GIÁO TRÌNH DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC- Chương 5 phần 1
NGỮ DỤNG HỌC (DỤNG HỌC)
1 GIAO TIẾP
I- TÍN HIỆU VÀ BA BÌNH DIỆN CỦA TÍN HIỆU
Ngôn ngữ có bản chất tín hiệu. Người đầu tiên nhận ra và phát biểu về ngôn ngữ con người như một hệ thống tín hiệu là F. de Saussure. Ngôn ngữ tự nhiên chỉ là một trong số các hệ thống tín hiệu với những độ phức tạp khác nhau như: hệ thống tín hiệu giao thông, ngôn ngữ nhân tạo logic, ngôn ngữ toán học, tin học, lập trình, ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật (âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc…), hệ thống giao tiếp của động vật. Khoa học nghiên cứu về các hệ thống tín hiệu gọi là tín hiệu học/ semiology. Mục đích của tín hiệu học là hình thành lí thuyết đại cương về tín hiệu trong tất cả các hình thức thể hiện của chúng. Phải nói thêm rằng, phôi thai của ngành tín hiệu học được đặt ra từ thời cổ đại. Ngay từ thời đó đã có sự phân biệt tính hai mặt trong bản chất của tín hiệu-mặt biểu đạt và mặt được biểu đạt. Sau này, nhà khoa học người Mĩ C.S. Peirce (1839-1914) là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ tín hiệu học và là người đầu tiên xác định các nguyên tắc chính của tín hiệu học. Nhưng việc hệ thống hoá các cơ sở lí thuyết và phương pháp của tín hiệu học lại thuộc về nhà khoa học người Mĩ C.W. Morris vào đầu thế kỉ XX.
Quá trình tín hiệu hoá (tạo lập tín hiệu) trong các trường hợp cụ thể rất đa dạng: tạo phát ngôn, nhìn sang người khác lắc đầu, học sĩ vẽ tranh, tặng hoa cho bạn để biểu thị sự ngưỡng mộ v.v… Bỏ qua sự đa dạng về chi tiết, quá trình tín hiệu hoá có chung một cấu trúc, gồm ba phần:
- Phương tiện tín hiệu (cái biểu đạt): sự vật hoặc hiện tượng có tư cách tín hiệu;
- Cái được biểu đạt: cái được tín hiệu chỉ ra hoặc biểu thị;
- Người tạo lập hoặc người sử dụng: người dùng tín hiệu.
Từ nhận định này, tín hiệu học phân biệt ba dạng quan hệ (ba bình diện của tín hiệu):
- Kết học: quan hệ giữa tín hiệu với tín hiệu (a) trong hệ thống (từ tín hiệu đèn xanh đến đèn đỏ); (b) trong cấu tạo của tín hiệu phức tạp (ví dụ, quan hệ giữa các hoạt động trong một buổi lễ: buổi lễ được thực hiện ra sao nhờ các hoạt động nào như lễ rước dâu, đám cưới, đám ma…);
- Nghĩa học: quan hệ của tín hiệu với cái được biểu đạt;
- Dụng học: quan hệ của tín hiệu với người dùng.
Ba dạng quan hệ của tín hiệu trong ngôn ngữ được nghiên cứu tương ứng bởi các phân môn của Ngôn ngữ học: Cú pháp học, Ngữ nghĩa học và Ngữ dụng học.
II- HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP VÀ CÁC NHÂN TỐ GIAO TIẾP
Ngôn ngữ có nhiều chức năng, song một trong những chức năng quan trọng của ngôn ngữ là phục vụ xã hội với tư cách là phương tiện giao tiếp, về bản chất, nghiên cứu ngôn ngữ trong quan hệ với người dùng là nghiên cứu ngôn ngữ trong hoạt động thực hiện chức năng giao tiếp ở các tình huống giao tiếp cụ thể.
1. Khái niệm hoạt động giao tiếp
Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là sự tiếp xúc giữa con người (nhóm người) với con người (nhóm người), trong đó diễn ra sự trao đổi thông tin (hiểu rộng), đồng thời thể hiện thái độ, cách đánh giá, cách ứng xử của các nhân vật giao tiếp đối với nội dung và hình thức giao tiếp giữa các nhân vật giao tiếp với nhau.
Ví dụ, phân tích phát ngôn sau: Nam ơi, hôm nay, có lẽ trời mưa đấy mày ạ.
Qua phát ngôn trên, người nói muốn thông tin đến người nghe nội dung “Hôm nay, trời mưa”. Bên cạnh đó, người nói thể hiện thái độ chưa tin tưởng cao đối với nội dung thông tin và thái độ đối với người nghe (thân mật).
2. Các nhân tố của hoạt động giao tiếp
Trong bất kì hoạt động giao tiếp nào cũng có mặt các nhân tố sau:
2.1 Nhân vật giao tiếp (thoại nhân) là những người tham gia vào quá trình giao tiếp. Các nhân vật giao tiếp được chia thành hai phía: người nói (kí hiệu là: Sp1) và người nghe (kí hiệu là: Sp2).
– Tất cả các nhân vật giao tiếp, kể cả Sp1 và Sp2 đều có ảnh hưởng nhất định đến hình thức và nội dung giao tiếp. Một mặt, ta có thể thấy rõ rằng, hình thức và nội dung giao tiếp là do Sp1 chủ động lựa chọn: nói gì, viết gì là do Sp1 tự quyết định tuỳ theo mục đích giao tiếp đặt ra. Song, hoạt động giao tiếp không phải là một hoạt động đơn phương mà là một hoạt động xã hội (có sự cộng tác của Sp2) do đó, Sp1 không thể độc lập hoàn toàn trong việc lựa chọn hình thức và nội dung giao tiếp. Chẳng hạn, để không cho một em bé ra ngoài đường chơi ta có thể mang “ông áo ộp” ra để dọạ: Không nên ra ngoài đó, ngoài đó có ông áo ộp to lắm. Ông ấy bắt đấy! Nhưng ta không thể mang nội dung đó để nói với một người lớn.
Như vậy, hình thức và nội dung giao tiếp bị chi phối cả từ hai phía, không chỉ từ phía Sp1 mà còn cả từ phía Sp2. Khi giao tiếp, người phát không thể thích gì nói nấy mà phải chú ý đến các đặc điểm của người nhận như: đặc điểm lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vị trí xã hội… (Thực tế cho thấy những đối tượng giao tiếp khác nhau có những mối quan tâm đến các nội dung khác nhau, và cũng ưa những cách thức diễn đạt khác nhau.)
– Ngoài việc chú ý đến các đặc điểm của người nhận, khi lựa chọn nội dung và hình thức giao tiếp, người nói còn bị chi phối bởi quan hệ giữa người nói và người nghe (quan hệ liên cá nhân- tương tác).
Quan hệ liên cá nhân giữa các nhân vật giao tiếp được xác định theo hai trục quan hệ: quan hệ quyền uy và quan hệ thân sơ.
Xét về quan hệ quyền uy, giữa các nhân vật giao tiếp có thể có:
- Quan hệ ngang vai: quan hệ giữa những người có tuổi tác, vị thế trong gia đình, xã hội bình đẳng với nhau. Ví dụ như quan hệ bạn bè.
- Quan hệ không ngang vai: quan hệ giữa những người có tuổi tác, vị thế trong gia đình, xã hội không bình đẳng với nhau. Quan hệ không ngang vai được chia tiếp thành: (1) Quan hệ dưới vai là quan hệ giữa người phát có tuổi tác, vị thế trong gia đinh, xã hội thấp hơn người nghe. Ví dụ như: quan hệ giữa con cái trong giao tiếp với bố mẹ, ông bà… hoặc học sinh, sinh viên với thầy cô giáo… (2) Quan hệ trên vai là quan hệ (ngược lại với quan hệ dưới vai) giữa người phát có tuổi tác, vị thế trong gia đình, xã hội cao hon người nhận.
Xét về quan hệ thân sơ, giữa các nhân vật giao tiếp có thể có quan hệ: thân thiết hoặc xa lạ.
