GIÁO TRÌNH DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC- Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGÔN NGỮ VÀ NGÔN NGỮ HỌC
NGÔN NGỮ
Ngôn ngữ là gì?
Có ngôn ngữ và khả năng sử dụng ngôn ngữ là đặc trưng quan trọng phân biệt con người và động vật. Ngôn ngữ gần gũi, thân thiết như những gì gần gũi và thân thiết nhất mà con người có thể có. Nhưng ít ai đặt câu hỏi Ngôn ngữ là gì?. Điều đó cũng giống như không khí rất quan trọng đối với con người, song không mấy khi ta nghe một người nào đó hỏi Không khí là gì?. Tuy nhiên Ngôn ngữ là gì? là một trong những câu hỏi đầu tiên mà Ngôn ngữ học phải trả lời và cũng là một trong những vấn đề đầu tiên mà một người học Ngôn ngữ học phải biết.
Ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu đặc biệt, được dùng làm phương tiện giao tiếp, quan trọng nhất, và phương tiện tư duy của con người.
Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường dùng những từ như ngôn ngữ cùa loài hoa, ngôn ngữ của loài vật, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ hội họa, ngôn ngữ điêu khắc, ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ lập trình, ngôn ngữ toán, v.v… Từ ngôn ngữ trong những cách dùng như vậy không được hiểu theo nghĩa gốc của nó, mà chỉ được dùng với nghĩa phái sinh theo phép ẩn dụ, dựa trên cơ sở nét tương đồng giữa ngôn ngữ với những đối tượng được nói đến: công cụ dùng để biểu đạt, để thể hiện một điều gì đó.
Bản chất của ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội và là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa
Ngôn ngữ có thể được hiểu như là sản phẩm của nhân loại nói chung hay như là sản phẩm của một cộng đồng cụ thể. Dù hiểu như thế nào thì ngôn ngữ cũng là một hiện tượng xã hội. Ngôn ngữ chỉ được hình thành và phát triển trong xã hội. Không có ngôn ngữ nào tách rời khỏi cộng đồng và không một người nào khi mới sinh ra, sống tách rời khỏi cộng đồng mà khả năng sử dụng ngôn ngữ được hình thành. Điều đó làm cho ngôn ngữ khác về cơ bản với những hiện tượng có tính chất bản năng ở con người như ăn, uống, đi lại.
Ngôn ngữ đầy đủ, như tiếng Anh, tiếng Việt… được hình thành do quy ước nên không có tính chất di truyền. Nhưng một số đơn vị dưới ngôn ngữ (bậc thứ nhất) thì mang yếu tố di truyền, như việc tiếp thu và diễn đạt âm tố, âm vị hoặc hiểu và diễn đạt ở cấp độ nhận thức (bậc thứ hai), thì do một số cấu trúc trên vỏ não chịu trách nhiệm. Nhờ đó, quá trình học tập để phát triển ngôn ngữ mới thực hiện được. Nếu các vùng này bị tổn thương, đứa trẻ sinh ra sẽ có rối loạn ngôn ngữ rối loạn lời nói hoặc rối loạn đọc và viết, v.v… Mặt khác, ngôn ngữ mẹ đẻ của đứa trẻ có thể không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của bố mẹ nó, do quá trình học tập từ khi chào đời ảnh hưởng đến.
Ngôn ngữ không chỉ là một hiện tượng xã hội mà còn là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hoá. Mỗi hệ thống ngôn ngữ đều mang đậm dấu ấn văn hoá của cộng đồng người bản ngữ. Chính vì vậy, muốn sử dụng một ngôn ngữ, không chỉ phải biết ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, mà còn phải nắm vững cái dấu ấn văn hóa được thể hiện trong ngôn ngữ đó nữa. Giữ gìn và phát triển một ngôn ngữ cũng chính là góp phần giữ gìn và phát triển một nền văn hoá.
Ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu đặc biệt
Trước hết ngôn ngữ là một hệ thống, vì như tất cả những hệ thống khác, ngôn ngữ là một thể thống nhất các yếu tố có quan hệ với nhau. Mỗi yếu tố trong hệ thống ngôn ngữ có thể coi là một đơn vị. Các đơn vị trong hệ thống ngôn ngữ được sắp xếp theo những quy tắc nhất định. Sự tồn tại của đơn vị ngôn ngữ này quy định sự tồn tại của đơn vị ngôn ngữ kia.
Ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu vì mỗi đơn vị ngôn ngữ là một dấu hiệu. Như tất cả những loại dấu hiệu khác, dấu hiệu ngôn ngữ là một thực thể mà hình thức vật chất của nó bao giờ cũng biểu đạt một cái gì đó. Nghĩa là mỗi dấu hiệu ngôn ngữ có hai mặt: hình thức âm thanh và cái mà hình thức đó biểu đạt. F. de Saussure, nhà Ngôn ngữ học Thuỵ Sĩ, người được mệnh danh là cha đẻ của Ngôn ngữ học hiện đại gọi mặt thứ nhất là cái biểu đạt và mặt thứ hai là cái được biểu đạt và hình dung mối quan hệ giữa hai mặt này của dấu hiệu ngôn ngữ như sau:
Chẳng hạn từ cây trong tiếng Việt là một dấu hiệu ngôn ngữ. Âm “cây” chính là cái biểu đạt. Nói chính xác hơn, âm thanh “cây”, tức dấu vết tâm lí của cái âm đó, chứ không phải bản thân âm như một hiện tượng thuần vật lí là cái biểu đạt, vì cái biểu đạt của dấu hiệu ngôn ngữ tồn tại ngay cả khi ta không phát âm ra thành lời. [vì trong não chúng ta nó đã là một hình ảnh tinh thần-TA]. Khái niệm “cây” (thực vật có rễ, thân, lá rõ rệt, hoặc vật có hình thù giống những thực, vật có thân, lá) là cái được biểu đạt. Cái biểu đạt của dấu hiệu ngôn ngữ được tạo nên từ chất liệu âm thanh (theo nghĩa âm thanh như vừa nêu). Khi dấu hiệu ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết thì chất liệu âm thanh đó được thay thế bằng những đường nét. [Cả chữ viết “cây” và âm thanh “cây” đều là các hình ảnh tinh thần, thể hiện khả năng trừu tượng hoá sự hiện diện yếu tố vật lý từ thế giới khách quan trong hoạt động nhận thức của chúng ta- TA]. Như vậy cần lưu ý, chữ viết chỉ là loại dấu hiệu ghi lại cái biểu đạt của dấu hiệu ngôn ngữ, chứ bản thân nó không phải là cái biểu đạt của dấu hiệu ngôn ngữ (xem thêm phần Ngữ âm học).
Ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu đặc biệt vì đó là loại dấu hiệu chỉ có ở con người và có những nét đặc thù. Sau đây là những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ:
Tính võ đoán
Giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt của dấu hiệu ngôn ngữ không có một mối quan hệ tự nhiên mối quan hệ này chỉ do người bản ngữ quy ước.
Cùng biểu đạt khái niệm “động vật có xương, sống ở dưới nước, bơi bằng vây và thở bằng mang”, nhưng các ngôn ngữ khác nhau dùng những âm rất khác nhau, chẳng hạn tiếng Việt dùng âm “cá”, tiếng Nga dùng âm “ryba”, tiếng Anh dùng âm “fish”, v.v…
Trong ngôn ngữ có một số dấu hiệu không có tính võ đoán, tức giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt có một mối quan hệ tự nhiên, chẳng hạn những từ tượng thanh như mèo, chích chòe, bò, v.v…, nhưng số lượng những từ này không đáng kể. Hơn nữa, tuy mô phỏng âm thanh tự nhiên, nhưng từ tượng thanh cũng mang đặc trưng riêng của từng ngôn ngữ do ảnh hường cách lựa chọn của người bản ngữ. Chẳng hạn cùng mô phỏng tiếng mèo kêu, nhưng từ tượng thanh trong tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hebrew có âm là [miaw], còn trong tiếng Ảrập là [mawmaw], trong tiếng Hán là [meaw], trong tiếng Nhật là [niaw]. Vì thế xét cho cùng thì ngay cả từ tượng thanh cũng có một phần tính võ đoán.
Tính đa trị
Giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt của dấu hiệu ngôn ngữ không có mối quan hệ một đối một; một vỏ ngữ âm có thể dùng để biểu đạt nhiều ý nghĩa (thể hiện qua hiện tượng đa nghĩa và đồng âm), và ngược lại, một ý nghĩa có thể được biểu đạt bằng nhiều vỏ ngữ âm khác nhau (thể hiện qua hiện tượng đồng nghĩa). Nhờ có tính chất này mà ngôn ngữ trở thành một phương tiện biểu đạt rất tinh tế và sinh động, thể hiện rõ nhất ở ngôn ngữ văn chương:
Còn trời, còn nước, còn non
Còn cô bán rượu anh còn say sưa.
(Ca dao)
Tính phân đoạn đôi
Hệ thống ngôn ngữ được tổ chức theo hai bậc, trong đó bậc thứ nhất gồm một số lượng hạn chế những đơn vị âm cơ bản, không có nghĩa, có thể kết hợp với nhau để tạo ra những đơn vị thuộc bậc thứ hai, gồm một số lượng lớn những đơn vị có nghĩa. Những đơn vị âm cơ bản đó được gọi âm vị. Số lượng âm vị trong mỗi ngôn ngữ thường vào khoảng 40. Các âm vị kết hợp với nhau để tạo ra khoảng vài nghìn hình vị. Các hình vị kết hợp lại với nhau để tạo thành từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn từ. Các từ kết hợp với nhau để tạo thành một số lượng vô hạn những ngữ đoạn và câu (về khái niệm âm vị, hình vị, từ, ngữ đoạn và câu, xin xem chi tiết ở 2.3.2. Các yếu tố của hệ thống ngôn ngữ).
Nhiều dấu hiệu giao tiếp khác (kí hiệu, điệu bộ, cử chỉ….) của con người và những dấu hiệu giao tiếp của loài vật không có cấu trúc hai bậc như vậy. Ở đó mỗi đơn vị cơ bản gắn với một nghĩa, có bao nhiêu đơn vị cơ bản thì có bấy nhiêu nghĩa được biểu đạt.
Có thể thấy rõ điều này khi so sánh ngôn ngữ với hệ thống đèn giao thông. Chẳng hạn, một câu như: “Mọi người phải dừng lại” được cấu tạo từ hai đơn vị có nghĩa nhỏ hơn: mọi người và phải dừng lại, rồi mọi người và phải dừng lại được cấu tạo từ những đơn vị có nghĩa nhỏ hơn nữa: mọi, người, phải, dừng, lại. Đến lượt mình, các đơn vị có nghĩa nhỏ nhất (không thể phân tích thành những đơn vị có nghĩa nhỏ hơn) như mọi, người, phải, dừng, lại được cấu tạo từ những đơn vị âm thanh có hình thức chữ viết là m, o, i, ng, ươ, ph, a, d, v.v… Dấu hiệu đèn đỏ trong hệ thống đèn giao thông có thể truyền đi một thông báo tương tự, nhưng đèn giao thông không có cấu trúc hai bậc. Ta không thể nào phân tích cái dấu hiệu đèn đỏ này thành những yếu tố nhỏ hơn.
