Nội dung quản lí chuyển tuyến
QUẢN LÝ THÔNG TIN, BÁO CÁO CHUYỂN TUYẾN
Thu thập, thống kê, tổng hợp thông tin chuyển tuyến
Việc thu thập các số liệu thống kê báo cáo chuyển tuyến thực hiện theo các biểu mẫu do Bộ Y tế quy định. Các số liệu thống kê bao gồm:
Thông tin về chuyển người bệnh đi các tuyến (chuyển lên tuyến trên, chuyển cùng tuyến và chuyển về tuyến dưới) của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tin về nhận người bệnh từ các tuyến chuyển đến (tuyến dưới chuyển lên, cùng tuyến chuyến đến, tuyến trên chuyển về).
Quy định về chế độ báo cáo chuyển tuyến:
Báo cáo hằng tháng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp báo cáo hằng tháng theo mẫu quy định của Bộ Y tế (mẫu kèm theo).
Báo cáo định kỳ 6 tháng, hằng năm theo mẫu quy định của Bộ Y tế (mẫu kèm theo).
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh).
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải gửi báo cáo về cơ quan quản lý y tế các Bộ.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, thuộc Bộ, ngành (trừ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải), cơ sở y tế tư nhân được xếp tương đương tuyến huyện trở lên đóng trên địa bàn gửi báo cáo về Sở Y tế.
Sở Y tế, cơ quan quản lý y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp và báo cáo công tác chuyển tuyến về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để tổng hợp báo cáo hằng năm.
Mẫu báo cáo chuyển tuyến
Báo cáo định kỳ hằng tháng:
Tổng hợp thông tin chuyển người bệnh đi các tuyến: Là bảng tổng hợp ghi chép thông tin người bệnh chuyển đi các tuyến, được ghi chép hàng ngày tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước khi chuyển người bệnh đi các tuyến.
Bao gồm các thông tin:
Thông tin hành chính về người bệnh;
Khoa/ phòng nơi chuyển người bệnh;
Chẩn đoán khi chuyển viện;
Hình thức chuyển tuyến; – Lý do chuyển tuyến.
Hình thức chuyển tuyến gồm:
Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề (theo trình tự). – Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên không qua tuyến liền kề (không theo trình tự).
Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới.
Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến.
Lý do chuyển tuyến:
Chuyển người bệnh đi các tuyến theo yêu cầu chuyên môn.
Chuyển theo nguyện vọng của người bệnh hoặc đại diện hợp pháp của người bệnh.
Chuyển về tuyến dưới khi người bệnh đã được chẩn đoán xác định, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới.
Tổng hợp thông tin người bệnh từ các tuyến chuyển đến:
Là bảng tổng hợp ghi chép thông tin người bệnh từ các tuyến chuyển đến, được ghi chép hàng ngày tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi làm thủ tục tiếp nhận người bệnh đồng thời được rà soát bổ sung thông tin định kỳ hàng tháng khi người bệnh ra viện.
Bao gồm các thông tin:
Thông tin hành chính về người bệnh;
Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh đến;
Chẩn đoán của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh;
Các hình thức chuyển tuyến;
Lý do chuyển tuyến;
Chuyển đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật;
Chuyển vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật;
Chẩn đoán khi ra viện;
Ghi chú về sai sót chuyên môn, chẩn đoán khác biệt giữa tuyến chuyển và tuyến nhận người bệnh.
Báo cáo định kỳ 6 tháng, hằng năm:
Là báo cáotình hình chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh 6 tháng, hằng năm, gồm 2 bảng:
Bảng tổng hợp tình hình người bệnh chuyển đi các tuyến: Phân tích tình hình chuyển tuyến của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã chuyển người bệnh đến.
Ví dụ: Trong 6 tháng từ 01/01/2013-30/6/2013 tình hình chuyển người bệnh từ Bệnh viện đa khoa tỉnh X lên Bệnh viện Bạch Mai:
Tổng số ca chuyển tuyến: 570 ca; trong đó Bảo hiểm y tế: 250 ca (43,8%);
Bảng tổng hợp tình hình người bệnh chuyển đến trong 6 tháng hoặc cả năm.
THÔNG TIN HAI CHIỀU
Thông tin hai chiều là việc trao đổi hai chiều giữa tuyến nhận và tuyến chuyển người bệnh về thông tin người bệnh chuyển tuyến: chẩn đoán, điều trị người bệnh, các diễn biến bệnh lý đặc biệt, biến chứng, tai biến trong quá trình điều trị: chẩn đoán đúng, chẩn đoán khác biệt, các sai sót chuyên môn cần rút kinh nghiệm, đồng thời bàn luận, đề xuất các giải pháp chuyên môn phù hợp, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật…
Thông tin hai chiều được thực hiện nhằm khắc phục sai sót, tồn tại, rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và không ngừng cải thiện việc chất lượng khám bệnh, chữa bệnhcác tuyến, đặc biệt là tuyến dưới.
