Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT BÓ BỘT MŨ PHI CÔNG KHÔNG NẮN LÀM KHUÔN NẸP HỘP SỌ (số 108)

Chuyên ngành: Chấn thương, chỉnh hình
  1. ĐẠI CƯƠNG

Bó bột mũ phi công không nắn làm khuôn nẹp hộp sọ là 1 loại bột ôm toàn bộ phần đầu (trừ khuôn mặt), cổ và lồng ngực.

  1. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh có chỉ định làm nẹp hộp sọ: Chống va đập do ngã đối với bệnh nhân động kinh, bảo vệ hộp sọ cho bệnh nhân sau can thiệp phẫu thuật sọ não, nắn chỉnh tư thế cho bệnh nhân biến dạng cột sống cổ (vẹo cổ), méo hộp sọ sớm…

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Người bệnh có vết thương hở, bệnh ngoài da cấp tính tại vùng đầu.

  1. THẬN TRỌNG

– Không có

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng

– 02 Kỹ thuật viên chỉnh hình

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư:

– Băng tất lót (Stockinette medical) cỡ phù hợp với tuổi của trẻ.

– Bột thạch cao phù hợp với tuổi của trẻ.

– Ống cao su.

– Bút chì nước.

– Dao rạch bột.

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Khăn lau tay

5.4. Trang thiết bị

– Súng bắn ghim.

– Xô nước ngâm bột.

– Cần 1 bàn bó bột đặc dụng. Bàn này ngoài phần để người bệnh nằm, còn có 1 bộ phận để kê đầu (vùng gáy), bộ phận kê đầu là một bản kim loại hình cánh cung, bên dưới được liên kết với bàn để người bệnh nằm. Khoảng cách giữa bàn nằm và bộ phận kê đầu được để trống, nơi sẽ tiến hành việc bó bột được dễ dàng.

5.5. Người bệnh

Giải thích cho người bệnh (đối với trẻ lớn) hoặc người nhà người bệnh (đối với trẻ nhỏ) hiểu và phối hợp trong quá trình bó bột.

5.6. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 30 phút

5.8. Địa điểm thực hiện: Đơn vị xưởng chỉnh hình phục hồi chức năng

5.9. Kiểm tra hồ sơ

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh : đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

– Trùm băng tất lót qua đầu bệnh nhân (để hở mặt) bao phủ toàn bộ gáy, cổ (nếu trẻ gái thì băng tất lót phải đủ dài để che hết tóc của trẻ).

– Đặt bệnh nhân nằm ngửa, từ vai trở xuống nằm ngửa trên bàn, đầu kê trên khung đỡ.

– Người thực hiện 1

+ Đứng phía trên đầu người bệnh.

+ Đánh dấu các điểm mốc xương trán, gò má, cằm, góc hàm, chẩm, tai, thóp và ghi lại số đo kích thước vòng đầu.

+ Đặt ống cao su qua đường giữa của đầu.

+ Sử dụng kỹ thuật băng lật để bó bột lấy khuôn mẫu trên bệnh nhân .

+ Đánh dấu đường rạch bột.

+ Chờ bột khô đủ để định hình khuôn, rạch bột và lấy khuôn ra.

+ Dùng súng bắn ghim, ghim khuôn lại theo đường rạch bột.

– Người thực hiện 2

+ Đứng cạnh bàn bó bột.

+ Giữ trẻ đúng tư thế và hỗ trợ giữ ống cao su trong khi người thực hiện KTV chính bó bột.

+ Hướng dẫn người nhà người bệnh lau sạch bột trên cơ thể của trẻ sau khi bó.

+ Kết thúc kỹ thuật : Thu dọn dụng cụ, vệ sinh tay đúng kỹ thuật, ghi hồ sơ bệnh án.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Trẻ khóc tím tái, nôn trớ nhiều thì tạm dừng bó bột.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ y tế (2014). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Ngoại khoa – chuyên khoa Nắn chỉnh hình, bó bột.
  2. Alexander Michael A, Matthews Dennis J, and Murphy Kevin P (2015), Pediatric rehabilitation: principles and practice, Demos Medical Publishing.