KỸ THUẬT XOA BÓP DẪN LƯU
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa
Kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu hay còn gọi kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu bạch huyết (Lymphatic Drainage Massage) là kỹ thuật xoa bóp và ép nhẹ nhàng sử dụng để gia tăng tuần hoàn bạch huyết bằng cách di chuyển những dịch bạch huyết ứ đọng ra khỏi vùng tổn thương. Kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu là kỹ thuật sử dụng để giảm ứ trệ bạch huyết do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân phù bạch mạch sau phẫu thuật lấy các hạch bạch huyết. Kỹ thuật này có thể hướng dẫn để người bệnh tự thực hiện trên vùng cơ thể của mình.
Có hai giai đoạn của kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu, đó là làm vận chuyển dịch và tái hấp thụ dịch.
2. Lợi ích của kỹ thuật
– Giảm phù bạch huyết.
– Tăng cường hệ thống miễn dịch.
– Thải độc tố.
– Thư giãn.
– Giảm đau mạn tính.
II. CHỈ ĐỊNH
– Trong các trường hợp phẫu thuật.
– Phù hạch bạch huyết tiên phát và thứ phát.
– Sau mổ cắt vú, nạo hạch.
– Dãn tĩnh mạch.
– Trước và sau phẫu thuật.
+ Trước và sau phẫu thuật thẩm mỹ.
+ Sau phẫu thuật rút tĩnh mạch.
– Da liễu:
+ Mụn/chàm.
+ Sẹo bỏng.
– Tai, mũi, họng.
+ Viêm xoang
+ Ù tai
+ Bệnh Ménière
– Loét chân
– Thần kinh
+ Đau đầu do căng thẳng
+ Migraines
+ Đau dây thần kinh
+ Đa xơ cứng
+ Stress
+ Đau mạn tính
– Chỉ định khác
+ Chấn thương thể thao cấp
+ Phù chân thai nghén
+ Tăng cường hệ thống miễn dịch
+ Hội chứng đại tràng kích thích
+ Táo bón
+ Viêm sợi cơ
+ Mệt mỏi mạn tính
+ Xơ cứng bì
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Chống chỉ định khi sự gia tăng dịch chuyển dịch bạch huyết là không có lợi cho người bệnh. Cần lưu ý quan tâm đến những chỉ định của kỹ thuật khi thực hiện cho người bệnh.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
a. Bác sĩ phục hồi chức năng.
b. Kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
Kỹ thuật viên xoa bóp dẫn lưu là những người được huấn luyện kỹ càng, họ cũng có thể làm kỹ thuật viên vật lý trị liệu hay hoạt động trị liệu được đào tạo kỹ thuật và bệnh.
2. Phương tiện
Bàn tập, giường tập.
3. Người bệnh
Đánh giá người bệnh trước khi thực hiện kỹ thuật:
– Xác định xem vùng tổ chức nào bị ứ đọng bạch huyết, nguyên nhân làm ứ đọng bách huyết và chọn tư thế nằm thích hợp, thoải mái cho người bệnh.
– Đánh giá mức độ ứ dịch bạch huyết nhiều hay ít, rộng hay hẹp.
4. Hồ sơ bệnh án
Người thực hiện kỹ thuật ghi rõ trong hồ sơ bệnh án thời gian thực hiện, kỹ thuật sẽ thực hiện trên người bệnh.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ, lựa chọn vùng điều trị
Lựa chọn vùng điều trị để có thể đạt được mục đích tốt nhất.
2. Kiểm tra và chuẩn bị người bệnh
– Giải thích mục đích và quy trình kỹ thuật cho người bệnh hiểu để họ hợp tác tốt, tạo sự tin tưởng và làm người bệnh thư gi n.
– Đặt người bệnh trong tư thế thoải mái, vững chắc và ổn định để cho phép mặt phẳng cử động là tốt nhất khi quy trình kỹ thuật được thực hiện.
– Dùng các kỹ thuật thư gi n, nhiệt nóng đối với tổ chức mô mềm trước khi thực hiện để làm tăng khả năng đẩy dịch và hấp thụ dịch, giảm chấn thương.
3. Thực hiện kỹ thuật
Thực hiện kỹ thuật dịch chuyển dịch bạch huyết.
Mục đích của làm vận chuyển dịch là để tạo ra một áp suất âm với lực ép nhẹ do vậy vùng ứ đọng bạch huyết được đẩy dịch đi càng nhiều càng tốt, tao ra một hiệu ứng chảy mạnh vùng ứ đọng bạch huyết.
Vận chuyển dịch ở các khu vực:
– Vùng bạch huyết trên xương đòn ngay dưới hai xương đòn.
– Vùng bạch huyết hõm nách ngay dưới cánh tay.
– Vùng bạch huyết bên trong khuỷu.
Kỹ thuật vận chuyển dịch có thể được lặp lại nhiều lần như khoảng 10 lần/ngày, luôn luôn xoa bóp cả hai bên cơ thể, không chỉ ở bên có ứ dịch bạch huyết.
Có ba giai đoạn của dịch chuyển dịch bạch huyết theo trật tự vùng trên đòn,
vùng hõm nách và vùng mặt trong khuỷu tay.
Để làm dịch chuyển dịch vùng trên đòn:
– Để người bệnh nằm ngửa trên mặt phẳng chắc chắn, thoải mái.
– Bắt chéo hai cánh tay trên ngực người bệnh với hai bàn tay đặt nghỉ ngay phía dưới hai xương đòn.