Hình thức thực hiện thông tin hai chiều:
Đưa vào nội dung trao đổi chuyên môn tại các cuộc giao ban, hội họp.
Trao đổi qua điện thoại, internet.
Trao đổi bằng các văn bản.
PHẢN HỒI THÔNG TIN CHUYỂN TUYẾN
Phản hồi thông tin chuyển tuyến là việc phản ánh thông tin một chiều của tuyến nhận gửi tuyến chuyển người bệnh nhằm phản ánh thông tin người bệnh chuyển tuyến: chẩn đoán, điều trị người bệnh, các diễn biến bệnh lý đặc biệt, biến chứng, tai biến trong quá trình điều trị chẩn đoán đúng, chẩn đoán khác biệt, các sai sót chuyên môn cần rút kinh nghiệm, khuyến nghị các giải pháp chuyên môn, phương pháp khắc phục phù hợp, đề xuất nội dung đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cần thiết.
Phản hồi thông tin người bệnh giúp phản ánh năng lực chuyên môn tuyến chuyển người bệnh thể hiện qua tỷ lệ chẩn đoán đúng, chẩn đoán khác biệt, sai sót chuyên môn.
Phản hồi thông tin người bệnh được tuyến nhận người bệnh phản ánh thông tin người bệnh chuyển tuyến dưới hình thức văn bản gọi là Phiếu phản hồi. Bao gồm 2 loại Phiếu phản hồi:
Phiếu phản hồi thường quy hằng tháng: Nhằm thông báo cho tuyến chuyển người bệnh số lượng ca chuyển tuyến, số vượt tuyến, số chẩn đoán đúng, số chẩn đoán khác biệt, kết quả điều trị của người bệnh chuyển tuyến trong tháng.
Phản hồi đột xuất: Nhằm thông báo kịp thời các ca bệnh có chẩn đoán khác biệt, tai biến, sai sót chuyên môn.
Các loại phiếu phản hồi thông tin chuyển tuyến:
Phiếu phản hồi thường quy hằng tháng:
Bao gồm các thông tin:
Thông tin hành chính về người bệnh;
Hình thức chuyển tuyến;
Lý do chuyển tuyến;
Chuyển đúng tuyến CMKT;
Chuyển vượt tuyến CMKT;
Kết quả điều trị (tình trạng bệnh thuyên giảm/ không thuyên giảm/ tử vong);
Ghi chú về sai sót chuyên môn, chẩn đoán khác biệt…
Phiếu phản hồi đột xuất:
Thông tin hành chính về người bệnh;
Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh;
Lý do chuyển tuyến;
Chẩn đoán của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gửi;
Tình trạng của người bệnh khi đến CSKCB.
GIAO BAN CHUYỂN TUYẾN:
Mục đích: Giao ban chuyển tuyến nhằm đánh giá thực hiện công tác chuyển tuyến, rút kinh nghiệm môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phát hiện các mặt còn hạn chế, đề xuất nhu cầu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Giao ban hàng tháng:
Việc giao ban hàng tháng giữa các khoa, phòng, bộ phận trong 1 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ấn định tổ chức định kỳ vào một ngày thuộc tuần đầu của tháng, có thể được tổ chức độc lập hoặc lồng ghép với nội dung khác.
Nội dung:
Giám đốc trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến/ Trưởng phòng chỉ đạo tuyến/ hoặc cán bộ phụ trách bộ phận chỉ đạo tuyến của cơ sở khám, bệnh chưa có trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến/ phòng chỉ đạo tuyến trình bày báo cáo chuyển tuyến.
Trưởng khoa/ phòng/ bộ phận trực thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận xét về tình hình chuyển người bệnh đi các tuyến; tiếp nhận người bệnh từ các tuyến chuyển đến; báo cáo các trường hợp sai sót chuyên môn; chẩn đoán khác biệt của tuyến dưới, cần rút kinh nghiệm, nhận xét về tình hình thực hiện thủ thuật, kỹ thuật chuyên môn của tuyến dưới thông qua bước đầu đánh giá tình hình người bệnh chuyển tuyến…
Báo cáo thực hiện việc chuyển tuyến của bệnh viện tuyến dưới, khó khăn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.
Người chủ trì nhận xét, kết luận, rút kinh nghiệm, thông báo các chủ trương, chính sách, văn bản, nội dung liên quan đến hoạt động chuyển tuyến.
Thành phần:
Chủ trì: Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người phụ trách chuyên môn hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền.
Thư ký: Cán bộ chuyên trách chỉ đạo tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu tham dự:
Giám đốc trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến/ trưởng phòng chỉ đạo tuyến/ hoặc cán bộ phụ trách bộ phận chỉ đạo tuyến của cơ sở khám, bệnh chưa có trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến/ phòng chỉ đạo tuyến
Trưởng khoa/ phòng/ bộ phận trực thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Giao ban hằng 6 tháng lần giữa các cơ sở khám bệnh chữa bệnh:
Việc giao ban hằng quý giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ấn định tổ chức định kỳ vào một ngày thuộc tuần đầu, tháng 6 và tháng 12 hàng năm, có thể được tổ chức độc lập hoặc lồng ghép với nội dung khác.
