Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

NGUYÊN TẮC VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU (cho KTV)

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng
Bài viết nêu các vấn đề cơ bản cho nhóm trị liệu chứ không chỉ cho riêng KTV.

- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý

I. KHÁI NIỆM VỀ VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU

Vận động trị liệu là phương pháp dùng sự vận động để điều trị nhằm phục hồi chức năng cho người bệnh khi họ không thể thực hiện các chức năng một cách điển hình và độc lập, do bệnh lý hay do thương tật gây ra.

Sử dụng khung ICF để mô tả đầy đủ.

Để chương trình tập vận động có hiệu qua, người điểu trị cần thực hiện những bước cơ bản sau đây:

– Thu thập các thông tin chủ quan và khách quan để lượng giá bệnh nhân, đánh giá tình trạng suy yếu, giảm khả năng, đánh giá khả năng phục hồi và tiên lượng của bệnh nhân sau quá trình tập luyện

– Thiết lập mục tiêu và chương trình vận động trị liệu.

II. LƯỢNG GIÁ BỆNH NHÂN, XÁC ĐỊNH NHU CẦU ĐIỀU TRỊ

Lượng giá bệnh nhân là quá trình xác định nhu cầu điều trị và can thiệp phục hồi chức năng qua việc thu thập các thông tin sau:

1. Các thông tin chủ quan (khai thác bệnh sử)

Người điều trị khai thác các thông tin về bệnh sử bằng cách yêu cầu bệnh nhân:

– Mô tả triệu chứng: vị trí, kiểu đau, bản chất của đau.

+ Mô tả diễn biến triệu chứng qua thời gian, những cử động hoặc tư thế gây đau, triệu chứng nặng lên hay giảm đi, kéo dài bao lâu…

+ Mô tả ngắn gọn tình hình sức khoẻ chung, các thuốc đã dùng, kết quả điều trị trước đây, đã kiểm tra các xét nghiệm cận lâm sàng hay XQ chưa.

+ Mô tả tiền sử bệnh liên quan, các can thiệp nội, ngoại khoa (nếu có).

+ Mô tả xem quá trình bệnh tật đó ảnh hưởng đến nghề nghiệp, gia đình, cuộc sống xã hội của bệnh nhân như thế nào?

+ Kế lại những can thiệp về mặt phục hồi chức năng trước đó (nếu có).

2. Các thông tin khách quan (khám lượng giá chức năng)

Quá trình thu thập các thông tin khách quan hay quá trình khám lượng giá chức năng được thực hiện bằng cách: quan sát bệnh nhân, đánh giá vận động khớp, đánh giá hoạt động cơ, đánh giá chúc năng sinh hoạt thường nhật, đánh giá tình trạng thần kinh, tim mạch, hô hấp.

2.1. Quan sát

– Quan sát bệnh nhân về tư thế, dáng đi, khả năng ngồi xuống, đứng lên, tự mặc áo quần, sự dễ dàng của cử động…

– Quan sát bệnh nhân sử dụng các dụng cụ thích nghi (nếu có).

– Quan sát hình dạng các bộ phận cơ thể như trục bộ phận hay cơ thể, kích thước, màu sắc, sự đối xứng, có thay đối hình dạng khi thay đổi tư thế không?…

– Quan sát vẻ ngoài của da như phù nề, sẹo, màu sắc…

2.2. Đánh giá vận động khớp

Tầm vận động khớp đầy đủ là tổng số lượng cử động khi một khớp di chuyển đến tầm độ duỗi đầy đủ của nó.

Tầm vận động khớp đầy đủ cũng có thể được sử dụng theo nghĩa liên quan đến số lượng co ngắn hay duỗi dài của một cơ khi nó hoạt động để tạo ra hay kiểm soát cử động trên khớp mà nó bám vào.

