PHỤC HỒI CHỨC NĂNG THÍNH LỰC BẰNG LIỆU PHÁP THÍNH GIÁC – LỜI NÓI (AVT) (số 59)
-
ĐẠI CƯƠNG
Liệu pháp Thính giác – lời nói (AVT) là một liệu pháp chuyên biệt được thiết kế để CN/KTV NNTL dạy cho trẻ khiếm thính mà đang sử dụng máy trợ thính hoặc cấy ghép điện cực ốc tai có thể nghe, hiểu, diễn đạt ngôn ngữ và học cách để nói như những trẻ khác có thính giác bình thường. Triết lý của Liệu pháp Thính giác – Lời nói là giúp trẻ em khiếm thính lớn lên trong một môi trường học tập thường xuyên, tạo điều kiện cho các em trở thành những công dân độc lập, tham gia và đóng góp vào sự phát triển của xã hội một cách chính thống như những trẻ có thính giác bình thường khác.
Thông qua các buổi chơi dựa trên phương pháp tiếp cận Thính giác, trẻ phát triển một thái độ lắng nghe để việc chú ý đến âm thanh xung quanh một cách tự động. Thính giác và lắng nghe trở thành một phần không thể thiếu trong giao tiếp, vui chơi, giáo dục và cuối cùng là công việc. Tất cả các học tập từ các buổi học được chuyển sang cuộc sống hàng ngày, cha mẹ có thể biến các hoạt động hàng ngày như dọn bàn ăn hoặc đọc truyện thành một cơ hội nghe và học thú vị.
Phương pháp tiếp cận Thính giác – Lời nói kích thích sự phát triển của não bộ thính giác và cho phép trẻ khiếm thính được sử dụng máy trợ thính và cấy ghép ốc tai điện tử để cảm nhận âm thanh do thiết bị của chúng truyền lại. Kết quả là, trẻ khiếm thính có khả năng phát triển tốt hơn các kỹ năng nghe và nói ngôn ngữ.
-
CHỈ ĐỊNH
– Liệu pháp Thính giác- lời nói có thể được chỉ định cho người bệnh khiếm thính, gặp khó khăn trong việc nghe được âm thanh của lời nói.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Liệu pháp Thính giác- lời nói không có chống chỉ định
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện:
- a) Nhân lực trực tiếp:
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Bộ đồ chơi thu hút sự chú ý của trẻ với màu sắc
– Bộ đồ chơi theo kiểu nguyên nhân và kết quả
– Bộ hình ảnh 6 âm Ling: m,o, u, sh, x, i
– Bộ tài liệu in như ảnh, tờ từ cá nhân
5.4. Trang thiết bị: không
5.5. Người bệnh
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra
– Trẻ học cùng với CN/KTV NNTL trong phòng cách âm để tránh tạp âm, giúp trẻ lắng nghe tốt hơn
– CN/KTV NNTL và trẻ ngồi gần nhau để trẻ lắng nghe dễ hơn
– Phụ huynh của trẻ cũng ngồi bên cạnh để cùng làm mẫu và theo dõi các chiến lược để tập luyện cho trẻ trong môi trường tại nhà.
– Người bệnh cần tỉnh táo để có thể thực hiện giao tiếp
– Buổi trị liệu cần có sự tham gia của phụ huynh mà chăm sóc nhiều nhất cho người bệnh
– Đảm bảo trẻ đeo máy trợ thính hay ốc tai điện tử vào tất cả các giờ thức.
5.6. Hồ sơ bệnh án:
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập Phục hồi chức năng
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1. Xác định mục tiêu để can thiệp các khía cạnh thuộc về thính giác, ngôn ngữ, lời nói, nhận thức và cảm xúc hành vi cho trẻ khiếm thính
Bước 2. Kiểm tra máy trợ thính hay ốc tai trước khi bắt đầu để đảm bảo trẻ vẫn đang lắng nghe được âm thanh lời nói
Bước 3. Kiểm tra độ ồn trong nhà để tránh tạp âm hoặc giảm thiểu tiếng ồn xung quanh
Bước 4. Thử 6 âm Ling bằng cách cho trẻ nghe từ CN/KTV NNTL. Trong bước này cần làm mẫu nhiều lần giữa CN/KTV NNTL và phụ huynh cho trẻ quan sát. Sau đó đến lượt trẻ lắng nghe. Cần che miệng/ để trẻ không đọc môi. Khi trẻ nghe đúng thì trẻ sẽ báo hiệu cho CN/KTV NNTL biết bằng cách giơ tay lên hoặc thả đồ chơi vào rổ…vv.
Bước 5. Sau khi đảm bảo trẻ đã nghe được với máy trợ thính/ ốc tai hoạt động tốt thì CN/KTV NNTL tiến hành tập cho trẻ. Trong mỗi mục tiêu mà CN/KTV NNTL lựa chọn tập cho trẻ cần áp dụng các chiến lược kỹ thuật của phương pháp AVT. Các kỹ thuật bao gồm đó là:
– Nói gần micrô của thiết bị nghe của trẻ trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn sau, trẻ sẽ học cách nghe khi người nói đứng ở khoảng cách xa hơn.
– Phát triển sự chú ý chung : Sự chú ý của người lớn được tập trung vào những gì trẻ đang làm và ngôn ngữ của người lớn đồng bộ với những gì trẻ đang làm. CN/KTV NNTL nói chuyện và tương tác ở mức độ của trẻ
– Sử dụng giọng nói như hát: Giọng nói của bạn càng thú vị, trẻ càng có nhiều động lực để đáp ứng
– Sử dụng bình luận/nhận xét: Tránh việc luôn đặt câu hỏi
– Lặp lại: lặp lại những gì trẻ nói và những gì CN/KTV NNTL hay mẹ họ nói
– Ngưng nói, chờ trẻ đáp ứng
– Đầu vào thính giác trước: Trẻ phải nghe các từ và cụm từ được nói, trước khi nhận bất kỳ gợi ý bằng hình ảnh nào.
– Kỹ thuật “sandwich thính giác”: Cung cấp đầu vào thính giác- hỗ trợ hình ảnh – cung cấp lại đầu vào thính giác đơn thuần ( không có hình ảnh nữa)
– Nhấn mạnh âm thanh đầu vào cho trẻ nghe
– Mở rộng và khai triển ngôn ngữ
– Tự nói/ Nói song song/ Nói thì thầm/ Tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp
Bước 6. Luôn khen ngợi và động viên trẻ khi trẻ làm tốt.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Trẻ có vấn đề về thính giác có thể đi kèm với một số bệnh lý khác như Rối loạn phổ tự kỉ hay Chậm phát triển trí tuệ…CN/KTV NNTL cần theo sát các biểu hiện hành vi nếu có để có chiến lược giúp bé tập trung vào mục tiêu trị liệu thính giác -lời nói. Hoặc với các dạng khuyết tật khác, CN/KTV NNTL có thể linh hoạt xử trí để giúp trẻ có thể thích ứng với chương trình điều trị tốt hơn
– Luôn theo dõi máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử của trẻ trong quá trình can thiệp. Đảm bảo rằng trẻ luôn đang lắng nghe âm thanh lời nói được
– Phụ huynh luôn đồng hành trong các buổi trị liệu với trẻ để cùng nhau theo dõi và thực hành cho trẻ tại nhà các mục tiêu như CN/KTV NNTL đã làm ở bệnh viện. Trong quá trình thực hành tại nhà có các thắc mắc gì, phụ huynh có thể trao đổi lại với CN/KTV NNTL để được hướng dẫn lại.
– CN/KTV NNTL luôn ghi chú lại các mức độ và các đáp ứng tập luyện sau mỗi buổi/ đợt điều trị cho trẻ. Họ có thể thay đổi loại công cụ và tăng mục tiêu lên mức cao hơn khi nhu cầu của người bệnh thay đổi như (tình huống giao tiếp thay đổi, số lượng từ vựng thay đổi, khả năng nghe tốt hơn, ngôn ngữ phát triển hơn và phát âm rõ hơn…).
– Đây là các kỹ thuật huấn luyện, chỉ có sửa sai và không xảy ra tai biến.
– Trong quá trình thực hành, nên chú ý kiểm tra pin của máy trợ thính nếu trẻ không đáp ứng với âm thanh.
– Với trẻ có các bệnh lý khác kèm theo như rối loạn phổ tự kỉ hay có hành vi không mong muốn thì cần chú ý dùng thêm các phương pháp như AAC để hỗ trợ cho trẻ tương tác tốt hơn với người trị liệu. Người trị liệu tìm hiểu lại thông tin từ gia đình để giải quyết các vấn đề cho phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bowers, L. M. (2017). Auditory-Verbal Therapy as an Intervention Approach for Children Who Are Deaf: A Review of the Evidence. EBP Briefs. Volume 11, Issue 6. EBP Briefs (Evidence-based Practice Briefs).
- Estabrooks, W., Morrison, H. M., & MacIver-Lux, K. (2020). Auditory- verbal therapy: An overview. Auditory-verbal therapy: Science, research, and practice, 3-34.
- Estabrooks, W., Morrison, H. M., & MacIver-Lux, K. (Eds.). (2020). Auditory-verbal therapy: Science, research, and practice. Plural Publishing.
- Fickenscher, S., Gaffney, E., & Dickson, C. (2016). Auditory verbal strategies to build listening and spoken language skills. 5. Percy-Smith, L., Tønning, T. L., Josvassen, J. L., Mikkelsen, J. H., Nissen, L., Dieleman, E., … & Cayé-Thomasen, P. (2018). Auditory verbal habilitation is associated with improved outcome for children with cochlear implant. Cochlear Implants International, 19(1), 38-45.