Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT TƯƠNG TÁC NHÓM CHO NGƯỜI BỆNH RỐI LOẠN NGÔN NGỮ (số 53)SAU TỔN THƯƠNG NÃO

Chuyên ngành: Ngôn ngữ trị liệu, Phục hồi chức năng
  1. ĐẠI CƯƠNG

Rối loạn ngôn ngữ (RLNN) là khái niệm dùng để chỉ các tình trạng liên quan đến sự tạo và hiểu ngôn ngữ do tổn thương ở các vùng não liên quan gây ra trong các bệnh lý như đột quỵ não, chấn thương sọ não, u não .v.v. Các thành phần ngôn ngữ có thể bị ảnh hưởng như âm vị, hình vị, ngữ nghĩa, cú pháp, và bao gồm cả ngữ dụng. Điều này làm giảm chất lượng cuộc sống, cản trở học tập, công việc và hòa nhập cộng đồng của người bệnh.

Mất đi tiếng nói ảnh hưởng đến quá trình tham gia điều trị khi người bệnh cần trả lời câu hỏi của nhân viên y tế hoặc phát biểu nhu cầu của mình, tham gia giao tiếp trong các hoạt động sống hàng ngày, tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người có ống mở khí quản (khai khí đạo) không thể tự nói hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp cần được

Trị liệu ngôn ngữ là phương pháp có nhiều chứng cứ hiệu quả để cải thiện tình trạng này. Có nhiều kỹ thuật trị liệu khác nhau dành cho từng dạng RLNN. Trị liệu theo nhóm là một trong những phương pháp can thiệp hiệu quả và được người bệnh ưa thích bởi nhiều người cho rằng tương tác với một người đồng cảnh ngộ ít đáng sợ hơn và có nhiều động lực hơn so với giao tiếp với một người nói thành thạo. Ngoài ra, tham gia vào nhóm có thể giảm đi tình trạng cô lập xã hội vốn là nguyên nhân gây trầm cảm ở các bệnh nhân sau tổn thương não.

Quy trình này đề cập đến kỹ thuật tương tác nhóm cho các bệnh nhân RLNN sau tổn thương não ở độ tuổi trưởng thành.

Các trò chơi/tác vụ liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ được các kỹ thuật viên (KTV) Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) thiết kế sao cho phù hợp với hoạt động nhóm. Các nhóm được chia theo phân loại và mức độ tình trạng RLNN của từng cá nhân. Kế hoạch trị liệu được xây dựng trước thông qua sự thảo luận và đóng góp ý kiến từ nhóm điều trị. Trong quá trình tập luyện theo nhóm tương tác, KTV NNTL đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ người tham gia do đó cần sự linh hoạt và sáng tạo. Sự cứng nhắc và giáo điều đôi lúc làm giảm cảm hứng của người tham gia. Cần nhớ mục tiêu trị liệu chính là gia tăng sự tương tác và sử dụng ngôn ngữ của người bệnh. Các trò chơi có thể sử dụng trong tương tác nhóm như Phân nhóm hình, Khả năng nghe hiểu, Gọi tên hình, Tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, Lặp lại từ, cụm từ, câu, Khả năng đọc hiểu.

  1. CHỈ ĐỊNH

Hoạt động tương tác nhóm được áp dụng cho các bệnh nhân RLNN sau tổn thương não như đột quỵ, chấn thương sọ não, viêm não, u não, hoặc sa sút trí tuệ. Nhóm can thiệp (bao gồm bác sĩ điều trị, KTV NNTL, KTV Hoạt động trị liệu, KTV Vật lý trị liệu, điều dưỡng .v.v.) sẽ đánh giá khả năng và mức độ tham gia hoạt động tương tác nhóm của từng bệnh nhân, lựa chọn hình thức và phân nhóm tập phù hợp cho mỗi bệnh nhân.

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Không có chống chỉ định tuyệt đối

– Việc phục hồi chức năng sẽ không đạt kết quả tốt nếu người bệnh không đủ tỉnh táo hoặc không hợp tác tham gia vào buổi trị liệu.

  1. THẬN TRỌNG

– Không có

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện:

  1. a) Nhân lực trực tiếp :

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

  1. b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư:

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Khăn lau tay

– Bộ dụng cụ/ phương tiện liên quan đến tác vụ/hoạt động

5.4. Trang thiết bị: không có

5.5. Người bệnh

– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra

– Người bệnh cần mang theo mắt kính hoặc dụng cụ trợ giúp nghe (nếu có) mà người bệnh đang sử dụng. Người bệnh và người nhà/người chăm sóc nên có mặt trước giờ tập khoảng 10-15 phút.

5.6. Hồ sơ bệnh án:

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập Phục hồi chức năng

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Lựa chọn người bệnh cho nhóm tương tác

Nhóm can thiệp sẽ dựa trên bệnh sử, kết quả lượng giá để thảo luận và tiến hành lựa chọn bệnh nhân tham gia hoạt động nhóm. Việc lựa chọn này tạo thuận lợi cho KTV NNTL trong việc thiết lập các hoạt động/tác vụ đồng thời cũng giúp cho người bệnh tương tác với các bệnh nhân đồng đẳng.

Thiết kế tác vụ/hoạt động

Các tác vụ/hoạt động thiết kế dựa trên kết quả lượng giá và mục tiêu mong đợi của người bệnh hoặc người nhà. Ktv Ngôn ngữ trị liệu đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể với các mục tiêu ngắn hạn (theo từng buổi, từng tuần) và dài hạn (theo tháng). Mặc dù là hoạt động tương tác nhóm nhưng người điều trị vẫn cần nắm rõ đặc điểm của mỗi bệnh nhân để có sự hỗ trợ phù hợp.

Thời gian can thiệp

Đối với hoạt động tương tác nhóm cần có chương trình và phân bổ thời gian cụ thể (thời gian cho một buổi hoạt động nhóm, số buổi trong 1 tuần, và tổng thời gian của một chương trình can thiệp). Kết thúc đợt trị liệu cần tái lượng giá và lên kế hoạch cho chương trình trị liệu tiếp theo.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Người điều trị cần quan sát và ghi nhận tình trạng sức khỏe của người bệnh trong buổi điều trị. Nếu người bệnh biểu lộ mệt mỏi, mất tập trung, thiếu hợp tác thì nên tạm dừng và tìm hiểu nguyên nhân để có xử trí thích hợp.

– Trong trường hợp người bệnh không thể tiếp tục hoạt động tương tác nhóm thì cần tôn trọng người bệnh và dừng lại. Hẹn người bệnh và gia đình tiếp tục ở buổi khác.

– Nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường, báo bác sĩ trực để xử trí kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Y Tế. (2019). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng. Quyết định 2520/QĐ-BYT.
  2. Bộ Y Tế. (2020). Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh Đột quỵ (Hướng dẫn về Ngôn ngữ trị liệu). Quyết định 2536/QĐ-BYT.
  3. Cristina Romani, Lucinda Thomas, Andrew Olson & Louise Lander (2019) Playing a team game improves word production in poststroke aphasia, Aphasiology, 33:3, 253-288, DOI: 10.1080/02687038.2018.1548205
  4. World Health Organization. (2001). ICF: International Classification of Functioning, Disability, and Health. World Health Organization.