Người nhận trong thực tế giao tiếp rất đa dạng. Xét về số lượng, người nhận có thể là một, nhung cũng có thể là số đông, như cuộc nói chuyện trước một tập thể, chẳng hạn. Xét về chủ hướng của người nói, cần phân biệt người nhận đích thực với người nhận nói chung. Một cuộc nói chuyện trước một tập thể, hoặc trước nhiều người, có thể tất cả những người có mặt đều là người nhận đích thực, nhưng cũng có thể chỉ có một người là người nhận đích thực. Hoặc, có những trường hợp, người phát dùng lời nói với người này, nhưng lại nhằm tới người khác cũng có mặt trong cuộc giao tiếp đó.
Ví dụ: Một nhóm sinh viên nam đến chơi tại phòng sinh viên nữ. Họ ngồi chơi quá lâu mà chưa có ý định ra về. Một bạn nữ (A) nói với một bạn nữ khác (B): – Hôm qua, bọn này đi ăn ốc về khuya, không vào được phải trèo tường đấy. Nghe vậy, một bạn nam (X) nói với một bạn nam khác (Y) – Thôi đi về đi. Không ăn ốc mà phải trèo tường thì cay hơn ớt.
Qua mẩu đối thoại có thể thấy, lời của A nói với B, nhưng thực chất là hướng tới các bạn nam. Các bạn nam mới là những người nhận đích thực. Tương tự, câu thứ hai trong lời của X, thực chất là hướng tới A.
Xét đặc điểm người nhận, còn có thể phân biệt người nhận có mặt (trực tiếp) và người nhận không có mặt (gián tiếp). Điển hình của cuộc giao tiếp không có mặt người nhận là giao tiếp bằng hình thức viết. Sự có mặt/ không có mặt của người nhận cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giao tiếp: khi người nhận không có mặt, người phát chủ động nhiều hơn trong việc trình bày nội dung đã định mà không lo người nhận có những phản ứng tức thời làm cho cuộc giao tiếp có thể bị đổi hướng, có thể thay đổi cả mục đích giao tiếp (vốn do người phát thiết lập ban đầu, nhất là trong các giao tiếp có cấu trúc). Xét về vai trò của người nhận trong cuộc giao tiếp, có người nhận tích cực và người nhận tiêu cực. Người nhận tiêu cực là người nhận giữ vai trò người nhận trong suốt cuộc giao tiếp, nghĩa là giao tiếp chỉ diễn ra một chiều. Người nhận tích cực là người nhận có tương tác, có tham gia giao tiếp, luôn thay đổi vai trở thành người phát, nghĩa là giao tiếp diễn ra hai chiều.
2.2 Nội dung giao tiếp là hiện thực, hoặc ý tưởng gắn với thế giới thực, được các nhân vật giao tiếp đưa vào cuộc giao tiếp.
Để giao tiếp diễn ra một cách bình thường, dễ đạt được mục đích đặt ra, các nhân vật giao tiếp phải có những hiểu biết nhất định về thế giới thực, khởi nguồn cho nội dung giao tiếp. Một phát ngôn có thể không hiểu được nếu người nhận không biết phát ngôn đó phản ánh về khía cạnh nào của thế giới thực.
Ví dụ: Hôm qua, mẹ bạn Nam mua về một con mèo màu xanh rất đẹp.
Cụm từ “Con mèo màu xanh” có thể khó hiểu, nếu người nhận không xác định được mảng hiện thực được nói đến là thế giới các đồ vật nhân tạo (con mèo đồ chơi).
Thế giới thực tồn tại độc lập bên ngoài các nhân vật giao tiếp. Người phát trước khi giao tiếp phải có quá trình nhận thức thực tế. Thông thường thì chúng ta không thể có một nhận thức đầy đủ về toàn bộ thực tế khách quan, mà chỉ quan tâm đến những điều cần thiết đối với bản thân. Do vậy, mà thực tế khách quan khi trở thành nội dung giao tiếp, về thực chất là những hiểu biết chủ quan của người phát về nó, là hiện thực với người phát, được cho rằng cũng là hiện thực với người nhận. Câu chuyện Thầy bói xem voi là một ví dụ điển hình minh hoạ cho điều này.
Mặt khác, người nhận, độc lập với người phát cũng có những nhận thức nhất định về hiện thực khách quan mà người phát đưa vào giao tiếp, nên người nhận hoàn toàn đủ khả năng, theo ý mình, đánh giá những thông tin của người phát. Điều đó đòi hỏi người phát phải có sự cần nhắc kĩ lưỡng trước khi chọn nội dung giao tiếp.
2.3 Tiền giả định giao tiếp
Bất kì một hoạt động giao tiếp nào cũng diễn ra trong bối cảnh tự nhiên và xã hội nhất định. Tổng thể các đặc điểm tự nhiên và xã hội của một dân tộc, một cộng đồng làm thành tiền giả định giao tiếp. Tiền giả định giao tiếp tồn tại dưới dạng những hiểu biết, những kinh nghiệm về thế giới tự nhiên và xã hội, là yếu tố hiện thực, có trước hoạt động giao tiếp trong tư duy người phát, người nhận.
Tiền giả định giao tiếp, tuy không tham gia trực tiếp vào giao tiếp nhưng vốn hiểu biết chung, điểm chung trong hiện thực giữa các nhân vật giao tiếp về nó, càng nhiều càng tốt, là điều kiện để cho một cuộc giao tiếp có thể được tiến hành bình thường.
Xem ví dụ: (Sp1) Thầy giáo: – Ai là người lấy cắp nỏ thần của An Dưong Vương. (Sp2) Học sinh: – Thưa thầy, không phải em ạ!
Cái cười trong ví dụ trên được tạo ra, nhờ vào sự không đồng nhất về tiền giả định giao tiếp.
Mặt khác, có được tiền giả định giao tiếp chung, các nhân vật giao tiếp có thể lược bỏ rất nhiều nội dung không cần thiết trong giao tiếp.
Đồng thời nếu các nhân vật giao tiếp không chấp nhận tiền giả định giao tiếp, thì một nội dung giao tiếp khó có thể diễn đạt đầy đủ bằng lời được.
Ví dụ: Bác sĩ: – Mời anh ngồi. Bệnh nhân: – Tại sao ông lại tước quyền đứng của tôi. Bác sĩ: – Mời anh uống nước! Bệnh nhân: – Ông nói như thế là rất phiến diện, không phải nước nào cũng uống được. Bác sĩ: – Hôm nay, thời tiết tốt thật. Bệnh nhân: – Ông nói thế lại không phải rồi. Thời tiết ở chỗ ông tốt không có nghĩa là thời tiết trên toàn thế giới đều tốt. Ông không thấy ở Bắc Cực băng đang tan à.
Không có tiền giả định giao tiếp chung thì một lời nói phát ra, dù chữ nghĩa được dùng rất rõ ràng, nhưng cũng trở nên khó hiểu.
Tóm lại, tiền giả định giao tiếp tuy không tham gia trực tiếp vào giao tiếp, nhưng là cơ sở để các nhân vật giao tiếp phát ra lời này hay lời kia trong giao tiếp.Như vậy, ở phía người phát, sẽ chủ động được sự thành công của giao tiếp nếu có tiền giả định giao tiếp rộng lớn, còn nếu không, giao tiếp thành công sẽ bị động, phụ thuộc vào người nhận.
2.4 Môi trường giao tiếp
Các cuộc giao tiếp diễn ra ở một nơi chốn cụ thể (không gian), trong một thời gian xác định. Các đặc điểm về thời gian, không gian của một hoạt động giao tiếp làm nên môi trường giao tiếp. Môi trường giao tiếp, khác với tiền giả định giao tiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức và nội dung giao tiếp. Có thể minh chứng điều này qua các ví dụ sau: cùng một nội dung giao tiếp, nhưng chúng ta sẽ dùng các hình thức diễn đạt khác nhau trong những môi trường giao tiếp khác nhau, ở nhà khác với ở quán cà phê hoặc ờ nhà hàng xóm v.v… Hoặc ở quán cà phê, chúng ta sẽ lựa chọn nhũng nội dung giao tiếp khác với nơi công cộng như nhà ga, bến tàu, xe… Các không gian chung thế này sẽ được mỗi cộng đồng gán cho các hình thức giao tiếp, tuy lỏng lẻo, nhưng cũng có các đặc trưng nhất định. Thời gian cũng có những quy ước chung cho công việc, học tập, giải trí…, có ảnh hưởng đến hình thức giao tiếp.
