Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT TẬP VẬN ĐỘNG CHO TRẺ BỊ BIẾN DẠNG CỘT SỐNG (CONG VẸO, GÙ, ƯỠN)

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng, Nhi khoa

I. ĐẠI CƯƠNG

– Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống lệch sang bên phải hoặc trái so với đường giữa của cột sống nếu nhìn thẳng từ phía sau lưng.
– Gù cột sống là tình trạng đoạn cột sống lưng cong quá mức ra phía sau so với đường cong sinh lý nếu nhìn từ phía bên của người bệnh.
– Ưỡn cột sống là tình trạng đoạn cột sống thắt lưng cong quá mức ra phía trước (ưỡn) so với đường cong sinh lý nếu nhìn tứ phía bên người bệnh.
– Biến dạng cột sống làm cho hình dáng cơ thể bị biến dạng không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chức năng vận động, đặc biệt ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, hô hấp. Ở trẻ gái có thể bị ảnh hưởng đến chức năng sinh đẻ
sau này.
– Các bài tập vận động giúp đề phòng các biến chứng cũng như giúp trẻ phát triển cân bằng hơn.

II. CHỈ ĐỊNH

– Vẹo cột sống.
– Gù cột sống.
– Ưỡn cột sống.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Nhiễm trùng cột sống.
– Khối u cột sống và u cạnh cột sống.
– Bệnh ưa chảy máu.
– Bệnh tắc mạch máu.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
a. Bác sĩ phục hồi chức năng.
b. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
Đệm tập, dụng cụ đo góc.
3. Bệnh nhi
Mặc quần áo rộng, thoải mái khi thực hiện thao tác.
4. Hồ sơ bệnh án
Có chỉ định của bác sĩ điều trị.

V. THỰC HIỆN

Bài tập 1: tăng tầm vận động của cột sống lưng
Mục tiêu: gia tăng tầm vận động gập của cột sống lưng.
– Kéo giãn nhóm cơ duỗi lưng.
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhi: ngồi, 2 chân duỗi thẳng và áp sát, 2 tay đưa ra phía trước.
– Tư thế kỹ thuật viên: ngồi cạnh và làm mẫu.
– Tiến hành: bệnh nhi duỗi thẳng 2 chân áp. Hai tay đưa ra trước lưng gập, càng gần các ngón càng tốt.
Bài tập 2: tăng cơ lực nhóm cơ gập và xoay thân
Mục tiêu
– Tăng cơ lực nhóm cơ gập và xoay thân.
– Tăng cường tính linh hoạt của cột sống
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhi: nằm ngửa, 2 tay đan sau gáy, 2 chân duỗi thẳng.
– Tư thế kỹ thuật viên: đứng hoặc quỳ bên cạnh, 1 tay cố định trên 2 đùi và 1 tay cố định trên 2 cẳng chân bệnh nhi.
– Tiến hành: kỹ thuật viên cố định 2 chân, bệnh nhi 2 tay đan sau gáy, gập thân và xoay thân, khuỷu sang bên đối diện.
Bài tập 3: kéo giãn cơ ở phần lõm của đường cong
Mục tiêu:
– Kéo giãn các nhóm cơ phía lõm của đường cong thắt lưng trái.
– Phòng ngừa co rút cột sống thắt lưng.
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhi: nằm sấp, 2 tay bám chặt 2 bên cạnh bàn.
– Tư thế kỹ thuật viên: đứng cạnh bệnh nhi và đỡ 2 tay mặt trước đùi bệnh nhi.
– Tiến hành: bệnh nhi giữ thân trên của mình cố định. Kỹ thuật viên kéo giãn đốt sống vùng thắt lưng sang trái.
Bài tập 4: kéo giãn cơ ở phần lõm của đường cong
Mục tiêu: kéo giãn phía lõm của đường cong ngực phải, tăng tính linh hoạt và duy trì tầm vận động của cột sống lưng.
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhi: nằm nghiêng sang phía có đường cong, thả người xuống mép bàn.
– Tư thế kỹ thuật viên: đứng và giữ hông bệnh nhi.
– Tiến hành: bệnh nhi thả người xuống mép bàn, tay phía trên duỗi thẳng qua đầu, cuộn 1 khăn tắm kê vào đỉnh đường cong. Giữ tư thế này 3 đến 5 phút.
Bài tập 5: Kéo giãn cột sống
Mục tiêu:
– Kéo giãn cột sống.
– Tăng cường tính đàn hồi của thân mình.
Kỹ thuật:
Tư thế bệnh nhi: đứng 2 tay gập 180º , duỗi thẳng.
– Tư thế kỹ thuật viên: đứng cạnh.
– Tiến hành: hai tay bệnh nhi bám vào xà ngang, gắng cho gót chân rời khỏi sàn.
Bài tập 6:
Mục tiêu
– Tập mạnh nhóm cơ nghiêng thân.
– Kéo giãn phía lồi của đường cong ngực phải.
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhi: nằm nghiêng.
– Tư thế kỹ thuật viên: đứng sau.
– Tiến hành: bệnh nhi nằm nghiêng về phía trái và nhấc thân lên khỏi sàn để kéo giãn phía lồi của đường cong ngực phải.
Bài tập 7:
Mục tiêu:
– Cải thiện chức năng hô hấp và tim mạch.
– Tăng cường độ giãn nở của lồng ngực.
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhi: nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi.
– Tư thế kỹ thuật viên: đứng cạnh
– Tiến hành: Bệnh nhi hít sâu và thở ra từ từ. Hai tay bệnh nhi đặt dưới cơ hoành.
Bài tập 8:
Mục tiêu:
– Cải thiện tư thế cột sống.
– Tăng cường chức năng phổi.
Kỹ thuật:
– Tư thế bệnh nhi: ngồi, người cúi về phía trước.
– Tư thế kỹ thuật viên: ngồi sau, 2 bàn tay đặt sau lưng và đáy phổi.
– Tiến hành: bệnh nhi hít vào thật sâu và thở ra từ từ, đảm bảo có sự giãn nở của lồng ngực.
Theo dõi: ghi chép phiếu tập
– Ghi ngày, giờ tập.
– Ghi số lần tập.
Thời gian từ 30 – 60 phút.

VI. THEO DÕI

Theo dõi tình trạng trẻ, mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.

VII. XỬ LÝ TAI BIẾN

Thận trọng với các trẻ vẹo cột sống nặng với góc Cobb trên 40º