KỸ THUẬT TẬP ĐI TRÊN MÁY CHẠY THẢM LĂN (TREADMILL) CÓ GẮN HỆ THỐNG THEO DÕI (số 117)
-
ĐẠI CƯƠNG
Tập luyện thể chất có ích lợi cả phòng bệnh nguyên phát và thứ phát. Cứ tăng khả năng hoạt động 1 MET (5 ml/mn/kg oxy) đi kèm một bài tập thể chất có lợi thì giảm tỉ lệ tử vong gần 15%. Những tác dụng có lợi của tập luyện gắng sức có theo dõi tim mạch tác dụng giảm viêm toàn thân, chống oxy hóa, ngăn ngừa huyết khối, tác dụng tích cực lên hệ thần kinh, ảnh hưởng đến quá trình tái tạo và chức năng mạch máu, tác động lên quá trình tái tạo cơ bắp. Kỹ thuật tập luyện gắng sức có gắn hệ thống theo dõi tim mạch là một trong những giai đoạn của phục hồi chức năng tim mạch, cần có sự theo dõi và giám sát của nhân viên y tế.
-
CHỈ ĐỊNH
– Bệnh nhân sau hội chứng vành cấp ổn định với điều trị nội khoa (Class IA)
– Cơn đau thắt ngực ổn định (Class IB)
– Bệnh nhân sau phẫu thuật bắc cầu chủ-vành-PTBCCV (Class IA)
– Bệnh nhân sau can thiệp động mạch vành (ĐMV) qua da (Class IA)
– Suy tim mạn ổn định (suy tim tâm thu hoặc tâm trương)
– Bệnh nhân sau ghép tim
– Bệnh nhân sau phẫu thuật van tim
– Bệnh mạch máu ngoại biên (Class IA)
– Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (YTNC) mạch vành cao: đái tháo đường týp 2, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp hoặc béo phì
– Bệnh hô hấp mạn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, bệnh phổi mô kẽ, ung thư phế quản phổi…
– Bệnh phổi hạn chế: Tràn dịch màng phổi, lao phổi giai đoạn ổn định, gù vẹo cột sống …
– Trước và sau phẫu thuật lồng ngực, ghép tim, phổi…
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Hội chứng mạch vành cấp không ổn định
– Suy tim mất bù
– Rối loạn nhịp thất nghiêm trọng, không kiểm soát được
– Có huyết khối trong tim với nguy cơ tắc mạch cao
– Có tràn dịch màng ngoài tim từ trung bình đến lớn
– Tiền sử viêm tắc tĩnh mạch gần đây có hoặc không có thuyên tắc phổi
– Tắc nghẽn đường ra thất trái nghiêm trọng và/hoặc có triệu chứng
– Bất kỳ bệnh viêm nhiễm và/hoặc bệnh truyền nhiễm đang tiến triển nào
– Tăng huyết áp động mạch phổi nặng và có triệu chứng
– Không có khả năng thực hiện các bài tập thể chất
– Tràn khí màng phổi chưa có dẫn lưu khoang màng phổi.
– Ho ra máu đỏ tươi
-
THẬN TRỌNG
Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a)Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: Glycerin nitrate xịt dưới lưỡi (Nitromint, Nati spray)
5.3. Vật tư
– Máy đo SpO2
– Máy đo huyết áp.
– Máy thử đường huyết.
– Điện cực dán theo dõi
– Bình oxy/nguồn oxy.
– Thang điểm Borg CR10.
– Khăn lau mồ hôi, nước uống, trang phục thoáng mát, đi giầy tránh trơn trượt
5.4. Trang thiết bị
– Thảm lăn (treadmill) được điều chỉnh bằng điện. Trên máy có bộ phận điều khiển tốc độ, độ dốc, thời gian dự kiến để chạy, khoảng cách đã chạy được (km).
– Hệ thống phục hồi chức năng tim mạch, hô hấp: Máy có màn hình cho phép theo dõi điện tâm đồ liên tục ít nhất ở 3 chuyển đạo chính. Máy có sẵn chương trình vi tính tự động ghi, tính mức độ chênh của đoạn ST, sự thay đổi các sóng và ghi tự động trên giấy tất cả những biến đổi đó.
– Điện thoại để gọi trợ giúp.
– Một hệ thống hút áp lực âm.
– Tủ thuốc cấp cứu.
– Máy sốc điện ngoài
– Giường bệnh: Ít nhất 1 chiếc.
5.5. Người bệnh
Giải thích cho người bệnh mục đích của nghiệm pháp và người bệnh đồng ý thực hiện nghiệm pháp.
– Không dùng chất kích thích như rượu, bia…
– Người bệnh vẫn có thể sử dụng thuốc điều trị bệnh và chỉ ngừng thuốc khi có yêu cầu của bác sĩ.
– Ký giấy cam kết thực hiện thủ thuật
5.6. Hồ sơ bệnh án
– Phiếu điều trị phục hồi chức năng tim.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 đến 1 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện
– Lựa chọn cung đường đi bộ phù hợp với mức gắng sức của bệnh nhân.
