngôn hỏi, nhưng các từ làm ơn, hộ trong hai câu trên là dấu hiệu của hành động ngôn ngữ điều khiển (yêu cầu, đề nghị). Trong khi đó, phát ngôn: Anh có mang quyển sách ấy cho tôi được không? không chứa dấu hiệu hình thức của hành động điều khiển. Phát ngôn đó có thể tường minh: Tôi nói thế để xem anh có khả năng mang đến không mà thôi. Tôi có yêu cầu anh mang đến cho tôi đâu.

Cấu trúc so sánh cũng có hàm ngôn quy ước: Giữa vế A và vế B phải có nét gì đó tương đồng, vế B là cái được người nói và người nghe cùng đã biết.

4.2. Hàm ngôn hội thoại xuất hiện để đảm bảo nguyên tắc cộng tác hội thoại ở bề sâu, mặc dù xét bề mặt các phát ngôn có thể ngược với phương châm này. Có hàm ngôn hội thoại khái quát và hàm ngôn hội thoại đặc thù.

a) Hàm ngôn hội thoại khái quát, mặc dù liên quan đến các phương châm hội thoại, nhưng chúng có thể được lí giải không cần viện đến các điều kiện của một hoạt động hội thoại cụ thể.

  • Phương châm về lượng: Các từ ngữ trong sử dụng có ý nghĩa được cụ thể hóa. Trong trường hợp, các từ ngữ chưa đủ các thông tin, xét về mặt lượng, xuất hiện các ý nghĩa hàm ngôn khái quát để hiểu đúng phát ngôn. Ví dụ: Thời tiết đẹp nhỉ. (Thòi tiết ở đây, bây giờ); Quyển sách bìa trắng (bìa không hoàn toàn trắng / bìa có phần trắng là chủ yếu).
  • Phương châm về chất: đòi hỏi nhân vật giao tiếp phải nói những điều mà mình tin là đúng, nói những điều có đủ bằng chứng. Đây chính là ý nghĩa hàm ngôn khái quái của các phát ngôn trong hội thoại. Ý nghĩa hàm ngôn khái quát của phương châm về chất trùng với các điều kiện thực hiện hành động ngôn ngữ.
  • Phương châm quan hệ: đòi hỏi các phát ngôn liên quan đến câu chuyện đang diễn ra. Phát ngôn chứa ý nghĩa hàm ngôn khái quát để đảm bảo phương châm này. Ví dụ: Đưa tôi quyển sách. (Đưa tôi quyển sách ngay bây giờ).
  • Phương châm cách thức: Hãy ngắn gọn. Trên thực tế, thay cho phát ngôn Mở cửa ra, có thể nói: Đi tới cửa, vặn khoá hai vòng rồi kéo cửa về phía mình. Lối nói dài dòng cho thấy tính quan trọng đối với việc mở cái cửa cụ thể đó.

b) Hàm ngôn hội thoại đặc thù là những hàm ngôn gắn với các tình huống hội thoại cụ thể. Đó là kết quả của sự cố ý không tuân thủ các phương châm hội thoại (so sánh, ý nghĩa hàm ngôn hội thoại khái quát liên quan chủ yếu đến cách dùng các phương tiện ngôn ngữ).