Nội dung:
Giám đốc trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến/trưởng phòng chỉ đạo tuyến/hoặc cán bộ phụ trách bộ phận chỉ đạo tuyến bệnh viện tuyến trên trình bày báo cáo chuyển tuyến 6 tháng, nhận xét về tình hình tiếp nhận người bệnh từ các tuyến chuyển đến; báo cáo các trường hợp sai sót chuyên môn; chẩn đoán khác biệt của tuyến dưới, cần rút kinh nghiệm, nhận xét về tình hình thực hiện thủ thuật, kỹ thuật chuyên môn của tuyến dưới thông qua bước đầu đánh giá tình hình người bệnh chuyển tuyến.
Lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới báo cáo tình hình chuyển người bệnh đi các tuyến, tiếp nhận người bệnh chuyển đến, đề xuất nhu cầu đạo tạo, chuyển giao kỹ thuật.
Thảo luận về sai sót chuyên môn, chẩn đoán khác biệt, kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị…
Người chủ trì nhận xét, kết luận, rút kinh nghiệm, thông báo các chủ trương, chính sách, văn bản, nội dung liên quan đến hoạt động chuyển tuyến.
Bệnh viện trung ương giao ban với bệnh viện tuyến tỉnh, thành phần gồm:
Chủ trì: Giám đốc bệnh viện trung ương.
Thư ký: Giám đốc trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến bệnh viện Trung ương hoặc trưởng phòng chỉ đạo tuyếncủa bệnh viện Trung ương chưa có trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến.
Đại biểu dự:
Trưởng khoa/ phòng của bệnh viện Trung ương (đơn vị tổ chức giao ban).
Giám đốc Sở Y tế, trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế.
Giám đốc bệnh viện tuyến tỉnh, trưởng phòng hoặc bộ phận chỉ đạo tuyến bệnh viện tuyến tỉnh.
Bệnh viện tỉnh tổ chức giao ban với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, thành phần gồm:
Chủ trì: Giám đốc bệnh viện tỉnh.
Thư ký: Trưởng phòng chỉ đạo tuyến bệnh viện tỉnh hoặc cán bộ phụ trách bộ phận chỉ đạo tuyến ở bệnh viện tỉnh chưa có phòng chỉ đạo tuyến.
Đại biểu dự:
Trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế.
Trưởng khoa, phòng bệnh viện tỉnh.
Giám đốc, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện huyện.
Bệnh viện huyện tổ chức giao ban với trạm y tế xã thành phần gồm:
Chủ trì: Giám đốc bệnh viện huyện.
Thư ký: cán bộ phụ trách bộ phận chỉ đạo tuyến của bệnh viện huyện (đơn vị chủ trì giao ban).
Thành phần:
Trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế.
Trưởng khoa, phòng bệnh viện huyện (đơn vị chủ trì giao ban).
Trạm trưởng trạm y tế xã.
NỘI DUNG THỰC ĐỊA
Thăm quan mô hình chuyển tuyến của 01 bệnh viện tỉnh, 01 BV huyện, 01 trạm y tế xã
Nội dung, chương trình ngày làm việc:
Thăm quan 01 bệnh viện tỉnh:
Nghe báo cáo chuyển tuyến của giám đốc bệnh viện
Thăm và nghe báo cáo về mô hình tổ chức chuyển tuyến của phòng chỉ đạo tuyến hoặc bộ phận chỉ đạo tuyến của bệnh viện
Thăm khoa khám bệnh bệnh viện để năm bắt tình hình chuyển tuyến và tiếp nhận người bệnh chuyển tuyến của bệnh viện.
Thăm quan 01 bệnh viện huyện
Nghe báo cáo chuyển tuyến của giám đốc bệnh viện
Thăm và nghe báo cáo về mô hình tổ chức chuyển tuyến của bộ phận chỉ đạo tuyến của bệnh viện
Thăm khoa khám bệnh bệnh viện để năm bắt tình hình chuyển tuyến và tiếp nhận người bệnh chuyển tuyến của bệnh viện.
Thăm quan 01 trạm y tế xã: Nghe báo cáo chuyển tuyến của Trạm trưởng trạm y tế xã
Tổng kết ngày làm việc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Quy chế bệnh viện năm 1997.
Quyết định số: 23/2005/ QĐ–BYT, ngày 30 tháng 8 năm 2005 của Bộ Y tế về việc Về việc ban hành Quy định Phân tuyến kỹ thuật và Danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh.
Thông tư số: 10/2009/ TT-BYT, ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế, về việc hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.
Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14 tháng 4 năm 2014 quy định về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tài liệu Hội thảo “Nâng cao chất lượng hệ thống chuyển tuyến” Chiaki Miyoshi dự án tăng cường dịch vụ y tế tỉnh Hòa Bình do tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ, năm 2009.