KỸ THUẬT KÍCH THÍCH ĐIỆN THẦN KINH CÙNG ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN ĐẠI TIỆN
I. ĐẠI CƯƠNG
Đại tiện không tự chủ (Fecal incontinence – FI) ảnh hưởng đến một tỷ lệ không nhỏ 7 – 15% phần trăm số người lớn ở Hoa Kỳ tại cộng đồng, ảnh hưởng đến chất lượng sống, gây hậu quả về tâm lý, thể chất, xã hội và kinh tế. Tỷ lệ thật sự có thể cao hơn nhiều, vì tình trạng này hiếm khi được thảo luận hoặc chẩn đoán. Có đến một nửa số người đại tiện không tự chủ không tới khám các bác sĩ chuyên khoa. Các phương pháp điều trị truyền thống cho FI bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, tập luyện cơ vùng đáy chậu, phản hồi sinh học hoặc thay đổi hành vi và phẫu thuật. Gần đây, các phương pháp kích thích dây thần kinh cùng đã được chấp thuận vào năm 2013 để điều trị cho những người bệnh đại tiện không tự chủ. Kích thích điện thần kinh cùng (Sacral Neuromodulation Stimulation – SNS) là ứng dụng dòng điện xung kích thích điều chỉnh hoạt động dây thần kinh chi phối các cơ vùng đáy chậu hay các dây thần kinh chi phối bàng quang, đại trực tràng, cơ thắt niệu đạo và hậu môn với các thông số thích hợp. Mục đích của kích thích điện là tạo ra phản ứng hay điều chỉnh lại những rối loạn chức năng đường tiết niệu dưới, chức năng đường ruột, và chức năng tình dục.
II. CHỈ ĐỊNH
– Són phân do yếu cơ đáy chậu bậc thử cơ Oxford từ bậc 3 trở xuống.
– Són phân do tăng cảm giác hậu môn trực tràng.
– Táo bón chức năng.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh bị bệnh tim nặng.
– Đang có thai.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên được đào tạo.
2. Phương tiện
Bàn tập, máy kích thích điện, điện cực (điện cực bề mặt hoặc điện cực kim).
3. Người bệnh
Giải thích cho người bệnh hiểu và tích cực tham gia tập luyện kiên trì theo chương trình tập.
4. Hồ sơ bệnh án
Bệnh án chẩn đoán, các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và phiếu chỉ định của bác sĩ.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và các phiếu chỉ định.
2. Kiểm tra người bệnh
Kiểm tra người bệnh xem đúng chỉ định không.
3. Thực hiện kỹ thuật
Bước 1. Chọn điện cực
Sử dụng điện cực bề mặt hoặc điện cực kim. Có thể sử dụng biện pháp kích thích
tạm thời hoặc kích thích cố định bằng cách cấy ghép điện cực dưới da.
Bước 2. Chọn vị trí kích thích
Vị trí hai điện cực được đặt song song ở hai bên xương cùng cụt
Bước 3. Chọn thông số kích thích
– Tần số: 20 Hz
– Cường độ dòng điện: 30 – 50 mA.
– Độ rộng của xung 200 – 250 µs, hình dạng của xung (ví dụ: chữ nhật, hai pha).
– Thời gian nghỉ giữa hai xung: thường kéo dài bằng thời gian xung kích thích 200 – 250 µs.
– Thời gian điều trị: điều trị trong 6 tuần, 2 lần một tuần, mỗi lần 20 – 30 phút.
VI. THEO DÕI
Theo dõi và ghi kết quả điều trị hàng ngày vào hồ sơ bệnh án.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Đau cơ: thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu.
– Nếu có nhiễm trùng: trong trường hợp sử dụng điện cực kim có nhiễm trùng tại chỗ, phải điều trị kháng sinh và chăm sóc vết thương.