Một số hoạt động can thiệp mà cha mẹ có thể thực hiện trong can thiệp sớm
Các hoạt động hàng ngày giúp phát triển ngôn ngữ và lời nói
👉Hãy khen ngợi và khuyến khích những nỗ lực của con bạn khi bé nói các âm và từ mới.
👉Hãy thu hút sự chú ý của con bạn trước khi nói
👉Hãy sử dụng lời nói và ngôn ngữ chuẩn
- Phát âm các từ rõ và chậm để con bạn nghe và bắt chước
- Khuyến khích con bạn nhìn mặt, môi và lưỡi bạn khi bạn thiết lập âm và từ.
👉Kéo dài âm lời nói mà con bạn khó có thể nói.
👉Sử dụng vốn từ và ngôn ngữ của bạn sao cho phù hợp với mức độ của con bạn nhưng vẫn giới thiệu những khái niệm và từ mới. Hãy nhớ là trẻ hiểu nhiều hơn những gì bé có thể nói.
👉Hãy nghe một cách chăm chú khi bé nói với bạn và hãy cho bé thấy bạn hiểu bằng cách trả lời bằng hành động hoặc lời nói.
👉Hãy giúp con bạn nghe và làm theo chỉ dẫn bằng cách chỉ cho bé thấy bạn muốn gì.
👉Khi con bạn không hiểu, hãy nói theo cách khác thay cho việc chỉ lặp lại một cách giản đơn. VD:
– Hãy đọc các quyển sách có các tranh vẽ nhiều màu sắc:
- Chỉ và nói tên các bức tranh khi bạn đọc
- Đề nghị con bạn chỉ các đồ vật trong bức tranh. Ví dụ: ‘quả bóng đâu con?”
👉Chơi các trò chơi đơn giản cùng con bạn như trò “trốn tìm”
👉Hãy hát các bài hát của trẻ con và nghe nhạc.
👉Nói trước với con bạn về những gì bé sẽ làm (trong ngày):
- Ăn các bữa chính và bữa phụ (thức ăn, đồ uống, hoạt động)
- Giờ tắm (các bộ phận của cơ thể, các hoạt động)
- Thay quần áo (các bộ phận của áo quần, bộ phận cơ thể, các hoạt động, thời tiết)
- Chơi đồ chơi, các con vật nuôi, và bạn bè/anh chị em họ (các đồ vật, hoạt động và kỹ năng xã hội)
- Lau rửa đồ chơi (đồ vật, giới từ, và sự hoàn thành công việc)
- Chơi ngoài trời (đồ vật, hoạt động, thời tiết, cộng đồng)
- Đi dạo (đồ vật, hoạt động, lắng nghe, thời tiết, cộng đồng)
👉Nói với con bạn về những gì bạn sẽ làm trong ngày và khuyến khích con bạn tham gia:
- Dọn bàn
- Đi mua những thứ lặt vặt.
- Làm vườn
- Dọn dẹp nhà cửa
- Nấu cơm
👉Mở rộng những gì con bạn nói bằng cách lặp lại các từ của bé và thêm các từ khác vào. VD
-Nếu con bạn nói “thêm nữa”, hãy đáp ứng yêu cầu của bé và nói thêm
- “cho con thêm nữa à”, hoặc “uống nữa à”, v.v
- Nếu con bạn nói “muốn bóng”, hãy đáp ứng yêu cầu của bé và nói thêm “Con muốn quả bóng này à”, “con muốn lấy quả bóng”, hoặc “muốn quả bóng màu xanh”
👉Hãy lặp đi lặp lại khi đưa những từ và âm mới. Ví dụ khi đếm, sử dụng giới từ, gọi tên các đồ vật, màu sắc, v.v
👉Cho trẻ cơ hội có được những trải nghiệm mới và nói với chúng, trước, trong và sau sự kiện đó.
👉Hãy hỏi nhiều câu hỏi để kích thích tư duy và ngôn ngữ hơn nữa.
👉Hãy tạo các lựa chọn giữa các đồ vật để nói những câu có nghĩa (câu hướng mục tiêu)
👉Tăng cường việc ra quyết định
👉Khuyến khích trẻ trả lời bằng lời nói.