Đánh giá vận động khớp được thực hiện trên các lĩnh vực sau: tầm vận động khớp, tính vững chắc và tính linh động của khớp, các điểm đau và cung đau của cử động khớp, độ trượt khớp, độ mềm dẻo của dây chằng hay bao khớp…

2.2.1. Đo tầm vận động khớp (ROM – Range of Motion)

Có hai cách đo tầm vận động khớp:

  • Đo chủ động (bệnh nhân chủ động thực hiện cử động khớp) để xác định mức độ giới hạn hay không giới hạn của cử động khớp.
  • Đo thụ động (người điều trị thực hiện cử động khớp) để xác định thêm những bất thường của cử động khớp.

Khi đo tầm vận động thụ động khớp, người điều trị sử dụng kỹ thuật ấn cuối tầm để kiểm tra xem có các cảm giác bất thường ở cuối tầm vận động khớp hay không. Các cảm giác cuối tầm bất thường hay gặp là:

  • Cảm giác lỏng lẻo (do dãn tổ chức mô mềm quanh khớp).
  • Cảm giác chắc (do căng tổ chức mô mềm quanh khớp).
  • Cảm giác cứng (do tắc nghẽn hai mặt khớp khi trượt lên nhau).
  • Cảm giác nhún nhảy (tắc nghẽn trong khớp do vỡ sụn chêm, sụn khớp).
  • Phản ứng ngay sau khi ấn (do đau cấp gây phản xạ co cơ không tự chủ để chống đau).
  • Co thắt cơ (co cơ kéo dài do thay đổi về chuyển hoá, tuần hoàn trong cơ).
  • Co cứng cơ (tăng trương lực cơ do tốn thương thần kinh trung ương).

2.2.2. Xác định tính vững chắc và tính linh động của khớp theo thang điểm sau

Yêu cầu bệnh nhân cử động chủ động khớp, sử dụng kỹ thuật cưỡng ép nhẹ cuối tầm vận động, người điều trị có thể xác định được tính vững chắc và tính linh động của khớp theo thang điểm sau:

Tính chất của cử động khớp = điểm

  • Cứng khớp= 0
  • Hạn chế nhiều vận động= 1
  • Hạn chế nhẹ vận động= 2
  • Bình thưởng= 3
  • Vận động quá mức nhẹ= 4
  • Vận động quá mức rõ rệt= 5
  • Khớp lỏng lẻo= 6

2.2.3. Tìm điểm đau và cung đau của cử động khớp

Yêu cầu bệnh nhân thực hiện cử động chủ động hoặc thụ động, người điều trị có thể tìm thấy điểm đau xuất hiện nơi nào trong tầm vận động, hoặc cung vận động nào của khớp gây đau khi bệnh nhân thực hiện cử động.

2.2.4. Đánh giá độ trượt khớp, độ mềm dẻo của dây chăng và bao khớp

Người điều trị thực hiện những kỹ thuật như kéo dãn khớp (để đánh giá độ mềm dẻo của dây chằng, bao khớp và tìm xem có co thắt dây chằng, bao khớp hay không) và kỹ thuật ép khớp, trượt khớp (để đánh giá độ trượt của hai mặt khớp và tìm xem có bị nghẽn khớp hay không).

2.3. Đánh giá hoạt động cơ

2.3.1. Các loại co cơ

Cơ hoạt động tự nhiên theo hai cách chính: co và không tạo ra cử động (co cơ đẳng trường), co và tạo ra cử động (co cơ đẳng trương).

a. Co cơ đăng trương

Người ta chia co cơ đẳng trương làm hai loại:

  • Co ngắn đẳng trương (hay còn gọi là co ngắn chủ động, co cơ đồng tâm): khi cơ co thì kéo hai đầu của nó lại gần nhau.
  • Duỗi dài đẳng trương (hay còn gọi duỗi dài chủ động, co cơ ly tâm): khi hai đầu cơ di chuyển từ từ xa nhau, cho phép cử động xuất hiện một cách có kiểm soát. Cử động này chỉ có thể có được khi cung cấp một ngoại lực cho phân đoạn sẽ được cử động và cơ hoạt động kháng lại ngoại lực đó.