Nhờ có cấu trúc hai bậc mà ngôn ngữ có tính năng sản. Bất kì một người bình thường nào cũng có thể nói những câu mà trước đó người đó chưa bao giờ nói, có thể nghe hiểu những câu trước đó chưa bao giờ nghe. Khả năng tạo ra những câu mới của ngôn ngữ là vô hạn. Tương tự như một số lượng rất hạn chế các con số (0, 1,… 9) có thể kết hợp với nhau để tạo thành vô số những con số lớn hơn.
Tính trừu tượng hoá
Khác với các hệ thống dấu hiệu giao tiếp của loài vật, ngôn ngữ có thể thông báo về những gì diễn ra không phải ngay tại thời điểm và địa điểm mà dấu hiệu ngôn ngữ được sử dụng, thậm chí con người có thể dùng ngôn ngữ để nói về một thế giới tưởng tượng nào đó. Phương tiện giao tiếp của loài ong có thể thông báo về những vùng có hoa cách xa vị trí của các chủ thể giao tiếp, nhưng khả năng này rất hạn chế. Một con vẹt có thể bắt chước rất tài tình những âm thanh do con người phát ra như Xin chào khách; Vui quá; Ông ơi, trời mưa, V.V.:., nhưng nó tuyệt nhiên không có khả năng tạo ra những chuỗi âm thanh mới mang nghĩa.
Tổng hợp tất cả những đặc điểm trên đây tạo nên tính đặc biệt của dấu hiệu ngôn ngữ.
Chức năng của ngôn ngữ
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người
Giao tiếp là hoạt động truyền đạt thông tin. Tính tương tác tạo ra sự trao đổi thông tin.
Phương tiện giao tiếp có rất nhiều loại- phuơng tiện giao tiếp của con người và phương tiện giao tiếp của loài vật, phương tiên giao tiếp ngôn ngữ và phương tiên giao tiếp phi ngôn ngữ, v.v… Riêng con người dùng nhiều loại phương tiện giao tiếp khác nhau như đèn giao thông, cử chỉ, tiếng chuông báo hiệu (giờ học, giờ tàu khởi hành, giờ tan tầm, v.v…), v.v… nhưng không có phương tiện nào quan trọng như ngôn ngữ, bởi vì:
- Ngôn ngữ là phương tiên giao tiếp phổ biến nhất: ngôn ngữ cần thiết đối với tất cả mọi người, có thể được sử dụng bất kì lúc nào và bất kì ở đâu. Nói cách khác, phạm vi sử dụng của ngôn ngữ là không hạn chế, trong trường hợp các giác quan bình thường
- Ngôn ngữ là phương tiện có khả năng thể hiện đầy đủ và chính xác tất cả những nhận thức, cảm xúc mà con người muốn thể hiện. Giao tiếp bằng cử chỉ nội dung rất nghèo nàn, đôi khi có thể gây hiểu lầm. Những phương tiện khác như âm nhạc, hội họa, v.v… có thể biểu đạt rất độc đáo, sâu sắc và tinh tế những cảm xúc, v.v… của con người là chính, nhưng dù sao những phương tiện này cũng hạn chế vì ít biểu đạt nhận thức, không đủ cho tất cả những gì mà con người muốn biểu đạt như ngôn ngữ.
Cần phân biệt, dấu hiệu được dùng làm phương tiện giao tiếp có ý thức và dấu hiệu giao tiếp vô thức, … Chẳng hạn, sốt cao là dấu hiệu một người bị bệnh, các tín hiệu từ em bé trong những tháng đầu đời (khóc hay cười)…
Các giao tiếp có ý thức (chủ ý) hướng tới tương tác, xem xét khả năng mã hoá hoặc giải mã ngôn ngữ của đối tượng tương tác, trong khi giao tiếp vô thức (không chủ ý) thì không xem xét điều này.
Chức năng giao tiếp của ngôn ngữ bao hàm nhiều chức năng bộ phận (mang tính nội dung- do nhận thức quyết định vì yêu cầu khả năng mã hoá và giải mã tính trừu tượng của ngôn ngữ): chức năng truyền thông tin đến người khác, chức năng yêu cầu một người khác hành động, chức năng bộc lộ cảm xúc của người nói, chức năng xác lập, duy trì quan hệ giữa các thành viên trong một cộng đồng, v.v…
Ngôn ngữ không chỉ là cho phép giao tiếp với yếu tố thời gian và không gian thực mà còn mã hoá yếu tố trục thời gian (hôm qua, hôm nay, ngày mai…), cũng như các trục không gian (trên dưới, trước sau).
Ngôn ngữ là phương tiện tư duy
Ngôn ngữ không chì là phương tiện giao tiếp, mà còn là phương tiện tư duy. Nghĩa là nhờ có ngôn ngữ mà con người có thể thực hiện các hoạt động tư duy. Các khái niệm, phán đoán hay suy luận và giải quyết vấn đề, tức những hình thức cơ bản của tư duy, đều tồn tại dưới hình thức biểu đạt là ngôn ngữ.
Và ngược lại, nếu khống có tư duy thì cũng không có ngôn ngữ. Vì khi đó các đơn vị ngôn ngữ chỉ còn là những âm thanh trống rỗng, vô nghĩa. Ngôn ngữ và tư duy thống nhất, nhưng không đồng nhất. Ngôn ngữ là phương tiên biểu đạt, còn tư duy là cái được biểu đạt (ngôn ngữ được coi là hình thức của tư duy).
