TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI CHO NGƯỜI CÓ NGUY CƠ TỰ SÁT
Một thân chủ tìm đến gặp và nói rằng ông bị HIV/AIDS. Ông đang tìm cách để chết trước khi gia đình biết ông bị bệnh cũng như trước khi bị chuyển sang giai đoạn AIDS. Câu chuyện của tôi tạm ngừng ở đây và một câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp thân chủ đến nói rằng thân chủ muốn kết thúc cuộc sống của mình thì các anh chị sẽ làm gì? Các anh chị sẽ áp dụng kỹ thuật gì để làm việc với thân chủ? Việc những nhân viên công tác xã hội, nhân viên tham vấn mới vào nghề hiểu thân chủ và biết cách áp dụng các kỹ năng, liệu pháp làm việc với thân chủ có liên quan đến sức khỏe tinh thần, đặc biệt là với bệnh nhân trầm cảm có ý tưởng tự sát là cần thiết.
Vấn đề về sức khỏe tinh thần đối với người có HIV/AIDS (NCH) bao gồm sự mất mát, sự kỳ thị và phân biệt đối xử, sợ phản ứng từ người khác, mù mịt về tương lai, thay đổi nhận diện bản thân như các rối nhiễu về mặt tâm lý, đặc biệt là rối nhiễu trầm cảm (Zilber, 2006) và các rối nhiễu lo âu liên quan đến bệnh tật hay liên quan đến các tình huống cụ thể (WHO, 2007). Có nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra trầm cảm xuất hiện phổ biến đối với bệnh nhân HIV/AIDS. Họ cho rằng vấn đề trầm cảm trong nhóm người có HIV và bệnh nhân AIDS cao hơn nhóm dân số bình thường phổ biến từ 15-30 phần trăm (Angelino and Treisman 2001). Theo nghiên cứu về thực hành nhận thức hành vi thì tình trạng đau buồn có thể gây cản trở các hành vi tự chăm sóc bản thân – gắn với điều trị áp dụng liệu pháp kháng retro vi rút (antiretroviral therapy (ART) – đây là dạng điều trị sử dụng thuốc ARV làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm) (Safren, Hendriksen et al. 2004). Đối với người sống chung với HIV/AIDS, người đang chịu đựng vấn đề trầm cảm thì việc họ tham gia vào việc sử dụng điều trị ARV ở mức độ rất thấp (WHO, 2007). Vậy làm thế nào để có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tâm lý cho NCH, giúp họ vượt qua các rào cản tâm lý cá nhân, rào cản xã hội để có thể tuân thủ điều trị và hội nhập, chấp nhận HIV/AIDS như là một bệnh mà thế giới đang tìm kiếm phương thuốc chữa trị?
Nghiên cứu thực nghiệm
Tiếp cận Trị liệu nhận thức hành vi (NTHV) với vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu, thiếu sự tôn trọng bản thân, đã được nghiên cứu nhiều nơi trên thế giới và đã được sự thành công nhất định (Bunmi O.Olatunji, Matthew J.Mimiaga et al. 2006). Tại Mỹ, nghiên cứu thuộc Bệnh viện Massachusetts và Đại học Y Harvard và các trường đại học khác tại Mỹ đã miêu tả về thiết kế điều trị nhận thức hành vi theo hướng phối hợp giữa áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi cho trầm cảm, phối hợp với các kiểm tra về HIV đã được tiếp cận, sử dụng thuốc cho người bệnh HIV theo các điều kiện tuân thủ về lịch hoạt động, cấu trúc lại nhận thức, huấn luyện tập trung vào giải quyết vấn đề, huấn luyện thư giãn và hít thở bụng cho các đối tượng nam quan hệ với nam bị nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục, đã đạt một hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện trầm cảm và tuân thủ thuốc (Safren, Henđnksen et al. 2004). Khoa tâm lý, tại Đại học Pretoria, Hoa Kỳ đã làm nghiên cứu về việc xây Chương 8. HỖ TRỢ TÂM LÝ CHO NGƯỜI CÓ NGUY CƠ TỰ SÁT: TRƯỜNG HỢP LIÊN QUAN ĐẾN HIV/AIDS dựng mô hình Trị liệu nhận thức hành vi để hỗ trợ cho những người phụ nữ sống chung với HIV ứng phó với việc tự kỳ thị bản thân và sự kỳ thị của xã hội. Kết quả nghiên cứu cho rằng những bệnh nhân được áp dụng NTHV giảm mức độ trầm cảm, gia tăng sự tự tin và lòng tôn trọng bản thân. Nghiên cứu này cũng cho rằng việc áp dụng NTHV đạt hiệu quả cao (Tshabalala, 2008).