2.5 Phương tiện và kênh giao tiếp là hệ thống tín hiệu (ở đây là ngôn ngữ) mà các nhân vật giao tiếp sử dụng trong quá trình giao tiếp.
Hệ thống tín hiệu được sử dụng thường xuyên nhất là ngôn ngữ. Việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp phải tuân theo những quy tắc chung được cộng đồng chấp nhận tại thời điểm giao tiếp. Tập họp các quy tắc chung tại một thời điểm nào đó được gọi là chuẩn ngôn ngữ. (Như vậy, nói đến chuẩn ngôn ngữ, phải nói đến hai tính chất cơ bản là tính cộng đồng và tính lịch sử). Các cá nhân khi giao tiếp phải tuân theo chuẩn nếu không hiệu quả giao tiếp khó mà đạt được như mong muốn. Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp là chủ yếu, các nhân vật giao tiếp thường sử dụng kết họp các phương tiện phi ngôn ngữ khác nhau cử chỉ, điệu bộ … khi giao tiếp nói, các kí hiệu khoa học, bảng biểu, sơ đồ … khi giao tiếp viết. Chú ý đến các phương tiện phi ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng đối với việc lĩnh hội lời nói của người khác. Chẳng hạn, qua điệu bộ, cử chỉ, người nhận có thể nắm bắt được ý nghĩa chân thực của lời đề nghị, lời khen v.v.. Ngược lại, việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ một cách hợp lí làm cho lời nói của người phát trở nên sinh động, thú vị. Tuy nhiên việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ cần được chú ý đối với các nhân vật giao tiếp khác nhau, đặc biệt là khi họ thuộc các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo… khác nhau. Vì giá trị của cử chỉ ở mỗi cộng đồng văn hoá có thể được tiếp nhận mỗi khác. Có thể lấy câu chuyện sau làm ví dụ: một du khách người Mĩ đến Buenos Aires, được bạn ra tận phi trường đón và chở về tới khách sạn, anh ta vẫy tay chào tạm biệt khi người bạn lái xe đi. Và anh ta rất ngạc nhiên khi thấy người bạn của anh ta dừng lại, xuống xe và quay lại hỏi là anh ta cần gì. Có sự hiểu nhầm đó là do vẫy tay có thể có những giá trị khác nhau ớ mỗi nền văn hoá: vẫy tay chào tạm biệt kiểu Mĩ nhưng ở Argentina có thể được hiểu là “Ê! Quay lại”.
Bên cạnh việc sử dụng các phương tiện giao tiếp khác nhau, các nhân vật giao tiếp phải chú ý đến kênh giao tiếp-môi trường truyền âm thanh trong giao tiếp để có những cách nói phù hợp, giảm tối đa sự “nhiễu” để giao tiếp đạt hiệu quả. cần chú ý đến những kênh giao tiếp như điện thoại, điện báo… đòi hỏi những cách giao tiếp riêng. Hiểu biết về các quy tắc sử dụng ngôn ngữ trong các lĩnh vực, môi trường khác nhau có ý nghĩa quan trọng trong giao tiếp bằng ngôn ngữ.
2.6 Đích giao tiếp là ý đồ, ý định mà các nhân vật giao tiếp đặt ra trong một cuộc giao tiếp nhất định, với nội dung nhất định. Đích giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động giao tiếp, nó chi phối gần như toàn bộ việc lựa chọn các yếu tố còn lại, toàn bộ cách thức tiến hành giao tiếp.
Có thể minh họa tầm quan trọng của đích giao tiếp và ảnh hưởng của nó đến các yếu tố khác trong hoạt động giao tiếp như sau:
Trong sự phát triển tự nhiên, con người trước khi làm một việc gì đó đều phải đặt ra mục đích của mình, nói cách khác, khi định làm việc gì đó con người phải trả lời câu hỏi: Làm việc đó để làm gì? Giao tiếp cũng vậy. Các nhân vật giao tiếp, khi chọn nội dung nào đó để đưa vào giao tiếp, cũng đều (nên) xuất phát từ đích giao tiếp mà họ muốn đạt được. Chẳng hạn để bộc lộ một cuộc sống nghèo nàn cơ cực của người nông dân trong xã hội cũ, Nam Cao đã chọn những chi tiết: … Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cái mặt hốc hác, và màu da đã xanh lại xanh thêm. Mái tóc dài quá xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ đáng sợ của con ma đói… (Nam Cao)
Ngược lại, để bộc lộ tinh thần lao động hăng say, vẻ đẹp của con người trong lao động, thì nội dung đưa vào giao tiếp lại bao gồm những chi tiết khác hẳn: … Mười tám tuổi, ngực nở vòng cung, da đỏ như lim, bắp tay bắp chân rắn như trắc gụ. Vóc cao, vai rộng, người đứng thẳng như cái cột đá trời trồng. … (Ma Văn Kháng)
Như vậy, chọn mảng hiện thực nào trong thế giới (ý tưởng) để đưa vào nội dung giao tiếp là do mục đích giao tiếp chi phối, quyết định.
Từ mục đích được đặt ra trong giao tiếp, chọn một nội dung giao tiếp phù hợp, người phát bắt đầu lập một chiến lược giao tiếp: với ai? trong hoàn cảnh nào? bằng phương tiện giao tiếp nào?
Chẳng hạn, với mục đích xin việc làm, xin chuyển đổi công tác… chúng ta sẽ chọn cho mình một nội dung phù hợp (để làm lí do xin việc, lí do xin chuyển đổi công việc…); sau đó sẽ tiến hành việc lựa chọn nhân vật giao tiếp mà mình cảm thấy dễ tiếp cận nhất, nhanh chóng đạt hiệu quả nhất (trưởng phòng tổ chức, giám đốc, các phó giám đốc v.v…); và tương tự, hoàn cảnh giao tiếp cũng sẽ được lụa chọn sao cho thích họp nhất (đến nhà, đến cơ quan, ra quán hoặc tạo tình huống gặp bất ngờ trên đường…; vào buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối v.v…); phương tiện giao tiếp cũng được lựa chọn một cách phù hợp.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các yếu tố giao tiếp đều chỉ phụ thuộc vào mục đích giao tiếp. Ngoài bị chi phối bởi mục đích giao tiếp, các yếu tố giao tiếp còn chi phối lẫn nhau. Sự ảnh hưởng qua lại giữa các yếu tố giao tiếp được thế hiện qua mô hình sau:
Qua sơ đồ, ta thấy:
- Các yếu tố của hoạt động giao tiếp có ảnh hưởng qua lại, tác động lẫn nhau và đều ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp.
- Trong các yếu tố giao tiếp, đích giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất, yếu tố trung tâm, bởi giao tiếp đạt được yếu tố đó thì mới gọi là giao tiếp đạt hiệu quả.
Toàn bộ những hiểu biết của nhân vật giao tiếp về các nhân tố trên làm thành tri thức nền (background) của một cuộc giao tiếp.
III- CÁC QUÁ TRÌNH CỦA HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP- DIỄN NGÔN
1. Các quá trình của hoạt đông giao tiếp
Trong giao tiếp, để đạt được đích giao tiếp và truyền tải một nội dung nào đó đến người nhận, người phát phải lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ, sắp đặt chúng theo những quy tắc nhất định (quá trình mã hóa hay quá trình tạo lập diễn ngôn); sản phẩm được người phát mã hóa trong giao tiếp được gọi là diễn ngôn (hay ngôn bản); người nhận, ngược lại, tiếp nhận và lí giải diễn ngôn để suy ra nội dung và mục đích giao tiếp của người phát (quá trình giải mã hay quá trình lĩnh hội diễn ngôn), từ đó có quyết định ứng xử thích hợp.
