KỸ THUẬT KÍCH THÍCH GIAO TIẾP SỚM CHO TRẺ NHỎ
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh
I, ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa
Giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin, nhu cầu, tình cảm giữa ít nhất hai đối tượng nhờ các hình thức khác nhau của ngôn ngữ. Nó bao gồm việc gửi thông tin về một chủ đề nào đó và tiếp nhận các thông tin phản hồi.
Các hình thức của giao tiếp:
– Giao tiếp có lời: gồm lời nói và chữ viết.
– Giao tiếp không lời: gồm ngôn ngữ cơ thể (giao tiếp bằng nét mặt, ánh mắt, tư thế, cơ thể, giọng nói). Dùng dấu hiệu và hình vẽ.
Kích thích giao tiếp sớm là kích thích trẻ phát triển các kỹ năng tập trung, kỹ năng bắt chước và luân phiên, kỹ năng chơi, kỹ năng giao tiếp cử chỉ và tranh ảnh phù hợp tuổi và sự phát triển của trẻ.
2. Mục tiêu
– Xây dựng mối quan hệ với mọi người.
– Học các kỹ năng thích ứng.
– Truyền đạt thông tin với đối tượng giao tiếp để có thể giao tiếp được.
– Tự lập hay kiểm soát được sự việc đến với chúng.
II. CHỈ ĐỊNH
– Trẻ nói khó: tổn thương não.
– Trẻ nói ngọng, nói lắp.
– Trẻ chậm phát triển tinh thần, chậm phát triển ngôn ngữ.
– Trẻ tự kỷ.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng, cử nhân hoặc kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu.
2. Phương tiện
Dụng cụ học tập: sách, tranh, đồ chơi….
3. Bệnh nhi
Trẻ không đang giai đoạn ốm sốt.
4. Hồ sơ bệnh án
Điền đầy đủ thông tin theo quy định của Bộ Y tế.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Bước 1: kiểm tra hồ sơ, đối chiếu chỉ định can thiệp và tên trẻ.
Bước 2: kiếm tra người bệnh, đúng tên trẻ với phiếu điều trị.
Bước 3: tiến hành kỹ thuật, thời gian thực hiện kỹ thuật từ 20 – 30 phút.
Mỗi đợt can thiệp có thể chọn lựa các kỹ năng can thiệp phù hợp với sự phát triển của trẻ (Không nhất thiết phải huấn luyện tất cả các kỹ năng cùng lúc).
1. Huấn luyện kỹ năng tập trung
1.1. Kích thích trẻ nhìn
– Cho trẻ ngồi gần nói chuyện, nựng và thể hiện các nét mặt cười, vui, buồn… cho trẻ quan sát.
– Đưa các đồ chơi màu sắc khác nhau, hình dạng khác nhau cho trẻ nhìn theo.
– Chơi ú oà với trẻ, đợi trẻ nhìn theo mặt bạn. Lăn bóng về phía trẻ để trẻ nhìn theo và nói trẻ giơ tay ra bắt bóng. Giấu đồ chơi, đồ vật quen thuộc (thìa, cốc…) vào một cái rổ đựng đồ và nói trẻ đi tìm.
1.2. Kích thích trẻ nghe
– Lắc các đồ chơi có phát ra âm thanh (xúc xắc, chút chít), bắt chước tiếng các con vật… cho trẻ nghe.
– Chơi trò chơi tạo ra tiếng động: bắt chước tiếng kêu của con vật cho trẻ nghe, đợi trẻ phát âm theo. Ta vỗ tay cổ vũ trẻ. Nói chuyện, hát hoặc bật nhạc trẻ em cho trẻ nghe. Quan sát nét mặt của trẻ khi nghe các âm thanh khác nhau.
– Trò chơi lần lượt: bỏ viên sỏi vào lon coca gây nên tiếng động cho trẻ nghe, đợi trẻ bắt chước làm theo.
– Cho trẻ chơi theo nhóm: gọi tên từng trẻ, trẻ giơ tay khi được gọi tên.
2. Huấn luyện kỹ năng bắt chước và luân phiên
2.1. Bắt chước
Trẻ học mọi thứ thông qua bắt chước nét mặt, cử động cơ thể (giơ tay chào, tạm biệt…), bắt chước hành động (chơi với đồ chơi), bắt chước âm thanh và từ ngữ (nói)…
2.2. Luân phiên
Luân phiên là một kỹ năng quan trọng mà trẻ cần học khi giao tiếp.
– Nựng trẻ bằng âm thanh, cù bụng, đợi trẻ cười, nựng và cù tiếp, đợi trẻ phản ứng.
– Trẻ phát âm, ta bắt chước âm thanh của trẻ, đợi trẻ đáp ứng.
– Ta làm mẫu một hành động: vỗ tay, giơ tay, bảo trẻ làm theo, đợi trẻ làm theo.
– Chơi trò ú oà: ta che tay vào mặt nói “ú”, bỏ tay ra và nói “oà”, đợi trẻ cười.
– Lăn bóng về phía trẻ và nói “của con”, đợi trẻ bắt lấy bóng, lăn về phía ta và nói “của mẹ”. Vỗ tay khen ngợi trẻ.
– Chơi giả vờ: con tắm cho bé, mẹ nấu cơm, đợi trẻ đáp ứng với việc nhận lượt của mình.
3. Huấn luyện kỹ năng chơi
3.1. Mục đích của chơi: thông qua chơi trẻ học được nhiều về
– Kỹ năng giao tiếp sớm.
– Kỹ năng ngôn ngữ.
– Kỹ năng vận động thô (bò, trườn, đứng, đi).
– Kỹ năng vận động tinh (cầm nắm đồ vật, với cầm).
– Kỹ năng sinh hoạt hàng ngày (rửa tay, mặc quần áo…), cảm giác (nhìn, nghe, sờ).
– Khám phá thế giới xung quanh.
– Giải quyết vấn đề.
3.2. Các hoạt động chơi gồm
Trò chơi mang tính xã hội: trò chơi cảm giác, trò chơi vận động.
4. Huấn luyện giao tiếp bằng cử chỉ + tranh ảnh cử chỉ
Là một phần quan trọng của giao tiếp. Hàng ngày ta hay dùng cử chỉ điệu bộ để giao tiếp với người khác.
4.1. Giao tiếp bằng cử chỉ bao gồm
Ánh mắt: đưa mắt nhìn về phía đồ vật trẻ muốn.
Cử động của cơ thể: giơ tay ra xin, cúi đầu xin thứ trẻ muốn. Chỉ tay, với tay: về phía vật trẻ muốn, giơ tay đòi bế, giơ tay vẫy khi chào tạm biệt.
4.2. Giao tiếp bằng tranh ảnh gồm: sách, truyện trẻ em
– Thẻ tranh dạy trẻ mẫu giáo: nhận biết con vật, vật trong tranh, tìm thẻ tranh của con vật trẻ biết trong 2, 3… thẻ tranh khác nhau.
– So cặp: tranh với tranh, đồ vật với tranh, người thật với ảnh… Hội thoại qua tranh ảnh.
VI. THEO DÕI
Theo dõi sự tiến bộ của trẻ sau mỗi lần can thiệp.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
Không có.
Đăng nhập để bình luận.