– Nâng hai khuỷu tay người bệnh lên chậm và nhẹ nhàng. Hoạt động cơ này cần càng nhiều áp lực càng tốt để chuẩn bị cho hoạt động đẩy dịch bạch huyết di chuyển.
Tiếp theo là dịch chuyển dịch vùng nách:
– Đặt một tay người bệnh lên trên đầu.
– Sử dụng tay kia để vét nhẹ nhàng vùng hõm nách từ đỉnh xuống đáy, lực ép chỉ vừa đủ và nhẹ nhàng đủ để di chuyển bề mặt da.
Cuối cùng là dịch chuyển dịch vùng mặt trong của khuỷu tay.
– Đặt cánh tay dọc theo thân thể. Sử dụng các ngón tay bên đối diện nhẹ nhàng kéo da mặt trong khuỷu một vài cm mỗi lần kéo.
*Lưu ý: lực ép hết sức nhẹ nhàng, trong kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu bạch huyết, bạn
chỉ cần làm việc với cấu trúc da vùng nông, đó là nơi ta có thể lấy được dịch ứ đọng.
Kỹ thuật tái hấp thụ dịch bạch huyết.
Phần thứ hai của kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu là giai đoạn tái hấp thụ dịch bạch huyết. Để thực hiện giai đoạn xoa bóp này, ta cần bắt đầu ở vùng cơ thể bị ảnh hưởng xa nhất so với trung tâm cơ thể, có thể bắt đầu ở các đầu ngón tay nếu người bệnh có phù bạch mạch ở bàn tay, cánh tay và vai.
– Sử dụng cử động vuốt với lực ép vừa phải để thay đổi bề mặt của da, xoa bóp từ các ngón tay đến bàn tay, từ bàn tay đến khuỷu tay và từ khuỷu tay đến vùng vai.
– Người bệnh phải đồng ý với việc tự xoa bóp dẫn lưu cho bản thân đặc biệt là phụ nữ vì phụ nữ thường quen chăm sóc cho người khác. Người bệnh cần thực hiện ít nhất 20 phút mỗi ngày kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu bạch huyết vì nếu làm thời gian ngắn
thì sẽ chỉ đủ để dịch chuyển dịch chứ không đủ thời gian cho dịch tái hấp thụ.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu.
– Lực ép vừa đủ sâu sao cho cử động không trượt trên mặt da, nhưng nhẹ nhàng vừa đủ sao cho người bệnh không cảm thấy khó chịu dưới da. Lực ép khoảng 25 – 100g.
– Đây là kỹ thuật thường được áp dụng và huấn luyện tại Thụy Điển và mô sâu được xoa bóp dẫn lưu với lực ép nhiều hơn. Rất nhiều người cho rằng với lực ép nhẹ thì kỹ thuật không thể tạo được hiệu quả. Tuy nhiên kỹ thuật viên cần hiểu rằng họ đang làm kỹ thuật trên da, nếu sử dụng quá nhiều lực ép, kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu bạch huyết sẽ thất bại.
– Hướng của kỹ thuật xoa bóp rất quan trọng để đẩy dịch bạch huyết về đúng các hạch bạch huyết. Nếu kỹ thuật viên thực hiện động tác với hướng sai, kỹ thuật sẽ không hiệu quả.
– Nhịp điệu của động tác cũng rất quan trọng để hoàn thành kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu bạch huyết, bởi với nhịp điệu và tốc độ đúng, các hạch bạch huyết gốc mới mở ra và sau đó cho phép đóng lại và với thời gian ngắn những hạch này hút bạch huyết xuống các mao mạch. Nhịp điệu và tốc độ thích hợp cũng kích thích hệ thống thần kinh phó giao cảm làm người bệnh thư giãn dễ chịu.
– Trật tự của kỹ thuật vuốt rất quan trọng. Khi chúng ta muốn dẫn lưu một vùng nào đó, chúng ta luôn luôn lưu ý rằng nên bắt đầu ở vùng gần với hạch bạch huyết gốc mà chúng ta muốn dẫn lưu dịch bạch huyết về. Luôn luôn đẩy bạch huyết hướng về phía hạch khi thực hiện kỹ thuật. Và khi làm như vậy, ta đi dần ra vùng xa của hạch bạch huyết nhưng luôn đẩy dịch chảy về phía hạch bạch huyết. Bằng cách này ta đã dịch chuyển dịch theo con đường mà bạch huyết lưu thông cũng như tạo ra một hiệu quả hút dịch bạch huyết vào hạch bạch huyết.
Thời gian 20 – 30 phút.
VI. THEO DÕI
– Đây là kỹ thuật điều trị duy trì, nếu người bệnh thực hiện đều đặn kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu thì phù dịch bạch huyết sẽ không trở nên nặng nề hơn.
– Kiểm soát phù mạch bạch huyết cũng có thể thực hiện bằng mang tay áo chật để ngăn cản dịch ứ lại. Một kỹ thuật viên có kinh nghiệm cần hướng dẫn người bệnh những điều này. Người bệnh cần được hướng dẫn kỹ càng bởi xoa bóp dẫn lưu thực sự hiệu quả với người bệnh, nhưng xoa bóp những mô sâu có thể sẽ khó khăn với những người bị phù bạch mạch, vì vậy đừng cho rằng người bệnh chỉ cần tới những kỹ thuật viên xoa bóp thông thường là được.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
Không có.