Bên cạnh những đặc điểm có tính phổ quát (ngôn ngữ nào cũng có), và những đặc điểm có tính loại hình (chung cho các ngôn ngữ thuộc cùng một nhóm nào đó), mỗi ngôn ngữ mang những đặc trưng riêng không lặp lại ở những ngôn ngữ khác (nhất là vùng khái niệm); trong khi đó tư duy, về cơ bản, là mang tính nhân loại (vùng phán đoán, suy luận và giải quyết vấn đề), nghĩa là không có sự khác biệt đáng kể nào giữa tư duy của dân tộc này với tư duy của dân tộc khác.
Sở dĩ ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp vì ngôn ngữ không phải chỉ là những tổ hơp âm thanh, mà là những tổ hợp âm thanh biểu đạt tư tưởng của con người, tức biểu đạt kết quả của hoạt động tư duy. Chính vì vậy, có thể nói, chức năng làm phương tiện giao tiếp của ngôn ngữ gắn chặt với chức năng làm phương tiện tư duy của nó.
Khi nói về chức năng của ngôn ngữ, một số tác giả còn chú ý đến những chức năng sau như những biểu hiện đặc biệt:
- Chức năng thi ca, khi ngôn ngữ tạo nên những hiệu quả thẩm mĩ, chẳng hạn ngôn ngữ văn chương, đặc biệt là ngôn ngữ thơ- Cách tổ chức ngôn ngữ (sử dụng những từ thuộc cùng một trường từ vựng) đã tạo nên nét độc đáo của bài thơ.
- Chức năng siêu ngôn ngữ, khi ngôn ngữ được dùng để nói về chính nó. Chẳng hạn, khác với câu Mèo là một loài động vật ăn thịt, câu “Mèo” là một danh từ, không nói về mèo như một thực thể trong thế giới bên ngoài mà nói về một đơn vị trong tiếng Việt, do đó nó thực hiện chức năng siêu ngôn ngữ.
NGÔN NGỮ HỌC
Ngôn ngữ học là gì?
Ngôn ngữ học là khoa hoc nghiên cứu về ngôn ngữ. Nói cụ thể hơn, Ngôn ngữ học là một lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ một cách khách quan dựa trên những cứ liệu quan sát được và xử lí theo những nguyên tắc, phương pháp được xây dựng trong phạm vi một lí thuyết nhất định, qua đó nêu ra các quy tắc cấu tạo, hoạt động và biến đổi của các đơn vị ngôn ngữ. Độ chính xác của những quy tắc đó có thể được kiểm nghiệm bằng thực tế ngôn ngữ.
Như vậy Ngôn ngữ học là một khoa học kinh nghiệm, nghĩa là những nhận định của nó bao giờ cũng xuất phát từ dữ liệu thực tế chứ không phải thuần túy dựa trên suy luận, và cũng chính dữ liệu thực tế là cơ sở để kiểm nghiệm những nhận định đó.
Ngôn ngữ hoc là khoa học miêu tả chứ không phải là một thứ điển chế. Ngôn ngữ là một hệ thống gồm những đơn vị và quy tắc khách quan được hình thành trong lịch sử mà tất cả mọi người nói một thứ tiếng nhất định phải thừa nhận và vận dụng. Song tri thức của người bản ngữ bình thường về ngôn ngữ mẹ đẻ của họ chỉ tồn tại dưới hình thức mặc ẩn. Nhiệm vụ của nhà Ngôn ngữ học là miêu tả hệ thống đó chứ không phải đề ra (điển chế) các quy tắc và buộc mọi người phải tuân theo. Muốn vậy, nhà Ngôn ngữ học phải xuất phát từ những dữ liệu khách quan, những câu nói thực sự được người bản ngữ sử dụng hay có thể sử dụng. Căn cứ vào dữ liệu thực tế đó mà khái quát thành những quy tắc hoạt động của các đơn vị ngôn ngữ. Từ các quy tắc khái quát này, có thể đưa ra các dự đoán về việc tuân theo hay không tuân theo quy tắc thì sẽ ra sao, và nếu cần sửa chữa thay đổi thì nên làm gì.
Chẳng hạn, khi quan sát thấy người Việt chỉ nói sách này, mèo này, nhà này mà không nói này sách, *này mèo, *này nhà, ta rút ra được quy tắc: trong tiếng Việt, từ chỉ định (này) bao giờ cũng đứng sau những từ mang ý nghĩa sự vật mà không thể đứng trước (khi đứng trước danh từ như Này, sách; Này, báo thì này không còn là từ chỉ định nữa). Quy tắc này chỉ đúng với tiếng Việt hay một ngôn ngữ nào khác chứ không đúng với tiếng Anh vì trong tiếng Anh chỉ có this book – “cuốn sách này” mà không có *book this.
Để Ngôn ngữ học trờ thành một khoa học bổ ích cho con người, nhà nghiên cứu cần tôn trọng sự kiện ngôn ngữ khách quan, thoát khỏi những định kiến cá nhân, gạt bỏ những dữ liệu ngụy tạo kì quặc đối với người bản ngữ, đồng thời tập hợp dữ liệu, dù nhiều và phong phú. Điều tưởng là đơn giản này đòi hỏi những nỗ lực rất lớn vì không có gì gần gũi với ta bằng ngôn ngữ, nhưng phát biểu một cách hiển ngôn và đúng đắn về nó thì cần khả năng khoa học (khái quát hoá, suy luận logic và kinh nghiệm ở mức phong phú để thoát khỏi các thường nghiệm lẻ tẻ).
