ĐIỀU TRỊ BẰNG TRƯỜNG TĨNH ĐIỆN (số 146)
-
ĐẠI CƯƠNG
Kỹ thuật điều trị bằng trường tĩnh điện (DEEP OSCILLATION) là một nguyên lý trị liệu mới, được cấp bằng sáng chế dựa trên tác động của lực hút và ma sát tĩnh điện dao động tạo ra các hiệu ứng bơm và dao động sâu 8-12cm. Kỹ thuật này mở ra những khả năng ứng dụng độc đáo, và được sử dụng rất thành công trong các lĩnh vực y tế và điều trị khác nhau.
1.1. Nguyên lý của trường tĩnh điện và lực tĩnh điện
– Trường tĩnh điện xảy ra khi hai vật ở gần nhau có điện tích khác nhau. Trường tĩnh điện cũng hình thành xung quanh bất kỳ vật thể nào nhiễm điện so với môi trường của nó. Một vật nhiễm điện âm nếu vật có sự dư thừa electron so với môi trường xung quanh. Một vật nhiễm điện dương nếu xung quanh vật thiếu electron.
– Tất cả các hiệu ứng của lực tĩnh điện tuân theo định luật Coulomb, trong đó: Các vật có điện tích trái cực sẽ hút nhau; Ngược lại, các vật có điện tích cùng cực sẽ đẩy nhau. Đường sức của thông lượng tĩnh điện xung quanh một cặp vật nhiễm điện trái dấu tương tự như đường sức từ giữa và xung quanh một cặp cực từ trái dấu.
– Trường tĩnh điện và từ trường là hai khái niệm khác nhau. Trường tĩnh điện bị chặn bởi các vật kim loại, trong khi từ trường có thể đi qua hầu hết (nhưng không phải tất cả) kim loại. Trường tĩnh điện phát sinh do sự chênh lệch điện thế hoặc chênh lệch điện áp, và có thể tồn tại khi các hạt mang điện, chẳng hạn như electron, đứng yên (do đó là ‘tĩnh’ trong ‘tĩnh điện’). Từ trường phát sinh từ sự chuyển động của các hạt tải điện, tức là từ dòng điện.
– Khi các hạt tải điện được tăng tốc (trái ngược với chuyển động với vận tốc không đổi), một từ trường dao động được tạo ra. Điều này làm phát sinh một điện trường dao động, từ đó tạo ra một từ trường biến thiên khác. Kết quả là tạo ra hiệu ứng ‘đi tắt đón đầu’, trong đó cả hai trường đều có thể lan truyền trong một không gian rộng lớn. Trường hợp lực như vậy được gọi là trường điện từ, và là hiện tượng giúp cho các hệ thống truyền thông, phát sóng và điều khiển không dây trở nên khả thi.
1.2. Cách thức hoạt động
– Máy sử dụng lực hút tĩnh điện và ma sát, tạo ra các hiệu ứng rung động cơ học và hiệu ứng bơm giúp hút lên nhẹ nhàng, không tác động nén đến các mô sâu. Hiệu ứng lan truyền sâu đến 8cm qua nhiều lớp mô (da, mô liên kết, mỡ dưới da, cơ mạch máu, mạch bạch huyết).
– Khi hoạt động, các lực hút tĩnh điện dao động hút mô về đầu điện cực theo một tần số thấp từ 5-250Hz đã được cài đặt trước, làm mở rộng không gian trong mô kẽ giúp thúc đẩy lưu thông bạch huyết.
– Đồng thời, máy tác động lên mô cơ thể bằng các hiệu ứng sinh học và ảnh hưởng đối với môi trường nội sinh của cơ thể.
– Máy chủ yếu điều trị cục bộ vùng cơ thể.
1.3. Tác dụng chính
– Giãn cơ, giảm đau, tăng cường tuần hoàn sau phẫu thuật.
– Giảm tình trạng co cứng thúc đẩy vận động sớm.
– Giảm viêm, giảm phù nề, ngăn ngừa tắc nghẽn.
– Giúp kích thích làm lành vết thương sớm.
– Cải thiện chất lượng mô sẹo.
-
CHỈ ĐỊNH
– Tăng tuần hoàn và dinh dưỡng tại chỗ vùng điều trị, tăng thải độc.
– Giảm viêm, giảm sưng nề, máu tụ sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
– Làm mềm mô sẹo, giảm tình trạng tạo sẹo xấu và mô xơ.
– Giảm đau cục bộ cả cấp tính và mạn tính.
