LƯỢNG GIÁ VẬN ĐỘNG MIỆNG Ở NGƯỜI LỚN (số 148)
-
ĐẠI CƯƠNG
– Lượng giá vận động miệng nhằm để đánh giá tình trạng cấu trúc và chức năng vận động bình thường hoặc bất thường của các bộ phận ở vùng miệng (ví dụ: môi, lưỡi, hàm, má, khẩu cái cứng và khẩu cái mềm) ở người lớn.
– Sự bất thường về cấu trúc cũng như vận động vùng miệng có thể dẫn đến sự rối loạn liên quan đến lời nói và/hoặc nuốt. Vì vậy, việc đánh giá tình trạng cấu trúc và vận động miệng giúp hỗ trợ chẩn đoán và phát triển một kế hoạch can thiệp thích hợp.
– Lượng giá vận động miệng bao gồm:
+ Quan sát tình trạng các bộ phận ở vùng miệng khi không hoạt động.
+ Lượng giá chức năng vận động vùng miệng, được chi phối bởi các dây TK sọ: thần kinh sinh ba (V), thần kinh mặt (VII), thần kinh thiệt hầu (IX), thần kinh phế vị (X), thần kinh hạ thiệt (XII).
-
CHỈ ĐỊNH
– Lượng giá vận động miệng là một lượng giá cơ bản ban đầu cần được thực hiện khi người bệnh có vấn đề về rối loạn lời nói (ví dụ: rối loạn âm lời nói, rối loạn vận ngôn) và/hoặc rối loạn nuốt.
– Lượng giá vận động miệng còn là một lượng giá giúp hỗ trợ chẩn đoán phân biệt trong những trường hợp các rối loạn khác nhau có thể cùng hiện diện (ví dụ: rối loạn ngôn ngữ và rối loạn vận ngôn và/hoặc rối loạn lời nói chủ ý).
– Vì vậy lượng giá vận động miệng có thể được tiến hành trong những trường hợp sau đột quỵ, chấn thương sọ não, u não, viêm não, bệnh Parkinson’s, xơ cứng cột bên teo cơ, xơ cứng rải rác từng đám (đa xơ cứng); chấn thương vùng miệng, hầu; ung thư đầu cổ; hở môi hở vòm, bại não, rối loạn âm lời nói.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Không có chống chỉ định tuyệt đối
– Việc phục hồi chức năng sẽ không đạt kết quả tốt nếu người bệnh không đủ tỉnh táo hoặc không hợp tác tham gia vào buổi trị liệu
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp:
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ:
– Không (TT3), Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng (TT2)
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Cây đè lưỡi
– Găng tay
– Khăn giấy
– Bảng viết
– Bút (viết), giấy.
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
5.4. Trang thiết bị
– Phòng yên tĩnh, ánh sáng đầy đủ thích hợp
– Đèn pin
– Bàn, ghế.
5.5. Người bệnh
– Người bệnh hiểu mục tiêu và các bước lượng giá.
– Người nhà/người chăm sóc cũng cần hiểu mục tiêu và các bước lượng giá (nếu có tham dự).
5.6. Hồ sơ bệnh án
– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
– Ghi chép hồ sơ bệnh án, phiếu lượng giá.
– Bảng cam kết hoặc đồng thuận (nếu cần, ví dụ trong trường hợp nghiên cứu khoa học).
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,25 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện
– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.
5.9. Kiểm tra hồ sơ
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
6.1. Đầu buổi lượng giá
– Người lượng giá cần giải thích mục tiêu và các bước tiến hành lượng giá cho người bệnh và/hoặc người nhà/người chăm sóc.
6.2. Tiến hành lượng giá
– Lượng giá vận động miệng thường được bắt đầu bởi quan sát lúc không cử động và sau đó quan sát người bệnh thực hiện một số cử động chức năng.
– Trong khi lượng giá, ghi chép kết quả lượng giá vào phiếu lượng giá đã chuẩn bị sẵn.
