Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

TẬP CÁC VẬN ĐỘNG THÔ CỦA BÀN TAY (86)

Chuyên ngành: Chăm sóc người có vấn đề sức khỏe, Hoạt động trị liệu, Phục hồi chức năng

I. ĐẠI CƯƠNG

Bàn tay là công cụ đặc biệt giúp chúng ta thực hiện được các hoạt động sống hàng ngày. Chính vì vậy khi mất hoặc giảm chức năng bàn tay, hơn tất cả các vùng khác trên cơ thể, bàn tay cần phải được chú ý, điều trị và phục hồi chức năng sớm và tốt nhất.

II. CHỈ ĐỊNH

Bàn tay mất hoặc giảm chức năng vận động.Thường ở giai đoạn sớm sau khi bị bệnh, những khiếm khuyết vận động ở tay khiến có rất ít cử động của tay. Do vậy, những bài tập sử dụng các hoạt động có lựa chọn để tăng cường cơ lực với những cử động nhắc lại, nhằm vào những cơ yếu sẽ giúp xuất hiện các cử động mới ở tay.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Người bệnh đang trong giai đoạn cấp của bệnh.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Kỹ thuật viên hoạt động trị liệu. Kỹ thuật viên hiểu và giải thích được cho người bệnh rõ về các bài tập liên quan đến vận động thụ của bàn tay.
2. Phương tiện: phương tiện cần thiết hỗ trợ thích hợp cho vận động thụ bàn tay.
– Đồ vật có các hình dạng kích thước từ trung bình tới lớn, nhẹ tới nặng, tránh những hình dạng dẹt: Quả bóng, bóng đèn, cốc, ly, quai xách, cán gỗ hình trụ, …
– Bàn tập
– Tủ, khay đựng đồ vật
– Gương tập
3. Người bệnh: được giải thích về mục đích, phạm vi, mức độ, thời gian, kỹ thuật tập vận động thụ bàn tay.
4. Hồ sơ bệnh án: chẩn đoán bệnh, chẩn đoán chức năng, phát hiện đánh giá và theo dõi kết quả tập.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Bước 1: Lượng giá khiếm khuyết bàn tay của người bệnh
2. Bước 2: Phân tích ảnh hưởng của khiếm khuyết bàn tay lên chức năng:
– Mất hoặc giảm khả năng đưa tay với đồ vật ?
– Có cầm nắm, buông đồ vật bằng bàn tay ?
– Có thực hiện được các chức năng sinh hoạt hàng ngày không ?
3. Bước 3: Lập mục tiêu điều trị tổng quát thích hợp
– Đưa tay với được đồ vật: trợ giúp hoàn toàn hoặc 1 phần
– Cầm nắm và buông đồ vật: trợ giúp hoàn toàn hoặc 1 phần
– Buông đồ vật ra : trợ giúp hoàn toàn hoặc 1 phần
4. Bước 4: Lập chương trình điều trị theo mục tiêu.
5. Bước 5: Thực hiện chương trình điều trị:
– Đưa tay với đồ vật cần lấy
– Cầm nắm bằng cách móc đồ vật (quai túi, quai vali…)
– Cầm nắm dọc theo đồ vật hình trụ (cán búa, miếng gỗ hình trụ…)
– Cầm mỏ cặp (quyển sách, viên gạch…)
– Cầm nắm đồ vật hình cầu (bóng, trái cây, bóng đèn….)
– Tập buông đồ vật như đã kể trên
6. Bước 6: Đánh giá hiệu quả của chương trình điều trị
Đánh giá sau tập luyện 1 tuần, 2 tuần, 4 tuần, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm…

VI. THEO DÕI

1. Trong khi tập
– Xem người bệnh có đau, khó chịu.
– Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở và tình trạng toàn thân.
– Theo dõi hàng ngày và ghi vào hồ sơ bệnh án theo dõi.
– Báo cho bác sĩ những diễn biến bất thường.
2. Sau khi tập
– Người bệnh có đau và đau kéo dài.
– Theo dõi tiến triển của tầm vận khớp.
– Theo dõi hàng ngày và ghi vào hồ sơ bệnh án theo dõi.
– Báo cho bác sĩ những diễn biến bất thường…

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

1. Trong khi tập: kết quả làm người bệnh bị mệt, đau thì ngừng tập và theo dõi sát người bệnh.
2. Sau khi tập: mệt, đau kéo dài và tình trạng toàn thân người bệnh có biểu hiện bất thường thì ngừng tập và xử trí tai biến đó.
Nếu đau chi trên nhiều thì sử dụng thuốc và các biện pháp vật lý giảm đau