Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

TẬP KIỂM SOÁT HÀNH VI TRONG PHỤC HỒI GIỌNG NÓI (số 50)

Chuyên ngành: Ngôn ngữ trị liệu, Phục hồi chức năng
  1. ĐẠI CƯƠNG

Kiểm soát hành vi trong phục hồi giọng là việc sử dụng giọng phù hợp để phòng ngừa tăng hoạt chức năng thanh quản và căng cơ quá mức. Cơ sở của can thiệp này là việc lạm dụng và dùng sai giọng sẽ thúc đẩy sự phát triển các rối loạn giọng, nên mục tiêu là giảm các yếu tố có hoặc không liên quan đến lời nói có thể góp phần gây phản ứng viêm ở niêm mạc dây thanh. Can thiệp này còn được gọi là trị liệu gián tiếp, người bệnh được giáo dục về các lựa chọn hành vi và lối sống tốt cho giọng, bao gồm các yếu tố có liên quan đến lời nói bao gồm giảm nói lớn và nói nhiều và các yếu tố không liên quan đến lời nói bao gồm quản lý trào ngược hầu – thanh quản (Laryngopharyngeal Reflux), tằng hắng, độ ẩm, các thuốc làm mất nước, các chất gây kích ứng dạng hít.

Kiểm soát hành vi về giọng đã đang được sử dụng như một can thiệp chính hoặc bổ trợ trong trị liệu giọng nói để phòng ngừa và giảm thiểu hoặc loại bỏ các rối loạn giọng. Kĩ thuật này đã được chứng minh là có hiệu quả tích cực cho nhiều đối tượng khác nhau như các người bệnh bị tổn thương dây thanh lành tính (hạt xơ và polyp, rối loạn thanh quản tăng chức năng, …)

  1. CHỈ ĐỊNH

– Các tổn thương dây thanh âm như hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh…

– Rối loạn giọng, biểu hiện tăng hoạt thanh quản

– Người có nguy cơ rối loạn giọng (giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên, diễn giả,…)

  1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có.

  1. THẬN TRỌNG

– Không có

  1. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện:

  1. a) Nhân lực trực tiếp :

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

  1. b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư:

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Khăn lau tay

– Bộ tài liệu “Kiểm soát hành vi trong phục hồi giọng” có thể trình bày bằng powerpoint trên máy tính, hoặc tài liệu in sẵn.

– Hình ảnh hoặc mô hình của thanh quản bình thường.

– Hình ảnh dây thanh ở các vị trí hô hấp, tạo âm, nói thì thầm.

– Video tạo âm với dây thanh bình thường và bệnh lý.

– Hình ảnh minh họa của các bệnh lý dây thanh như hạt xơ, polyp, loét tiếp xúc, phù nề.

5.4. Trang thiết bị:

– Máy tính

– Máy chiếu

5.5. Người bệnh

– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra

5.6. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập Phục hồi chức năng

5.9. Kiểm tra hồ sơ

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

  1. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Chương trình kiểm soát hành vi trong phục hồi giọng gồm 4 bước được phát triển dựa trên một phác thảo do Chan (1994) xây dựng và các kỹ thuật được khuyến nghị bởi nhiều tác giả khác.

Bước 1. Giải thích cơ chế của giọng nói bình thường và các bệnh lý của thanh quản

– Giới thiệu hình ảnh và mô hình của thanh quản bình thường

– Giới thiệu hình ảnh thanh quản bị bệnh lý và mô tả các bệnh lý khác nhau của thanh quản như polyp thanh quản, hạt xơ dây thanh,…

– Mô tả những chấn thương dây thanh thực thể có thể có khi lạm dụng giọng

– Giải thích sự thay đổi giọng nói do sự phá vỡ chức năng bình thường của dây thanh dẫn tới những thay đổi bệnh lý

Bước 2. Giải thích về lạm dụng giọng nói và hậu quả của nó, bao gồm:

– Nói hoặc hát quá mức mà không phục vụ cho công việc

– Nói nhanh

– Nói to hoặc lên cao giọng ở những nơi ồn ào như trong lớp, vũ trường, đường phố ồn ào

