ĐIỀU TRỊ BẰNG ĐIỆN VI DÒNG
I. ĐẠI CƯƠNG
Vi dòng là phương pháp điều trị sử dụng dòng điện xung hình vuông một pha liên tục, có thể đảo cực, có cường độ dưới ngưỡng cảm giác (cường độ dòng dưới 1mA).
Điện vi dòng có vai trò rất quan trọng trong hồi phục các mô mềm bị tổn thương.
II. CHỈ ĐỊNH
– Làm liền vết thương: tổn thương mô mềm, vết thương, vết loét.
– Giảm đau: đau điểm (trigger point), đau rễ thần kinh, đau lưng, các đau mạn tính.
– Giảm phù nề: do viêm, ứ trệ bạch huyết.
– Viêm dính, sẹo xơ
– Dày dính màng phổi.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh mang máy tạo nhịp tim.
– Sốt cao, khối u ác tính, bệnh lao đang tiến triển.
– Mất cảm giác ở vùng điều trị.
– Viêm da khu trú, huyết khối.
– Phụ nữ đang mang thai, trẻ sơ sinh, vùng cơ thể có kim loại.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
a. Bác sĩ phục hồi chức năng.
b. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
2. Phương tiện
Bao gồm máy vi dòng và điện cực.
– Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy.
– Chọn các thông số kỹ thuật phù hợp.
– Chọn điện cực có kích thước phù hợp.
3. Người bệnh
– Giải thích cho người bệnh trước khi điều trị, đặc biệt trong những lần điều trị đầu hay người bệnh là trẻ em, phụ nữ, người già…
– Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi.
– Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị.
4. Hồ sơ bệnh án
– Hồ sơ bệnh án theo quy định.
– Phiếu điều trị của chuyên khoa.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
– Đặt và cố định điện cực vào vị trí bộ phận cơ thể cần điều trị (cách làm giống như phương pháp điều trị điện xung nói chung).
– Đặt các thông số theo chỉ định.
– Đặt thời gian điều trị (trung bình từ 20-30 phút).
– Tăng cường độ dòng điện từ từ cho tới mức cần thiết (thông thường người bệnh không có cảm giác về dòng điện).
– Kết thúc điều trị:
+ Giảm cường độ dòng điện về “0” rồi tắt máy. Những máy có chế độ hẹn giờ tự động thì khi hết giờ máy sẽ tự động giảm dòng về “0”.
+ Tháo điện cực ra khỏi vùng điều trị.
Lưu ý: Thông thường cực dương gây co mạch làm giảm đau mạnh hơn; cực âm gây giãn mạch làm mềm mô sợi và tăng cường tuần hoàn.
VI. THEO DÕI
– Người bệnh:
+ Phản ứng toàn thân.
+ Phản ứng tại chỗ đặt điện cực.
– Hoạt động của máy.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
1. Tai biến
Có thể xảy ra tai biến điện giật mức độ nhẹ.
2. Xử trí
Xử trí giống như các cấp cứu điện giật khác.