Đối tượng của Ngôn ngữ học
Đối tượng của Ngôn ngữ học là gì? Có phải là tất cả những gì mà chúng ta nói ra và nghe được trong giao tiếp đều là đối tượng của Ngôn ngữ học hay không?
F. de Saussure xác lập một sự đối lập quan trọng giữa hai phạm trù: ngôn ngữ và lời nói. Trên cơ sở đó ta có thể nhận diện được đối tượng thực sự của Ngôn ngữ học. Lời nói là tất cả những gì cụ thể mà con người nói ra và nghe được trong giao tiếp (liên quan đến âm lời nói). Mỗi đơn vị của lời nói bao giờ cũng do một cá thể tạo ra (mã hoá một nội dung) trong một tình huống giao tiếp cụ thể. Khi tiếp nhận lời nói của người khác, ta hiểu được nội dung truyền đạt (giải mã nội dung), chỉ khi lời nói của người đó có những yếu tố mà cách thức phát âm, ý nghĩa cũng như quy tắc kết hợp của chúng thuộc về quy ước chung của cả một cộng đồng (giải mã được nhờ mã hoá theo cùng một quy tắc), có tính đến yếu tố bối cảnh. Tất cả những gì thuộc về quy ước chung đó tạo thành ngôn ngữ. Nói cách khác, ngôn ngữ là phần còn lại trong lời nói sau khi đã gạt bỏ tất cả những yếu tố có tính chất cá nhân, thường là phi ngôn ngữ (điệu bộ, ngữ điệu…) hay bối cảnh. Các văn bản viết hoặc âm thanh (bản ghi âm) chính là các hình thức chỉ bộc lộ ngôn ngữ.
Như vậy ngôn ngữ và lời nói đối lập nhau nhưng không tách rời nhau. Trong cái riêng có cái chung; trong cá nhân có những đặc điểm của xã hội, cộng đồng; trong những câu, những văn bản cụ thể có những đơn vị, những quy tắc của hệ thống trừu tượng.
Tương tự như vậy, trong lời nói có ngôn ngữ, nhờ có ngôn ngữ mà các thành viên trong một cộng đồng mới có thể hiểu lời nói của nhau. Ngược lại, ngôn ngữ chỉ được sử dụng dưới hình thức lời nói, hành chức thông qua lời nói. Không có một hiện tượng nào đi vào hệ thống ngôn ngữ mà không thông qua lời nói.
Khi gặp nhau, hai người có thể cùng nói: Xin chào anh! Nếu không vì một lí do đặc biệt nào đó, thông thường ta chỉ nhận thấy rằng hai người đã nói ra hai câu giống nhau, ý nghĩa hoàn toàn như nhau mà không chú ý từng câu nói của mỗi người được nói nhanh hay chậm, phát âm cao hay thấp, giọng trầm hay bổng, v.v… Tương tự như vậy, khi đi đường đến các giao lộ, thấy đèn đỏ bạn dừng lại, thấy đèn xanh bạn di chuyển. Nếu quan sát kĩ, có thể thấy màu của đèn đường ở các giao lộ khác nhau có thể đậm nhạt rất khác nhau. Nhưng không mấy ai chú ý đến sự khác biệt đó cả, bởi vì nó không quan trọng đối với người đi đường.
Trên cùng một nguyên lí tiếp cận như vậy, F. de Saussure cho rằng “đối tượng duy nhất và chân thực của Ngôn ngữ học là ngôn ngữ, xét trong bản thân nó và vì bản thân nó”. Quan điểm này đã giúp Ngôn ngữ học có được đối tượng nghiên cứu riêng và trở thành một ngành khoa học thực sự.
Tuy nhiên, việc gạt bỏ triệt để tất cả những gì nằm ngoài hệ thống ngôn ngữ ra khỏi đối tượng nghiên cứu của Ngôn ngữ học đã hạn chế nhiều khả năng phân tích, giải thích về đối tượng của ngành khoa học này. Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu chủ trương mở rộng đối tượng nghiên cứu của Ngôn ngữ học, đặt ngôn ngữ trong mối quan hệ với ngữ cảnh và những yếu tố của bối cảnh xã hội rộng lớn để giúp Ngôn ngữ học không chỉ giải thích được các đơn vị và quy tắc tổ chức bên trong hệ thống ngôn ngữ mà còn làm rõ được cơ chế hành chức của nó trong hoạt động giao tiếp và tương tác giữa con người với nhau.
Hệ thống và cấu trúc ngôn ngữ
Hệ thống và cấu trúc là gì?
Có thể nói hệ thống là một trong những khái niệm quan trọng và phổ biến nhất trong các lĩnh vực khoa học hiện đại, bởi vì dường như không một lĩnh vực khoa học nào không dùng đến khái niệm này. Điều đó xuất phát từ chỗ thế giới tồn tại xung quanh chúng ta là một hệ thống. Khoa học có nhiệm vụ đi mô tả hệ thống đó, khái quát từ các mảnh rời rạc lẻ tẻ mà mỗi cá nhân nhận thấy (các thường nghiệm).
Với con mắt của khoa học, hệ thống là một thể thống nhất các yếu tố có quan hệ với nhau. Còn cấu trúc là toàn bộ những quan hệ tồn tại trong một hệ thống. Từ các thường nghiệm rời rạc của thế giới thực, khoa học khái quát lên thành các cấu trúc, và mức cao hơn là các hệ thống, nhưng không ra ngoài các yếu tố của thế giới thực.
