ÂM NHẠC TRỊ LIỆU (số 29)
-
ĐẠI CƯƠNG
– Âm nhạc trị liệu là việc sử dụng âm nhạc (nhịp điệu, giai điệu, hòa âm, tiết tấu…) trong mối quan hệ trị liệu để duy trì phục hồi hoặc cải thiện sự tập trung chú ý, cảm xúc, nhận thức, hành vi, giao tiếp…
– Âm nhạc trị liệu có 2 hình thức:
- Liệu pháp âm nhạc tích cực chủ động: Người bệnh có thể hát, di chuyển theo điệu nhạc, viết bài hát và chơi các nhạc cụ…
- Liệu pháp âm nhạc thụ động: Người bệnh nghe, cảm nhận và tưởng tượng, âm nhạc tưởng tượng có hướng dẫn.
– Âm nhạc giúp cho người bệnh nhanh chóng lấy lại sự cân bằng dễ dàng vượt qua các bất ổn về tinh thần thể chất và xã hội. Các giai điệu âm nhạc kích thích sự hoạt động của các giác quan kích hoạt cơ chế điều hòa của não bộ giúp cho con người điều chỉnh cảm xúc, phục hồi chức năng nhận thức như tập trung chú ý và trí nhớ, giúp cải thiện nhận thức và điều chỉnh hành vi, sống tự tin vào bản thân, sống thỏa mái hơn, hạnh phúc hơn và dễ gắn kết yêu thương nhau hơn.
– Qua các hoạt động âm nhạc người bệnh được khả năng và kỹ năng giao tiếp với mọi người giúp họ tự khám phá bản thân, phát triển tư duy sáng tạo, tâm lý thoải mái hỗ trợ cho quá trình điều trị và phục hồi chức năng.
-
CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh có rối loạn tâm thần trong giai đoạn phục hồi
– Nghiện chất
– Động kinh
– Các rối loạn nhận thức như trong các bệnh sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu (tai biến mạch não), thể Lewi, sa sút trí tuệ trán thái dương, bệnh Parkinson.
– Rối loạn giao tiếp ngôn ngữ ở người bị tự kỷ.
– Các bệnh lý cơ thể gây ra các rối loạn tâm thần.
-
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh đang kích động
– Người bệnh đang có bệnh lý cấp tính nội khoa chưa kiểm soát được.
– Giai đoạn cấp tính của các bệnh lý tâm thần.
-
THẬN TRỌNG
Người bệnh có các triệu chứng loạn thần còn dao động.
-
CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện: 03 người
- a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc cán bộ tâm lý
- b) Nhân lực hỗ trợ
– 01 Điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa tâm thần hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
5.2. Thuốc
– Không có
5.3. Vật tư:
– Sách hướng dẫn
– Phiếu theo dõi đánh giá
– Các thang lượng giá về cảm xúc (thang đánh giá tâm trạng nhanh).
– Bảng kiểm để lượng giá hoạt động của người bệnh ….
5.4. Trang thiết bị
– Loa
– Máy vi tính
– Tivi
– Amply
– Micro
– Đàn Gitar
– Đàn Organ
– Sáo.
5.5. Người bệnh
– Tập trung người bệnh giải thích cho người bệnh tin tưởng yên tâm.
– Người bệnh nắm được các bước tiến hành trong quá trình tham gia hoạt động âm nhạc.
– Người bệnh biết cách tự đánh giá mức độ thay đổi cảm xúc hành vi của bản thân..
– Tối đa 10 người bệnh.
5.6. Chuẩn bị hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định:
– Hồ sơ bệnh án chuyên khoa: Phiếu điều trị, Kế hoạch phục hồi chức năng.
– Sổ ghi chép của cán bộ hướng dẫn.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,75 giờ.
5.8. Địa điểm thực hiện kỹ thuật: Phòng trị liệu âm nhạc.
5.9. Kiểm tra hồ sơ, phiếu chỉ định:
– Người thực hiện tiếp nhận người bệnh, tiếp nhận phiếu chỉ định, kiểm tra đối chiếu phần thông tin hành chính trên phiếu chỉ định với thông tin cá nhân của người bệnh.
– Nhập tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán … của người bệnh vào máy và vào sổ theo dõi.