Các nhân tố giao tiếp nói trên có ảnh hưởng to lớn đến cả quá trình tạo lập diễn ngôn và lĩnh hội diễn ngôn. Một mặt, người phát, phải căn cứ vào mục đích giao tiếp và các nhân tố giao tiếp khác để có diễn ngôn thích hợp. Chẳng hạn, trước một lời mời của bạn nam: Sp1: – Vào ăn bún nhé!, một bạn nữ, tùy vào quan hệ tình cảm giữa hai người có thể lựa chọn các cách hồi đáp khác nhau: Sp2: – Thôi, đi ăn phở / Ứ ừ, phở cơ hay Mình không thích ăn bún / Em không thích bún v.v..
Người nhận, ngược lại, từ diễn ngôn và các nhân tố giao tiếp, phải giải mã và tìm đến được đúng đích (nội dung- ý tưởng) giao tiếp của người phát. Một diễn ngôn (có hình thức không thay đổi) được những người khác nhau, phát ra trong các tình huống giao tiếp khác nhau, cần được giải mã khác nhau vì chúng có thể có những giá trị khác nhau. Chẳng hạn: Hay nhỉ! có thể hiểu là khen ngợi, khuyến khích, khi đó là hai người bạn nói chuyện với nhau, nhưng cũng có thể hiểu đó là lời phê bình, chẳng hạn trong tình huống mà một người bố nói với con, còn bé, trong khi nghịch đã gây ra cái gì đó ảnh hưởng đến người bố.
2. Diễn ngôn
2.1. Câu và phát ngôn/ utterance
Câu là đơn vị ngôn ngữ do các từ ngữ kết hợp với nhau theo những quy tắc ngữ pháp nhất định, biểu thị một nội dung tương đối trọn vẹn, có chức năng thực hiện một hành động ngôn ngữ.
Khi các nhân vật giao tiếp sử dụng câu vào một hoạt động giao tiếp cụ thể được gọi là phát ngôn. Như vậy, câu là đơn vị của ngôn ngữ tách rời khỏi hoàn cảnh sử dụng cụ thể, còn phát ngôn là đơn vị của lời nói, được sử dụng theo các đặc điểm của tình huống giao tiếp cụ thể.
Ví dụ, câu: Hoa nở rồi! do nhiều người phát ra ở các tình huống giao tiếp khác nhau có thể biểu thị “những bông hoa” cụ thể khác nhau, với những biểu hiện “nở” khác nhau, và được dùng với những mục đích bộc lộ khác nhau: vui mừng, đánh trống lảng, gây chú ý v.v.. Mỗi lần dùng cụ thể như vậy, ta có một phát ngôn. Nói cách khác, phát ngôn là sự hiện thực hóa câu trong giao tiếp.
2.2. Diễn ngôn
2.2.1 Khái niệm
Theo sự phân biệt câu và phát ngôn như trên, diễn ngôn được hiểu tập họp gồm một hoặc nhiều phát ngôn, có tính liên kết, thống nhất về đích và nội dung giao tiếp được tạo ra trong hoạt động giao tiếp.
Diễn ngôn có thể liên tục hoặc ngắt quãng. Ví dụ, một bài văn, một bài viết, một bài giảng, bài nói chuyện… là những diễn ngôn liên tục; những diễn ngôn đối thoại, thảo luận, tranh luận… thường là những diễn ngôn bị ngắt quãng – không có sự liên tục từ đầu đến cuối bị các diễn ngôn khác xen vào.
Diễn ngôn có thể tồn tại ở hai dạng: nói và viết.
2.2.2 Các thành phần của diễn ngôn
Diễn ngôn có hình thức và nội dung.
i) Hình thức của diễn ngôn là chuỗi các yếu tố ngôn ngữ (và cả những yếu tố phi ngôn ngữ được dùng kèm) được lựa chọn và sắp xếp theo những quy tắc nhất định, ứng với nội dung mà người phát muốn chuyển đến người nhận.
ii) Nội dung của diễn ngôn
Trở lại ví dụ: Nam ơi, hôm nay có lẽ trời mưa đấy mày ạ. Như đã phân tích ở trên, thông qua phát ngôn này, Sp1 muốn thông tin đến Sp2 “Hôm nay, trời mưa”, đồng thời Sp1 thể hiện mức độ tin tưởng vào nội dung thông tin và thái độ ứng xử đối với Sp2. Như vậy, trong phát ngôn có phần nội dung thông tin và phần nội dung liên quan đến thái độ, cách ứng xử, mục đích phát ngôn. Do được cấu tạo từ các phát ngôn, nên nội dung của diễn ngôn cũng có hai thành phần cơ bản:
- Nội dung thông tin, (còn gọi là nội dung sự vật, nội dung miêu tả, nội dung mệnh đề), là thành phần nội dung phản ánh sự việc, hiện tượng (ý tưởng) trong thế giới. Nội dung thông tin của diễn ngôn có thể đánh giá được tiêu chí đúng – sai.
- Nội dung tình thái (quan hệ nhân sinh-interpersonal) là thành phần nội dung của diễn ngôn còn lại sau khi trừ đi nội dung thông tin. Nội dung tình thái khá đa dạng, có thể kể đến ba loại tình thái trong diễn ngôn như sau: (1) tình thái thái độ đối với nội dung thông tin, (2) tình thái quan hệ cá nhân giữa những người giao tiếp, và (3) tình thái mục đích diễn ngôn.
Các thành phần nội dung của diễn ngôn có quan hệ với mục đích của diễn ngôn. Diễn ngôn được tạo lập để phục vụ cho hoạt động giao tiếp. Mục đích của diễn ngôn chính là mục đích giao tiếp. Một ngày, mỗi người giao tiếp rất nhiều lần, mỗi lần một mục đích cụ thể, không giống nhau. Do đó, khó có thể thống kê được đầy đủ mục đích giao tiếp trong đời sống. Tuy nhiên, để tiện cho nghiên cứu, người ta thường nói đến các mục đích khái quát của giao tiếp, dựa vào các chức năng giao tiếp. Cụ thể: (1) Chức năng thông tin (tác động vào nhận thức); (2) Chức năng bộc lộ (tác động vào cảm xúc); (3) Chức năng hành động (tác động vào hành động); (4) Chức năng tạo lập, duy trì và phá vỡ quan hệ; và (5) Chức năng giải trí.
Trong số các chức năng đó, chức năng thông tin liên quan đến thành phần nội dung thông tin của diễn ngôn, các chức năng còn lại liên quan đến thành phần nội dung tình thái của diễn ngôn.
IV- NGỮ DỤNG HỌC VÀ CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA NGỮ DỤNG HỌC
1. Định nghĩa Ngữ dụng hoc
Ngữ dụng học là một bộ môn khoa học còn trẻ, so vói các bộ môn khác của Ngôn ngữ học. Ngữ dụng học ra đời khoảng những năm giữa của thế kỉ XX, trải qua một giai đoạn nghiên cứu triết học và thực sự được giới Ngôn ngữ học quan tâm vào những năm 70 -80 của thế kỉ XX. Mặc dù có lịch sử chưa dài, song Ngữ dụng học đã có những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một định nghĩa nhất quán về bộ môn này. Để tránh những khó khăn trong quá trình tìm hiểu về Ngữ dụng học, giáo trình này định nghĩa về Ngữ dụng học như sau:
Ngữ dụng học là một bộ môn của Ngôn ngữ học, nghiên cứu việc sử dụng ngôn ngữ (bao gồm cả quá trình tạo lập và quá trình lĩnh hội diễn ngôn) trong mối quan hệ với các nhân tố giao tiếp.