Khi cơ co và thực hiện một cử động tới điểm giới hạn khả năng bình thường của nó thì gọi đó là co trong tầm độ đầy đủ của cơ.

Tầm độ đầy đủ của cơ có thể tách làm ba thành phần (vốn chúng đè lấp lên nhau) như sau:

  • Tầm độ ngoài: là từ tầm độ dãn đầy đủ của cơ đến điểm giữa của tầm độ hoạt động cơ. Tầm độ này khó thực hiện bởi góc của lực kéo ngược lại với hướng cố gắng ép hai mặt khớp lại gần nhau, cơ phải vượt qua quán tính và hoạt động chống lại cánh tay đòn dài hay nặng.
  • Tầm độ trong: là từ điểm giữa đã nói trên tới tầm độ co đầy đủ của cơ. Tầm độ này cũng khó thực hiện vì nó đòi hỏi cơ phải co với một số lượng lớn hơn các đơn vị vận động và cơ bị kéo trong một góc ngược lại với lực kéo làm kéo dãn hai mặt khớp.
  • Tầm độ giữa: là khoảng cách từ điểm giữa của tầm độ ngoài đến điểm giữa của tầm độ trong. Tầm độ giữa là tầm độ cơ hoạt động nhiều nhất và dễ nhất.

b. Co cơ đẳng trường

Khi cơ co đẳng trường, chiều dài cơ không thay đối và không tạo ra bất cứ một cử động nào ở khớp mà cơ bám trên đó.

Co cơ đẳng trường có thể xảy ra khi người điều trị sử dụng lực đề kháng chính xác bằng với sức co mà cơ tạo ra.

2.3.2. Các vai trò hoạt động của cơ

Để cử động xảy ra đều đặn, nhịp nhàng và điều hợp, cơ phải hoạt động theo một trong những vai trò sau:

a. Vai trò là cơ chủ vận

  • Cơ chủ vận là cơ khởi phát và thực hiện cử động.

b. Vai trò là cơ đối vận

  • Cơ đối vận là cơ khi hoạt động có thể tạo ra những cử động ngược lại với cử động do cơ chủ vận tạo ra.
  • Khi cơ chủ vận hoạt động, cơ đối vận phải thư dãn một cách hỗ tương với lực nghỉ chính xác bằng với lực co của cơ chủ vận, khi đó thì cử động sẽ diễn ra một cách mềm mại.

c. Vai trò là cơ đồng vận

  • Cơ đồng vận là cơ khi co sẽ đưa khớp vào vị thế làm cho hoạt động của nhóm chủ vận mạnh hơn.
  • Nhóm cơ đồng vận cũng là những cơ ngăn cản các cử động quá mức do cơ chủ vận gây ra. Chúng hoạt động ở mức tiềm thức.

d. Vai trò là cơ cố định

  • Cơ cố định là cơ cũng hoạt động ở mức tiềm thức để cố định sự bám của cơ chủ vận, cơ đối vận và cơ đồng vận. Chúng co đẳng trương trong mẫu luân phiên để giữ cho cử động đều đặn và dịu dàng.

2.3.3. Nguyên tắc đánh giá hoạt động cơ

Để đánh giá hoạt động cơ, người điều trị cần thử cơ vùng bệnh lý liên quan. Lúc đầu có thể thử theo nhóm, sau đó nếu cần thì thử từng cơ riêng biệt.

Phương pháp thử cơ thông thường được sử dụng là phương pháp thử cơ bằng tay (MMT – Manual Muscle Testing). Các mức độ hoạt động cơ được ghi lại từ 0 đến 5 (từ hoàn toàn không có sự co cơ đến mức cơ hoạt động kháng lại sức đề kháng tối đa).