  • Phương châm về lượng: Phát ngôn chứa lượng tin nhiều hơn hoặc ít hơn đòi hỏi của cuộc thoại là cách để tạo nghĩa hàm ngôn. Ví dụ: Sp1: Anh có thấy con lợn của tôi không? Sp2: Từ khi mặc cái áo mới đứng đây đến giờ, tôi chả thấy con lợn nào cả.
  • Phương châm về chất: Tạo ra phát ngôn chứa lượng tin không đúng sự thật buộc người nghe phải hiểu lại cho đúng là cách thức để tạo ý nghĩa hàm ngôn. Ví dụ: Cái Thuý ấy à ? Một tảng bê tông, đụng vào nó chỉ có sứt đầu mẻ trán.
  • Phương châm quan hệ: Tham thoại hồi đáp của Sp2 không liên quan đến tham thoại dẫn nhập của Sp1 làm phá vỡ phương châm quan hệ của hội thoại. Để thấy được tính cộng tác của Sp2, Sp1 phải lí giải lại phát ngôn hồi đáp. Quá trình lí giải lại giúp Sp1 tìm đến nghĩa hàm ngôn. Ví dụ: Sp1: Cậu có biết Thắng đang ở đâu không? SP2: Có chiếc DD đỏ dựng trước phòng cái Thuý. Trong quá trình lí giải lại phát ngôn của Sp2, Sp1 có thể đi đến nghĩa hàm ngôn: Thắng đang trong phòng Thúy.
  • Phương châm cách thức: Người nói tạo ra phát ngôn không thật ngắn gọn, dễ hiểu buộc người nghe phải lí giải lại để tạo nghĩa hàm ngôn. Ví dụ: Cô Singer tuôn ra một tràng âm thanh gần như một khúc đoạn trong nhạc kịch Rigoletto (Cô Singer hát một khúc đoạn trong nhạc kịch Rigoletto- Mỉa mai, việc cô Singer làm không đáng gọi là hát).

5. Cơ chế tạo và phát hiện hàm ngôn

Cơ chế tổng quát để tạo và phát hiện hàm ngôn là:

(i) Sp1 phát ra phát ngôn p.

(ii) Không có lí do gì để cho ràng Sp1 không tuân thủ các nguyên tắc hội thoại hoặc ít nhất là phương châm cộng tác.

(iii) Để có thể nói ra p mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc hoặc phương châm cộng tác hội thoại, Sp1 phải nghĩ đến q.

(iv)Sp1 phải biết ràng cả hai phía (Sp1 và Sp2) đều biết ràng q phải được nghĩ đến để cho anh ta (Sp1) được xem là thực sự cộng tác trong hội thoại.

(v) Sp2 thấy rằng Sp1 không hành động gì để ngăn chặn mình nghĩ rằng q.

(vi) Do đó, Sp1 có ý định đưa Sp2 đến chỗ nghĩ rằng q và khi nói p là có hàm ngôn q.

V- PHÂN LOẠI TIỀN GIẢ ĐỊNH

1. Tiền giả định bách khoa

Tiền giả định bách khoa là tất cả những hiểu biết chung giữa các nhân vật giao tiếp về hiện thực bên trong và bên ngoài tinh thần con người. Dựa vào đó mà nội dung giao tiếp hình thành và tiến triển. Ví dụ: Trời mưa, vào nhà đi. Phát ngôn trên có tiền giả định bách khoa là: ở ngoài mưa không có lợi cho sức khỏe.

2. Tiền giả định ngôn ngữ: Tiền giả định ngôn ngữ là những tiền giả định được đánh dấu bằng các dấu hiệu hình thức ngôn ngữ của phát ngôn.

2.1. Tiền giả định từ vựng

Từ có ý nghĩa và chức năng nhất định buộc những người sử dụng ngôn ngữ phải tuân theo thì mới tạo được các phát ngôn đúng.

a) Tiền giả định từ thực

  • Tiền giả định khái quát tương ứng với các nét nghĩa khái quát, nét nghĩa phạm trù của từ. Ví dụ: chạy, bò, lăn, trườn… có tiền giả định vận động rời chỗ.
  • Tiền giả định hạn chế lựa chọn tương ứng với các nét nghĩa đặc thù của từ. Ví dụ: sủa có tiền giả định nói đến chó, nhắm có tiền giả định nói đến mắt… có tiền giả định nói đến ngựa,…

b) Tiền giả định từ hư là những tiền giả định do sự xuất hiện từ hư đem lại. Ví dụ: Nó lại đi Hà Nội. Sự xuất hiện từ lại cho thấy tiền giả định như sau: Trước đó không lâu, nó đã đi Hà Nội.