Tất cả các nhà khoa học đều khẳng định Ngữ dụng học là một bộ môn của Ngôn ngữ học. Song, Ngữ dụng học nằm ở vị trí nào, và có mối quan hệ như thế nào với các bộ môn khác của ngôn ngữ học, cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Để xác định vị trí của Ngữ dụng học trong tương quan với các bộ môn của ngôn ngữ học truyền thống, có thể dựa vào sự phân biệt ngôn ngữ và lời nói của F. de Saussure. Theo đó, dễ dàng nhận thấy, các đơn vị của ngôn ngữ tồn tại ở hai trạng thái: tĩnh (trong hệ thống) và động (trong sử dụng). Các bộ môn ngôn ngữ học truyền thống: ngữ âm-âm vị học, từ vựng-ngữ nghĩa học, ngữ pháp học có thể nói là các bộ môn chủ yếu nghiên cứu về các bộ phận của ngôn ngữ ở trạng thái tĩnh. Và, ngữ dụng học, theo định nghĩa trên đây, là bộ môn nghiên cứu các đơn vị của ngôn ngữ ở trạng thái động. Có thể hình dung mối quan hệ của ngữ dụng học với các bộ môn truyền thống của ngôn ngữ học như sau:
2. Nội dung chính của Ngữ dụng học
Ngữ dụng học có các nội dung chính như sau:
- Chiếu vật
- Hành động ngôn ngữ
- Lí thuyết lập luận
- Lí thuyết hội thoại
- Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn
2 CHIẾU VẬT (QUY CHIẾU)
I. HÀNH ĐỘNG CHIẾU VẬT
1. Khái niệm về hành động chiếu vật
Hoạt động giao tiếp gồm hai quá trình: quá trình tạo lập diễn ngôn (mã hoá) và quá trình lĩnh hội diễn ngôn (giải mã). Ở quá trình tạo lập diễn ngôn, người phát, xuất phát từ các sự vật, hiện tượng trong thế giới (nhận thức về chúng và hình thành nên nội dung giao tiếp về chúng) chọn lựa các yếu tố ngôn ngữ đủ để trong quá trình tiếp nhận, người nhận (tù các yếu tố ngôn ngữ) suy ra được sự vật, hiện tượng được nói đến trong diễn ngôn, từ đó hiểu được diễn ngôn.
Ví dụ: (1) Sp1: Huyền, Nam đến tìm mày đấy ? (2) Sp2: Nam nào cơ ? (3) Sp1: Nam lớp mình chứ Nam nào. (4) Sp2: Lớp mình có 2 Nam cơ mà. (5) Sp1: À, Nam cận ấy. (6) Sp2: Thế nó tìm tao có việc gì ? (7) Sp1: Tao cũng không biết, nó bảo chốc quay lại.
Trong đoạn hội thoại trên, Sp2 căn cứ vào từ Nam trong phát ngôn (1) của Sp1 chưa suy ra được Sp1 nói đến Nam nào, do vậy mà chưa hiểu đầy đủ được diễn ngôn của Sp1. Sp2, phải nhờ đến các từ ngữ khác – Nam lớp mình (trong phát ngôn 3), cận (trong phát ngôn 4) mới suy ra được Sp1 nói đến Nam nào.
Ý tưởng được nói đến trong diễn ngôn là cái đã biết đối với người phát nhưng là cái chưa biết đối với người nhận. Người nhận suy ra ý tưởng đó nhờ vào các yếu tố ngôn ngữ có trong diễn ngôn. Hành động như vậy là hành động chiếu vật.
Như vậy, hành động chiếu vật là hành động dựa vào các yếu tố ngôn ngữ (các tín hiệu ngôn ngữ) trong diễn ngôn để suy ra ý tưởng được diễn ngôn diễn đạt trong một hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Các yếu tố ngôn ngữ có ý nghĩa chiếu vật được gọi là biểu thức ngôn ngữ chiếu vật. Một biểu thức ngôn ngữ trong các cuộc giao tiếp khác nhau sẽ có khả năng chiếu vật, tức có những ý nghĩa chiếu vật khác nhau.
Ví dụ: Mặt trời của bắp thì nằm trên núi. Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng. (Nguyễn Khoa Điềm) Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng. Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. (Viễn Phương). Cùng một biểu thức ngôn ngữ mặt trời, nhưng trong các câu thơ trên, nó tương ứng với các sự vật khác nhau.
2. Vai trò của chiếu vật
Chiếu vật là điều kiện để hiểu được phát ngôn. Một phát ngôn chứa những từ ngữ quen thuộc nhưng có thể không hiểu được nếu người nhận không biết những từ ngữ được sử dụng quy chiếu vào điều gì (không giải mã được).
Chiếu vật hoàn thành mới xác định giá trị đúng / sai của phát ngôn. Nhờ chiếu vật/ quy chiếu, người nhận mới hiểu được phát ngôn và qua đó mới xác định được giá trị đúng / sai của phát ngôn.
3. Hệ quy chiếu
Để chiếu vật có hiệu quả, người nhận phải hiểu được ý tưởng được đưa vào diễn ngôn. Người nhận cần phải xác định rõ diễn ngôn nói về thế giới thực khách quan hay thế giới tinh thần, thế giới tự nhiên hay thế giới xã hội, và các mảng thế giới khác hơn nữa: thế giới nghệ thuật, thế giới nhận thức v.v…
4. Các loại chiếu vật
4.1. Chiếu vật ngoại chỉ và chiếu vật nội chỉ
- Chiếu vật ngoại chỉ Khi thực hiện hoạt động chiếu vật, người nhận phải hướng tới các sự vật, hiện tượng ngoài diễn ngôn. Hành động như vậy gọi là chiếu vật ngoại chỉ.
- Chiếu vật nội chỉ Ngược lại với chiếu vật ngoại chỉ, hoạt động chiếu vật nội chỉ không đòi hỏi người nhận phải hướng từ diễn ngôn ra thế giới bên ngoài, mà chỉ cần hướng vào nội bộ diễn ngôn, đến các từ ngữ đứng trước hoặc đứng sau (trừu tượng hoá, thế giới tinh thần, siêu ngôn ngữ…).
4.2. Hiện tượng đồng chiếu vật
Trong quá trình tạo lập diễn ngôn, để mã hóa bằng ngôn ngữ các ý tưởng, người phát có thể sử dụng các biểu thức ngôn ngữ khác nhau.
Việc sử dụng các biểu thức ngôn ngữ đồng chiếu vật thể hiện cách suy nghĩ, nhận thức khác nhau của người phát về ý tưởng được phản ánh trong diễn ngôn.
Các biểu thức ngôn ngữ đồng chiếu vật, ở mức độ học vấn sâu, thường hay được sử dụng như một thủ pháp ngôn ngữ trong các diễn ngôn để mã hoá các khía cạnh tinh tế của ý tưởng, ví dụ như trong sáng tạo văn học.
5. Các phương thức chiếu vật
Như đã nói ở trên, sự vật, ý tưởng được nói đến là cái đã biết đối với người phát nhưng là cái chưa biết đối với người nhận. Do đó, để người nhận có thể (thông qua các biểu thức ngôn ngữ) suy ra được ý tưởng được nói đến trong diễn ngôn, người phát phải căn cứ vào các đặc điểm của cuộc giao tiếp để xây dựng biểu thức ngôn ngữ phù hợp với khả năng chiếu vật (quy chiếu, hay giải mã) của người nhận sao cho người nhận có thể thực hiện hoạt động chiếu vật (giải mã) thành công.
Cách thức mà người phát dựa vào đó để xây dựng biểu thức ngôn ngữ chiếu vật được gọi là phương thức chiếu vật.
5.1. Phương thức chiếu vật ngoại chỉ
5.1.1. Sử dụng biểu thức chiếu vật tên riêng
5.1.2. Sử dụng biểu thức chiếu vật miêu tả
Miêu tả là nêu ra các đặc điểm của vật, ý tưởng. Chiếu vật bằng miêu tả là sử dụng các từ ngữ miêu tả để giúp người nghe quy chiếu, xác định được sự vật, y tưởng, được nói đến. Biểu thức chiếu vật có sử dụng các từ ngữ nêu đặc điểm của sự vật, ý tưởng được gọi là biểu thức chiếu vật miêu tả.
Các từ làm định ngữ cho danh từ thường vừa có chức năng miêu tả sự vật, vừa có chức năng chiếu vật.
Ý tưởng, sự vật có nhiều đặc điểm, tính chất. Việc đưa bao nhiêu đặc điểm, tính chất của sự vật và đưa đặc điểm, tính chất cụ thể nào vào biểu thức ngôn ngữ chiếu vật là tùy thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, tùy thuộc vào khả năng chiếu vật của người nhận. Song, trong thực tiễn giao tiếp, người ta thường đưa vào biểu thức chiếu vật khoảng 2 đến 3 đặc điểm là nhiều. Rất ít khi có những biểu thức chiếu vật có số lượng đặc điểm của sự vật lớn hơn 3.