Tại Thái Lan, một nghiên cứu tại Bệnh viện Y dược Thái Lan được thực hiện cho khoảng 40 và 80 bệnh nhân là người trưởng thành đang sống chung với HIV/AIDS. Trong đó 40 bệnh nhân nhận sự hỗ trợ từ trị liệu NTHV và 80 không nhận sự hỗ trợ từ trị liệu NTHV được tuyển chọn từ phòng khám dịch tễ học và phòng khám về các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong khoảng thời gian 6 tháng, từ tháng 09/2010 đến 02/2011. Kết quả nghiên cứu đã cho biết rằng nhận thức hành vi có ảnh hưởng tốt trong việc điều trị trầm cảm cho bệnh nhân trưởng thành đang sống chung với HIV. Việc ảnh hưởng tốt của NTHV không chỉ tác động trực tiếp mà còn đạt một kết quả bền vững tại thời điểm điều trị và theo dõi sau 3 tháng. (Jayavasti, Hiransuthikul et al. 2011). Tổ Chức Y tế Thế giới đề xuất nhiều cách thức giúp NCH quản lý các vấn đề về sức khỏe tinh thần trong đó trầm cảm, các rối nhiễu lo âu như rối nhiễu lo âu lan tỏa, rối nhiễu hoảng sợ, rối nhiễu ám sợ, quản lý các vấn đề liên quan đến giấc ngủ.
Làm việc với người có HIV/AIDS đối diện với nguy cơ tự sát
Đối với những người khi mới phát hiện mình bị bệnh thường xuất hiện tâm trạng phủ nhận, chối bỏ hoặc bi quan cho rằng cuộc sống của mình đã đến hồi kết thúc. HIV lây qua ba đường: tình dục, mẹ truyền sang con, truyền máu. Trong đó, lây lan qua đường tình dục chiếm tỉ lệ khá cao, vì vậy, khi phát hiện mình bị hoặc có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS người bệnh sẽ xuất hiện tâm trạng bi quan, xấu hổ, tội lỗi, có liên quan đến việc không chung thủy hay liên quan đến tệ nạn xã hội như mại dâm, nên sự kỳ thị là khá cao trong gia đình và cộng đồng, khi biết mình bị như vậy, người bệnh sẽ có tâm trạng khủng hoảng, lo lắng, căng thẳng hay thu mình lại, xuất hiện nhiều triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Vì vậy, mức độ lo lắng, sự thu mình lại càng cao và ý tưởng tự sát, tự hủy hoại bản thân xuất hiện như là triệu chứng của các rối nhiễu trầm cảm liên quan đến cái chết. Việc giúp thân chủ ứng phó với các ý tưởng tự sát hay các kế hoạch tự sát là cần thiết để giúp họ lấy lại sự cân bằng trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý xã hội hay sức khỏe khác.
Trường hợp ông H: “Tôi muốn mình chết một cách bình thường như bao người khác trước khi gia đình tôi phát hiện tôi bị HIV!”
Ông H, 55 tuổi đến gặp tham vấn viên trong tâm trạng hết sức căng thẳng, bị mất ngủ trong vòng một tuần, ông nghi ngờ mình đã bị nhiễm HIV. Ông H làm trong ngành xây dựng, ông xin về hưu sớm, đang tham gia làm cố vấn cho công ty xây dựng nhỏ. Trước khi gặp nhà tham vấn 1 tháng, ông H được những người bạn của mình mời đi dự đám cưới của con của một người đồng nghiệp, sau đó bạn bè rủ “đi tăng hai”, ông và những người bạn của mình vào một “dịch vụ mát – xa”, ở đó cô phục vụ, nhân viên mát – xa đã làm cho ông xuất tinh, từ đó trở về ông lo lắng căng thẳng sợ mình bị nhiễm HIV. Ông đi xét nghiệm ở Trung tâm tham vấn xét nghiệm tự nguyện dấu tên, người ta đánh giá nguy cơ của ông, hẹn 3 tháng sau quay trở lại xét nghiệm. Ông H không tin vào lời nhận xét hay hướng dẫn của họ, ông nghĩ là mình đã bị nhiễm HIV rồi, ông muốn tránh né mọi người kể cả gia đình mình với quyết định là tự sát để mọi người khỏi phải biết chuyện về mình như là một người cha không chuẩn mực, người chồng không chung thủy. Thông qua những lời giới thiệu từ bạn bè và đồng nghiệp ông tìm gặp nhà tham vấn với một tập tài liệu rất dày mà ông đã sưu tầm được về HIV về xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS.
Trong trường hợp này thông tin đánh giá và nhận định cho thấy thân chủ đang nằm trong nguy cơ cao về tự sát, có liên quan đến trầm cảm, thân chủ có cảm nhận sự phức tạp, rắc rối từ việc ứng phó với sự kiện khó khăn trong cuộc sống trong đó có cả vấn đề về sức khỏe. Công việc của nhà tham vấn, bước đầu tiên làm công tác tham vấn, xây dựng sự tương tác, ở bên cạnh thân chủ, giúp thân chủ tìm kiếm giải pháp, trong đó có cả việc giúp thân chủ ứng phó với vấn đề mất ngủ và tiếp tục theo dõi, tiếp theo cần thiết phối hợp với cả tham vấn trước xét nghiệm và sau khi xét nghiệm HIV/AIDS, tiếp tục theo dõi và áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi làm việc với thân chủ bị dấu hiệu trầm cảm không kèm theo các triệu chứng tâm thần. Trường hợp ông H không có triệu chứng của tâm thần, việc áp dụng trị liệu NTHV giúp ông vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại để tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của mình cũng như chờ đợi kết quả xét nghiệm sau 3 tháng là cần thiết. Trước khi đi vào áp dụng kỹ thuật nhận thức hành vi cho tham vấn và điều trị trầm cảm cho thân chủ, nhà tham vấn cần thực hành các bước đánh giá nguy cơ tự sát và sử dụng kỹ thuật để can thiệp.
Đánh giá nguy cơ: ý tưởng, kế hoạch, tiểu sử về vấn đề tự sát
Thân chủ: Chắc là tôi chết quá, không còn mặt mũi nào để sống nữa, xấu hổ với vợ con gia đình, hàng xóm!
Nhà tham vấn (NTV): Ý tưởng về việc “chết” bác có khi nào?
Thân chủ: Cũng lâu rồi cô, đặc biệt là một tuần nay, nó cứ ám ảnh tôi hoài.
NTV: Đó chỉ là suy nghĩ trong đầu hay bác có kế hoạch gì khác?
Thân chủ: Thật ra thì tôi đang có các kế hoạch khác nhau, tôi dự định uống thuốc, nhà tôi có thuốc tây nhiều lắm, em trai tôi là bác sĩ nó cũng giải thích với tôi nhiều về HIV, tôi định lấy thuốc của nó uống, trong đó có cả việc tôi uống thuốc trị huyết áp cao.
NTV: Bác nghĩ như thế nào về việc lấy thuốc từ em trai mình uống? Bác dự định lấy hay đã lấy rồi?
Thân chủ: Tôi dự định thôi, nhưng tôi thấy mình ác quá. Mình uống thuốc của em mình cho để chết, như vậy mình gieo tiếng ác cho nó là giết anh.
NTV: Bác nghĩ rằng uống thuốc do em mình cho là gieo tiếng ác, là tội giết anh?