2.4. Đánh giá chức năng sinh hoạt thường nhật

– Đánh giá khả năng di chuyển: bệnh nhân di chuyển độc lập hay sử dụng dụng cụ trợ giúp, nếu sử dụng dụng cụ thì đánh giá loại dụng cụ đang dùng, kỹ năng sử dụng, tính an toàn, bệnh nhân biết cách chăm sóc các dụng cụ đó hay không.

– Đánh giá khả năng tự chăm sóc: bệnh nhân có thể tự mặc áo quần, vệ sinh răng miệng, ăn uống, tắm rửa…hay cần sự trợ giúp, nếu cần sự trợ giúp thì mức độ trợ giúp như thế nào (trợ giúp hoàn toàn, trợ giúp nhiều, trợ giúp ít).

2.5. Đánh giá khác về thần kinh- tâm thần

– Đánh giá về trương lực cơ, phản xạ gân xương.

– Đánh giá cảm giác nông, cảm giác sâu (cảm giác cảm thụ bản thể, cảm giác tư thế vị trí, trục thẳng đứng, cảm giác sơ đồ cơ thể).

– Đánh giá về tri giác, nhận thức bao gồm khả năng định hướng không gian, thời gian, trí nhớ, sự chú ý, tri giác thị giác/ không gian, thực dụng động tác…

– Khám các phản xạ tư thế, chỉnh thế, bảo vệ, thăng bằng.

– Đánh giá các vận động thô, vận động tinh tế, sự khéo léo, sự điều hợp vận động…

– Các khám xét đặc biệt khác nêu cần để xác định tổn thương, bệnh lý và được tiến hành bởi bác sỹ Phục hồi chức năng và bác sỹ chuyên khoa Thần kinh- Tâm thần.

2.6. Đánh giá tình trạng tìm mạch, hô hấp

– Bắt mạch trước, trong và sau tập, tính chỉ số mạch an toàn.

– Đo huyết áp trước và sau khi gắng sức.

– Mô tả kiểu thở, đếm tần số thở, mô tả sự di động của lồng ngực.

– Đánh giá khả năng ho hiệu quả của bệnh nhân.

3. Xác định vấn đề (các khiếm khuyết, giảm khả năng) hay xác định nhu cầu điều trị cho bệnh nhân

– Liệt kê những vùng cơ thể có khiếm khuyết, giảm khả năng.

– Xác định vấn đề chính và vấn đề phụ hay nhu cầu điều trị cúa bệnh nhân theo thứ tự ưu tiên.

– Xác định những vấn đề cần phải xử lý bằng phương pháp phục hồi chức năng để lập kế hoạch phục hồi.

– Xác định những vấn để cần các chuyên khoa khác can thiệp hay hỗ trợ.

III. XÁC ĐỊNH MỤC TIỂU VÀ LẬP CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ VẬN ĐỘNG

Sau khi đã đánh giá và xác định nhu cầu điều trị, bước tiếp theo là xác định mục tiêu điều trị và lập kế hoạch điều trị.

Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải được tham gia vào lập mục tiêu và kế hoạch điều trị như là một thành viên của nhóm điều trị.

Nhóm điều trị bao gồm bác sỹ Phục hồi chức năng, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu, kỹ thuật viên Hoạt động trị liệu, kỹ thuật viên Ngôn ngữ trị liệu, chuyên viên Tâm lý-xã hội, kỹ thuật viên chỉnh hình và sản xuất dụng cụ thích nghi, các bác sỹ chuyên khoa khác, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

1. Xác định mục tiêu điều trị/ can thiệp

Mục tiêu điều trị bao gồm mục tiêu trước mắt (mục tiêu ngắn hạn) và mục tiêu lâu dài.

Người điều trị có thể xác định mục tiêu điều trị dựa trên:

– Căn cứ trên kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp:

  • Những vấn đề đã tìm thấy sau khi khám-lượng giá.
  • Tình trạng tâm lý, nhận thức của bệnh nhân về bệnh tật.