Thông thường, người ta sắp xếp các đặc điểm theo trật tự từ chung đến riêng, tức từ các đặc điểm của nhiều sự vật đến đặc điểm của cá thể sự vật.
5.1.3. Sử dụng thêm loại biểu thức ngôn ngữ đồng chiếu vật cho cả 2 phương thức chiếu vật tên riêng và chiếu vật miêu tả
Nên sử dụng cả loại biểu thức ngôn ngữ đồng chiếu vật, người phát, ngoài mục đích giúp người nhận thực hiện hành động chiếu vật, còn có thể để người nhận thấy được những cảm xúc, cách đánh giá cúa mình về ý tưởng được nói đến.
5.1.4. Chiếu vật bằng định vị
i) Khái niệm định vị: Định vị là xác định vị trí của vật được nói tới theo một phương diện nào đó và theo một điểm gốc nào đó để giúp người nhận phân biệt vật đó với các vật khác.
ii) Các phương diện định vị
(1) Định vị ngôi
Trong hoạt động giao tiếp, các nhân vật luôn phiên đổi vai cho nhau: vai người phát và vai người nhận. Định vị ngôi là định vị theo vai giao tiếp theo điểm gốc là người phát. Người phát tự đưa mình vào diễn ngôn thông qua các từ chỉ ngôi thứ nhất và đưa người nhận vào diễn ngôn thông qua các từ chỉ ngôi thứ hai. Các từ ngữ có chức năng xác định sự vật (chủ yếu là người) được noi đến theo vai giao tiếp là những biểu thức ngôn ngữ định vị ngôi.
(2) Định vị không gian
Định vị không gian là chỉ ra vị trí của sự vật trong không gian theo một điểm gốc nào đó. Tùy thuộc vào điểm gốc được chọn để chiếu vật mà có các cách định vị không gian chủ quan hay định vị không gian khách quan.
- Định vị không gian chủ quan
Định vị không gian chủ quan là định vị trong không gian theo điểm gốc là vị trí của người nói. Tiếng Việt sử dụng các từ này, kia dùng để định vị không gian chủ quan của vật. Này chỉ sự vật gần, kia chỉ sự vật xa so với điểm gốc là vị trí của người phát. Gần, xa là phạm trù có tính tương đối, gần là nằm trong phạm vi tầm nhìn hoặc tầm tay, hoặc xa là ở ngoài. Khi người phát nằm trong một không gian lớn hơn như căn phòng, ngôi nhà thì sẽ dùng từ này.
- Định vị không gian khách quan
Điểm gốc còn có thể được xác định theo một vị trí khác ngoài người nói, theo sự tương quan giữa các vật, như trên-dưới; trong-ngoài… Định vị không gian theo tương quan giữa các vật được gọi là định vị không gian khách quan. Biểu thức định vị không gian khách quan có tính chất ổn định hơn so với biểu thức định vị không gian chủ quan.
(3) Định vị thời gian
Định vị thời gian là chỉ ra vị trí của sự vật trong trục thời gian theo một điểm gốc nào đó. Cũng giống như định vị không gian, tùy thuộc vào điểm gốc được chọn để chiếu vật mà có các cách định vị thời gian chủ quan hay định vị thời gian khách quan.
- Định vị thời gian chủ quan
Định vị thời gian chủ quan là định vị thời gian theo thời điểm nói, tức lấy điểm gốc thời gian là thời điểm phát ngôn của người nói. Quá khứ, tương lai là so với thời điểm đó.
- Định vị thời gian khách quan
Định vị thời gian khách quan là định vị thời gian theo điểm gốc thời gian theo lịch đại, không phải là thời điểm phát ngôn.
Biểu thức định vị thời gian khách quan có tính ổn định vì không phụ thuộc vào thời điểm phát ngôn, trong khi đó, biểu thức định vị thời gian chủ quan sẽ thay đổi, khi thời điểm phát ngôn thay đổi.
5.2. Phương thức chiếu vật nội chỉ
Chiếu vật nội chỉ là quy chiếu từ ngữ vào những từ ngữ khác đứng trước hoặc đúng sau chúng trong diễn ngôn.
Biểu thức ngôn ngữ chiếu vật nội chỉ quy chiếu vào những từ ngữ đứng trước nó trong diễn ngôn được gọi là biểu thức chiếu vật hồi chỉ.
Ví dụ: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta.
Biểu thức ngôn ngữ chiếu vật nội chỉ quy chiếu vào những từ ngữ đứng sau nó trong diễn ngôn được gọi là biểu thức chiếu vật khứ chỉ.
3 HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ
I- KHÁI QUÁT VỀ HÀNH ĐỘNG NGỔN NGỮ
Trong đời sống, con người thực hiện nhiều hành động khác nhau như quét nhà, pha nước, đóng bàn, viết v.v.. gọi chung là các hành động vật lí và các hành động tinh thần như: suy nghĩ, tư duy, v.v.. Trong số các hành động của con người có một loại hành động đặc biệt – đó là hành động ngôn ngữ (hay còn gọi là hành động nói, hành vi ngôn ngữ).
Hành động ngôn ngữ là hành động được thực hiện nhờ phương tiện ngôn ngữ. Người đầu tiên phát hiện ra bản chất hành động trong lời nói được phát ra là nhà triết học Austin vào những năm 60 của thế kỉ XX. Lí thuyết về hành động ngôn ngữ trở thành xương sống của Ngữ dụng học và được nhiều nhà khoa học khác tiếp tục nghiên cứu. Theo Austin, hành động ngôn ngữ gồm ba loại lớn: hành động tạo lời, hành động mượn lời và hành động ở lời.
1. Hành động tạo lời (mã hoá ngôn ngữ)
Hành động tạo lời là hành động sử dụng các yếu tố ngôn ngữ và các quy tắc của ngôn ngữ để tạo ra phát ngôn, diễn ngôn với hình thức nhất định và nội dung tương ứng trong một cuộc giao tiếp. Để thực hiện hành động tạo lời, người phát phải nắm chắc hình thức và ý nghĩa của các yếu tố từ vựng và các quy tắc cú pháp.
2. Hành động mượn lời
Hành động mượn lời là hành động phát ra lời nói để nhằm đạt đến một hiệu quả nằm ngoài lời đó, tức mượn phương tiện ngôn ngữ để gây ra một hiệu quả nào đó ngoài ngôn ngữ ở các nhân vật giao tiếp. Ví dụ, nghe một người phàn nàn: Con lợn nhà tôi chết mất rồi có người sẽ tỏ ra thương hại, có người lo lắng cho người chủ, có người thờ ơ, có người sung sướng, vui mừng… Có thể có rất nhiều hiệu quả xuất hiện ở các nhân vật giao tiếp. Chúng rất đa dạng, phụ thuộc nhiều vào các đặc điểm cá nhân của nhân vật giao tiếp như: quê quán, nguồn gốc, nghề nghiệp, tâm lí, xã hội v.v.. Hiệu quả của hành động mượn lời không thể tính hết được. Hiệu lực mà hành vi mượn lời gây ra là hiệu lực mượn lời. Hiệu lực mượn lời không thuộc phạm vi nghiên cứu của ngôn ngữ học.
3. Hành động ở lời
Hành động ở lời (còn gọi là hành động ngôn trung/ illocutionary) là hành động mà người phát thực hiện ngay trong lời nói của mình.
Trong hoạt động giao tiếp bình thường, các phát ngôn kế tiếp nhau của các nhân vật giao tiếp không chỉ liên kết vói nhau về nội dung giao tiếp mà còn phải liên kết với nhau về hành động ở lời¹. Trong giao tiếp, các nhân vật luân phiên thực hiện các hành động ở lời. Chuỗi các hành động ở lời trong giao tiếp có tính quy ước mà quy tắc vận hành của chúng được mọi người trong cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận và tuân theo. Ví dụ, hành động hỏi đòi hỏi được trả lời, đáp lại… hành động yêu cầu, ra lệnh đòi hỏi một hành động nào đó được thực hiện. Hành động ở lời tạo ra các hiệu lực ở lời (còn gọi là lực ngôn trung). Hiệu lực ở lời là đối tượng chính của Ngữ dụng học.