– Lượng giá vận động miệng có thể bao gồm các bước sau.
a) Quan sát tổng thể
– Tư thế của người bệnh khi lượng giá (ví dụ: nằm, ngồi không cần hỗ trợ, ngồi cần hỗ trợ, tư thế đầu cổ, …)
– Mẫu thở của người bệnh (ví dụ: thở bằng mũi hay miệng, nhẹ nhàng hay gắng sức,..)
b) Quan sát hình thể mặt của người bệnh
– Sự đối xứng của mặt
– Cử động bất thường các cơ ở mặt
– Miệng (mở hay khép)
c) Môi (dây VII)
– Quan sát sự đối xứng của môi khi không cử động
– Vận động: yêu cầu người bệnh thực hiện và quan sát
+ Chu môi, cười mỉm, luân phiên chu môi – cười mỉm
+ Răng trên chạm môi dưới
+ Phồng má, mím môi, chập môi luân phiên
+ Phát âm /u/, phát âm /i/, phát âm /u,i/
+ Phát âm /f/ hoặc /v/
+ Phát âm /ma/
d) Hàm (dây V)
– Quan sát: sự đối xứng, loại khớp cắn, kích cỡ hàm
– Vận động: yêu cầu người bệnh thực hiện và quan sát
+ Cắn răng
+ Mở miệng rộng (không và có đối kháng)
+ Khép hàm lại (không và có đối kháng)
+ Đưa hàm dưới qua trái, phải
– Cảm giác: ở trán, hàm trên, hàm dưới, lưỡi
e) Răng
– Tình trạng chung, ví dụ: đều/không đều, di lệch, thiếu/mất răng, răng giả.
– Tình trạng vệ sinh, ví dụ: sạch, không sạch (có mảng bám).
f) Lưỡi (dây XII)
– Quan sát: sự đối xứng; khối cơ lưỡi; rung giật bó cơ; tình trạng vệ sinh
– Vận động: yêu cầu người bệnh thực hiện và quan sát
+ Đưa lưỡi ra trước (không và có đề kháng)
+ Đưa lưỡi qua trái, phải (không và có đề kháng)
+ Đưa lưỡi lên trên, xuống dưới
+ Phát âm /la/, phát âm /ka/, phát âm /ka, la/
g) Khẩu cái cứng
– Quan sát: hình dạng vòm (độ cao, độ rộng), lỗ dò, sự hở vòm
h) Khẩu cái mềm (dây X, dây IX)
– Quan sát sự đối xứng của khầu cái mềm khi không cử động
– Vận động: yêu cầu người bệnh thực hiện và quan sát
+ Phát âm /a/: quan sát sự di động của khẩu cái mềm, sự co thắt của thành sau hầu, sự lệch lưỡi gà
+ Phản xạ họng: cần thực hiện nhẹ nhàng, nếu người bệnh tăng nhạy cảm hoặc cảm thấy khó chịu thì có thể không thử phản xạ này.
i) Thanh quản (dây X)
– Vận động:
+ Ho (theo yêu cầu)
+ Phát âm /a/ kéo dài
k) Sự phối hợp và tốc độ lặp lại các âm tạo bởi các phần khác nhau của miệng, lưỡi, khẩu cái mềm.
– Phát các âm: /p/, /t/, /k/
– Phát âm /p,t,k/.
6.3. Kết thúc lượng giá
– Giải thích ngắn gọn kết quả lượng giá cho người bệnh và/hoặc người nhà/người chăm sóc (nếu có).
– Lên lịch cho buổi làm việc tiếp theo (nếu cần thiết).
– Sau buổi lượng giá, người lượng giá vận dụng kiến thức và kỹ năng của mình để phân tích, đánh giá kết quả lượng giá. Kết quả lượng giá sẽ hỗ trợ chẩn đoán, đưa ra quyết định lâm sàng, thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch điều trị phục hồi.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
7.1. Theo dõi
– Người lượng giá cần quan sát và ghi nhận tình trạng sức khỏe của người bệnh trong khi lượng giá. Nếu người bệnh biểu lộ mệt mỏi, mất tập trung, thiếu hợp tác thì nên tạm dừng và tìm hiểu nguyên nhân để có xử trí thích hợp.
– Trong trường hợp người bệnh không thể tiếp tục buổi lượng giá thì cần tôn trọng người bệnh và dừng lại. Hẹn người bệnh và gia đình tiếp tục lượng giá trong một buổi khác.
7.2. Tai biến và xử trí
– Nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường, báo bác sĩ trực để xử trí kịp thời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y Tế. (2014). Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành Phục hồi chức năng. Quyết định 3109/QĐ-BYT.
- Bộ Y Tế. (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng. Quyết định 54/QĐ-BYT.
- Bộ Y Tế. (2017). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng. Quyết định 5737/QĐ-BYT.
- Bộ Y Tế. (2019). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng. Quyết định 2520/QĐ-BYT.
- Groher, M. E. (2015). Clinical evaluation of adults. In Groher M. E., & Crary, M. A. (Ed.), Dysphagia: Clinical Management in Adults and Children. (2 ed., pp. 131-160). Elsevier Health Sciences.