TẬP KIỂM SOÁT ĐẦU CỔ VÀ THÂN MÌNH (80)
I. ĐẠI CƯƠNG
Trẻ bại não hay gặp các bất thường trong hoạt động kiểm soát đầu cổ và thânn mình. Điều này dẫn đến việc trẻ chậm phát triển về vận động ở các mốc lẫy, ngồi, bbò, đứng, đi.
II. CHỈ ĐỊNH
Trẻ kiểm soát đầu cổ và thân mình kém.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không
IV. CHUẨN BỊ
– Người thực hiện quy trình kỹ thuật: kỹ thuật viên
– Phương tiện: gối tam giác, bóng tròn
– Người bệnh: mặc quần áo rộng, thoải mái khi thực hiện thao tác.
– Hồ sơ bệnh án: có chỉ định của bác sĩ điều trị
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kỹ thuật 1: Điều chỉnh đầu về vị trí trung gian ở tư thế nằm ngửa
1.1. Mục đích: giúp trẻ không bị ưỡn đầu cổ ra sau quá mức.
1.2. Tiến hành
– Tư thế: Trẻ nằm ngửa, kỹ thuật viên ngồi phía dưới chân trẻ.
– Đặt 2 tay đỡ lấy đầu trẻ phần sau chẩm. Nâng đầu trẻ lên đồng thời ấn 2 cẳng tay xuống 2 vai trẻ.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
1.3. Tiêu chuẩn đạt
– Cổ trẻ mềm hơn, đỡ ưỡn ra sau.
– Gia đình tự làm được.
2. Kỹ thuật 2: Tạo thuận nâng đầu bằng tay ở tư thế nằm sấp
2.1. Mục đích: Làm khoẻ nhóm cơ duỗi cổ và thân mình.
2.2. Tiến hành
– Tư thế: Trẻ nằm sấp có 1 gối nhỏ dưới ngực, kỹ thuật viên ngồi bên cạnh
– Một tay cố định trên mông trẻ. Tay kia dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn day dọc các gai ngang các đốt sống từ C7 – S1.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
2.3. Tiêu chuẩn đạt
– Trẻ nâng đầu và ngực cao hơn, giữ được tư thế đó 30 giây đến 1 phút.
– Gia đình tự làm được.
3. Kỹ thuật 3: Tạo thuận nâng đầu bằng sử dụng gối kê trước ngực
3.1. Mục đích: Làm khoẻ nhóm cơ duỗi cổ và thân.
3.2. Tiến hành
– Tư thế: Trẻ nằm sấp với một gối tam giác nhỏ kê ở ngực, 2 tay hướng ra trước với cánh tay chống vuông góc với khớp vai, khuỷu gập vuông góc với cẳng tay quay sấp. Kỹ thuật viên ngồi cạnh trẻ.
– Một tay kỹ thuật viên cố định chắc ở mông trẻ, tay kia dùng đồ chơi kích thích phía trước trên đầu trẻ để trẻ với về phía trước.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
3.3. Tiêu chuẩn đạt
– Trẻ nâng đầu và ngực cao hơn, giữ được tư thế đó 30 giây – 1phút.
– Gia đình tự làm được.
4. Kỹ thuật 4: Điều chỉnh đầu cổ về vị trí trung gian ở tư thế nằm sấp trên bóng
4.1. Mục đích: Làm khoẻ nhóm cơ duổi cổ và thân mình.
4.2. Tiến hành
– Tư thế: Trẻ nằm sấp trên bóng tròn, hai chân dạng, duỗi khớp gối và xoay ngoài.
– Kỹ thuật viên ngồi hoặc quì phía chân trẻ. Hai tay kỹ thuật viên giữ hai khớp gối của trẻ. Từ từ lăn bóng ra trước, lùi lại và sang hai bên. Đặt đồ chơi phía trước mặt trẻ để khuyến khích trẻ ngẩng đầu, nâng thân và với hai tay về phía trước.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
4.3. Tiêu chuẩn đạt
– Trẻ có thể nâng đầu cổ, duỗi thân mình và với tay về phía trước.
– Gia đình tự làm được.
5. Kỹ thuật 5: Bài tập thăng bằng ngồi trên bóng/bàn nghiêng
5.1. Mục đích: Tăng khả năng thăng bằng ngồi.
5.2. Tiến hành
– Tư thế: trẻ ngồi trên bóng/bàn nghiêng.
– Kỹ thuật viên đứng hoặc ngồi phía sau trẻ. Hai tay kỹ thuật viên giữ chắc 2 bên hông trẻ,đẩy bóng/bàn nghiêng sang phải, trái, trước, sau để trẻ tập quen với việc điều chỉnh tư thế khi mất thăng bằng. Khi trẻ quen dần và có khả năng điều chỉnh thì giảm dần lực trợ giúp 2 bên hông của trẻ.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
5.3. Tiêu chuẩn đạt
– Trẻ có thể giữ thăng bằng khi bị nghiêng sang các phía.
– Tăng tiến mức độ thăng bằng.
– Gia đình tự làm được.
6. Kỹ thuật 6: Bài tập thăng bằng trên sàn
6.1. Mục đích: Tăng khả năng thăng bằng của trẻ.
6.2. Tiến hành
– Tư thế: trẻ ngồi thoải mái trên sàn.
– Kỹ thuật viên ngồi phía sau trẻ, hai tay hoặc 1 tay của kỹ thuật viên đẩy vào vai trẻ từ trước ra sau hoặc ngược lại, từ phải sang trái hoặc ngược lại, xoay trẻ từ phải sang trái hoặc ngược lại.
– Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
6.3. Tiêu chuẩn đạt
– Trẻ có thể giữ thăng bằng khi bị nghiêng sang các phía.
– Tăng tiến mức độ thăng bằng.
– Gia đình tự làm được.
VI. THEO DÕI:
Trẻ khóc, tím tái.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu
– Tập quá sức: Nghỉ ngơi.