💥Hãy nhớ:
✍Việc nói cần phải tạo hứng thú cho trẻ. Hãy cố gắng khuyến khích trẻ nói mà không đặt ra quá nhiều yêu cầu cho trẻ.
✍Một môi trường “kích thích ngôn ngữ” rất quan trọng cho việc học tập nhưng việc tạo ra cho trẻ một môi trường có quá nhiều ngôn ngữ có thể sẽ tạo nên một sự chồng lấn. Hãy làm cho ngôn ngữ đến với con bạn càng tự nhiên càng tốt và luôn đảm bảo cho bé có thời gian tự do.
✍Hiểu những hạn chế của con bạn. Nhiều trẻ cần được khuyến khích sử dụng từ nhưng việc luôn kích thích trẻ vượt quá khả năng hiện tại của bé sẽ làm cho tất cả mọi người đều bực bội, khó chịu.
✍Thống nhất và kiên nhẫn.
Các chiến lược giúp giao tiếp thuận lợi hơn
✍Mở rộng: thêm từ vào những gì con bạn nói. Nếu con bạn nói “chó”, bạn có thể nói “chó ăn”, hoặc “chó đang ăn”. Việc mở rộng giúp con bạn ghép các từ.
✍Cố tình quên: sau khi con bạn đã quen với nếp sinh hoạt hàng ngày, bạn nên quên có chủ định một cái gì đó trong một phần của nếp sinh hoạt đó. Ví dụ, lấy sữa ra khỏi tủ lạnh và sau đó đưa cho con bạn cái cốc nhưng không đổ sữa vào đó.
✍Tạo điều kiện cho trẻ lựa chọn (quyết định): khi con bạn chỉ không chính xác những gì bé muốn (ví dụ như chỉ vào hướng dẫn chung của tủ lạnh), hãy cho con bạn lựa chọn giữa hai thứ và hãy cố gắng giúp bé sử dụng từ để cho bạn biết bé muốn gì. Ví dụ, nếu con bạn chỉ vào tủ lạnh, bạn hỏi bé: “con muốn uống sữa hay nước cam?”
✍Nói song song: chiến lược này có thể không dẫn tới việc bé nói ra từ nào vì về cơ bản nó được sử dụng cho trẻ chưa nói được. Chiến lược này liên quan tới việc sắp xếp môi trường để tạo ra một cái gì đó hấp dẫn sự chú ý của con bạn. Có thể con bạn đang bắt đầu chơi các trò chơi thường ngày như đẩy xe ô tô lên xuống. Bạn có thể thử các trò thường ngày mà con bạn phải đẩy những vật khác lên xuống. Nếu con bạn đang chơi trong chậu tắm của bé, hãy mô tả những gì đang diễn ra. Ví dụ: Hùng đang lấy xà phòng. “ồ, xà phòng rất trơn”. Lúc này Hùng đã lấy được nó. “Hùng đang rửa chân”. “Hùng đang đẩy chiếc thuyền”. Điều quan trọng là người lớn cần phải mô tả những hoạt động đó của trẻ. Bằng cách đó, chúng ta có thể giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa hành động và từ mô tả hành động.
✍Bắt chước: Một trong các cách tốt nhất để dạy con bạn rằng việc bắt chước thú vị (và có ích cho việc học nhiều kỹ năng) là bắt chước một cái gì đó con bạn bắt đầu. Con bạn sẽ đặc biệt thấy thú vị với sự bắt chước đó nếu đó là một việc gì đó rất ngớ ngẩn. Hãy tìm kiếm cơ hội bắt chước (ví dụ, con bạn đặt một chiếc chảo lên đầu và sau đó nhìn bạn bắt chước làm như thế). Bạn cũng có thể bắt chước các âm phát ra của bé (ví dụ, nếu con bạn nói “eee”, bạn hãy nhắc lại; nếu con bạn búng lưỡi bĩu môi ê, bạn cũng bắt chước.)
