KỸ THUẬT TẬP NUỐT GIÁN TIẾP (số 55)
-
ĐẠI CƯƠNG
Điều trị rối loạn nuốt bao gồm những chiến lược khác nhau nhằm phục hồi chức năng nuốt bình thường (kỹ thuật phục hồi chức năng) và/hoặc điều chỉnh kết cấu thức ăn và điều chỉnh tư thế (chiến lược bù trừ).
Kỹ thuật phục hồi chức năng đề cập đến can thiệp nhằm cải thiện khiếm khuyết của cơ chế nuốt bằng cách áp dụng những kỹ thuật tập trung vào các khiếm khuyết cụ thể đã được xác định trong quá trình đánh giá nuốt. Các kỹ thuật phục hồi chức năng được dự đoán là tạo nên những thay đổi kéo dài đối với hoạt động nuốt, những thay đổi này sẽ vẫn còn đó sau khi ngưng tập luyện với kỹ thuật.
Chiến lược bù trừ là những điều chỉnh ngắn hạn giúp cải thiện chức năng nuốt, ngăn ngừa các biến chứng khi nuốt. Chiến lược bù trừ không có tác động lâu dài lên sinh lý nuốt.
Kỹ thuật nuốt gián tiếp là các bài tập để cải thiện khả năng kiểm soát thần kinh-cơ không liên quan đến việc nuốt viên thức ăn trong bữa ăn.
Các kỹ thuật nuốt gián tiếp bao gồm:
– Tập luyện kiểm soát vận động vùng miệng: bao gồm các bài tập mạnh cơ lưỡi, môi, tầm vận động lưỡi, kiểm soát viên thức ăn.
– Kích thích phản xạ nuốt: kích thích nhiệt lạnh.
– Bài tập khép dây thanh.
– Bài tập mạnh cơ thở ra (Expiratory muscle strength training-EMST).
– Kích thích điện thần kinh cơ (Neuromuscular Electical Stimulation-NMES).
– Nghiệm pháp Masako.
– Nghiệm pháp Shaker.
-
CHỈ ĐỊNH
Kỹ thuật nuốt gián tiếp được chỉ định cho các trường hợp rối loạn nuốt do giảm khả năng kiểm soát thần kinh-cơ, yếu cơ…Ví dụ: Nghiệm pháp Masako được chỉ định trong trường hợp người bệnh khó khăn đưa lưỡi ra sau.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Các kỹ thuật nuốt gián tiếp là chống chỉ định với người suy giảm nhận thức. Riêng một số kỹ thuật cụ thể là chống chỉ định của một số trường hợp như sau:
STT | Kỹ thuật | Chống chỉ định |
1 | Tập mạnh cơ thở ra | Thận trọng đối với người bệnh có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính |
2 | Kích thích điện thần kinh cơ | – Đặt điện cực ở xoang động mạch cảnh
– Đang có tình trạng nhiễm trùng – Khối u đang hoạt động – Trên vết thương hở hoặc vết mổ – Trên vùng cơ thể có kim loại – Rối loạn nuốt do thuốc – Người bệnh giảm cảm giác |
3 | Nghiệm pháp Shaker | – Tổn thương/khiếm khuyết cột sống cổ
– Giảm vận động vùng cổ – Các yếu tố góp phần giảm tuân thủ khi thực hiện nghiệm pháp này. |
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện:
- a) Nhân lực trực tiếp:
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu.
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Dụng cụ tập mạnh cơ thở ra.
– Que đè lưỡi
– Găng tay
– Khăn giấy
– Đá lạnh
5.4. Trang thiết bị
– Máy kích thích điện
5.5. Người bệnh
– Người bệnh tỉnh táo, được giải thích mục đích tập luyện của kỹ thuật.
– Người bệnh ở vị thế phù hợp với từng kỹ thuật tập luyện.
5.6. Hồ sơ bệnh án
– Hồ sơ của người bệnh với các thông tin lượng giá về tình trạng nuốt.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 – 0,75 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: phòng thủ thuật
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1. Lựa chọn kỹ thuật phù hợp
Người điều trị đưa ra quyết định kỹ thuật tập luyện phù hợp dựa trên kết quả lượng giá, tình trạng cụ thể của từng người bệnh.
Bước 2. Tiến hành thực hiện kỹ thuật
Người điều trị thực hiện kỹ thuật phù hợp với người bệnh như sau:
(1)Bài tập mạnh cơ thở ra
– Người điều trị làm mẫu.
– Điều chỉnh van của dụng cụ tập mạnh cơ thở ra ở mức đề kháng thích hợp với người bệnh.
– Người bệnh hít vào bằng mũi.
– Thở ra bằng miệng qua dụng cụ EMST.
(2)Kích thích điện thần kinh cơ
– Gắn điện cực tại vị trí cơ cần kích thích.
– Điều chỉnh thông số máy: tần số, thời gian xung, cường độ, thời gian điều trị.
– Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình điều trị.
– Kết thúc điều trị: Dọn dẹp dụng cụ.
(3)Bài tập khép dây thanh
– Người điều trị làm mẫu: Đẩy hoặc kéo 2 lòng bàn tay/Đẩy tay lên đùi/Đẩy tay xuống ghế…khi tạo âm.
– Người bệnh thực hiện kỹ thuật.
– Người điều trị chỉnh sửa bài tập cho đúng (nếu cần).
(4)Tập luyện kiểm soát vận động vùng miệng: Xem quy trình “Tập vận động vùng miệng”.
(5)Kích thích phản xạ nuốt: kích thích nhiệt lạnh: Xem quy trình kỹ thuật “Kích thích xúc giác nhiệt vùng miệng”.
(6)Nghiệm pháp Masako và nghiệm pháp Shaker: Xem quy trình “Tập mạnh cơ nuốt”.
Bước 3. Kết thúc điều trị
– Tái lượng giá khi cần thiết.
– Ghi chép hồ sơ.
– Hướng dẫn người bệnh chương trình tập luyện tại nhà.
-
THEO DÕI/XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi
Theo dõi đáp ứng da, hỏi người bệnh trong suốt quá trình điều trị nếu có bất kỳ cảm giác đau cổ hoặc hàm.
Xử trí tai biến
Đặt lại vị trí điện cực khi người bệnh có tình trạng kích ứng da, đau cổ hoặc hàm khi kích thích điện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Crary, M. A., & Groher, M. E. (2016). Dysphagia: clinical management in adults and children. Elsevier Health Sciences.
- Daniels, S. K., Huckabee, M. L., & Gozdzikowska, K. (2019). Dysphagia following stroke. Plural Publishing.
- National Institute for Health and Care Excellence (NICE) (2018). Transcutaneous Neuromuscular Electrical Stimulation for Oropharyngeal Dysphagia in Adults. NICE International Guidance No IPG634. https://www.nice.org.uk/guidance/ipg634
- Renee Speyer and Hans Bogaardt (2015). Seminars in Dysphagia. http://www.intechopen.com/books/seminars-in-dysphagia.
- Ferrand, C. T. (2018). Voice disorders: Scope of theory and practice. Pearson Higher Ed.
- https://www.asha.org/practice-portal/clinical-topics/adult-dysphagia/#collapse_6