Giá trị của một yếu tố trong hệ thống do quan hệ giữa yếu tố đó với các yếu tố khác quy định. Nói cách khác, cấu trúc của một hệ thống quy định giá trị của từng yếu tố của hệ thống và qua đó quy định giá trị của toàn bộ hệ thống. Cùng với những quân cờ như nhau, nhưng khi thay đổi vị trí của các con cờ (cấu trúc của hệ thống) thì thế cờ (giá trị của hệ thống) sẽ thay đổi. Cũng có thể nói như vậy về một đội bóng.Như vậy, hệ thống và cấu trúc đảm bảo tính khoa học sẽ có giá trị dự báo tốt, khi một yếu tố thay đổi thì các yếu tố khác sẽ thay đổi theo chiều hướng nào, mức độ ra sao.
Không chỉ ngôn ngữ, mà sản phẩm của ngôn ngữ được con người dùng để giao tiếp cũng là những hộ thống. Câu Người thợ săn giết chết con hổ là một hệ thống. Khi quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống này thay đổi, ta sẽ có hệ thống khác, tức một câu khác, chẳng hạn Con hổ giết chết người thợ săn.
Các yếu tố của hệ thống ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một hệ thống phức tạp, gồm những yếu tố đồng loại và không đồng loại với nhau.
Trong phần trên, ta đã biết đến cấu trúc hai bậc của hệ thống ngôn ngữ: bậc của những đơn vị âm cơ bản, không có nghĩa và bậc của những đơn vị có nghĩa. Phân tích chi tiết hơn có thể hình dung các đơn vị ngôn ngữ được sắp xếp theo những cấp độ sau:
- Cấp độ âm vị: là đơn vị âm cơ bản và nhỏ nhất của hệ thống ngôn ngữ. Bản thân âm vị không có nghĩa, mà chỉ có chức năng tạo vỏ ngữ âm của các đơn vị mang nghĩa. Nói cách khác, âm vị chỉ có chức năng khu biệt nghĩa. Chẳng hạn trong tiếng Anh, một đơn vị có nghĩa như tea /ti: /; trà /t∫aː2/có 2 âm vị; cat / /kæt/ và mèo /mæü2/ có 3 âm vị.
- Cấp độ hình vị: là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa. Trong từ quốc gia (tiếng Việt) có 2 hình vị, trong từ teacher “giáo viên” (tiếng Anh) có 2 hình vị.
- Cấp độ từ: là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có khả năng hoạt động độc lập, tức có khả năng đảm nhiệm một chức năng cú pháp trong câu hay có quan hệ kết hợp (xem khái niệm quan hệ kết hợp ở mục 2.3.3) với những đơn vị có khả năng đó. Ngoài từ, ngữ cố định cũng là đơn vị ngôn ngữ có khả năng hoạt động độc lập, nhưng đó không phải là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có khả năng này.
Mỗi cấp độ trên đây là một yếu tố của hệ thống ngôn ngữ. Đến lượt mình, mỗi cấp độ cũng có thể được coi là một hệ thống gồm có các yếu tố là những đơn vị tương ứng của nó.
Các đơn vị thuộc bình diện lời nói
Ngoài âm vị, hình vị và từ, nhiều tài liệu Ngôn ngữ học còn đề cập đến ngữ đoạn (ngữ) và câu như những đơn vị ngôn ngữ. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm phân biệt chặt chẽ hai bình diện ngôn ngữ và lời nói thì chì có âm vị, hình vị và từ mới được xem là những đơn vị thuộc hệ tôn ti của các đơn vị ngôn ngữ. Còn ngữ đoạn và câu thuộc bình diện lời nói, vì chúng không phải là đơn vị có sẵn mà chỉ được hình thành khi nói và có số lượng vô hạn. Trong ngữ đoạn và câu, cái có sẵn, có tính lặp lại, có số lượng hữu hạn làm thành quy tắc chi phối cách sử dụng đối với tất cả thành viên trong một cộng đồng ngôn ngữ chính là mô hình cấu trúc, gồm mô hình cấu trúc ngữ đoạn và mô hình cấu trúc câu. Tuy nhiên, mô hình cấu trúc không phải là đơn vị.
Ngữ đoạn là đơn vị lời nói đảm nhiệm một chức năng cú pháp trong câu. Câu là đơn vị lời nói nhỏ nhất dùng để giao tiếp. Đoạn văn và văn bản cũng là những đơn vị lời nói dùng để giao tiếp, tuy nhiên đó không phải là những đơn vị lời nói nhỏ nhất thực hiện chức năng này.
Các quan hệ trong ngôn ngữ
Quan hệ kết hợp: là quan hệ giữa các đơn vị cùng xuất hiện và tổ hợp với nhau để tạo ra một đơn vị lớn hơn. Chẳng hạn trong câu Chúng tôi rất thích môn học ấy, giữa chúng tôi và rất thích môn học ấy, giữa rất và thích, giữa môn học và ấy có quan hệ kết hợp. Trong câu này, mặc dù học và ấy cùng xuất hiện trong một câu và có vị trí cạnh nhau, nhưng học không có quan hệ kết hợp với ấy, nói cách khác học ấy không phải là một đơn vị.