Thân chủ: Phải, vì vậy mà tôi ngưng, tôi đang nghĩ cách khác, tôi nghĩ cách này chắc an toàn hơn.
NTV: Đó là cách gì hả bác?
Thân chủ: Tôi dự định ra đường xe tải chạy qua, tôi băng ngang qua đường, như vậy sẽ ổn hơn, gia đình sẽ xem như việc tôi bị xe đụng chỉ là một tai nạn bất ngờ, như vậy họ sẽ dễ thông cảm hơn.
NTV: Bác nghĩ việc xe tông như là một tai nạn bất ngờ, như vậy gia đình sẽ thông cảm hơn?
Thân chủ: Phải.
NTV: Nếu như lúc đó bác chỉ bị tai nạn mà không chết thì như thế nào? Và bác tài xế sẽ ra sao?
Thân chủ: (trầm ngâm suy nghĩ) Không được rồi, tôi muốn chết chứ không phải “sống dở chết dở”, mà mình làm như vậy cũng tội nghiệp cho tài xế, họ còn vợ con và gia đình nữa.
NTV: (im lặng, có một khoảng lặng yên tĩnh)
Thân chủ: Sao chết khó quá vậy cô?
Ông H đang nằm trong nguy cơ rất cao, ông không những có ý tưởng tự sát mà còn đang lên kế hoạch để tự hủy hoại bản thân. Chúng ta cần chú trọng đến những điểm này và làm việc trên những thông tin này và trường hợp này hết sức nghiêm túc.
Tìm hiểu ý nghĩa của việc tự sát
NTV: Sao việc tìm đến cái chết nó lại quan trọng đối với bác như vậy?
Thân chủ: Bởi vì tôi thấy xấu hổ, nhục nhã với vợ con với gia đình, tuần tuổi này rồi mà còn không giữ gìn được bản thân mình.
NTV: Ngoài cách là tìm đến cái chết thì bác còn có cách nào khác để giải quyết vấn đề của mình?
Thân chủ: Tôi có miếng đất ở Bình Chánh, tôi định dọn về đấy ở luôn, không cho con cái hay ai đến thăm, tôi muốn ở ẩn để tránh mặt con cái.
NTV: Bác muốn tránh mặt con cái? Khi nào thì bác định dọn về?
Thân chủ: Tôi định dọn ra riêng nhưng mà không ổn, con cái sẽ đặt vấn đề là tại sao ba lại tránh né như vậy, trong khi ở nhà có đủ điều kiện cho tôi.
NTV: Bác muốn né các câu hỏi chất vấn từ con bác?
Thân chủ: Chỉ có chết thì mới tránh né được những lời dị nghị đó.
NTV: Như vậy bác muốn chết, chủ yếu là để tránh né những lời dị nghị từ người thân?
Thân chủ: Đúng vậy, nếu chết đi thì họ sẽ không phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS, tôi dự định vài tháng nữa cơ quan cũ mời đi tham quan Côn Đảo, đi ra biển. Lúc ở trên boong tàu ngắm cảnh trên biển, tôi sẽ nhảy xuống nước, giải pháp này là hữu hiệu nhất. Xuống biển, tôi không biết bơi như vậy có thể dễ chết, nếu có chết đi nữa thì khả năng mất xác là rất cao, khó ai có thể nhận diện ra mình.
NTV: Bác định nhảy xuống biển mất xác để không còn ai nhận ra mình?
Thân chủ: Dạ
Ông H muốn tự sát vì cảm nhận xấu hổ nhục nhã với gia đình và tránh né lời dị nghị từ phía người thân.
Tìm ý nghĩa của cuộc sống
NTV: Trước khi bác mất thì còn điều gì mà bác muốn làm cho người thân của mình và người nào thật sự bác quan tâm nhất và muốn làm một điều gì đó cho họ?
Thân chủ: Thứ nhất là tôi muốn làm lại căn nhà, cô biết đây là căn nhà cấp 4, cũng cũ rồi, tôi cũng dành dụm được một số tiền, muốn xây lại cái nhà để bà xã và con có chỗ ở.