– Thảo luận với bệnh nhân và gia đình

  • Kì vọng, sự chờ đợi của bệnh nhân và người nhà về quá trình điều trị.
  • Sự chăm sóc, sự hợp tác, sự hiểu biết về quá trình bệnh tật, tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong gia đình bệnh nhân.
  • Kế hoạch và mong muốn nghề nghiệp/ hòa nhập của bệnh nhân sau khi ra viện.

2. Lập kế hoạch điều trị phục hồi chức năng

Người điều trị thành lập kế hoạch phục hồi chức năng bao gồm các thành phần sau:

  • Xác định các biện pháp điều trị/ can thiệp để đạt được mục tiêu đặt ra
  • Xác định các kỹ thuật can thiệp phù hợp với tình trạng bệnh nhân, giai đoạn bệnh, nhu cầu điều trị.
  • Xác định các biện pháp lượng giá để theo dõi sự tiến bộ của bệnh nhân trong quá trình can thiệp.
  • Dự đoán kết quả điều trị, kế hoạch xuất viện cho bệnh nhân.

Đặt mục tiêu phải thông minh SMART: Specific (Tính cụ thể, biệt định cho bệnh nhân), Measurable (Đo lường được), Achievable (Khả thi), Realistic (Thực tế), Time-bound (có hạn định thời gian)

3. Thiết lập chương trình tại nhà: Hoạt động trị liệu

Chương trình tại nhà là sự mở rộng của kế hoạch điều trị. Để thiết lập được chương trình điều trị tại nhà có hiệu quả, người điều trị cần thực hiện các nguyên tắc sau:

– Xác định ai là người cùng tập (vai trò tạo động lực) tại nhà với bệnh nhân để họ sớm tham gia chương trình điều trị.

– Hướng dẫn cụ thể cho người nhà, yêu cầu họ làm thử để quan sát độ chính xác của kỹ thuật mà họ thực hiện, giải đáp thắc mắc (nếu có) cho người nhà.

– Cung cấp cho bệnh nhân và người nhà những hình vẽ đơn giản, chỉ dẫn bằng chữ viết rõ ràng, sáng sủa về các bài tập, nêu rõ tần suất tập, thời gian tập, số lần lặp lại của mỗi bài tập.

– Cung cấp số bài tập ít nhất mà bệnh nhân vẫn có thể thực hiện được mục tiêu, tránh các bài tập buồn tẻ, đơn điệu, kéo dài.

– Cung cấp những chỉ tiêu đơn giản để bệnh nhân và người nhà có thể tự theo dõi sự tiến bộ hay ghi chép kết quả đạt được (tạo động lực).

– Lập bảng để bệnh nhân và người nhà đánh giá lại vào những thời điểm thích hợp, dự định thời hạn kết thúc nếu được

4. Đánh giá kế hoạch điều trị

Kế hoạch điều trị có thể được đánh giá định kỳ trong quá trình điều trị và đánh giá trước khi kết thúc điều trị.

Đánh giá định kỳ nhằm lượng giá chức năng lại cho bệnh nhân để đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp và kỹ thuật can thiệp dang sử dung điều trị cho bệnh nhân.

Người điều trị có thể đánh giá sự tiến bộ của bệnh nhân bằng cách so sánh các dữ liệu lượng giá lần trước và hiện tại (lượng giá động và lượng giá tiêu chuẩn), từ đó xác định những mục tiêu nào còn phù hợp, những mục tiêu nào cần thay đổi và thêm những mục tiêu mới nào vào chương trình điều trị cho bệnh nhân. Tất cả những xem xét thay đổi này cần thiết để bệnh nhân tiếp tục đạt được sự tiến bộ.

IV. MỤC ĐÍCH CỦA VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU

1. Tăng cường sức mạnh cơ

Sức mạnh cơ (lực cơ) là khả năng của một cơ hay một nhóm cơ tạo ra sức căng, gây nên một lực gắng sức tối đa (hoặc động hoặc tĩnh), tương ứng với kích thích trên cơ.