Quan hệ kết hợp bao giờ cũng là quan hệ giữa các đơn vị cùng loại (cùng chức năng). Vì thế trong một kết hợp như XYZ, nếu X và Z là âm vị thì Y cũng phải là âm vị, nếu X và Z là hình vị thì Y cũng phải là hình vị, v.v
Quan hệ đối vị: là quan hệ giữa các đơn vị có khả năng thay thế nhau ở một vị trí nhất định. Các đơn vị có quan hệ đối vị với nhau lập thành một hệ đối vị. Chúng không bao giờ xuất hiện kế tiếp nhau trong lời nói. Chẳng hạn trong tiếng Anh, my “của tôi”, your “của anh / chị”, this “này, số ít”, these “kia, số nhiều”, that “kia, số ít”, those “kia, số nhiều”, the “quán từ xác định”, a/an “quán từ bất định” thuộc cùng một hệ đối vị, nên không bao giờ hai hoặc nhiều hơn hai đơn vị trong nhóm này kết hợp với nhau trong lời nói. Như vậy * a my friend là một kết hợp sai ngữ pháp. Muốn biểu đạt ý “một người bạn của tôi”, tiếng Anh dùng ngữ đoạn a friend of mine.
Cũng như quan hệ kết hợp, quan hệ đối vị bao giờ cũng là quan hệ giữa các đơn vị cùng loại (cùng chức năng).
Quan hệ cấp độ (quan hệ tôn ti): là quan hệ giữa một đơn vị (ở cấp độ thấp) với một đơn vị (ở cấp độ cao) mà nó là một yếu tố cấu thành. Chẳng hạn như quan hệ giữa quốc và gia với quốc gia trong tiếng Việt, teach và er với teacher “giáo viên” trong tiếng Anh.
Các phân ngành Ngôn ngữ học
Như đã biết, ngôn ngữ là một hệ thống phức tạp gồm nhiều đơn vị, nhiều quan hệ, nhiều cấp độ, nhiều bình diện khác nhau. Vì vậy khoa học nghiên cứu ngôn ngữ cũng bao gồm nhiều phân ngành khác nhau. Sau đây là một số phân ngành cơ bản:
Ngữ âm học: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu mặt tự nhiên của ngữ âm.
Âm vị học: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu chức năng của ngữ âm trong từng ngôn ngữ, qua đó xác lập hệ thống các đơn vị âm thanh trong ngôn ngữ hữu quan.
Ngữ pháp học: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu hình thái của từ và quy tắc cấu tạo từ và câu. Theo sự phân chia có tính chất truyền thống, Ngữ pháp học gồm có hai phân ngành hẹp hơn là hình thái học (nghiên cứu ngữ pháp của từ) và cú pháp học (nghiên cứu ngữ pháp của câu).
Từ vựng học: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu từ và ngữ cố định.
Ngữ nghĩa học: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu ý nghĩa. Ngữ nghĩa học thường được chia thành hai phân ngành nhỏ hơn là ngữ nghĩa học từ vựng (nghiên cứu nghĩa của từ và những đơn vị tương đương với từ, tức những ngữ cố định) và ngữ nghĩa học cú pháp (nghiên cứu nghĩa của câu). Nếu hiểu ngữ nghĩa học theo nghĩa rộng hơn thì nó bao gồm cả ngữ nghĩa học dụng pháp, phần nghiên cứu ý nghĩa của câu, nói chính xác hơn là của phát ngôn, trong quan hệ với ngữ cảnh.
Giữa ngữ nghĩa học và từ vựng học có mối quan hệ gần gũi, có thể thấy giữa hai phân ngành có một phần đối tượng nghiên cứu chung, đó là ý nghĩa của từ và ngữ cố định. Bên cạnh phần chung, mỗi phân ngành có phần nghiên cứu riêng. Đó là ý nghĩa của câu đối với ngữ nghĩa học và vấn đề cấu tạo từ, các lớp từ vựng (từ thuần bản ngữ và từ vay mượn, từ toàn dân và từ địa phương, từ nghề nghiệp, thuật ngữ khoa học, biệt ngữ xã hội, tiếng lóng) đối với từ vựng học.
Có thể thấy, xét trong quan hệ với Ngữ pháp học thì từ vựng học cũng có phần chung, đó là vấn đề cấu tạo từ.
Ngữ pháp văn bản: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu các mối liên kết giữa các câu trong một đoạn văn và giữa các đoạn văn trong một văn bản.
Ngữ dụng học: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu từ, ngữ và câu trong mối quan hệ với ngữ cảnh (người nói, người nghe, thời điểm nói, địa điểm nói).
Phong cách học: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu đặc điểm của ngôn ngữ trong các phong cách chức năng khác nhau như ngôn ngữ hằng ngày, ngôn ngữ hành chính cống vụ, ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ chính luận và đặc biệt là ngôn ngữ văn chương (ngôn ngữ văn chương nói chung và ngôn ngữ tác giả, tác phẩm, thể loại, v.v…).
Phương ngữ học: phân ngành Ngôn ngữ học nghiên cứu các biến thể của một ngôn ngữ ở những địa phương khác nhau.
Ngôn ngữ học có thể nghiên cứu các ngôn ngữ trên thế giới nói chung nhằm làm rõ những vấn đề phổ quát của ngôn ngữ nhân loại và xây dựng hệ thống các khái niệm công cụ để nghiên cứu ngôn ngữ. Theo cách tiếp cận đó ta có Ngôn ngữ học đại cương. Ngược lại, Ngôn ngữ học có thể nghiên cứu một ngôn ngữ cụ thể để miêu tả những đặc trưng của ngôn ngữ đó.
Ngoài ra, trong Ngôn ngữ học còn có những phân ngành có tính chất liên ngành như Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học tâm lí, Ngôn ngữ học nhân học, v.v…
Ngôn ngữ học có thể nghiên cứu ngôn ngữ ở một trạng thái tĩnh, tức ở một thời điểm nhất định mà không tính đến sự biến đổi của ngôn ngữ trong thời gian. Theo cách tiếp cận đó ta có Ngôn ngữ học đồng đại. Còn khi nghiên cứu diễn tiến của ngôn ngữ qua các thời điểm lịch sử thì ta có Ngôn ngữ học lịch đại.
