KỸ THUẬT CAN THIỆP PHCN BẰNG CHÂN GIẢ DƯỚI GỐI (số 101)
- ĐẠI CƯƠNG
Chân giả dưới gối (Trans-Tibial Prosthesis) là một loại dụng cụ phục hồi chức năng dùng thay thế phần chi bị mất sau thủ thuật cắt cụt ngang xương chày hoặc bị thiếu.
Chân giả dưới gối giúp người bệnh với mỏm cụt cắt ngang xương chày lấy lại chức năng đi lại và thẩm mỹ do phần chi thể thiếu hụt.
2. CHỈ ĐỊNH
Chân giả dưới gối được chỉ định cho những trường hợp sau:
– Chấn thương, bệnh lý
– Dị dạng bẩm sinh
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Sưng, phù, mỏm cụt chưa ổn định về kích thước chu
– Dị ứng với nguyên vật liệu.
– Người bệnh không hợp tác dẫn đến nguy hiểm khi sử dụng.
4. THẬN TRỌNG
Không có
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
- a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng
– 02 Kỹ thuật viên chỉnh hình
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Bàn chân, nhựa tấm, carbon, thạch cao, pelite, băng bao, và nhiều phụ gia khác đi kèm.
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
5.4. Trang thiết bị
– Máy móc và dụng cụ chuyên dụng như:
Máy mài
Máy khoan
Hệ thống máy hút chân không, hệ thống máy hút bụi
Lò nung nhựa
Dụng cụ cầm tay chuyên dụng:
Máy khoan cầm tay, máy lọng, máy khò
Dụng cụ cẩm tay khác như máy thổi hơi nóng cầm tay, dũa, kìm…
5.5. Người bệnh
– Hướng dẫn và tư vấn chân giả phù hợp cho từng người bệnh như: điều kiện sống, môi trường, công việc hàng ngày, đi lại trong ngày vv…
5.6. Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 38-40 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: Đơn vị xưởng chỉnh hình phục hồi chức năng
5.9. Kiểm tra hồ sơ
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
6.TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
6.1. LÀM CHÂN GIẢ DƯỚI GỐI
Bước 1: Thăm khám, lượng giá người bệnh.
– Kiểm tra mỏm cụt, màu da, cảm giác.
– Lượng giá các yếu tố như: bậc cơ, tầm vận động khớp gối, khám thần kinh, môi trường sống và làm việc.
– Xác định mục đích đi lại của người bệnh.
– Chỉ định chân giả phù hợp và mục đích sử dụng.
Bước 2: Bó bột tạo khuôn
– Tư thế mỏm cụt, đánh dấu các điểm, đo kích thước mỏm cụt. Đo, ghi kích thước số đo chu vi, chiều cao của chân lành.
– Đo, ghi lại kích thước chiều cao đế giầy, dép của bệnh nhân thường dùng.
– Bó bột trên người bệnh.
– Tháo bột
– Đánh dấu lại các điểm mốc, các điểm tỳ chịu lực và tránh chịu lực,
– Tạo hình socket (ổ mỏm cụt) bằng thạch cao
– Thử lại trên người bệnh
Bước 3: Tạo cốt bột dương
– Hàn kín cốt và gia cố bằng băng bột trước khi đổ bột. Cách ly cốt bột bằng nước xà phòng.
– Điều chỉnh cốt bột, kiểm tra đường dóng cốt bột
– Pha bột và đổ bột theo tỉ lệ nước
Bước 4: Sửa chỉnh cốt dương
– Gỡ bỏ băng bột khỏi cốt dương, đánh dấu lại các điểm mốc
– Sửa chỉnh cốt dương: Dóng dựng và lấy đường dóng cho cốt bột dương, chỉnh sửa cốt theo người bệnh (phụ thuộc vào từng người bệnh trên từng trường hợp cụ thể).
Bước 5: Hút nhựa
– Kiểm tra nhiệt độ tủ, cắt nhựa, cho nhựa vào lò.
– Trong quá trình đợi nhựa, tăng cường và gia cố nếu có, đi tất
– Hút nhựa, gia cố phần thành sau ổ mỏm cụt.
Bước 6: Cắt nhựa khỏi cốt bột
– Vẽ và xác định đường cắt
– Cắt nhựa khỏi cốt dương bằng cưa rung.
Bước 7: Chuẩn bị socket thử cho người bệnh lần thứ nhất
– Kiểm tra lại đường dóng dựng trên mặt phẳng trước và sau.
– Lắp các bán thành phẩm vào socket.
– Điểm chịu lực và tránh chịu lực.
– Cho người bệnh đứng tầm 20 phút, sau đó kiểm tra toàn bộ ổ mỏm cụt, và đánh giá dáng đi
Bước 8: Hoàn thiện chân giả
– Vặn chặt lại tất cả các ống vít.
– Bọc thẩm mỹ.
– Hướng dẫn cách sử dụng cho người bệnh.
Bước 9: Thử lần cuối và giao nhận
– Kiểm tra thẩm mỹ khi ngồi vành trên của socket có nhô lên cao khi ngồi so với bên chân lành không
6.2. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CHÂN GIẢ DƯỚI GỐI
Đứng giữa thanh song song với hai bàn chân cách nhau 12 cm
– Giữ tư thế đúng, chuyển sức nặng từ chân nọ sang chân kia.
– Không gập gối phía lành.
– Người bệnh chuyển sức nặng bằng cử động của khớp hông chứ không phải của thân mình.
– Hai vai và xương chậu phải được giữ ở vị thế ngang.
Đứng trước gương tập và giữa thanh song song
– Đặt hai bàn tay trên thanh song song ở hai bên thân mình.
– Bước chân giả một bước ngắn về phía trước chân lành.
– Giữ nguyên chân giả ở điểm này, bước chân lành về phía trước và ra sau.
– Chịu hết sức nặng trên bàn chân lành ở giai đoạn đầu và cuối của bước.
– Khớp gối chân giả sẽ gập khi chân lành đặt về phía trước.
– Bàn chân lành nên bước qua sát bàn chân giả nhằm chuyển sức nặng thân mình trực tiếp trên chân giả.
Chịu sức nặng trên chân lành đặt trước chân giả một bước
– Cho khớp gối chân giả gập.
– Chuyển sức nặng từ gót tới ngón của bàn chân lành.
– Cho chân giả bước tới một bước.
– Đặt hết sức nặng trên chân giả ở giai đoạn cuối của bước (khớp gối chân lành phải gập khi sức nặng đè trên gót chân giả)
Bước ngang
* Về phía chân lành:
+ Bước một bước ngắn về phía chân lành.
+ Để cho khớp gối chân giả gập.
+ Vẫn duy trì tiếp xúc với mặt nền, kéo bàn chân giả tới bên chân lành.
* Về phía chân giả:
+ Chịu hết sức nặng bên lành.
+ Di động chân giả, hơi gập nhẹ gối
+ Chịu ngay sức nặng trên chân giả, khi bàn chân đặt xuống.
Ngồi xuống ghế
– Đối mặt với ghế, với chân lành gần chân trước của ghế phía trên chân giả.
– Xoay bàn chân lành về phía chân giả, kéo chân giả bằng mức với chân lành.
– Gập thân mình về phía trước và đặt mình xuống ghế (đối với người già bị cắt cụt dưới gối, có thể chống một tay trên mặt ghế trong khi đặt bàn tay kia trên khớp gối lành).
Đứng dậy khỏi ghế
– Đặt gót chân lành gần phía dưới ghế trong khi bàn chân giả ở phía trước.
– Gập mình về phía trước và đứng dậy trên chân lành.
– Chuyển sức nặng sang chân giả và bước tới với chân lành (với người già bị cắt cụt dưới gối có thể chống thêm hai bàn tay trên gối).
Đứng dậy từ sàn nhà
– Đặt bàn tay phía chân lành trên nền sau thân mình.
– Đặt bàn chân lành sát mặt nền.
– Đặt bàn tay kia bên cạnh bàn tay phía chân lành.
– Xoay thân mình về phía chân lành và xoay trụ quanh bàn chân lành.
– Nhún dậy với hai tay và duỗi chân lành.
Ngồi xuống sàn nhà
– Đặt chân giả hơi về phía sau.
– Cúi xuống chống tay và chịu sức nặng trên hai bàn tay.
– Hạ thân mình xuống, xoay về phía chân lành và ngồi xuống mông phía ấy.
Bước lên cầu thang
– Chuyển sức nặng thân người trên chân giả và bước lên với chân lành.
– Duỗi mỏm cụt ra rồi gập hông lại thật mau để gập gối lại và đặt bàn chân giả bên cạnh chân lành.
– Người cắt cụt dưới gối sẽ tiến tới bước mỗi chân một bậc.
Bước xuống cầu thang
– Đặt gót chân giả trên cạnh bậc cầu thang:
– Chuyển sức nặng thân người đến chân giả và giữ vững khớp gối bằng cách ấn mỏm cụt vào vách sau vỏ nhựa.
– Gập khớp gối giả bằng cách gập mỏm cụt lại và chuyển sức nặng thân người trên chân lành ở bục kế dưới
– Đi xuống một cách nhịp nhàng.
Vượt chướng ngại
* Bước qua chướng ngại vật bằng cách đi tới:
– Mặt đối diện với vật chướng ngại, đặt ngón chân lành cách xa vật khoảng 7-8cm.
– Chuyển sức nặng thân người trên chân lành.
– Duỗi mỏm cụt ra rồi gập mạnh hông lại để đem chân giả qua chướng ngại vật.
– Khi gót chân giả chạm đất, duỗi mạnh mỏm cụt vào vách sau để giữ vững khớp gối và chuyển sức nặng thân người lên chân giả.
– Bước chân lành qua chướng ngại vật.
* Bước qua chướng ngại vật bằng cách đi ngang (bước qua chướng ngại vật cao hơn 10-12cm):
– Người bệnh đứng một bên với chân giả cạnh bên chướng ngại vật và bàn chân giả cách chướng ngại vật 12 – 13cm.
– Gập mạnh hông chân cụt để duỗi gối và bước qua chướng ngại vật.
– Lúc gót chân giả chạm đất, ấn mạnh mỏm cụt vào vách sau vỏ nhựa để giữ vững gối
– Bước qua chướng ngại vật với chân lành và xoay người về phía chân giả.
7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
* Theo dõi người bệnh trong quá trình làm nẹp.
* Tái khám
Định kì 3 – 6 tháng/lần
Đánh giá kết quả sử dụng của chân giả với tiêu chí và yêu cầu đặt ra ban đầu cho người bệnh.
Đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh với chân giả được cung cấp.
Kiểm tra độ vừa vặn của chân giả.
Kiểm tra tình trạng tiếp xúc giữa mỏm cụt và ổ mỏm cụt, nếu ổ mỏm cụt, dây đai, khóa, khớp hỏng do quá trình sử dụng: thay ổ mỏm cụt, dây đai, khóa, khớp, sửa chỉnh cho vừa vặn, phù hợp.
*Chỉ định làm mới trong các trường hợp sau:
+ Hết thời gian sử dụng của nguyên vật liệu và bán thành phẩm.
+ Thay đổi thiết kế để phù hợp với tiến trình điều trị, phục hồi chức năng của người bệnh.
+ Thay đổi thiết kế để phù hợp với thay đổi về thể chất của người bệnh.
– Tổn thương da bệnh nhân trong quá trình bó bột và tháo khuôn bột: xử trí tùy theo mức độ tổn thương của người bệnh.
– Đau, trầy da, da đổi màu, chai do tỳ đè quá mức tại các điểm như thành ngồi và thành trong ổ mỏm cụt: Điều chỉnh, thay thế, thay đổi hoặc làm mới nhằm đảm bảo duy trì tốt chức năng hỗ trợ của chân giả.
Một số biến dạng nhẹ, tăng trương lực cơ nhẹ khớp cổ bàn chân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chapter 1 – Atlas of Limb Prosthetics: Surgical, Prosthetic, and Rehabilitation Principles
- Atlas of Amputations and Limb Deficiencies, Fourth Edition
- Sirindhorn School of Prosthetics & Orthotics Faculty of Medicine Siriraj Hospital, Mahidol University – Manual 2010.
- WHO standards for prosthetics and orthotics, 2017 (ISBN 978-92-4- 151248-0).