Sức mạnh cơ bình thường là sức mạnh trung bình của một cơ, một người hay một nhóm dân cư và được quy ước là mức độ lực của một cơ cho phép cơ đó co lại chống lại trọng lực và chống lại được sức cản tối đa.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh của một cơ bình thường

  • Kích thước cắt ngang cơ: đường kính cơ càng lớn thì lực cơ càng lớn.
  • Mối tương quan giữa chiều dài và sức căng của cơ vào lúc cơ co: một cơ tạo nên sức căng lớn nhất khi nó duỗi dài lúc co.
  • Sự huy động các đơn vị vận động của cơ: số đơn vị vận động bị huy động càng nhiều, lực cơ tạo ra càng mạnh.
  • Loại co cơ: cơ tạo ra lực lớn nhất khi duỗi dài chủ động (co cơ ly tâm) để kháng lại lực cản, tạo ra lực trung bình khi co đẳng trường kháng lại lực cản và tạo ra lực ít nhất khi co ngắn chủ động (co cơ hướng tâm) kháng lại lực cản.
  • Tốc độ co cơ: khi cơ co chậm tạo ra lực mạnh nhất do cơ huy động số lượng các đơn vị vận động lớn nhất.
  • Sự hưng phấn, động lực của người bệnh: bệnh nhân cố gắng tối đa thì tạo sức mạnh tối đa.

Nguyên tắc chung của bài tập tăng cường sức mạnh cơ

  • Nguyên tắc thứ nhất của bài tập tăng cường sức mạnh là nguyên tắc vượt lực cản. Lực cản phải đủ mạnh để gần đến điểm mỏi cơ, gây vượt khả năng chuyển hóa cơ, tạo nên sự phì đại và huy động tối đa các đơn vị vận động của cơ, làm sức mạnh cơ tăng lên.
  • Nguyên tắc thứ hai là sử dụng lực cản tối đa và số lần lặp lại ít.

2. Tăng cường sự bền bỉ

Các loại sức bền

Sức bền cơ
Sức bền cơ là khả năng của một cơ co lặp đi lặp lại hay tạo nên sức căng và duy trì sức căng đó trong một thơi gian kéo dài.
Sức bền cơ có thể đạt được nhờ những thay đổi lập tức hay lâu dài trong cơ khi luyện tập.
Những thay đổi lập tức trong cơ : tăng dòng máu đến cơ do tăng nhu cầu oxy.
Những thay đổi lâu dài ở cơ : mật độ lưới mao mạch ở cơ tăng lên, tăng cung cấp máu cho cơ, do vậy tăng cường năng lượng cho cơ khi co, làm tăng độ bền bì của cơ

Sức bền cơ thể
Sức bền cơ thể là khả năng của một cá thể duy trì bài tập cường độ thấp trong một thời gian kéo dài.
Bài tập sức bền cơ thể được đưa ra nhằm tăng cường sức chịu đựng của hệ tim mạch, hệ hô hấp của một cá thể.
Những thay đối lập tức trong và ngay sau khi tập
+Ở hệ tim mạch là tăng nhịp tim, tăng thể tích tống máu, tăng lưu lượng tim, tăng tần số tim và tăng sức cản ngoại vi đối với dòng máu
+Ở hệ hô hấp là tăng tần số và biên độ thở, tăng số lượng các cơ hô hấp phụ tham gia vào quá trình hô hấp.
– Những thay đổi lâu dài sau khi tập
Ở hệ tim mạch: tăng lưu lượng tim và thể tích tống máu, tăng hiệu quả hoạt động của tim, giảm tần số tim lúc nghỉ, nhịp tim trở về mức nghỉ ngơi sau khi tập nhanh hơn.

Những nguyên tắc chung của bài tập sức bền

Bài tập sức bền cơ
Bài tập chủ động lặp đi lặp lại nhiều lần kháng lại lực cản vừa phải tới điểm mệt của cơ. Đây là loại bài tập với lực cản nhỏ và số lần lặp lại nhiều.

Bài tập sức bền cơ thể
Các bài tập cho các nhóm cơ lớn như đi bộ, bơi, đạp xe đạp, luyện tập kéo dài trong 15 — 45 phút mỗi lần, có thời gian nghỉ ngơi thích hợp, tập hàng ngày hoặc 5 ngày trong tuần.

3. Tăng cường sự điều hợp vận động

Sự điều hợp vận động có nghĩa là sử dụng cơ phù hợp trong một thời gian quy định với cường độ thích hợp để tạo nên một mẫu cử động chính xác, mềm mại, hiệu quả và tự động (vô thức).

Những nguyên tắc chung của bài tập điều hợp

  • Yêu cầu bệnh nhân lặp lại cử động cho đến khi đạt được sự chính xác của cử động (trí nhớ quy trình).
  • Yêu cầu bệnh nhân sử dụng các kích thích cảm giác như xúc giác, thính giác, cảm thụ bản thể để cải thiện sự điều hợp vận động.
  • Yêu cầu bệnh nhân tăng dần tốc độ để đạt sự mềm mại, linh hoạt của cử động.

Những chương trình tập điều hợp thường được sử dụng

  • Chương trình Frenkel.
  • Tạo thuận cảm thụ bản thể thần kinh cơ (Knott và Voss).
  • Can thiệp theo sự phát triển thần kinh (Bobath).
  • Điều trị theo cơ sở phát triển thần kinh (Rood và Randolph).
  • Điều trị kết hợp cảm giác (Ayres).

4. Tăng hay duy trì tầm vận động khớp, mô mềm và sự linh hoạt của chúng

Khi có hiện tượng giới hạn hoạt động của các tổ chức khớp hay mô mềm thì các bài tập vận động rất hữu ích để hồi phục các cấu trúc bị tổn thương, lặp lại độ mềm dẻo của mô mềm và tầm hoạt động bình thường của khớp.

Khái niệm về sự vận động linh hoạt của mô mềm và khớp

Sự vận động linh hoạt của mô mềm và khớp là:
– Khả năng co dãn, đàn hồi của cơ khi bị kích thích.
– Khả năng dãn dài từ từ của tổ chức liên kết khi bị kéo dãn.
– Khả năng đàn hồi của da khi thực hiện cử động thụ động hay chủ động.
– Khả năng lăn trượt các đầu xương trong khớp lên nhau với sự đàn hồi thích hợp của bao khớp khi cử động trong tầm độ vận động bình thường của khớp.

Các nguyên nhân gây giảm hay mất tính linh hoạt của mô mềm và khớp

  • Khi cơ bị bất động một thời gian sẽ mất đi sự co dãn đàn hồi và giữ ở tư thế bị co ngắn gọi là sự co rút cơ.
  • Khi tổ chức liên kết bị chấn thương hay bị cố định lâu, có thể hình thành xơ trong tổ chức liên kết làm mất tính có thể kéo dãn được, gây nên co rút không hồi phục.
  • Khi tổ chức da bị căng, rách, đứt, có thể tổ chức sẹo hình thành sẽ hạn chế khả năng đàn hồi của da khi cử động.
  • Khi bao khớp bị co thắt, mất tương quan của các diện khớp sẽ ngăn cản vận động bình thường của khớp

5. Tăng tốc độ cử động

Tốc độ cử động tăng lên khi cử động được thực hiện thường nhật và trở thành quen thuộc, khi đó cử động sẽ đạt được tốc độ bình thường.

Các bài tập vận động nhằm làm cho cử động đạt được tốc độ bình thường là những bài tập ở giai đoạn cuối của chương trình phục hồi. Các bài tập này đặc biệt hữu ích đối với các trường hợp bệnh lý thần kinh cơ.