Mục đích của việc nghiên cứu ngôn ngữ và dạy học ngôn ngữ ở nhà trường
Mục đích của việc nghiên cứu ngôn ngữ
- Hiểu rõ bản chất, chức năng của một hiện tượng (hành vi) gần gũi với con người, qua đó hiểu con người nhiều hơn.
- Hiểu rõ nguồn gốc và tiến trình phát triển lịch sử của các ngôn ngữ, qua đó xác định được nguồn gốc và tiến trình phát triển lịch sử của các dân tộc.
- Làm rõ đặc điểm của các đơn vị và quy tắc cấu tạo trong mỗi ngôn ngữ và mỗi nhóm ngôn ngữ, nhằm phục vụ cho việc dạy học tiếng (cho người bản xứ và người nước ngoài), phiên dịch; và hiện nay thì xây dựng các chương trình dịch tự động từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; xây dựng các chương trình ngôn ngữ phục vụ cho AI-người máy thông minh (biết sử dụng ngôn ngữ). Ngoài ra, chúng ta còn cần sử dụng kiến thức Ngôn ngữ học để giúp đỡ những người có rối loạn chức năng ngôn ngữ.
Mục đích của việc dạy học ngôn ngữ ở nhà trường
Nếu không được học ngôn ngữ, học tiếng nói và chữ viết qua giảng dạy, thì sự hiểu biết về ngôn ngữ của một người chỉ có được thông qua sự học hỏi tự nhiên, vì vậy nó chỉ tồn tại ở dạng mặc ẩn (vô thức). Người đó chỉ có khả năng nói và nghe, không có khả năng viết và đọc, vốn từ rất nghèo nàn, khả năng vận dụng vốn từ để tạo câu, khả năng sắp xếp các ý tường một cách mạch lạc rất hạn chế.
Học ngôn ngữ ở nhà trường là để phát triển tư duy, phát triển các quá trình nhận thức khác như trí nhớ, tri giác, và cả cảm xúc… Công cụ đó góp một phần không thể thiếu trong hoạt động giao tiếp, tương tác của một xã hội và trong thành công của mỗi con người. Học ngôn ngữ ở nhà trường để thấy rõ hơn văn hóa dân tộc và góp phần giữ gìn, phát triển sự giàu đẹp đó.
NHỮNG VẤN ĐỀ THẢO LUẬN VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH
- Theo Charles Hockett, một nhà Ngôn ngữ học nổi tiếng người Mĩ, khả năng dùng để nói dối và lừa gạt là nét đặc trưng của ngôn ngữ. Anh (chị) bình luận như thế nào về ý kiến đó?
- Theo anh (chị), có nên dùng một ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh thay cho tiếng mẹ đẻ để giảng dạy trong nhà trường hay không? Vì sao?
- Chủ thể giao tiếp bằng ngôn ngữ có thể tiếp nhận ngôn ngữ mà không cần thấy mặt người đang giao tiếp với mình. Có phải tất cả các hình thức giao tiếp ngôn ngữ đều như vậy không? Ngoài ngôn ngữ, có phương tiện giao tiếp nào cũng có tính chất như vậy không?
- Tìm thêm những dẫn chứng cho thấy ngoài từ tượng thanh, trong ngôn ngữ còn có nhiều trường hợp dấu hiệu ngôn ngữ không hoàn toàn võ đoán.
- Như đã biết, mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt cùa dấu hiệu ngôn ngữ có tính võ đoán, nói cách khác, đó là mối quan hệ được hình thành do sự quy ước của từng cộng đồng ngôn ngữ. Thế nhưng, có rất nhiều trường hợp hai ngôn ngữ có những từ gần giống nhau về âm và nghĩa. Có thể nêu một vài ví dụ. Trong tiếng Anh có những từ như hound (chó săn), book (sách), cat (mèo), v.v… gần giống về âm và nghĩa với những từ như Hund, Buch, Katze, v.v… trong tiếng Đức. Trong tiếng Việt có những từ như tem, ga, cà phê, sút (bóng), mít tinh, v.v… gần giống về âm và nghĩa với những từ như timbre, gas, café trong tiếng Pháp; shoot, meeting, v.v… trong tiếng Anh, và có những từ như cắt, bé tí, v.v… gần giống về âm và nghĩa với những từ như cut trong tiếng Anh, petit trong tiếng Pháp. Theo anh (chị), có thể giải thích như thế nào về hiện tượng đó?
- Ngôn ngữ và tư duy, cái nào có trước?
- Những đặc trưng nào giúp ta phân biệt đơn vị ngôn ngữ và đơn vị lời nói? Cho ví dụ và phân tích.
- Hãy giải thích và chứng minh nhận định cho rằng trong ngôn ngữ chì có cái khái quát.
- Hãy phân tích những ưu thế của ngôn ngữ nói so với ngôn ngữ viết và ngược lại, ưu thế của ngôn ngữ viết so với ngôn ngữ nói.
- Có thể nói Hôm nay tôi vừa học được một câu mới được không? Vì sao?
- Theo anh (chị), nhà nước ta cần có chính sách như thế nào đối với ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam?
- Có một số ca sĩ Việt Nam dùng những tựa đề tiếng Anh như I am a student “Tôi là sinh viên”, My way “Con đường em đi” để đặt tên cho chương trình biểu diễn hay tuyển tập ca khúc của mình nhằm thu hút giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Anh (chị) có quan điểm như thế nào về hiện tượng đó?
Tham khảo
- BS Đỗ Thị Thuý Anh chỉnh lý