NTV: Việc xây nhà như vậy mất khoảng bao lâu và ai là người sẽ hỗ trợ cho bác?
Thân chủ: Việc thiết kế thì nhanh lắm, tôi làm trong ngành xây dựng nên cũng quen nhiều người, và tôi cũng có ý tưởng để thiết kế nó.
NTV: Trong khoảng thời gian bao lâu để bác hoàn thành bản thiết kế, và tiến hành xây dựng nhà thì như thế nào?
Thân chủ: Khoảng 3 tuần hay một tháng gì đó, còn xây nhà thì ít nhất là 3 đến 6 tháng.
NTV: Như vậy thì bác sẽ dành thời gian ưu tiên của mình cho việc xây nhà và thiết kế nhà trước, để cho vợ con có một chỗ ở ổn định trong trường hợp bác có ra đi đột xuất.
Ông H muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa cho vợ con và gia đình như xây nhà để vợ con có chỗ ở ổn định trước khi có tình huống xấu xảy ra.
Điểm tích cực neo giữ thân chủ
Thân chủ: Dạ, đó là một cô ạ, còn phần thứ hai tôi quan tâm là con Út (nói đến đây gương mặt bác H, trầm ngâm và hai mắt ngấn lệ)… Nó là đứa tôi thương nhất nhà cô ạ, cháu nó vẫn chưa lập gia đình, tôi muốn sống để nhìn thấy cháu lập gia thất, có người nương tựa.
NTV: Út đã có người yêu chưa bác?
Thân chủ: Tôi không biết cô ạ, thấy có hẹn hò gì đó mà vẫn chưa dắt về nhà ra mắt bố mẹ.
NTV: Như vậy Út là đứa mà bác thương nhất nhà và muốn sống để nhìn thấy út lập gia thất, có nơi nương tựa, thì bác sẽ yên tâm hơn.
Thân chủ: Dạ.
NTV: Việc trước mắt bác có đề xuất là sẽ thiết kế và lập kế hoạch xây nhà để cho vợ và nếu Út lập gia đình thì có chỗ chui ra chui vào. (Thân chủ đồng ý và tập trung vào việc lên kế hoạch tìm kiếm người hỗ trợ và nguồn lực xây nhà).
Thân chủ: Đúng rồi ạ.
Con cái, đặc biệt là đứa con gái chưa lập gia đình là điều mấu chốt níu giữ ông lại, làm cho ông muốn tiếp tục sống để quan sát và cảm nhận được niềm hạnh phúc khi con có gia đình ổn định.
Tóm tắt lại vấn đề của thân chủ: Xây dựng sự tương tác hiểu biết về thân chủ, giúp thân chủ nhìn nhận những vấn đề ưu tiên, hướng thân chủ tìm đến việc quyết vấn đề.
NTV: Tôi hiểu tâm trạng của bác, đang rất khó và bối rối chưa biết chính xác là mình có thật
nhiễm HIV hay chưa và nỗi lo lắng về việc có thể xảy ra tình trạng bị phân biệt đối xử, cảm xúc mình là
người có lỗi đang dày vò trong bác, bác thật sự rất bối rối và chưa biết làm cách nào để có thể qua nó.
Thân chủ: Đúng rồi ạ.
NTV: Qua hai tiếng làm việc với bác, tôi nhận ra vài điều nổi bật mà bác đang quan tâm: Thứ nhất về sức khỏe, bác không biết chắc chắn là mình có bị nhiễm hay chưa? Thứ hai là việc thiết kế và xây dựng căn nhà, thứ ba là chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, thứ tư là tình trạng mệt mỏi khó ngủ và bất an của mình.
Thân chủ: Dạ đúng ạ.
