KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG ÂM LỜI NÓI BẰNG TIẾP CẬN ÂM VỊ (số 44)
-
ĐẠI CƯƠNG
Rối loạn âm lời nói (nói ngọng) là một dạng rối loạn giao tiếp phổ biến ở trẻ em thể hiện khó khăn trong việc tri nhận, thể hiện lại âm vị và/hoặc tạo lời nói mà những khó khăn này có ảnh hưởng tới độ dễ hiểu, sự chấp thuận và không phù hợp lứa tuổi.
Rối loạn âm lời nói được chia thành rối loạn vận động lời nói và rối loạn âm vị. Trong đó, rối loạn âm vị và rối loạn lời nói bất ổn định thể hiện những khó khăn trong hệ thống, các đặc tính của việc sử dụng các âm vị. Vấn đề xảy ra liên quan đến việc tổ chức của các thông tin trong não bộ dẫn đến những vấn đề xảy ra ở miệng. Trẻ có khiếm khuyết âm vị sẽ gặp khó khăn khi học về quy luật của một ngôn ngữ hơn là học về cách phát âm hoặc cách cấu âm các âm trong hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ.
Nguyên tắc của can thiệp âm vị:
– Trị liệu bắt đầu ở cấp độ từ.
– Tập trung vào sự phát triển của hệ thống âm vị
– Các hoạt động làm nổi bật làm chức năng giao tiếp của lời nói.
– Hạn chế sử dụng các bài tập cấu âm.
– Các quy trình nhấn mạnh việc phát hiện ra quy tắc/quy luật.
Khái quát về kỹ thuật
Một số phương pháp trong can thiệp âm vị được sử dụng cho trị liệu cho trẻ có rối loạn âm lời nói bằng can thiệp âm vị ở trẻ em như:
– Các cặp âm tối thiểu
– Các cặp âm tương phản tối đa
– Đa cặp âm tương phản
– Can thiệp bằng cách tiếp cận chu kỳ
– Từ vựng cốt lõi
Khoa học ngày càng tiến bộ và có thể có nhiều phương pháp can thiệp khác nhau đang được áp dụng ở trên thế giới. Tuy nhiên, các kỹ thuật trị liệu bằng cách tiếp cận âm vị được đưa trên đây là những kỹ thuật đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam.
-
CHỈ ĐỊNH
Các kỹ thuật trên sử dụng cho trẻ có rối loạn âm lời nói, cụ thể là có có vấn đề về âm vị như rối loạn âm vị hay rối loạn lời nói bất ổn định. Trị liệu viên tuỳ thuộc vào mức độ và khả năng của từng trẻ để lựa chọn một hoặc kết hợp một vài kỹ thuật để cùng can thiệp bằng tiếp cận âm vị cho trẻ để đạt hiệu quả tối ưu.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Không có chống chỉ định tuyệt đối
– Việc phục hồi chức năng… sẽ không đạt kết quả tốt nếu người bệnh không đủ tỉnh táo hoặc không hợp tác tham gia vào buổi trị liệu.
-
THẬN TRỌNG
– Không có
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
- a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
- b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Bộ thẻ tranh các cặp âm đã được thiết kế sẵn với âm đích dự kiến sẽ chỉnh sửa cho trẻ.
– Đồ chơi tạo động lực cho trẻ: đồ chơi trẻ yêu thích, bánh, kẹo, sticker…
– Que đè lưỡi
– Gương soi mini
5.4. Trang thiết bị: không có
5.5. Người bệnh
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
– Giải thích kỹ thuật, tư vấn phụ huynh.
– Vị trí ngồi của trẻ: Trẻ được ngồi ngay ngắn trên ghế và đối diện trị liệu viên.
– Phụ huynh tham gia trị liệu cùng trẻ và sử dụng sổ tay để ghi chép những hướng dẫn của trị liệu viên.
5.6. Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập Phục hồi chức năng
5.9. Kiểm tra hồ sơ
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng chỉ định…
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
(1)Phương pháp can thiệp âm vị bằng cặp âm tối thiểu
Trị liệu viên chọn cặp âm đích muốn sửa cho trẻ và âm trẻ nói sai. Sau đó trị liệu viên chọn cặp từ tương ứng với cặp âm vừa chọn với tiêu chí: chọn cặp từ phát âm giống nhau nhưng có một âm khác nhau.
Bước 1– Làm quen: Trị liệu viên giải thích nghĩa của từ tương ứng với tranh hoặc đồ vật, nhấn mạnh vài lần để trẻ nghe và hiểu.
Bước 2– Trẻ lắng nghe và nhặt tranh
Trị liệu viên để cặp tranh lên bàn. Trị liệu viên nói từ của 1 tranh và yêu cầu trẻ nhặt/ chỉ tranh tương ứng với từ Trị liệu viên nói. Trẻ nhặt tranh.
Bước 3– Tạo ra cặp âm tối thiểu
Trẻ đổi vai với kỹ thuật viên, trẻ nói 1 từ của 1 tranh và người trị liệu chỉ/ nhặt tranh tương ứng với từ trẻ nói.
(2)Phương pháp can thiệp âm vị bằng cặp âm tương phản tối đa
Trị liệu viên chọn cặp âm đích muốn sửa và âm trẻ nói sai. Sau đó trị liệu viên chọn cặp từ tương ứng với cặp âm với những tiêu chí:
- Chọn những cặp từ không đồng âm
- Chọn những âm có đặc điểm ngữ âm cấu âm với nhiều tính khu biệt (vị trí, phương thức cấu âm và đặc trưng âm học)
- Cặp âm tương phản tối đa bao gồm 1 phụ âm trẻ biết, và 1 phụ âm đích rất khác với phụ âm trẻ biết và không có trong kho âm tố của trẻ.