✍Làm mẫu (hoặc tự nói): trẻ học nhiều thứ từ việc bắt chước. Hãy khuyến khích con bạn sử dụng các từ để nói về những gì bé đang làm bằng cách làm mẫu. Hãy chỉ ra hoặc nói những gì bạn muốn con bạn làm trước khi bạn mong bé làm được như vậy. Ví dụ, hãy cho con bạn nghe bạn nói âm hoặc từ … hoặc nhìn bạn thực hiện hoạt động trước khi bé cố gắng làm tất cả những hoạt động đó. Tự nói là một cách tự tường thuật về hành động của mình. Ví dụ, khi bạn đang lái xe, bạn nói những điều như “Mình sẽ dừng lại”, “Mình sẽ đi”, v.v.
✍Vật mới lạ: giới thiệu một cái gì đó mới lạ vào môi trường của bé, một cái gì đó mà khác với những gì đi kèm với nếp sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, nếu bạn đang chơi với bé cùng với các thứ đồ chơi, bạn hãy đặt một cái chai sữa trẻ em vào giữa đống đồ chơi đó. Hãy thử xem xem con bạn có nhận thấy những thứ mới lạ hoặc những thứ không mong đợi, hãy thu hút sự chú y của bé tới những vật đó bằng cách nói: “ồ, hãy nhìn cái này” trong khi bạn chỉ vào vật đó và gọi tên nó.
✍Ngoài tầm với: bạn có thể đặt một cái gì đó có chủ định mà bạn biết con bạn sẽ muốn ra khỏi tầm với của bé hoặc vào một chiếc hộp mà bé không thể mở. Việc đặt một thứ gì đó ngoài tầm với của bé sẽ tạo ra một tình huống cho con bạn phải chỉ vào thứ đó để cho bạn biết bé muốn gì. Sau đó, bạn có thể cố gắng giúp con bạn nói/ ký hiệu tên của đồ vật bé muốn hoặc những từ khác như “đưa cho con”, “muốn”, hoặc “làm ơn” trước khi bạn đưa cho bé đồ vật đó.
✍Diễn giải ngắn gọn hơn: nếu con bạn dường như không hiểu những gì bạn nói, hãy thử diễn giải bằng những từ khác. Con bạn có thể hiểu bạn hơn nếu bạn dùng các ngôn từ dễ hiểu hơn. Ví dụ: hãy nói “ngồi xuống” thay cho câu “con phải ngồi xuống và ăn xong rồi còn đi thăm bà bây giờ”.
✍Hỗ trợ lời nói bằng tranh ảnh (giao tiếp tăng cường): có thể sử dụng các bức tranh ảnh về đồ vật và các hoạt động để giúp trẻ giao tiếp. Việc sử dụng các bức tranh, ảnh nhằm mục đích giảm sự tức giận của con bạn và cải thiện khả năng cho bạn biết nhu cầu và mong muốn của con bạn. Bé có thể làm việc đó bằng cách chỉ hoặc cầm tay bạn chỉ vào bức tranh hoặc bé có thể sử dụng tranh ảnh thay cho lời nói. Đối với hầu hết các trẻ, việc sử dụng tranh ảnh chỉ là tạm thời, nhưng một vài trẻ có thể sử dụng tranh ảnh lâu dài hơn. Nhằm giúp con bạn hiểu bạn đang nói gì, bạn dùng các bức tranh ảnh khi bạn nói. Ví dụ, nếu bạn đang hỏi con bạn xem bé có muốn uống cái gì không, bạn có thể nói: “uống” và chỉ vào bức tranh có thứ uống đó (ví dụ: một cốc sữa).
✍Từng mảnh một: bạn có thể sử dụng chiến lược này khi chơi với các đồ chơi hoặc đồ vật có nhiều mảnh. Đừng cho con bạn tất cả các mảnh ngay lập tức. Hãy giữ một số mảnh lại để khuyến khích bé giao tiếp.
✍Hỗ trợ để khuyến khích trẻ: dạng hỗ trợ sẽ thay đổi dựa trên sự đáp ứng của trẻ. Nếu bạn muốn con bạn chọn một đồ vật mà bạn nói tên, sự hỗ trợ có thể là bạn đưa đồ vật cần lựa chọn tới gần bé hơn. Nếu bạn muốn con bạn sử dụng một ký hiệu, sự hỗ trợ có thể là giúp bé nắm tay để làm ký hiệu. Nếu bạn muốn con bạn nói một từ hoặc một ngữ, sự hỗ trợ có thể là đưa cho bé hai sự lựa chọn.
✍Đặt câu hỏi: đặt các câu hỏi phù hợp với tình huống. Hãy cố gắng không hỏi các câu hỏi có/không nếu bạn muốn con bạn nói nhiều hơn, hãy cố gắng đặt các câu hỏi mở như “Con gấu sống ở đâu?” hoặc “Mẹ có thể làm điều đó như thế nào?”. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng cần đặt các câu hỏi có/không khi bạn đặc biệt muốn cố gắng cải thiện độ chính xác của các câu trả lời có/không của con bạn. Nếu bạn thực sự muốn như vậy, bạn chỉ cần hỏi các câu hỏi có/không đơn giản. Ví dụ, “Con có muốn uống sữa không?”
✍Làm cho công việc khó khăn hơn: kỹ thuật này là để can thiệp một cách có chủ định vào việc hoàn thành tốt một hoạt động nào đó. Ví dụ, giấu một mảnh hình trong bộ xếp hình đi. Bạn cũng có thể đưa cho trẻ một thứ khác với thứ mà bé muốn. Ví dụ, bạn có thể đưa cho con bạn một củ cà rốt trong khi bé lại muốn một cái bánh quy. Việc này sẽ làm tạo ra một tình huống nhằm khích lệ con bạn sử dụng từ/ký hiệu để giao tiếp/nói lên những mong muốn và nhu cầu của bé với bạn. Sau khi bạn đã tạo tình huống làm trẻ chưa thể hoàn thành hoạt động, bạn phải đảm bảo chắc chắn là bạn đang khích lệ bé sử dụng từ/ký hiệu để chỉ cho bạn thấy những gì bé muốn nhưng sau đó bạn cũng phải chắc chắn là con bạn có thể hoàn thành hoạt động đó. Công việc này cần phải được thực hiện một cách thận trọng và ở một chừng mực phù hợp nhằm tránh làm cho trẻ có tâm lý miễn cưỡng khi thử một hành động cụ thể.
✍Giữ lại một đồ vật để nhận được phản ứng mong muốn: nếu bạn muốn con mình tăng cường ngôn ngữ biểu đạt (ví dụ điệu bộ, dấu hiệu, các hệ thống tranh, từ ngữ), đừng đưa cho trẻ những gì trẻ muốn cho đến khi trẻ cho bạn phản ứng mong muốn.
✍Ngôn ngữ ký hiệu: ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ sử dụng một hệ thống cử chỉ điệu bộ để giao tiếp. Có thể sử dụng ký hiệu với trẻ chậm nói hoặc rối loạn lời nói nhằm làm giảm đi sự bực bội và cho bé một cách giao tiếp những mong muốn và nhu cầu của bé. Đối với một số trẻ, có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu một cách tạm thời như một cách để giúp cho giao tiếp được thuận lợi hơn. Ngôn ngữ ký hiệu thường giúp lời nói phát triển tốt hơn. Đối với một số trẻ khác, có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu lâu hơn. Nếu con bạn chưa thể nói tốt, hãy khuyến khích trẻ dùng ký hiệu/điệu bộ thay cho lời nói.
✍Phá vỡ thói quen: sau khi con bạn đã quen với nếp sinh hoạt hàng ngày, hãy chủ động làm một điều gì đó làm thay đổi điều mà trẻ có thể đoán trước mà hoàn toàn không cho trẻ biết trước (ví dụ đi giày cho trẻ sau đó lại lấy tất để đi cho trẻ)
✍Đợi và quan sát: sau khi đã bắt đầu một trò chơi hoặc đặt một câu hỏi, hãy đợi và cho trẻ có thời gian để trả lời
Các hoạt động lời nói
Các bài tập vận động môi miệng
Nên thực hiện các dạng hoạt động này cho trẻ hàng ngày. Không nên bắt ép trẻ. Hãy làm cho các hoạt động này trở nên thú vị và hãy thực hiện chúng cùng với trẻ.
