KỸ NĂNG THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÍ (số 36)
-
ĐẠI CƯƠNG
– Thuật ngữ “kỹ năng” như: kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội…có nhiều cách nhận định về kỹ năng. Theo quan điểm của Platonop: “kỹ năng là khả năng con người thực hiện một hoạt động hay các hành động trên cơ sở của kinh nghiệm cũ”.
– Kỹ năng là năng lực hay khả năng của cá nhân thực hiện thuần thục hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (về kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, xã hội), từ đó kiểm soát bản thân để đưa ra những quyết định hành động mang lại hệ quả tích cực cho bản thân và các mối quan hệ xung quanh.
– Kỹ năng tham gia hoạt động giải trí bao gồm một số kỹ năng như quan sát, tham gia trò chơi, luân phiên, chia sẻ, thỏa hiệp, giải quyết mâu thuẫn , đối mặt với thực tế “không”, chấp nhận sự thua cuộc, chơi qua lại với nhau.
– Giúp người bệnh phục hồi khả năng tập trung chú ý, cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng và có giấc ngủ tốt hơn.
– Giúp người bệnh phát triển kỹ năng vận động, trí tuệ, nhận thức và xã hội. Thông qua hoạt động vui chơi giải trí người bệnh tìm hiểu thế giới xung quanh, tăng cường hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm sống.
– Giúp người bệnh cải thiện cảm xúc hành vi ứng xử, linh hoạt trong giao tiếp, tăng cường khả năng phối hợp khi tham gia hoạt động giải trí, khả năng phối hợp nhóm.
– Giúp người bệnh tăng cường kỹ năng tương tác, duy trì được các mối quan hệ gia đình và xã hội, chủ động tham gia các hoạt động và chủ động trong giao tiếp.
– Tạo cơ hội để người bệnh được trải nghiệm qua đó người bệnh học được nhiều kỹ năng cần thiết khi được tham gia. Từ trải nghiệm đó người bệnh sẽ nhận thức và điều chỉnh hành vi cho hợp lý.
-
CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh tâm thần đang trong giai đoạn phục hồi
– Nghiện chất
– Động kinh
– Rối loạn phân ly,
– Rối loạn phổ tự kỷ,
– Tăng động giảm chú ý.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh kích động, loạn thần nặng
– Người bệnh trong giai đoạn cấp tính bệnh lý nôi – ngoại khoa, người bệnh có nguy cơ tự sát.
-
THẬN TRỌNG
Người bệnh có các triệu chứng loạn thần dao động
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện: 03 người
- a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc cán bộ tâm lý
- b) Nhân lực hỗ trợ
– 01 Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
5.2. Thuốc
– Không có
5.3. Vật tư
– Dụng cụ và phương tiện tuỳ theo các chủ đề hoạt động khác nhau như: Thể dục thể thao, hoạt động nhóm, hoạt động tập thể…
– Ngoài ra còn phối hợp với nhiều liệu pháp khác: âm nhạc, hội hoạ …
– Một số vật tư như: sách báo, tạp chí, truyện …
– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).
– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….
5.4. Trang thiết bị
– Tùy theo từng hoạt động sẽ có các trang thiết bị khác nhau để phối hợp trong hoạt động
– Một số trang thiết bị chính: tivi, loa, máy vi tính, micro …
5.5. Người bệnh
– Tập trung người bệnh và giải thích kỹ thuật cho người bệnh hiểu, tạo sự thoải mái để người bệnh tự nguyện tham gia.
– Giải thích người bệnh nếu trong quá trình hoạt động cảm thấy có bất thường thì tạm dừng hoạt động và thư giãn.
– Tối đa 10 người bệnh.
5.6. Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định
– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch Phục hồi chức năng.
– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,75 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật: Phòng trị liệu
5.9. Kiểm tra hồ sơ, phiếu chỉ định
– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.
– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1: Đánh giá tâm trạng nhanh trước khi tham gia hoạt động
Bước 2: Tập trung người bệnh và giải thích cho người bệnh biết về mục đích, ý nghĩa của hoạt động, nội quy buổi trị liệu.
Bước 3: Người thực hiện làm mẫu và hướng dẫn tỉ mỉ cho người bệnh quan sát theo từng chủ đề từng hoạt động giải trí. Với mỗi loại hoạt động giải trí sẽ kích thích giúp người bệnh phục hồi từng kỹ năng của bản thân.
Bước 4:Thực hiện hoạt động dưới sự giám sát của người thực hiện. Người thực hiện cần giám sát chặt chẽ hoạt động của người bệnh nhằm mực đích hướng dẫn chi tiết và từ đó tìm ra những điểm tích cực của người bệnh để lập kế hoạch trị liệu tiếp theo.
Bước 5: Tổng kết hoạt động, đánh giá kết quả thực hiện, khen thưởng, động viên khuyến khích người bệnh. Đánh giá tâm trạng sau khi tham gia hoạt động.
Bước 6: Thu dọn, ghi chép vào sổ theo dõi hoạt động, nhóm thảo luận rút kinh nghiệm.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Cần theo dõi diễn biến tâm lý, độ tập trung của người bệnh, sự phối hợp khi tham gia hoạt động.
– Choáng, ngất, tai nạn trong quá trình hoạt động cần bình tĩnh đưa người bệnh vào nghỉ và vào phòng bệnh để xử trí cấp cứu kịp thời.
– Có biểu hiện bất thường yêu cầu dừng hoạt động.
– Người bệnh bỏ tham gia giữa chừng cố gắng động viên khuyến khích để người bệnh tiếp tục tham gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Vũ Văn Thuấn – Trần Văn Công. Đào tạo kỹ năng xã hội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 2020.
- Tài liệu liệu pháp kích hoạt hành vi, 2012.( lưu hành nội bộ).
- Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng – Tài liệu số 20. Thể thao, văn hóa và giải trí cho người khuyết tật, Nhà xuất bản Y học Hà Nội. 2008.