– Kích thích quá trình liền xương, liền mô mềm sau mổ.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người mang máy tạo nhịp tim, các bệnh tim như suy tim mất bù, loạn nhịp tim nặng, bệnh tắc mạch cấp tính.
– Bệnh máu, tình trạng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu.
– Điều trị trực tiếp lên khối u ác tính và lành tính.
– Vùng điều trị có nhiễm trùng cấp tính, nhiễm trùng da.
– Phụ nữ có thai.
– Mẫn cảm với từ trường điện tĩnh.
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Phấn bột
5.4. Trang thiết bị
Máy tạo trường tĩnh điện và phụ kiện kiểm tra các thông số kỹ thuật, kiểm tra dây nối đất và các đầu điện cực…
5.5. Người bệnh
Giải thích cho người bệnh yên tâm, kiểm tra vùng điều trị, nếu có mồ hôi hay nước ẩm phải lau khô.
5.6. Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án, có chẩn đoán rõ ràng, đầy đủ.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,3 – 0,5 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: phòng vận động trị liệu
5.9 Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
– Bước 1: Người bệnh ở tư thế thoải mái, phù hợp cho điều trị. Lau sạch và khô vùng điều trị hoặc bôi phấn bột nếu cần.
– Bước 2: Đặt các thông số theo chỉ định như tần số xung, thời gian điều trị, tỉ lệ xung phát/nghỉ và công suất phát ra. Chọn và đặt đầu phát theo chỉ định. Nếu máy có sẵn các chương trình cài đặt mặc định cho từng loại bệnh, có thể vào chương trình điều trị và từng bước chương trình hiện ra tương ứng, nhấn cáp kết nối điện cực.
– Bước 3: Người thực hiện di chuyển đầu dò theo hình vòng tròn chồng lên nhau quanh vùng cần điều trị để tránh bỏ sót. Trong quá trình di chuyển cần chú ý đến hướng di chuyển và áp lực đặt đầu dò. Gần vùng điều trị (trung tâm điều trị), đầu dò cần đặt với áp lực phù hợp, còn hướng di chuyển ra xa (từ trung tâm điều trị ra ngoài) đầu dò giảm dần áp lực và không có áp lực. Với tần số thấp (5-40Hz) quá trình di chuyển nên chậm, nếu tần số cao hơn có thể di chuyển nhanh hơn. Đầu điện cực luôn tiếp xúc bề mặt da và luôn di chuyển không ngừng.
– Bước 4: Kiểm tra rung động tại bề mặt đầu phát theo cảm giác của người bệnh và đèn báo hiệu và âm thanh phát ra trên máy khi điều trị. Tiến hành di chuyển đầu dò theo hướng dẫn từ 15-2020 phút.
– Bước 5: Hết thời gian điều trị thì tắt máy, ghi chép vào phiếu điều trị.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Cảm giác và phản ứng của người bệnh.
– Hoạt động máy, tiếp xúc của đầu phát, điều chỉnh, kiểm tra.
– Điện giật: Tắt máy xử trí cấp cứu điện giật.
– Choáng váng, mệt mỏi (thường gặp) do người bệnh quá mẫn cảm với trường tĩnh điện: Ngừng điều trị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Jahr S, Schoppe B, Reisshauer A (2008) Effect of treatment with lowintensity and extremely low-frequency electrostatic fields (Deep Oscillation) on breast tissue and pain in patients with secondary breast lymphoedema. J Rehabil Med 40: 645-650.
- Isabel T, Coulborn A, Munnoch DA (2016) Use of the HIVAMAT® 200 with manual lymphatic drainage in the management of lower-limb lymphoedema and lipoedema. J Lymphoedema 11: 49-53.
- Fistetto G, Iannitti T, Capone S, Torricelli F, Palmieri B (2011) Deep Oscillation: therapeutic-rehabilitative experiences with a new electrostatic device. Minerva Med 102: 277-288.
- Kraft K, Kanter S, Janik H (2013) Safety and effectiveness of vibration massage by deep oscillations: a prospective observational study. Evid Based Complement Alternat Med 2013: 679248.
- Comeaux Z. (2011) Dynamic fascial release and the role of mechanical/vibrational assist devices in manual therapies. J Bodyw Mov Ther 15: 35-41.
- Aliyev R (2009) Clinical effects of the therapy method deep oscillation in treatment of sports injuries. Sportverletz Sportschaden 23: 31-34.
- Obrien CP, Watson A. (2016) Deep oscillation therapy in the treatment of lateral epicondylalgia: A Pilot Randomized Control Trial. J Sports Med Doping Study.