Tăng cường điều khiển thở – sử dụng các bài tập về phổi:
Điều khiển hơi thở cũng quan trọng đối với sự phát triển và điều khiển các âm. Bạn có thể sử dụng các bài tập sau đây để tăng cường sự điều khiển thở:
- Các bài tập thở sâu (cơ hoành và phổi)
- Các bài tập thư giãn
- Tạo ra các âm đều đều
- Tạo ra các âm đơn.
- Các bài tập thể chất luyện kỹ năng vận động thô (chạy, trèo, đạp xe, các môn điền kinh, v.v)
- Thổi bong bóng dùng dụng cụ thổi bong hoặc qua một cái ống hút.
- Thổi hoặc mút qua một cái ống hút.
- Thổi sáo
- Thổi chiếc thuyền cho nó trôi trong nước
- Thổi bong bóng xà phòng tắm cho nó rơi khỏi tay bạn hoặc tay trẻ.
- Thổi những chiếc lông
- Phà hơi thở vào một chiếc gương hoặc cửa sổ để tạo ra một hình gì đó.
- Thổi chong chóng giấy và làm cho chúng quay.
Các bài tập với các khoang mũi, miệng – nhận thức về lưỡi và miệng:
Một số trẻ không nói được có thể không nhận thức được về lưỡi và môi của mình và những gì chúng có thể làm được mặc dù các bộ phận này vô cùng quan trọng cho việc tạo ra các âm. Dưới đây là các bài tập giúp khuyến khích sự nhận thức về môi miệng và sự vận động của lưỡi cũng như sự phối hợp các cơ quan phát âm khác:
- Bôi mật ong hoặc mứt lên môi của con bạn và xung quanh miệng trẻ để bé liếm bằng lưỡi của mình.
- Thè lưỡi của bạn ra ngoài và bảo con bạn bắt chước theo. Hãy đưa lưỡi của bạn lên/xuống, sang phải, sang trái, liếm quanh miệng, uốn cong lưỡi lên,v.v.
- Thổi một chiếc lông, một cái lá hoặc một mảnh giấy cho bé và ngược lại
- Ngậm một mảnh giấy giữa hai môi.
- Phồng má và xem liệu con bạn có bắt chước bạn không
- Búng lưỡi bĩu môi và nhìn xem con bạn có thể bắt chước bạn không.
- Hôn và gửi nụ hôn theo gió.
- Thổi ống hút, tạo ra các âm thanh thông qua việc thổi (ví dụ như thổi sáo), thổi bong bóng, thổi vào một cái gì đó (ví dụ như thổi qua một cái ống hút tới các quả bóng bằng giấy.
- Bắt chước các khuôn mặt trong gương. Tạo ra các nét mặt khác nhau:
- khuôn mặt với cái môi dẩu ra,
- khuôn mặt đang mỉm cười,
- nói ‘oo’, ‘ee’,
- lưỡi thè ra, thụt vào, lên xuống, liếm mép, cong lên, v.v.
- Chơi các trò chơi bắt chước tiếng kêu của các con vật
- Hát các bài hát và các giai điệu
- Chơi các trò chơi với các từ không có nghĩa nhưng có âm điệu.
Chúng ta cũng có thể khuyến khích sự vận động và sự phối hợp các cơ quan phát ra lời nói bằng cách cải thiện các thói quen ăn uống của trẻ.
- Khuyến khích con bạn ăn các thức ăn cứng như: hoa quả, rau, và bánh mỳ.
- Cho thức ăn vào giữa hai hàm răng ở bên phải hoặc bên trái miệng để khuyến khích trẻ nhai.
- Giúp con bạn ngậm miệng lại trong khi nhai. Khen bé khi bé cố gắng.
- Nhẹ nhàng mát xa các cơ má trẻ bằng cách xoa vòng tròn sử dụng các đầu ngón tay. Tập các bài tập này trong giờ tắm như một phần của hoạt động tắm.
Lưu ý: Những gợi ý trên có thể không hiệu quả lúc ban đầu nhưng xin đừng từ bỏ chúng quá nhanh chóng. Hãy cho con bạn thời gian để điều chỉnh và học các kỹ năng mới.
Các bài tập nghe
Chúng ta có thể phát triển các kỹ năng lắng nghe của trẻ bằng cách tổ chức các trò chơi. Kỹ năng này đến lượt nó sẽ giúp tăng cường khả năng nói cho trẻ.
