ĐIỀU TRỊ CHƯỜM NGẢI CỨU
I. ĐẠI CƯƠNG
Cây ngải cứu có tên khoa học là Artermisa vulgaris. Trong lá ngải cứu chứa rất nhiều các chất hóa học khác nhau trong đó có tinh dầu Alpha thuyol, cineol có tính chất giảm đau. Theo y học cổ truyền, lá ngải cứu có tác dụng vào ba kinh: can, tỳ, thận có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ thấp.
Trong Phục hồi chức năng, sử dụng thân và lá cây ngải cứu nóng chườm lên vùng cơ thể cần điều trị với tác dụng chính là nhiệt nóng, ẩm, làm giảm đau, giãn cơ tại vùng điều trị. Chườm ngải cứu nóng là phương pháp đơn giản, có thể thực hiện được ở tuyến y tế cơ sở với nguồn nguyên liệu phong phú có ở khắp mọi nơi.
II. CHỈ ĐỊNH
– Bệnh xương khớp mạn tính: viêm quanh khớp vai, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp.
– Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống cổ.
– Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
– Hạn chế tầm vận động khớp sau bó bột.
– Chuẩn bị cho kéo giãn, tập vận động, xoa bóp.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Vùng mất cảm giác.
– Da bị tổn thương hở.
– Sốt cao, nhiễm trùng, nhiễm độc.
– Đang có xuất huyết dưới da hoặc nội tạng.
– Sưng nề sau chấn thương.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, cán bộ y tế hành nghề được đào tạo.
2. Phương tiện
– Lá ngải cứu khô.
– Nồi nấu và các dụng cụ kèm theo.
– Giường nằm.
– Chăn bông giữ nhiệt (kích thước 1×1,2 m), tấm nilon (kích thước 0.8×0,8m) và các dụng cụ cần thiết khác.
3. Người bệnh
– Giải thích cho người bệnh an tâm điều trị.
– Để người bệnh ở tư thế thoải mái, phù hợp vùng điều trị.
4. Hồ sơ bệnh án
Ghi chép đầy đủ các thông tin về người bệnh, vùng chỉ định điều trị.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Bước 1
– Kiểm tra hồ sơ bệnh án.
– Xác định vùng điều trị.
Bước 2: Tạo ngải cứu nóng
– Lá ngải cứu khô được rửa sạch và cho vào nồi đun.
– Đun cách thủy trong khoảng 10 – 15 phút (chú ý không để cháy ngải).
Bước 3: Xông hơi ngải cứu nóng
– Bộc lộ vùng điều trị.
– Lấy ngải cứu nóng bọc lại bằng nilon sạch, bên ngoài bọc chăn giữ nhiệt.
– Người điều trị tiến hành mở gói ngải cứu để xông hơi nóng của ngải cứu (chăn giữ nhiệt để hở một đầu).
– Sau 5 phút người điều trị mở chăn và đảo ngải cứu, tiếp tục quá trình xông 5 phút nữa.
Bước 4: Chườm ngải cứu nóng
– Sau khi người điều trị mở chăn giữ nhiệt lần hai và kiểm tra nhiệt bằng tay (cảm giác nóng) an toàn, cho người bệnh nằm trực tiếp vùng đau (hoặc chườm trực tiếp ngải cứu nóng lên vùng đau), quá trình này kéo dài 20 phút.
– Kết thúc quá trình điều trị 30 phút, lau sạch vùng điều trị. Kiểm tra, ghi chép bệnh án.
– Điều trị liên tục mỗi đợt 15 – 20 ngày.
VI. THEO DÕI
– Trong quá trình điều trị người bệnh có thể bị nóng quá tại vùng điều trị gây bỏng nhiệt, nhắc người bệnh không để nóng quá tại vùng điều trị.
– Người điều trị luôn có mặt để theo dõi tình trạng người bệnh trong quá trình điều trị.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Nếu người bệnh bị bỏng, ngừng điều trị và xử trí như một bỏng nhiệt nóng.
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh