LIỆU PHÁP KÍCH HOẠT HÀNH VI (số 63)
-
ĐẠI CƯƠNG:
– Liệu pháp kích hoạt hành vi là liệu pháp tâm lý sử dụng các nguyên tắc của điều kiện hóa thao tác của người vận hành thông qua việc thiết lập lịch trình để khuyến khích những người bệnh kết nối lại với sự củng cố tích cực của môi trường.
– Liệu pháp kích hoạt hành vi là một liệu pháp ngắn, đơn giản, có cấu trúc rõ ràng nhằm mục đích giúp người bệnh tăng các trải nghiệm tích cực bằng cách khuyến khích người bệnh đặt ra những mục tiêu trong cuộc sống, tham gia vào các tương tác xã hội và các hoạt động thích thú.
– Liệu pháp kích hoạt hành vi là một trị liệu có cấu trúc ngắn gọn cho người bệnh trầm cảm, trị liệu này nhằm mục đích kích hoạt người bệnh theo những cách đặc hiệu nhờ đó người bệnh sẽ nhận được các trải nghiệm tích cực trong cuộc sống của họ. Tất cả các kỹ thuật trong trị liệu đều nhằm mục tiêu làm gia tăng sự kích hoạt và hướng dẫn người bệnh tham gia nhiều hoạt động trong xã hội. Bên cạnh đó trị liệu cũng quan tâm đến các hành vi trốn và tránh.
-
CHỈ ĐỊNH
– Các rối loạn trầm cảm
– Các rối loạn lo âu
– Các rối loạn ám ảnh
– Rối loạn stress sau sang chấn.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh đang kích động, trầm cảm nặng
– Người bệnh đang có bệnh lý cấp tính nội khoa chưa kiểm soát được.
– Loạn thần cấp, rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn cấp
– Sa sút trí tuệ hoặc chậm phát triển tâm thần nặng.
-
THẬN TRỌNG
Người bệnh có các triệu chứng loạn thần còn dao động.
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện: 03 người
- a) Nhân lực trực tiếp:
– 01 Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc cán bộ tâm lý
- b) Nhân lực hỗ trợ
– 01 Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
5.2. Thuốc
– Không có
5.3. Vật tư
– Tài liệu
– Test tâm lý
– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).
– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….
5.4. Trang thiết bị
– Tivi
– Máy tính
5.5. Người bệnh:
– Tập trung người bệnh giải thích cho người bệnh tin tưởng yên tâm.
– Người bệnh nắm được các bước tiến hành trong quá trình tham gia hoạt động.
– Người bệnh biết cách tự đánh giá mức độ thay đổi cảm xúc hành vi của bản thân.
5.6. Chuẩn bị hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định
– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch phục hồi chức năng.
– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ.
5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật: Phòng trị liệu
5.9. Kiểm tra hồ sơ, phiếu chỉ định
– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.
– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
6.1 Liệu trình cơ bản: 7 buổi
– Buổi 1: Xác định vấn đề và thiết lập mối quan hệ với người bệnh.
+ Giai đoạn chuẩn bị thường được bắt đầu bằng việc tiếp xúc giữa cán bộ tâm lý (CBTL) với người bệnh nhằm:
- Xác định vấn đề của người bệnh bằng các đánh giá tâm lý cần thiết.
- Xác định được các khó khăn về tâm lý của người bệnh.
- Xác định những khía cạnh tâm lý còn được ẩn giấu ở người bệnh.
- Từ đó, xác định được vấn đề chính của người bệnh.
– Buổi 2: Định hình trường hợp
+ Lên kế hoạch điều trị cụ thể (ngắn hạn và dài hạn).
+ Giải thích cho người bệnh về cơ chế gây bệnh.
+ Xác định mục tiêu cần phải đạt được qua từng thời điểm và cho toàn bộ quá trình.
+ Xác định trách nhiệm và nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các bên.