– Nói hoặc hát ở tông quá cao hoặc quá thấp

– Nói hoặc hát với không đủ sức hoặc quá nhiều sức

– Thì thầm gắng sức

– Hắng giọng gắng sức

– Ho mạnh

– Lời nói khi xúc động

– La hét

– Tạo ra tiếng động lạ hoặc âm thanh căng

– Hút thuốc lá

– Thức ăn hoặc thức uống gây kích ứng cho giọng như đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh hoặc nước ngọt, đồ ăn chiên xào, cay nóng, rượu, cà phê, trà)

– Ăn quá nhiều trước giờ đi ngủ

– Các hoạt động giải trí nguy cơ cao như hát karaoke, hét hò cổ vũ chương trình thể thao truyền hình.

– Tiếp xúc với các điều kiện bên ngoài có thể gây kích ứng cho giọng như (khói thuốc lá, bụi, nhiệt, lạnh)

Bước 3. Đưa ra các lời khuyên và ví dụ về sử dụng giọng đúng cách (lành mạnh), bao gồm:

– Giảm lạm dụng giọng nói: hạn chế nói và hát ngoài công việc, hoạt động giao tiếp cơ bản (như la mắng con, nói chuyện rỗi với hàng xóm, nói điện thoại lâu…)

– Tránh lên cao giọng ở những nơi ồn ào, sử dụng chiến lược thay thế để tăng cường sức cho giọng như ra dấu, đến gần người muốn nói…

– Tránh tạo âm thanh căng như nói ở cường độ và tông giọng quá cao, tạo các tiếng động lạ như giả giọng, ém giọng…

– Nói chậm, trong khoảng âm lượng và cao độ thoải mái

– Uống nhiều nước

– Giảm tiêu thụ thức ăn và thức uống gây kích ứng như thức ăn cay, caffein, chất có gas, bia rượu…

– Tránh tiếp xúc với những điều kiện bất lợi bên ngoài: khói, bụi, hóa chất bay hơi như chất tẩy rửa, nước lau kiếng.

– Duy trì sự ổn định về cảm xúc, sắp xếp lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp.

– Tránh ăn trước giờ đi ngủ

Bước 4. Các chiến lược cá nhân hóa, bao gồm:

– Người trị liệu và người bệnh xác định những thời điểm cụ thể có lạm dụng giọng nói trong các tình huống hằng ngày.

– Sử dụng nhật ký sử dụng giọng để ghi lại diễn tiến kết quả, các sự kiện cụ thể

– Thảo luận các vấn đề khó khăn và giải pháp để hạn chế và loại bỏ chúng hoàn toàn.

  1. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Không có.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hosoya, M., Kobayashi, R., Ishii, T., Senarita, M., Kuroda, H., Misawa, H., Tanaka, F., Takiguchi, T., Tashiro, M., Masuda, S., Hashimoto, S., Goto, F., Minami, S., Yamamoto, N., Nagai, R., Sayama, A., Wakabayashi, T., Toshikuni, K., Ueha, R., Fujimaki, Y., … Tsunoda, K. (2018). Vocal Hygiene Education Program Reduces Surgical Interventions for Benign Vocal Fold Lesions: A Randomized Controlled Trial. The Laryngoscope, 128(11), 2593-2599.
  2. Pasa, G., Oates, J., & Dacakis, G. (2007). The relative effectiveness of vocal hygiene training and vocal function exercises in preventing voice disorders in primary school teachers. Logopedics, phoniatrics, vocology, 32(3), 128-140.
  3. Rodríguez-Parra, M. J., Adrián, J. A., & Casado, J. C. (2011). Comparing voice-therapy and vocal-hygiene treatments in dysphonia using a limited multidimensional evaluation protocol. Journal of communication disorders, 44(6), 615-630.
  4. Talley J. H. (2002). “Vocal Hygiene Training in the Elementary School Teacher Population” .Masters Theses. 1430. https://thekeep.eiu.edu/theses/1430
  5. Yun, Y. S., Kim, M. B., & Son, Y. I. (2007). The effect of vocal hygiene education for patients with vocal polyp. Otolaryngology–head and neck surgery : official journal of American Academy of Otolaryngology-Head and Neck Surgery, 137(4), 569-575.