¹Có thể thấy rõ tính liên kết giữa các phát ngôn trong các cuộc giao tiếp tường minh. Đối với những cuộc giao tiếp không tường minh, các phát ngôn, xét về hình thức biểu hiện có thể thiếu tính liên kết về nội dung, về hành động ở lời, nhưng để giao tiếp có thể diễn ra bình thường, các phát ngôn phải được lí giải sao cho giữa chúng có tính liên kết cả về nội dung và hành động ở lời.
4. Thuật ngữ hành động ngôn ngữ
Qua những điều nói trên, có thể thấy thuật ngữ hành động ngôn ngữ được hiểu bao gồm ba loại hành động: hành động tạo lời, hành động mượn lời và hành động ở lời. Song, trong nhiều trường hợp, thuật ngữ hành động ở lời được hiểu hẹp hơn, được dùng để chỉ hành động ở lời. Trong chương này, chúng tôi sẽ dùng thuật ngữ hành động ngôn ngữ theo nghĩa hẹp, đồng nghĩa với thuật ngữ hành động ở lời, bởi lẽ, như đã nói ớ trên, trong số các loại hành động ngôn ngữ, chỉ có hành động ở lời và hiệu lực của hành động ở lời là đối tượng của Ngữ dụng học.
II- PHÂN LOẠI HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ
1. Cấu trúc của phát ngôn
Dưới ánh sáng của lí thuyết về hành động ngôn ngữ, các phát ngôn được phân tích thành 2 phần: (1) Nội dung miêu tả (hay còn gọi là nội dung mệnh đề, nội dung biểu hiện), là phần nội dung trong phát ngôn phản ánh phần ý tưởng được người phát nhận thức và đưa vào phát ngôn; và (2) Hiệu lực ở lời, là hiệu lực do hành động ngôn ngữ được thực hiện đem lại.
Như vậy, công thức của một phát ngôn như sau (theo Searle):
F(p)
Trong đó:
p: nội dung miêu tả
F: hiệu lực ở lời
Xem xét ví dụ sau: (1) Anh Nam hút thuốc. (2) Anh Nam hút thuốc đi! (3) Anh Nam hút thuốc không? Cả 3 phát ngôn đều có chung một nội dung mệnh đề (p): Anh Nam hút thuốc, nhưng chúng thực hiện các hành động ngôn ngữ khác nhau, do đó, chúng có các hiệu lực ở lời khác nhau: phát ngôn (1) có hiệu lực ở lời của hành động ngôn ngữ thông báo, mách…; phát ngôn (2) có hiệu lực ở lời của hành động ngôn ngữ mời, phát ngôn (3) có hiệu lực ớ lời của hành động ngôn ngữ hỏi²
²Ở đây chỉ nhắc đến các hiệu lực ở lời thường gặp của các phát ngôn, ở các hoạt động giao tiếp cụ thể, các phát ngôn đó có thể có những hiệu lực ở lời khác.
2. Các nhóm hành động ngôn ngữ
Các hành động ngôn ngữ được thực hiện trong thực tiễn giao tiếp vô cùng phong phú và đa dạng. Việc phân loại các hành động ngôn ngữ trong truyền thống nghiên cứu ngữ dụng đã gặp không ít khó khăn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không thể phân loại được các hành động ngôn ngữ (Wittgenstein). Các cách phân loại hiện nay cũng chưa đạt được sự thống nhất cao trong giới ngôn ngữ học, tồn tại khá nhiều cách phân loại khác nhau. Một trong những cách phân loại đáng chú ý là cách phân loại của Searle.
Searle đã dựa vào 12 tiêu chí, trong đó có 4 tiêu chí quan trọng là:
- Đích ở lời
- Hướng khớp ghép lời – hiện thực
- Trạng thái tâm lí
- Nội dung mệnh đề
Ông phân các hành động ngôn ngữ thành 5 nhóm:
*Trình bày: Nhóm này bao gồm một số hành động ngôn ngữ tiêu biểu như: miêu tả, kể, xác nhận, khẳng định, thông báo, báo cáo, mách . v.v.. Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm trình bày có những đặc điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình để xác nhận sự có mặt hoặc vắng mặt một sự việc nào đó.
- Hướng khớp ghép là lời-hiện thực (lời phải phù hợp với hiện thực).
- Trạng thái tâm lí là tin vào điều mình trình bày.
- Nội dung mệnh đề là một mệnh đề đánh giá được theo tiêu chí đúng/sai.
*Điều khiển: Nhóm này bao gồm một số hành động ngôn ngữ tiêu biểu như: yêu cầu, đề nghị, ra lệnh, sai, mời, khuyên . v.v.. Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm điều khiển có những đặc điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình để đặt người nhận vào trách nhiệm thực hiện một hành động tương lai.
- Hướng khớp ghép là hiện thực-lời (hiện thực phải phù hợp với lời).
- Trạng thái tâm lí là sự mong muốn của người phát.
- Nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nhận.
*Cam kết: Nhóm này bao gồm một số hành động ngôn ngữ tiêu biểu như: hứa, đe dọa . v.v.. Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm cam kết có những đặc điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình để tự đặt mình vào trách nhiệm phải thực hiện một hành động trong tương lai
- Hướng khớp ghép là hiện thực-lời (hiện thực phải phù hợp với lời).
- Trạng thái tâm lí là ý định của người phát.
- Nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người phát.
*Biểu cảm: Nhóm này bao gồm một số hành động ngôn ngữ tiêu biểu như khen, phê bình, chê, xin lỗi, cảm ơn . v.v.. Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm biểu cảm có những đặc điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình để bày tỏ trạng thái tâm lí.
- Hướng khớp ghép là Iời-hiện thực (lời phải phù hợp với hiện thực).
- Trạng thái tâm lí thay đổi theo từng loại hành vi (vui thích/khó chịu, mong muốn/rẫy bỏ…).
- Nội dung mệnh đề là hành động hoặc tính chất nào đó có tư cách là nguồn gây ra cảm xúc ở người phát.
*Tuyên bố: Nhóm này bao gồm một số hành động ngôn ngữ tiêu biểu như: tuyên bố, tuyên án, buộc tội v.v.. Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm tuyên bố có những đặc điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình để làm cho nội dung mệnh đề trở nên có hiệu lực (trở thành hiện thực).
- Hướng khớp ghép vừa là lời-hiện thực vừa là hiện thực-lời.
- Nội dung mệnh đề là một mệnh đề.
Ill- ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CÁC HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ
Để thực hiện một hành động ngôn ngữ nào đó có hiệu quả một cách tường minh, người phát phải cân nhắc để phát ngôn của mình thỏa mãn một số điều kiện.
Mỗi hành động ở lời có một hệ các điều kiện. Searle nêu ra 4 loại điều kiện, gọi là các điều kiện thỏa mãn.
i) Điều kiện nội dung mệnh đề: chỉ ra bản chất nội dung của hành động ngôn ngữ. Ví dụ, để thực hiện hành động hứa, người phát phải xác định rõ nội dung mệnh đề là hành động nào mình sẽ thực hiện trong tương lai. Chẳng hạn, “Mai, tôi sẽ làm xong bài.” Hoặc, để thực hiện hành động yêu cầu, đề nghị, người phát phải xác định rõ nội dung hành động của người nhận trong tương lai. Chẳng hạn, “Anh đóng cửa lại” v.v.. Không có nội dung mệnh đề thì không thực hiện được hành động ngôn ngữ³
³Cần lưu ý rằng trong thực tế giao tiếp, nội dung mệnh đề trong nhiều trường hợp không nhất thiết phải được biểu hiện tường minh trong phát ngôn. Chẳng hạn, các phát ngôn biểu cảm có thể có nội dung mệnh đề hàm ẩn.
ii) Điều kiện chuẩn bị: bao gồm những hiểu biết của người phát về năng lực, lợi ích, ý định của người nhận và về quan hệ giữa người phát và người nhận. Ví dụ, hành động ra lệnh đòi hỏi người phát phát biết khả năng thực hiện lệnh của người nhận, cũng như quan hệ giữa người phát và người nhận…
iii) Điều kiện tâm lí: chỉ ra các trạng thái tương ứng của người phát ngôn. Ví dụ, hành động hỏi đưa yêu cầu lòng mong muốn biết cái gì đó của người nói.
iv) Điều kiện căn bản: là điều kiện phát ra phát ngôn để xác định rõ kiểu trách nhiệm mà người phát và người nhận bị ràng buộc khi hành động ngôn ngữ được thực hiện.