+ Xác định khoảng thời gian thực hiện điều trị. Thông thường là khoảng 3 tháng hoặc kéo dài đến 6 tháng, với tần số 2 – 3 buổi/tuần trong những tuần đầu tiên và sau đó là 1 buổi/tuần.
– Buổi 3: Giới thiệu về liệu pháp để người bệnh hiểu được ý nghĩa của nó với tình trạng sức khỏe của mình. Giúp người bệnh hiểu được liệu pháp kích hoạt hành vi là những công cụ thân thuộc và có khả năng thực hiện được. CBTL giúp người bệnh hiểu được tầm quan trọng của việc chủ động thực hành các hoạt động tại nhà. Từ đó CBTL đưa ra các bài tập dựa trên quyết định của người bệnh, họ tự chọn một hoạt động cụ thể để thực hiện.
– Buổi 4: CBTL giúp người bệnh hiểu được mối liên quan giữa hành vi và cảm xúc của họ. CBTL cùng người bệnh phân loại các hoạt động, từ đó họ sẽ chọn hoạt động phù hợp để thực hiện.
– Buổi 5: Người bệnh được hướng dẫn 2 phương pháp để vượt qua các khó khăn đó là phương pháp giải quyết vấn đề và tạo bước đi phù hợp.
– Buổi 6: Hướng dẫn người bệnh thêm 2 phương pháp để kích hoạt hành vi đó là tiên đoán sự thích thú và cân bằng hoạt động. Với 4 phương pháp của liệu pháp kích hoạt hành vi và chọn hành vi phù hợp, nhà trị liệu hy vọng người bệnh sẽ thực hiện tốt kế hoạch định ra trong phần bài tập, cũng như khi thực hiện các hành vi, qua đó khí sắc của họ sẽ thay đổi.
– Buổi 7: Sau khi thực hiện tốt các kế hoạch hoạt động để thay đổi cảm xúc của mình, người bệnh sẽ tự nhận thức được vai trò của bản thân trong quá trình điều trị. Họ sẽ tự tin vượt qua các khó khăn trong tương lai. Dựa trên các tình huống gây trầm cảm trong quá khứ, người bệnh nhận diện các nguy cơ tái phát trong tương lai và tự đánh giá khả năng vượt qua các khó khăn đó. Với các kỹ năng học được người bệnh lúc này như là chuyên gia trong vấn đề của họ.
6.2. Các bước tiến hành của mỗi buổi trị liệu:
a) Cấu trúc:
+ Mỗi buổi điều trị đều có 3 phần ((1) mục tiêu của buổi điều trị; (2) dàn bài của buổi điều trị: (3) nội dung của buổi điều trị).
+ Mỗi hoạt động có 2 phần: ((1) mục tiêu của từng hoạt động; (2) cách thức thực hiện hoạt động).
b) Hoạt động trị liệu:
– Bước 1:
+ Đánh giá tâm trạng nhanh trước khi thực hiện
+ Cán bộ tâm lý ôn tập nội dung buổi trước và hướng dẫn đánh giá kết quả bài tập hôm trước/ giải đáp thắc mắc phát sinh và phân tích bài tập áp dụng.
– Bước 2: Cán bộ tâm lý hướng dẫn người bệnh/ gia đình/người chăm sóc kỹ năng mới.
– Bước 3: Bệnh nhân thực hành dưới sự giám sát của người thực hiện
– Bước 4: Phản hồi và ôn lại.
– Bước 5: Tổng kết buổi trị liệu, đánh giá tâm trạng sau buổi trị liệu và giao bài tập về nhà…
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Theo dõi diễn biến tâm lý, mức độ tập trung của người bệnh, sự phối hợp khi tham gia hoạt động
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thị Minh Hằng (2016), Giáo trình Tâm lý học lâm sàng, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Võ Văn Bản (2008), Thực hành điều trị tâm lý, Nhà xuất bản y học.
- Phạm Toàn (2017), Tâm lý trị liệu, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí.
- Victoria K. Ngô và cộng sự (2012), Liệu pháp kích hoạt hành vi, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam.