KỸ THUẬT TẬP NUỐT TRỰC TIẾP (số 56)
-
ĐẠI CƯƠNG
1.1. Khái niệm
Điều trị rối loạn nuốt bao gồm những chiến lược khác nhau nhằm phục hồi chức năng nuốt bình thường (kỹ thuật phục hồi chức năng) và/hoặc điều chỉnh kết cấu thức ăn và điều chỉnh tư thế (chiến lược bù trừ).
Kỹ thuật phục hồi chức năng đề cập đến can thiệp nhằm cải thiện khiếm khuyết của cơ chế nuốt bằng cách áp dụng những kỹ thuật tập trung vào các khiếm khuyết cụ thể đã được xác định trong quá trình đánh giá nuốt. Các kỹ thuật phục hồi chức năng được dự đoán là tạo nên những thay đổi kéo dài đối với hoạt động nuốt, những thay đổi này sẽ vẫn còn đó sau khi ngưng tập luyện với kỹ thuật.
Chiến lược bù trừ là những điều chỉnh ngắn hạn giúp cải thiện chức năng nuốt, ngăn ngừa các biến chứng khi nuốt. Chiến lược bù trừ không có tác động lâu dài lên sinh lý nuốt.
Kỹ thuật nuốt trực tiếp là những bài tập liên quan đến việc nuốt viên thức ăn trong bữa ăn.
Kỹ thuật nuốt trực tiếp bao gồm một số nghiệm pháp:
– Nuốt trên thanh môn.
– Nuốt siêu trên thanh môn.
– Nghiệm pháp nuốt gắng sức.
– Nghiệm pháp Mendelsohn (nuốt kéo dài).
– Gập đầu (gập cằm).
– Duỗi đầu.
– Xoay đầu.
-
CHỈ ĐỊNH
Người bệnh đã được lượng giá đầy đủ tính an toàn và nguy cơ hít sặc. Các kỹ thuật nuốt trực tiếp được chỉ định cho những trường hợp rối loạn nuốt, ví dụ như sau:
– Rối loạn nuốt sau tổn thương não (đột quỵ, chấn thương sọ não, viêm não, u não…)
– Rối loạn nuốt sau phẫu thuật vùng đầu cổ.
Một số kỹ thuật có chỉ định cụ thể như sau:
STT | Kỹ thuật | Chỉ định |
1 | Duỗi đầu | Khó khăn di chuyển thức ăn từ miệng xuống hầu
(Trường hợp phẫu thuật tái tạo vùng miệng, lưỡi; Yếu cơ lưỡi trầm trọng). |
2 | Gập đầu | Rối loạn nuốt giai đoạn hầu. |
3 | Xoay đầu | Rối loạn nuốt do yếu ½ hầu, thời gian mở cơ vòng thực quản trên ngắn. |
4 | Nuốt gắng sức | Rối loạn miệng hầu. |
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Các kỹ thuật nuốt trực tiếp là chống chỉ định đối với người bệnh suy giảm nhận thức. Bên cạnh đó, một số chống chỉ định cụ thể cho từng trường hợp như sau:
STT | Kỹ thuật | Chống chỉ định |
1 | Duỗi đầu | Người bệnh mất khả năng bảo vệ đường thở.
Khiếm khuyết cơ vòng thực quản trên. |
2 | Nuốt trên thanh môn và nuốt siêu trên thanh môn | Người bệnh có rối loạn nuốt đi kèm vấn đề tim mạch. |
3 | Nuốt gắng sức | Người bệnh khởi phát muộn nuốt giai đoạn hầu. |
4 | Nghiệm pháp Mendelsohn | Người bệnh có bệnh lý hô hấp hoặc mất điều hợp nuốt-thở nghiêm trọng. |
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện:
- a) Nhân lực trực tiếp :
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu.
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Thức ăn/đồ uống theo phân loại IDDSI (International dysphagia diet standardisation initative) phù hợp với tình trạng của người bệnh.
– Thang đo đánh giá xâm nhập-hít sặc.
5.4. Trang thiết bị
– Máy nội soi thanh quản, máy nội soi cản quang (trong trường hợp cần thiết).
5.5. Người bệnh:
Người bệnh ngồi thẳng (trừ các các bài tập cần tư thế cụ thể), ở trạng thái tỉnh táo.
5.6. Hồ sơ bệnh án
– Hồ sơ của người bệnh với các thông tin lượng giá về tình trạng nuốt. Kết cấu thức ăn, dịch lỏng phù hợp với người bệnh.
– Bảng cam kết hoặc đồng thuận (nếu có).
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 – 0,75 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: phòng vận động trị liệu
5.9. Kiểm tra hồ sơ
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1. Lựa chọn kỹ thuật phù hợp
Người điều trị đưa ra quyết định cho kỹ thuật tập luyện dựa trên kết quả lượng giá, tình trạng cụ thể của từng người bệnh.
Bước 2. Tiến hành thực hiện kỹ thuật
– Người điều trị giải thích mục đích của kỹ thuật tập luyện.
– Thực hiện kỹ thuật
(1)Gập đầu
– Đưa thức ăn/đồ uống vào miệng người bệnh.
– Trong khi giữ viên thức ăn trong miệng, gập đầu tối đa về phía ngực.
– Nuốt trong khi vẫn giữ gập đầu.
– Thư giãn.
(2)Duỗi đầu
– Đưa thức ăn/đồ uống vào miệng người bệnh.
– Duỗi đầu về phía sau.
– Nuốt.
(3)Xoay đầu
– Đưa thức ăn/đồ uống vào miệng người bệnh.
– Xoay đầu về bên yếu.
– Nuốt.
(4)Nuốt trên thanh môn và nuốt siêu trên thanh môn
– Đưa thức ăn/đồ uống vào miệng người bệnh
– Người bệnh hít vào và giữ lại
– Người bệnh nuốt với nỗ lực
– Ho để ngăn sự xâm nhập của thức ăn còn tồn đọng
(5)Nuốt gắng sức
– Đưa thức ăn/đồ uống vào miệng người bệnh
– Đẩy lưỡi lên vòm miệng
– Nuốt viên thức ăn với nỗ lực
(6)Nghiệm pháp Mendelsohn
– Đưa thức ăn/đồ uống vào miệng người bệnh
– Nâng thanh quản di chuyển hướng lên trên
– Nuốt với vị thế thanh quản nâng
– Thư giãn và kết thúc quá trình nuốt
Bước 3. Kết thúc điều trị
– Tái lượng giá khi cần thiết.
– Ghi chép hồ sơ.
– Hướng dẫn người bệnh chương trình tập luyện về nhà.
- THEO DÕI/XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Theo dõi các dấu hiệu của hít sặc: chảy nước mắt, ho…
– Sau khi nuốt, kiểm tra sự tồn đọng thức ăn ở miệng, hầu.
– Không cho người bệnh uống nước khi đang có cơn ho.
– Ngừng việc tập luyện nuốt nếu người bệnh có các dấu hiệu hít sặc nhiều lần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Crary, M. A., & Groher, M. E. (2016). Dysphagia: clinical management in adults and children. Elsevier Health Sciences.
- Daniels, S. K., Huckabee, M. L., & Gozdzikowska, K. (2019). Dysphagia following stroke. Plural Publishing.
- Renee Speyer and Hans Bogaardt (2015). Seminars in Dysphagia. http://www.intechopen.com/books/seminars-in-dysphagia.
- https://www.asha.org/practice-portal/clinical-topics/adultdysphagia/#collapse_6