Phân tích ví dụ về hành động XIN (Chẳng hạn, “Cậu cho mình cái bút này nhé”) để thấy rõ các điều kiện thực hiện một hành động ngôn ngữ:
- Điều kiện nội dung mệnh đề: Hành vi trong tương lai của Sp2
- Điều kiện chuẩn bị: Sp1 cho rằng, Sp2 có khả năng thực hiện; nhưng Sp2 sẽ không tự thực hiện hành động nếu Sp1 không xin.
- Điều kiện tâm lý: Sp1 mong muốn Sp2 thực hiện.
- Điều kiện căn bản: Sp1 phát ra phát ngôn để dẫn Sp2 đến việc thực hiện.
IV- PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ
1. Biểu thức ngôn hành
Biểu thức ngôn ngữ giúp người phát thực hiện hành động ngôn ngữ được gọi là biểu thức ngôn hành (hay còn gọi là biểu thức ngữ vị).
Mỗi biểu thức ngôn hành có những dấu hiệu hình thức nhất định được gọi là các dấu hiệu ngôn hành. Dấu hiệu ngôn hành có thể là:
- Kiểu bao gồm các từ ngữ đặc trưng (ngữ nghĩa từ). Mỗi loại biểu thức ngôn hành có thể chứa các từ ngữ đặc trưng cho nó. Ví dụ, biếu thức ngôn hành hỏi thường chứa các từ ngừ để hỏi như: ai, gì, nào, bao nhiêu, đâu; hay biểu thức ngôn hành điều khiển thường chứa các từ ngữ: hãy, đừng, chớ, thôi, nào, đi v.v..; biểu thức ngôn hành biểu cảm thường chứa các từ ngữ cảm thán như: ôi, ối giời ơi v.v.. Ngữ nghĩa của nội dung mệnh đề gồm chủ thể hành động khác nhau hoặc thời gian hành động khác nhau cũng là những dấu hiệu ngôn hành để nhân ra hành động ngôn ngữ của biểu thức ngôn hành.
- Trật tự các từ ngữ trong phát ngôn cũng là những dấu hiệu ngôn hành (cú pháp). Ví dụ: (1) Anh ấy không ăn (2) Anh ấy ăn không?
- Ngữ điệu. Mỗi biểu thức ngôn hành có ngữ điệu đặc trưng riêng của mình. Ví dụ: (1) Anh đi! (2) Anh đi? Hai biểu thức ngôn hành trên có các từ ngữ giống nhau nhưng chúng có ngữ điệu khác nhau nên chúng là những biểu thức ngôn hành khác nhau. Biểu thức ngôn hành (1) thực hiện hành động ngôn ngữ biểu cảm, còn biểu thức ngôn hành (2) thực hiện hành động ngôn ngữ hỏi (nhóm trình bày?).
2. Cách sử dụng biểu thức ngôn hành
2.1. Biểu thức ngôn hành trực tiếp
Mỗi biểu thức ngôn hành với dấu hiệu ngôn hành của mình, đặc trưng cho một loại hành động ngôn ngữ. Trong thực tế giao tiếp, người ta có thể sử dụng biểu thức ngôn hành để thực hiện một hành động ngôn ngữ mà nó đặc trưng.
Ví dụ: Sp1: Mấy giờ rồi? Sp2: Mới 9 giờ thôi. Biểu thức ngôn hành (1) chứa dấu hiệu đặc trung cho hành động ngôn ngữ hỏi (sự có mặt của từ mấy). Biểu thức ngôn hành này có thể được dùng (như trong ví dụ) để nhận được câu trả lời (2) về thời gian. Ta nói, hành động ngôn ngữ hỏi trong trường hợp này được thực hiện một cách trực tiếp hoặc có thể nói, hành động ngôn ngữ hỏi trong trường họp này có hiệu lực ở lời trực tiếp.
Biểu thức ngôn hành trực tiếp tường minh là biểu thức ngôn hành trực tiếp có chứa động từ ngôn hành được sử dụng ở chức năng ngôn hành.
Động từ ngôn hành là động từ biểu thị hành động ngôn ngữ và nếu nó được dùng đúng với các điều kiện của chức năng ngôn hành thì chỉ cần phát ngôn ra nó, người phát đã thực hiện được hành động mà động từ đó biểu thị.
Động từ đó phải được dùng:
- Ở ngôi thứ nhất (Sp1 làm chủ ngữ)
- Thời hiện tại
- Thức hiện thực (không có các từ ngữ tình thái: muốn, định, toan, nên, giá như … đi kèm)
- Bổ ngữ trực tiếp ở ngôi thứ hai (Sp2)
Biểu thức ngôn hành trực tiếp nguyên cấp là biểu thức ngôn hành trực tiếp không có các động từ ngôn hành được dùng ở chức năng ngôn hành.
Ví dụ: (1) Anh uống thuốc đi. (được dùng để thực hiện hành động ngôn ngữ “khuyên”) (2) Tôi đã báo cáo anh ấy về chuyện này. Biểu thức ngôn hành (2) có chứa động từ ngôn hành báo cáo, nhung động từ này không được dùng ở chức năng ngôn hành. Đây vẫn là biểu thức ngôn hành trực tiếp nguyên cấp.
Biểu thức ngôn hành trực tiếp nguyên cấp và biểu thức ngôn hành trực tiếp tường minh có mối quan hệ với nhau. Nhiều biểu thức ngôn hành trực tiếp nguyên cấp có thể được tường minh hóa để trở thành biểu thức ngôn hành trực tiếp tường minh bằng cách thêm các động từ ngôn hành ở chức năng ngôn hành vào biểu thức trực tiếp nguyên cấp.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, không phải tất cả các hành động ngôn ngữ đều có các động từ ngôn hành tương ứng. Ví dụ, hành động ngôn ngữ ‘doạ’ không có động từ ngôn hành. Các động từ doạ, doạ nạt, đe, đe nẹt… là các động từ miêu tả binh thường, không dùng được ở chức năng ngôn hành, do đó không thể có biểu thức ngôn hành trực tiếp tường minh của hành động ngôn ngữ “dọa”. Hành động ngôn ngữ “doạ” chỉ có thể được thực hiện bàng biểu thức ngôn hành trực tiếp nguyên cấp. Tức, chỉ có thể nói: Tao cho mày biết tay. Mày chết vói ông… mà không thể nói: *Tao doạ mày biết tay. * Tao đe mày chết với tao…
2.2. Biểu thức ngôn hành gián tiếp
Tuy nhiên, trong nhiều trường họp, vì những lí do khác nhau, người ta có thể sử dụng biểu thức ngôn hành,vốn đặc trưng cho loại hành động ngôn ngữ này để nhằm đến hiệu lực ở lời của một loại hành động ngôn ngữ khác.
Ví dụ: (hội thoại giữa thầy giáo và học sinh đến lớp muộn). Sp1 (thầy giáo): Mấy giờ rồi? Sp2 (học sinh): Thưa thầy, em xin lỗi. Xe của em bị hỏng dọc đưòng. Biểu thức ngôn hành được Sp1 sử dụng chứa các dấu hiệu đặc trưng cho hành động ngôn ngữ hỏi. Trong tình huống này, phát ngôn của Sp1 đã được phát ra không nhằm để hỏi mà nhằm đạt đến hiệu lực ở lời của hành động khác (phê bình, chẳng hạn). Ta nói, hành động ngôn ngữ phê bình trong trường hợp này được thực hiện một cách gián tiếp thông qua hành động ngôn ngữ hỏi, hoặc có thể nói hành động ngôn ngữ hỏi trong trường hợp này có hiệu lực ở lời gián tiếp của hành động ngôn ngữ “phê bình”.
- BS Đỗ Thị Thuý Anh chỉnh lý