LIỆU PHÁP TÁI THÍCH ỨNG XÃ HỘI (số 151)
-
ĐẠI CƯƠNG
Liệu pháp tái thích ứng xã hội (Social Adaptation Therapy) là phương pháp điều trị tâm lý được tập trung vào việc cải thiện khả năng tương tác xã hội của người bệnh rối loạn tâm thần hoặc suy giảm chức năng. Liệu pháp tái thích ứng xã hội phục hồi chức năng tâm thần có thể giúp người bệnh phục hồi khả năng tương tác xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm các triệu chứng rối loạn tâm thần.
Liệu pháp tái thích ứng xã hội là liệu pháp tâm lý dùng kỹ thuật tâm lý để giải thích và thuyết phục người bệnh, giúp họ tự điều chỉnh lại hành vi/ việc làm của mình để chủ động khắc phục những khiếm khuyết về bệnh tật, đảm bảo người bệnh không tách rời các phương thức sinh hoạt xã hội trước đây, nhằm thích ứng và tái hoà nhập với cuộc sống.
Giúp người bệnh tăng khả năng giao tiếp và quan hệ xã hội, cải thiện các kỹ năng xã hội và cách quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề đối phó với các tình huống thực tế.
-
CHỈ ĐỊNH
– Trầm cảm nhẹ và vừa
– Rối loạn lo âu
– Ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh sợ khoảng trống, ám ảnh cưỡng bức, ám ảnh sợ đặc hiệu
– Đau mạn tính có nguồn gốc thực thể hoặc tâm lý
– Rối loạn stress sau sang chấn
– Chậm phát triển ở mức nhẹ và vừa
– Người bệnh tâm thần đang trong giai đoạn phục hồi.
– Các bệnh lý cơ thể có liên quan đến tâm lý hành vi: cao huyết áp, AIDS, ung thư, lão khoa, các bệnh lý tổn thương não sau giai đoạn cấp như tai biến mạch não, viêm não…
– Các rối loạn tâm lý ở trẻ em: nói lắp, lo âu, ám ảnh sợ, ám ảnh, tự kỷ.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát
– Rối loạn tâm thần giai đoạn cấp,
– Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn cấp tính,
– Sa sút trí tuệ hoặc chậm phát triển tâm thần nặng
– Các bệnh thực tổn nặng
– Nhân cách Paranoia
-
THẬN TRỌNG
Người bệnh có các triệu chứng loạn thần còn dao động.
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện: 03 người
a) Nhân lực trực tiếp
– Bác sĩ chuyên khoa tâm thần/ Bác sĩ phục hồi chức năng/ Kỹ thuật viên phục hồi chức năng/ Cán bộ tâm lý.
b) Nhân lực hỗ trợ
– Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần/ phục hồi chức năng tâm thần có bằng cấp hoặc chứng chỉ được công nhận.
5.2. Thuốc
Không có
5.3. Vật tư
Dụng cụ tuỳ thuộc vào từng chủ đề, từng kỹ thuật tương ứng như: đồ dùng cá nhân; đồ dùng sinh hoạt hàng ngày; đồ dùng nấu ăn …
Ngoài ra cần phối hợp với các liệu pháp khác: phương tiện, công cụ lao động, phòng tập thể dục thể thao, các hoạt động nhóm …
Một số vật tư chính:
– Sách, báo, tạp chí, tờ rơi …
– Sách hướng dẫn thực hiện
– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).
– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….
5.4. Trang thiết bị
Dụng cụ tuỳ thuộc vào từng kỹ thuật cụ thể để tiến hành trên người bệnh với các dụng cụ tương ứng (đồ dùng cá nhân, bếp nấu, phương tiện, công cụ lao động, đồ dùng để tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động lao động phối hợp nhóm …)
– Loa
– Ti vi
– Vi tính
– Micro
5.5. Người bệnh
– Không có biểu hiện rối loạn hành vi tác phong
– Hiểu được yêu cầu của hoạt động
– Nên lựa chọn phù hợp với từng bệnh nhân (sức khỏe, sở thích…)
– Số lượng người tham gia tối đa 10 người.
5.6. Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định
– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch Phục hồi chức năng.
– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật
01 giờ.
5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật
– Phòng trị liệu
– Sân tập
– Vườn hoa
5.9. Kiểm tra hồ sơ phiếu chỉ định
– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.
– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1: Người bệnh được giới thiệu mục đích hoạt động và đánh giá tâm trạng nhanh trước khi thực hiện.
Bước 2: Thảo luận nội quy và chủ đề của hoạt động theo từng buổi trị liệu. Người bệnh thảo luận nội quy hoạt động, quy tắc, quy định của việc tuân thủ hoạt động trị liệu.
Bước 3: Đánh giá mục tiêu của người bệnh và gia đình. Từ đó xây dựng kế hoạch trị liệu phù hợp với tính chất bệnh lý.
Bước 4: Hướng dẫn người bệnh các bước cụ thể trong quá trình thao tác, thực hành trị liệu.
Bước 5: Người bệnh nhắc lại các bước, nhận xét, đánh giá tâm trạng nhanh sau buổi trị liệu và giao bài tập về nhà.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
7.1. Theo dõi
– Theo dõi diễn biến tâm lý người bệnh trong quá trình trị liệu.
– Bài tập về nhà của người bệnh, thành phẩm sau những buổi trị liệu và thực hành tại nhà/ tại phòng.
7.2. Tai biến và xử trí
– Chấn thương: tuỳ từng chấn thương để có hướng xử trí khác nhau
– Mệt mỏi quá sức: nghỉ ngơi, bù nước điện giải, đánh giá toàn trạng người bệnh …
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bệnh viện tâm thần Khánh Hòa (2010). Phục hồi chức năng trong tâm thần, Tài liệu lưu hành nội bộ.
- Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (2009). Phục hồi chức năng Tâm thần – Xã hội cho người bệnh tâm thần.
- Trung tâm đào tạo Sức khỏe tâm thần Quốc tế Đài Loan tại Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (2019), Tài liệu tập huấn “Công tác điều dưỡng và hoạt động trị liệu”.
- Trần Viết Nghị, Nguyễn Kim Việt (2001), Tài liệu hướng dẫn điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh tâm thần. Tài liệu lưu hành nội bộ ngành tâm thần, “Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần hợp tác với tổ chức y tế thế giới.