2.2. Tiền giả định cú pháp (phi từ vựng)

Là tiền giả định do tổ chức cú pháp của phát ngôn tạo ra, không gắn với ý nghĩa của từ. Ví dụ: Anh ta đi lấy thuốc cho vợ. Tiền giả định: Anh ta đã có vợ. Tiền giả định này mất đi, khi từ vợ nằm trong phát ngôn khác, ở vị trí cú pháp khác: Vợ thường được chồng chăm sóc.

2.3. Các loại tiền giả định khác

  • Tiền giả định tồn tại: Khi chúng ta trình bày về một sự vật, hiện tượng nào đó là chúng ta mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của sự vật, hiện tượng đó. Ví dụ: Phát ngôn: Cô sinh viên ấy đang đọc sách. Có tiền giả định tồn tại như sau: tồn tại cô sinh viên, tồn tại sự vật gọi là sách.
  • Tiền giả định đề tài: Đề tài của cuộc thoại trong đó có phát ngôn đang xét là căn cứ để từ đó nhân vật giao tiếp xác định chiếu vật cho các từ ngữ để nắm được ý nghĩa của phát ngôn. Khi hội thoại hay có những câu chứa từ “ấy” đại loại như: Để tớ ấy cho. Từ ấy chỉ hiểu được khi có tiền giả định đề tài. Các câu đố tục giảng thanh phần lớn dựa vào tiền giả định đề tài.
  • Tiền giả định nhấn điểm: Trong một cấu trúc ngôn ngữ, nếu điểm nhấn thay đổi thi tiền giả định cũng thay đổi. Ví dụ: Hôm qua, BÁC về quê à? Tiền giả định: Hôm qua, nhà này có người về quê. HÔM QUA, bác về quê à? Tiền giả định: Bác đã về quê. Hôm qua, bác VỀ QUÊ à? Tiền giả định: Hôm qua, bác đi đâu đó.

2.4. Các từ ngữ hay kết cấu báo hiệu tiền giả định trong phát ngôn: nút bấm tiền giả định (Kartunen, dẫn theo Đỗ Hữu Châu).

  1. Miêu tả xác định John nhìn thấy (không nhìn thấy) người có hai đầu. pp’: tồn tại người có hai đầu.
  2. Động từ thực tồn Hồng tiếc (không tiếc) rằng đã đến nhà Thắng, pp’: Hồng đã đến nhà Thắng. (biết, nhận thấy, lãnh đạm với, thờ ơ với, buồn vì…)
  3. Động từ chỉ sự biến đổi trạng thái John thôi (không thôi) đánh vợ. pp’: John đánh vợ. (ngừng, bắt đầu, kết thúc, tiếp tục…)
  4. Từ ngữ chỉ sự lặp lại John phạm (không phạm) sai lầm nữa. pp’: John đã phạm sai lầm. (lại, lần nữa, trở lại…)
  5. Động từ đánh giá phán xét Hồng trách (không trách) Thắng không giữ lời. pp’: Đối vói Hồng, không giữ lời là xấu. (lên án, phê bình, buộc tội, khen, chê v.v…)
  6. Kết cấu thời gian Trước khi anh ta đến, mọi người đã có mặt đông đủ. pp’: Anh ta đã đến. (sau khi, trong khi, từ khi…)
  7. Câu tách biệt Chính (không phải) là anh ta đã lấy quyển sách, pp’: Có người nào đó lấy quyển sách.
  8. So sánh Thắng cao (không cao) cờ hơn Thiết, pp’: Thiết cao cờ.
  9. Thành phần giải thích Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, là (không phải là) một thành phố lớn. pp’: Hà Nội là thủ đô của Việt Nam.
  10. Câu ghép điều kiện không hiện thực Nếu anh nghe lời tôi thì đâu đến nỗi. pp’: Anh không nghe lời tôi.