Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

THỦY TRỊ LIỆU CÓ THUỐC

Chuyên ngành: y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại, Vật lý trị liệu

I. ĐẠI CƯƠNG

Thủy trị liệu là phương pháp sử dụng nước tác động lên mặt ngoài cơ thể để chữa bệnh. Là môi trường thuận tiện để trao đổi nhiệt lượng của cơ thể với môi trường. Trong dân gian thường có phương pháp ngâm chân, tay và thân mình vào bồn nước có thuốc (thường là các loại lá cây, rễ… của một số loại thảo mộc có tác dụng để chữa bệnh).
Thủy trị liệu có nhiều hình thức như: tắm dưới áp lực nước, ngâm nước khoáng … và có hai phương pháp chủ yếu là thủy trị liệu nước nóng và thủy trị liệu nước lạnh.
Ngoài ra còn có phương pháp phối hợp xen kẽ hai phương pháp trên, với các yếu tố, tác động:
– Yếu tố lực đẩy và áp suất.
– Yếu tố nhiệt.
– Yếu tố cơ học.
– Yếu tố hóa học.
– Thủy trị liệu có thuốc (ngâm nóng hoặc ngâm lạnh), hiểu một cách khác là trong nước để điều trị đã được hòa một lượng nhất định các thuốc, trong bể ngâm
toàn thân hoặc cục bộ từng phần- chân, tay- với mục đích điều trị.

II. CHỈ ĐỊNH

– Các bệnh lý xương khớp mạn tính.
– Viêm đại tràng co thắt.
– Một số bệnh lý về bệnh ngoài da (bệnh vảy nến).
– Viêm, đau dây thần kinh ngoại vi mạn tính.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Cơ thể đang sốt, có viêm nhiễm cấp tính.
– Người có vùng da tổn thương hở.
– Bệnh lý tim mạch cấp tính.
– Suy hô hấp cấp.
– Người bệnh bị ung thư.
– Người bệnh bị dị ứng với thuốc làm dung dịch điều trị.
– Người bệnh bị kích động.
– Người bệnh mất cảm giác.
– Bệnh ưa chảy máu.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, cán bộ y tế
hành nghề được đào tạo.
2. Phương tiện
– Thảo dược đã được rửa sạch.
– Thùng sạch (thể tích 5-10 lít).
– Bể (bồn) nước dùng ngâm toàn thân.
– Khăn bông khô, sạch.
3. Người bệnh
Giải thích để người bệnh yên tâm điều trị.
4. Hồ sơ bệnh án
Ghi chép đầy đủ các thông tin về người bệnh, chỉ định điều trị rõ ràng.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1. Kiểm tra hồ sơ chính xác
Kiểm tra người bệnh: đây là kỹ thuật ngâm toàn thân trong nước.
Bước 2. Chuẩn bị nước chiết xuất từ thảo dược
– Dùng nước nóng già (trên 70ºC) đổ đầy vào thùng chứa thảo dược, đảo đều và để 15 phút.
– Hoặc dùng nước sắc các loại thảo dược trên.
Bước 3. Kiểm tra nhiệt độ nước theo chỉ định
– Sử dụng nước đ chiết xuất đổ vào bể (bồn) để điều trị.
– Kiểm tra nhiệt độ nước trong bể (bồn) bằng nhiệt kế. Nhiệt độ ngâm toàn thân trong nước nóng từ 33 – 38ºC, nhiệt độ ngâm tối đa 43ºC.
– Thời gian điều trị 15 – 20 phút, mỗi ngày một lần.
Bước 4. Tiến hành điều trị
– Người bệnh được tắm tráng bằng nước sạch.
– Người bệnh vào bể (bồn) ngâm (nước ngâm không ngập quá mũi).
– Hỏi cảm giác người bệnh, nếu người bệnh thấy cảm giác bình thường tiến hành ngâm cơ thể hết thời gian chỉ định.
– Hết thời gian ngâm, cho người bệnh tắm tráng, lau khô cơ thể và nằm nghỉ ngơi tại chỗ từ 5 đến 10 phút.
Bước 5. Kết thúc điều trị.

VI. THEO DÕI

– Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể có các phản ứng: mệt mỏi, căng thẳng, choáng váng, nhiễm lạnh, mệt xỉu.
– Chú ý đảm bảo để người bệnh không bị ngạt nước.
– Nếu xảy ra những hiện tượng này thì ngừng điều trị.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Người bệnh bị các dấu hiệu như trên phải ngừng ngay điều trị, tiến hành kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp và xử trí cấp cứu theo quy định.