NTV: Bây giờ thì mình sẽ chọn lựa việc ưu tiên làm từng bước một. Việc xét nghiệm thì mình sẽ theo lịch hẹn của trung tâm bác hén, chỉ có xét nghiệt mình sẽ mới biết chính xác được, như vậy thì buổi tới mình sẽ đi sâu vào vấn đề đó, để đánh giá kỹ hơn về nguy cơ. Thứ hai việc thiết kế về căn nhà và xây căn nhà mình vừa đề cập đến, bác sẽ cứ tiếp tục triển khai trong khi chờ đợi lịch và kết quả xét nghiệm. Việc con gái Út lấy chồng thì mình sẽ tìm hiểu dần dần xem Út đã có ý trung nhân chưa, việc thứ tư mà tôi có thể tiếp tục hỗ trợ bác trong buổi hôm nay là liên quan đến giấc ngủ.
Thân chủ: Tôi hoàn toàn đồng ý, vì bây giờ mình có vội cũng không được nữa rồi.
Hướng thân chủ thư giãn bản thân
NTV: (Sau khi hướng dẫn bài tập) bài tập này sẽ giúp bác thư giãn, giảm căng thẳng trong vòng một tuần, giúp cho bác dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Việc hướng dẫn thân chủ thư giãn bản thân là một bước hết sức cần thiết, để giúp thân chủ giữ bình tĩnh để tìm cách giải quyết vấn đề.
Cung cấp thông tin nhằm can thiệp và có sự hỗ trợ kịp thời
NTV: Còn đây là thông tin và số điện thoại, trong trường hợp khẩn cấp hay có ý tưởng tự vẫn xuất hiện lại trong đầu thì bác nhắn tin hay điện thoại cho tôi biết, ngoài ra thì bác có thể chia sẻ với em trai của bác. Bác biết rằng luôn có những người đồng hành và hỗ trợ bác trong tình huống khó khăn này.
Thân chủ: Ngày đó, nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra tôi sẽ điện thoại cho cô, nếu không thì cô biết tôi đã vượt qua nó.
Thông tin được cung cấp như số điện thoại, địa chỉ email của tham vấn viên hay của những người thân nhằm nhắc nhở thân chủ trong việc liên lạc khi cần thiết và cũng để đảm bảo tính an toàn cho thân chủ.
Chào và đặt lịch hẹn cho lần tiếp theo
NTV: Sau buổi làm việc hôm nay thì bác cảm thấy như thế nào ạ?
Thân chủ: Ít nhất tôi có người để chia sẻ, nói ra được những tâm tư suy nghĩ của mình, và cô giúp tôi tìm hiểu rõ hơn về chuyện của mình.
NTV: Bác vẫn tiếp tục làm những bài tập và các hoạt động mà chúng ta đã thảo luận ở trên, và tuần sau vào giờ này, ngày này chúng ta sẽ gặp nhau, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào bác thông tin qua điện thoại để cho tham vấn viên được biết.
Trong tóm tắt, thân chủ xác nhận việc nhận ra được rằng họ tìm thấy được sự ích lợi trong việc nói chuyện với nhà tham vấn, hiểu rõ hơn về vấn đề của chính họ và hướng đến cách thức giải quyết vấn đề.
Thảo luận sâuTôi muốn dừng lại ở đây để thảo luận sâu hơn về việc mong muốn tự sát của thân chủ: Theo Beck, bệnh nhân tự vẫn thường có sự xung đột giữa lý do để sống và lý do để chết. Sự xung đột này diễn tả cảm xúc bên trong nội tâm của thân chủ, liên quan đến mong ước được sống và mong ước được chết, một khi cái mong muốn chết chế ngự và lớn hơn mong muốn được sống thì nguy cơ tự sát sẽ rất cao. Câu hỏi mang tính lâm sàng cần thiết là liệu việc tác động bằng các yếu tố tâm lý lên thân chủ đang có cảm nhận vô vọng, thấy cuộc sống này không còn ý nghĩa và dẫn đến tự vẫn sẽ như thế nào. Các nghiên cứu của Beck và các đồng nghiệp của ông đã cho thấy rằng, liệu pháp nhận thức có tác động lớn trong việc làm giảm đi sự tuyệt vọng.