– Cung cấp địa điểm dự kiến đi bộ cho người trực điện thoại cấp cứu.
– Phải đảm bảo an toàn khi đi bộ, tránh nơi giao thông đông đúc, nhiều xe đi lại, địa hình hiểm trở gồ ghề, trơn trượt.
5.9. Kiểm tra hồ sơ
– Hồ sơ, bệnh án đầy đủ, có chẩn đoán, chỉ định rõ ràng.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1: Kiểm tra người bệnh trước tập luyện
– Mạch, huyết áp, SpO2, thử đường huyết trước tập nếu bệnh nhân có bệnh lý tiểu đường, đeo đai theo dõi nhịp tim, gắn điện cực theo dõi điện tim trong quá trình tập (tùy theo chỉ định của bác sĩ với các trường hợp cụ thể).
Bước 2: Khởi động
– Người bệnh phải khởi động bằng các bài tập kéo giãn 3-5 phút
Bước 3: Cài đặt các thông số yêu cầu khi tập luyện
– Cường độ tập luyện dựa trên kết quả đánh giá nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ hoặc kết quả đánh giá V02 max
– Nhịp tim đích khi tập luyện theo công thức Karnoven:
+ Nhịp tim khi tập = (Nhịp tim tối đa – nhịp tim nghỉ) * k + nhịp tim lúc nghỉ.
Đối với người bệnh tim mạch:
k = 0.6 nếu bệnh nhân không dùng thuốc chẹn beta.
k = 0.8 nếu bệnh nhân có dùng thuốc chẹn beta.
Đối với người bệnh hô hấp:
k = 0.4 – 0.8 những ngày đầu k= 0.4, những ngày tiếp theo tăng dần lên từ 0.5 đến 0.8 tùy thuộc khả năng đáp ứng của người bệnh.
Cường độ tập luyện theo VO2 max: 40-80% VO2max
– Lựa chọn phương thức tập luyện và cài đặt các thông số vào máy: Cài đặt vận tốc, độ dốc theo chỉ định.
Bước 4: Thực hiện bài tập
Thực hiện chế độ tập và cường độ theo chỉ định của bác sĩ
– Giai đoạn làm nóng trong 5 phút
– Giai đoạn tập gắng sức trong 25 phút
– Giai đoạn hồi phục: Giảm dần cường độ tập và duy trì cường độ tập này trong 5 phút Trong quá trình tập ghi chép đầy đủ hồ sơ bệnh án theo dõi
– Giảm cường độ tập luyện về giai đoạn hồi phục khi xuất hiện 1 trong các dấu hiệu: ST chênh bất thường, xuất hiện rối loạn nhịp (rung nhĩ, xoắn đỉnh…), nhịp tim quá ngưỡng tập luyện, Borg CR10 từ 7 điểm trở lên, SpO2 dưới 88%.
– Lưu ý: với người bệnh thiếu Oxy mạn tính cần bổ sung Oxy trong quá trình tập.
Bước 5: Kiểm tra lại các thông số mạch, huyết áp, SpO2, đường máu mao mạch
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Theo dõi triệu chứng lâm sàng: đau ngực, khó thở, mệt, tím tái, ngất…
– Trong suốt quá trình tập luôn giám sát nhịp tim của người bệnh để đảm bảo cường độ tập (nhịp tim đích khi tập luyện), đánh giá sức nặng của bài tập bằng triệu chứng chủ quan của người bệnh qua thang điểm Borg
– Theo dõi điện tâm đồ người bệnh để phát hiện các dấu hiệu rối loạn nhịp, dấu hiệu của thiếu máu cơ tim…
– Mệt mỏi, đau cơ, chuột rút: bác sĩ cần tìm nguyên nhân, và điều chỉnh cường độ tập phù hợp.
– Người bệnh mệt, đau ngực, khó thở, xỉu: tìm nguyên nhân như hạ đường huyết, hạ huyết áp và xử trí cấp cứu ban đầu, báo nhóm cấp cứu để xử trí theo phác đồ.
– Rối loạn nhịp nghiêm trọng, dấu hiệu thiếu máu cơ tim, ngừng tuần hoàn: xử trí theo phác đồ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 2021 Esc Guidelines On Cardiovascular Disease Prevention In Clinical. European Heart Journal (2021)
- French Society Of Cardiology Guidelines For Cardiac Rehabilitation In Adults. Recommandations Du Groupe Exercice Réadaptation Sport (Gers) De La Societe Francaise De Cardiologie Concernant La Pratique De La Readaptation Cardiovasculaire Chez L’adulte. 2011;
- American Association Of Cardiovascular And Pulmonary Rehabilitation: Guidelines For Cardiac Rehabilitation And Secondary Prevention Programs. 5th. Champaign, Il: Human Kinetics; 201
- Guidelines For Rehabilitation In Patients With Cardiovascular Disease (Jcs 2014)
- M.Iliou. Réentraînement De L’insuffisance Cardiaque: Que Retenir Des Recommandations ?; Cardiologiques. 2013;