- Chọn 2 cặp âm với 2 phụ âm đích có đặc điểm ngữ âm cấu âm tương phản tối đa không có trong kho âm tố của trẻ.
Hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1- Bắt chước: Đặt cặp âm tối thiểu lên bàn, người trị liệu nói từ và trẻ lặp lại. Giai đoạn này tiếp tục đến khi trẻ đạt 75% độ chính xác trong 2-7 lần.
- Giai đoạn 2- Tự nói: Đặt cặp âm tối thiểu lên bàn, trẻ tự gọi tên các tranh trong cặp từ tương phản tối đa. Giai đoạn này tiếp tục đến khi trẻ đạt 90% mức độ chính xác trong 3-12 lần.
(2)Phương pháp can thiệp âm vị bằng đa cặp âm tương phản
Bước 1: Cho trẻ làm quen và phát âm tương phản:
– Trẻ làm quen với quy luật, âm đích, tranh và từ vựng.
– Sử dụng kỹ năng bắt chước hoặc bất cứ vật gì trong túi trò chơi của bạn để gợi ra âm vị đích trong các từ.
Bước 2: Phát âm tương phản và chơi tương tác:
Trị liệu viên nhấn mạnh cho trẻ thấy các từ khác nhau về ngữ nghĩa và rất quan trọng để trẻ hiểu được chính xác các từ đó bằng cách sử dụng các âm đúng trong các từ.
Tập trung thực tập phát âm: bắt chước (70%) đến tự phát âm (90%) trong mức độ từ
Bước 3: Phát âm tương phản trong phạm vi ngữ cảnh giao tiếp (Tự nói) – các từ, các nhóm từ, các câu. Ở bước này, thực hiện khảo sát tổng thể hóa xem trẻ đã bắt đầu nói được âm đích trong các từ không sử dụng trong can thiệp không.
Bước 4: Huấn luyện tính dễ hiểu lời nói tự nhiên trong các cuộc giao tiếp bình thường.
(3)Phương pháp can thiệp âm vị bằng can thiệp từ vựng cốt lõi
Bước 1: Chọn ra một bảng từ vựng cốt lõi của các từ có ý nghĩa với trẻ tầm 50 từ.
Bước 2: Dạy trẻ trên từng từ một về xử lý âm thông qua các bài tập về cấu âm.
Bước 3: Theo dõi sự khái quát hoá của trẻ khi trẻ tự động điều chỉnh những từ sai khác.
(4)Phương pháp can thiệp âm vị bằng can thiệp theo chu kỳ
Mỗi buổi trị liệu có 7 bước:
Bước 1– Xem lại:
Các từ mục tiêu được sử dụng trong buổi trị liệu trước được xem xét.
Bước 2– Dội bom thính giác (cho trẻ nghe từ đó càng nhiều lần càng tốt):
Trong 1-2 phút, trị liệu viên đọc các từ có chứa mẫu mục tiêu cho buổi trị liệu hiện tại. Điều này giúp trẻ tiếp xúc nhiều và lặp lại với các mục tiêu âm vị học.
Bước 3– Các Từ Mục Tiêu:
Trẻ được thực hiện một hoạt động để giới thiệu từ 3-6 từ sẽ được sử dụng trong suốt buổi học và lặp lại các từ đó sau khi chúng được trị liệu viên làm mẫu.
Bước 4– Chơi:
Trong khi chơi trò chơi, trẻ sẽ lần lượt thực hành các từ mục tiêu trong khi trị liệu viên cung cấp các mô hình chính xác và các dấu hiệu xúc giác. Đứa trẻ sẽ đạt được độ chính xác 100% trong bước này.
Bước 5– Thăm dò:
Trị liệu viên yêu cầu trẻ nói một danh sách các từ có chứa mẫu mục tiêu cho buổi học tiếp theo. Điều này sẽ xác định âm thanh mục tiêu cho buổi học tiếp theo (âm thanh nào dễ nghe nhất đối với trẻ sẽ được nhắm mục tiêu).
Bước 6– Dội bom thính giác: Lặp lại bước 2.
Bước 7– Bài tập về nhà:
Điều này sẽ bao gồm 2 phút dội bom thính giác của cha mẹ hoặc người lớn mỗi ngày. Nó cũng có thể bao gồm một danh sách các từ mục tiêu để đứa trẻ thực hành mỗi ngày.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Đáp ứng của trẻ trong quá trình trị liệu
– Theo dõi quá trình tiến bộ của trẻ để tiến hành tái đánh giá.
– Huấn luyện phụ huynh và phản hồi của họ trong quá trình trị liệu, quá trình thực hiện các bài tập tại nhà.
– Đây là các kỹ thuật huấn luyện, chỉ có sửa sai và không xảy ra tai biến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Baker, E. (2010). Minimal pair intervention. In A.L. Williams, S. McLeod & R.J. McCauley (Eds.), Interventions for speech sound disorders in children (pp. 41-72). Baltimore, MD: Paul H. Brookes.
- Bauman-Waengler, J. (2016). Articulation and phonology in speech sound disorders. Ocean View School District, Oxnard, California.
- Blanchard, J. V. (2006). Phonological disorders: An efficacy study of the Hodson cycles approach to remediation. California State University, Fresno
- McLeod, S., & Baker, E. (2016). Children’s speech: An evidence-based approach to assessment and intervention. Upper Saddle River, NJ: Pearson.
- Phạm, B., & McLeod, S. (2017). Đánh giá và điều trị rối loạn âm lời nói ở trẻ em. Khoá đào tạo Âm ngữ trị liệu Nhi 2016-2017, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thành phố Hồ Chí Minh và Trinh Foundation Australia.