Điều quan trọng nhất là hãy dành nhiều thời gian mỗi ngày để chơi các trò chơi như các hoạt động dưới đây với con bạn và những hoạt động khác nữa và bạn hãy làm cho những hoạt động này trở nên thú vị (tạo và chuyển di cảm xúc).
- Khi bạn nói chuyện với con bạn, hãy nhắc trẻ “lắng nghe”.
- Chơi các trò chơi cần phải đợi “chuẩn bị, sẵn sàng, bắt đầu” với bóng, các viên đá, đồ chơi (ví dụ: với bất kỳ cái gì có thể lăn được như bóng hoặc đồ chơi giữa hai người hoặc thả vào cái hộp như thả một viên đá hoặc một quả bóng vào một cái hộp bằng kim loại).
- Chơi một nhạc cụ cho trẻ nhảy theo. Chúng phải lắng nghe và tất cả phải ngồi xuống khi nhạc tắt. Chơi các trò chơi bắt đầu – kết thúc sử dụng các nhạc cụ như một dấu hiệu âm thanh.
- Khám phá các nhạc cụ: bộ gõ, bộ thổi và bộ rung.
- Chơi trò “đoán bộ nhạc cụ nào” với trẻ: Trẻ lắng nghe trong khi phải nhắm mắt và nhạc cụ đó được phủ bằng một tấm vải. Liệu con bạn có xác định được bạn đang đánh nhạc cụ nào không?
- Gõ theo nhịp điệu vào một cái trống. Trẻ phải nghe và bắt chước nhịp điệu đó.
- Gõ những tiếng thật to trên trống. Trẻ phải nghe và di chuyển minh họa âm thanh đó (ví dụ: giống như tiếng một con vật to như con trâu đang di chuyển). Gõ nhẹ vào trống. Trẻ phải nghe và di chuyển minh họa âm thanh đó. (chắng hạn giống như một con vật nhỏ như con chuột).
- Lấy ra một bộ tranh ảnh các con vật. Trẻ phải nghe và khi bạn bắt chước tiếng kêu của một con vật nào đó, bé phải ghép âm thanh đó với bức tranh con vật tương ứng.
- Hãy lấy ra cái hộp. Hai hộp này có âm thanh khác nhau. Ví dụ trong hộp 1 âm thanh là “B”, trong hộp 2, âm thanh là “Đ”. Trẻ phải nghe bạn nói “B” hay “Đ” và cho một viên đá vào cái hộp tương ứng. Có thể thực hiện bài tập này theo nhiều cách khác nữa: có thể sử dụng các cách như đơn giản nói các âm chữ cái, nói các từ bắt đầu bằng các âm mà chúng ta muốn trẻ học, cầm các đồ vật thật có chữ đầu là “B” hoặc “Đ” như những cách hỗ trợ về thị giác. Điều này cũng sẽ giúp trẻ tăng khả năng chú ý lắng nghe.
- Hãy gọi tên các đồ vật quen thuộc. Khi nói các từ hãy cố ý nói sai. Ví dụ như nói “kén” thay cho từ cái “chén”. Trẻ phải lắng nghe và sửa lỗi sai cho bạn khi bạn sai.
- Chơi các trò chơi bán hàng. Trong khi chơi, trẻ phải nghe thật kỹ các từ. Ví dụ: bạn đề nghị trẻ “đi và mua một ít đường”.
- Giấu một thứ đồ chơi âm nhạc hoạt động bằng cách lên dây cót và cho trẻ tìm thứ đồ chơi đó bằng cách lắng nghe âm thanh phát ra từ đâu.
Lưu ý: những gợi ý này có thể chưa đem lại hiệu quả lúc đầu nhưng xin đừng từ bỏ nó quá nhanh. Hãy cho con bạn thời gian để điều chỉnh và học những kỹ năng mới. Các hoạt động này cũng ứng dụng cho trẻ điếc khi bắt đầu dùng máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử.
- Trước khi thử thực hiện bất kỳ một điều gợi ý nào trên đây, bạn hãy đảm bảo là con bạn đã ngồi ở một vị trí thoải mái.
- BS Đỗ Thị Thuý Anh chỉnh lý