-
TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Tùy theo nội dung được chuẩn bị trong buổi trị liệu mà xây dựng kế hoạch. Cấu trúc chung cho một buổi như sau:
Bước 1: Tập trung người bệnh đánh giá tâm trạng nhanh trước khi thực hiện, giới thiệu các cá nhân để làm quen. Người thực hiện giới thiệu chung về nội dung thực hiện và nguyên tắc quy định cho các thành viên tham gia buổi trị liệu: về thời gian cho 1 buổi, số buổi thực hiện và yêu cầu cần đạt khi tham gia họat động. Tổng kết ôn bài của buổi trước tính sau buổi hoạt động thứ nhất.
Bước 2: Các hoạt động
- a) Học hát
– Giới thiệu tác giả tác phẩm:
+ Giới thiệu tác giả: quê quán, năm sinh, sự nghiệp âm nhạc.
+ Giới thiệu tác phẩm: ý nghĩa, nội dung, hoàn cảnh ra đời.
– Cho người bệnh nghe toàn bài.
– Dạy học hát:
+ Chia bài hát thành từng câu, từng đoạn ngắn.
+ Hướng dẫn người bệnh học thuộc từng câu cho tới hết bài hát.
+ Hát hoàn thiện cả bài hát.
+ Ghép nhạc với kỹ thuật viên đánh đàn cho người bệnh hát cả bài.
– Nhận xét và đánh giá.
- b) Học nhạc cụ
– Làm quen người bệnh.
– Làm quen nhạc cụ: kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh cách sử dụng nhạc cụ.
– Giới thiệu tác giả tác phẩm.
– Thực hành: Hướng dẫn người bệnh chơi từng đoạn ngắn trong tác phẩm cho tới khi thuần thục cả bài.
– Người thực hiện nhận xét và đánh giá.
- c) Nghe nhạc:
– Làm quen với người bệnh
– Giới thiệu tác phẩm âm nhạc
– Người bệnh nghe nhạc, tưởng tượng theo hướng dẫn của người thực hiện (khuyến khích đưa những mâu thuẫn chưa được giải quyết để giúp người bệnh tìm ra cách thức mới để giải quyết vấn đề).
Bước 3: Tổng hợp các hoạt động đã được tiến hành trong buổi trị liệu, đánh giá tâm trạng nhanh. Đánh giá kết quả thực hiện hoạt động của người bệnh qua bảng lượng giá.
Bước 4: Tổng kết các hoạt động có lợi đã được người bệnh thực hiện và ý nghĩa của các hoạt động đó tới sức khỏe và nhận thức của người bệnh. Khen thưởng những người bệnh đã làm tốt, động viên khích lệ những người làm chưa tốt để họ làm tốt hơn trong các buổi tới và đề nghị người bệnh áp dụng thực hành trong cuộc sống. Đưa ra yêu cầu cho buổi sinh hoạt lần sau.
Bước 5: Thu dọn, kiểm tra lại dụng cụ phòng âm nhạc ghi chép vào sổ theo dõi hoạt động của người thực hiện thảo luận rút kinh nghiệm đánh giá về thuận lợi khó khăn để kịp thời điều chỉnh cho buổi hoạt động sau.
-
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Theo dõi diễn biến tâm lý của người bệnh, mức độ tập trung, khả năng sáng tạo, kết quả đạt được…
– Người bệnh quá khích, kích động: Yêu cầu người bệnh khác bình tĩnh và tản dần ra, xử lý như tình trạng người bệnh kích động chống đối.
– Người bệnh mặc cảm không tham gia: Bình tĩnh động viên để họ quan sát rối từng bước giúp họ tự tin tham gia vào hoạt động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Celia et Al. Music Therapy in the Treatment of Dementia: A Systematic Review and Meta-Analysis. Frontier Med (Lausane) 2020 7; 160
- Geretsegger M. Music therapy for autistic people. Cochrane Database of Systematic Reviews 022, Issue 5. Art. No.: CD0043
- Jenifer Buchanan – Bùi Thu Vân dịch. Ứng dụng âm nhạc để thay đổi cuộc sống, Nhà xuất bản Công thương 2020.
- Liệu pháp kích hoạt hành vi, 2012 (lưu hành nội bộ)
- TS. Nguyễn Văn Thọ (2009). Nhà xuất bản Y học Hà Nội. “Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý – âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần”.