Giúp thân chủ ứng phó với vấn đề tự sát bằng việc đánh giá nguy cơ tự làm hại bản thân như thân chủ chỉ có ý tưởng tự sát, hay đã lập kế hoạch tự sát, hoặc tiểu sử về vấn đề tự sát, từ đó tìm cách giúp thân chủ, hướng thân chủ tìm đến việc giải quyết vấn đề, cấu trúc lại nhận thức bản thân với niềm tin: “Bị HIV/AIDS là mang án tử hình”, “Người nhiễm HIV là một tệ nạn của xã hội”, hay là sự sợ hãi về phân biệt đối xử, “cảm xúc mình là người có lỗi, sự xấu hổ đang dày vò trong lòng”… Việc hiểu biết tâm lý người bệnh và áp dụng nhận thức hành vi trong việc đánh giá các suy nghĩ tự động tiêu cực, bao gồm các suy nghĩ tiêu cực về bản thân, về xã hội về tương lai, các niềm tin cốt lõi có tính hủy hoại liên quan đến bệnh tật sẽ giúp cho người bệnh vượt qua được các rào cản tâm lý, giúp họ tự chăm sóc bản thân, cấu trúc lại các nhận thức, quản lý được cảm xúc, từ đó có thể giúp họ chấp nhận bệnh tật, tuân thủ điều trị và hội nhập với cuộc sống.
Việc đánh giá nguy cơ tự sát là một bước quan trọng trong việc làm việc với người bị trầm cảm, điều này giúp nhà tham vấn lựa chọn hướng tiếp cận can thiệp khẩn cấp, trong trường hợp thân chủ có nguy cơ cao, nhà tham vấn sau khi làm việc với những bước trên cần chuyển gởi thân chủ đến bác sĩ tâm thần để có sự chẩn đoán chặt chẽ cũng như cần thiết trong việc sử dụng thuốc chống trầm cảm. Phối hợp với nhân viên công tác xã hội và gia đình để hỗ trợ thân chủ kịp thời, đảm bảo được tính an toàn cho thân chủ. Việc điều trị theo dõi trầm cảm sẽ được đề cập sâu hơn ở chương tiếp theo.
Kết luận
Nhìn chung, tiếp cận nhận thức hành vi đã được áp dụng ở các nước châu Âu, Mỹ, Hồng Kông, Thái Lan trong việc quản lý sức khỏe tinh thần cho người sống chung với HIV/AIDS với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần như trầm cảm, rối nhiễu lo âu, với lòng tự tin và sự tôn trọng bản thân thấp. Nhiều nghiên cứu đã áp dụng và chứng minh được tính hiệu quả của Trị liệu nhận thức hành vi. Tại Việt Nam, hiện nay chúng ta chưa có một nghiên cứu khoa học nào thể hiện được sự áp dụng Nhận thức hành vi làm việc với bệnh nhân HIV/AIDS cùng các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Trong quá trình làm việc, tôi cũng đã áp dụng vào công việc của mình trong việc giúp thân chủ vượt qua nỗi sợ hãi, lo âu về cái chết, trong đó có cả ý tưởng tự sát trước khi người khác phát hiện ra bệnh của mình cũng như các nỗi lo âu liên quan đến việc bị phân biệt đối xử, bị xa lánh, bị thất nghiệp… và thậm chí tan vỡ trong mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên, các ca trình bày trên mang tính kinh nghiệm cá nhân, chưa có nghiên cứu thực chứng. Vì vậy, tôi hy vọng trong tương lai gần Việt Nam có thể đào tạo một đội ngũ tham vấn viên tâm lý chuyên nghiệp trong việc áp dụng Liệu pháp nhận thức hành vi và có thể triển khai các nghiên cứu áp dụng Liệu pháp nhận thức hành vi đối với các vấn đề về sức khỏe tinh thần và hỗ trợ tâm lý cho những người sống chung với HIV/AIDS. Tôi thiết nghĩ đây là một việc làm hết sức cần thiết trong quá trình can thiệp và hỗ trợ tâm lý cho người sống chung với HIV/AIDS trong hoàn cảnh kinh tế xã hội và văn hóa Việt Nam.