V. PHÂN LOẠI CÁC BÀI TẬP VẬN ĐỘNG

3 loại bài tập vận động chính: bài tập thụ động, bài tập chủ động, bài tập cưỡng bách.

Bài tập thụ động

Là những cử động xảy ra bởi tác động của ngoại lực (của cơ học hay của người điều trị) mà không có sự tham gia của cơ ở phần cơ thể được vận động.

Bài tập chủ động

Là những cử động được thực hiện bởi chính bệnh nhân, bao gồm các loại sau:

– Chủ động trợ giúp: Khi người điều trị giúp bệnh nhân thực hiện một phần cử động hay hoàn thành cử động.

– Chủ động tự do: Khi bệnh nhân tự thực hiện và hoàn thành động tác mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào.

– Chủ động có đề kháng: Khi bệnh nhân thực hiện và hoàn thành động tác kháng lại một sức cân bằng tay của người điều trị hay bằng các yếu tố cơ học như tạ, máy, lò xo.

Bài tập cưỡng bách

Là những bài tập kéo dãn chủ động hay thụ động.

VI. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU

1. Đặt người bệnh trong tư thế thoải mái và vững chắc. Luôn tạo động lực cho bệnh nhân.

2. Giải thích cho người bệnh hiểu rõ mục đích tập cũng như cách tiến hành bài tập.

3. Hướng dẫn người bệnh hoạt động trên phần cơ thể lành, ít đau hay không đau trước, sau đó hướng dẫn trên những phần bị đau một cách từ từ rồi tiến dần đến phần cơ thể mà họ đau nhất và sợ hãi diều trị nhất. Như vậy, ngươi bệnh sẽ tham gia điều trị với thư dãn và giảm những phản ứng co thắt chống đau tự vệ.

4. Người điều trị giữ vững các khớp gần nhằm loại bỏ những cử động ngoài ý muốn, đồng thời đạt được hiệu quả tối đa đối với phân đoạn cần tập.

5. Cường độ tập được coi là quá mức nếu các dấu hiệu đau và khó chịu kéo dài quá 3 giờ, có tình trạng giảm tầm vận động khớp hay giảm sức mạnh cơ sau khi tập.

6. Tùy thuộc vào mục đích tập luyện mà người điều trị quyết định thời gian tập mỗi ngày và số lần lặp lại động tác.

7. Người điều trị phải chú ý để giảm thiểu hay phòng tránh những cử động thay thế. Tuy nhiên nếu mẫu cử động chức năng không thể hồi phục do thương tật thì người điều trị phải hướng dẫn người bệnh thực hiện các cử động thay thế để họ có thể độc lập trong sinh hoạt và lao động. Những cử động thay thế này phải đáp ứng yêu cầu là dễ thực hiện, an toàn và có thể chấp nhận được trên phương diện thấm mỹ.

8. Người điều trị phải chọn các bài tập phục vụ cho mục tiêu điều trị. Mục tiêu có thể được thành lập cho mỗi ngày, mỗi tuần (ngắn hạn) hay xa hơn (dài hạn). Mục tiêu đặt ra không chỉ để bệnh nhân phấn đấu mà còn để lượng giá sự tiến bộ của bệnh nhân, lượng giá hiệu quả của
chương trình tập, tạo động lực cho bệnh nhân.

9. Nếu bệnh nhân không thể hoàn thành mục tiêu thì người điều trị phải nhận biết sự không phù hợp để thay đối chương trình can thiệp và tìm mục tiêu thích hợp hơn (ví dụ khi người bệnh
đi độc lập không an toàn và không thể cải thiện được thì cần được dạy đi với dụng cụ trợ giúp thích hợp). Như vậy sẽ tránh được sự lãng phí về thời gian, nguồn lực của gia đình, của người điều trị, sự cố gắng của người bệnh và không gây hy vọng giả tạo cho người bệnh.