KỸ THUẬT XOA BÓP TOÀN THÂN
I. ĐẠI CƯƠNG
Xoa bóp bằng tay là những thủ thuật xoa nắn các mô của cơ thể một cách khoa học và hệ thống, nhằm mục đích tác động lên hệ cơ, hệ thần kinh và trên hệ tuần hoàn tổng thể.
II. CHỈ ĐỊNH
-Hiệu quả rất hữu ích nhằm giảm đau và di động các lớp mô co thắt.
-Kích thích hoặc làm êm dịu hệ thần kinh.
-Cải thiện tuần hoàn, tăng bài tiết các chất cặn bã và giảm phù nề.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
-Tình trạng nhiễm trùng, ung thư.
-Các bệnh ngoài da có thể gây viêm nhiễm cho người bệnh hoặc gây tình trạng da bị kích thích hoặc bị tổn thương.
-Đối với người bệnh suy yếu phải thận trọng, không xoa bóp trên các vùng mới mọc da non.
-Tình trạng viêm tĩnh mạch huyết khối xoa bóp có thể làm vỡ các cục huyết khối di chuyển theo đường tuần hoàn gây nghẽn mạch.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
a. Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng
b. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
– Giường, bàn xoa bóp (có kích thước phù hợp với người thực hiện xoa bóp).
– Gối các loại.
– Dầu xoa, bột tan.
3. Người bệnh
Người bệnh phải được thư giãn và thoải mái, áo quần không quá chật, sao cho các thao tác thực hiện dễ dàng.
4. Hồ sơ bệnh án
– Kỹ thuật viên nắm vững nguyên nhân và quá trình diễn biến của người bệnh.
– Lượng giá và lập kế hoạch điều trị.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Tạo tâm lý tiếp xúc tốt với người bệnh: giải thích cho người bệnh hiểu rõ được bệnh tật của mình để hợp tác điều trị.
Kỹ thuật.
Xoa dầu hoặc thuốc mỡ lên vùng xoa bóp.
* Kỹ thuật xoa vuốt:
– Dùng hai bàn tay trượt nhẹ nhàng, dịu dàng lên phần cơ thể được xoa bóp,
xoa vuốt theo chiều dọc hay xoa thành vòng tròn.
– Lực vuốt khởi đầu từ xa tiến tới phần gần để tạo thuận cho sự lưu thông máu.
– Hai bàn tay có thể rời khỏi phần cuối của động tác và trở lại điểm khởi đầu.
– Có thể vẫn duy trì hai bàn tay tiếp xúc trên da khi trở lại điểm khởi đầu nhưng không tạo sức ép.
– Trong xoa vuốt nông hướng của lực không quan trọng vì áp suất quá nhẹ không tạo được hiệu quả cơ học.
– Trong xoa vuốt sâu hướng của lực rất quan trọng vì mục tiêu chính là tạo thuận cho sự lưu thông tuần hoàn máu và bạch huyết. Do đó lực vuốt về luôn luôn phải hướng tâm.
* Kỹ thuật nhào bóp: sự nhào bóp bao gồm xoa, ép và chà xát.
– Xoa là một cử động nhấc mô mềm lên giữa các ngón tay và thực hiện một cách luân phiên tạo cử động trong giới hạn của chính cơ đó nhằm kéo giãn các kết dính.
– Ép được thực hiện ở vùng cơ rộng hơn. Ép vùng điều trị hoặc giữa hai bàn tay hoặc giữa bàn tay và một vật cứng như mặt bàn tay mặt xương.
– Chà xát là cử động vòng tròn thực hiện bằng cách đặt một phần nhỏ của bàn tay trên vùng điều trị, thực hiện nhanh với gia tăng áp suất.
* Kỹ thuật vỗ (gõ): là cử động luân phiên nhằm tạo sự kích thích.
– “Giần” thường được thực hiện với bề ngoài của bàn tay hay với các ngón tay thư giãn, với hai bàn tay nẩy lên luân phiên từ vùng điều trị.
– “Vỗ” được thực hiện với hai gan bàn tay theo cùng một cách. Nếu hai bàn tay úp âm thanh tạo ra gây lên được một hiệu quả tâm lý.
– “Đập” được thực hiện với hai bàn tay nắm theo cùng một cách.
– “Rung” bằng cách đặt các đầu ngón tay tiếp xúc với mặt da và lay toàn cánh tay, truyền một cử động rung tới người bệnh.
– Trong xoa bóp toàn thân các kỹ thuật nhào bóp được dùng để di chuyển các chất tích động trong mô và để kéo giãn sự kết dính, tiếp theo là kỹ thuật vuốt về nhằm chuyển di các chất dịch tích động hay phù nề. Các cử dộng vỗ thường dùng cuối chương trình điều trị.
Thời gian mỗi lần thực hiện từ 30 đến 60 phút tùy theo tình trạng sức khỏe người bệnh.
VI. THEO DÕI
– Tình trạng người bệnh.
– Màu sắc vùng da nơi xoa bóp.
– Nếu có những diễn biến xấu cần ngừng xoa bóp ngay và báo cáo với bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Đau cơ: thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lý trị liệu.
– Quá sức: nghỉ ngơi.