Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CÁC KHIẾM KHUYẾT VỀ CẢM GIÁC (số 21)

Chuyên ngành: Phục hồi chức năng

1. ĐẠI CƯƠNG

– Có nhiều loại cảm giác: Cảm giác chủ quan và cảm giác khách quan.
+ Cảm giác chủ quan: Do người bệnh cảm thấy như châm chích, tê bì, kiến bò.
+ Cảm giác khách quan: Người bệnh thấy khi ta kích thích vào một vùng cơ thể. Tùy theo vật kích thích (kim châm, lông, nóng, lạnh …) mà người bệnh sẽ trả lời khác nhau (đau, sờ, nóng, lạnh, …). Cảm giác khách quan bao gồm cảm giác nông và cảm giác sâu. Cảm giác nông gồm có sờ, đau, nóng, lạnh. Cảm giác sâu gồm có cảm giác tư thế, vị trí, cảm giác rung xương, nhận biết đồ vật.
– Khiếm khuyết cảm giác có thể làm tăng nguy cơ thương tích, giảm khả năng sử dụng chi thể, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống.

2. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh có các khiếm khuyết về cảm giác xúc giác, sờ, đau, cảm nhận áp lực, phân biệt 2 điểm, định vị, nhận biết đồ vật …

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh đang trong giai đoạn cấp của bất kỳ bệnh lý nào.
– Người bệnh không tỉnh táo hoặc không hợp tác.

4. THẬN TRỌNG

– Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Bộ tập luyện cảm giác với các vật liệu khác nhau, thiết bị rung điện, bàn chà, dĩa, paraffin…
– Ghế ngồi
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
5.4. Trang thiết bị
– Phòng đủ ánh sáng
5.5. Người bệnh
– Được giải thích về tình hình hiện tại, mục đích và chương trình luyện tập, sự cần thiết phải hợp tác trong quá trình thực hiện kỹ thuật và tiên lượng.
– Tình trạng người bệnh trước khi tập. Ví dụ dấu hiệu sinh tồn, các dấu hiệu của ý thức.
– Đảm bảo sự an toàn môi trường của người bệnh. Ví dụ phòng đủ ánh sáng, không trơn trượt.
5.6. Hồ sơ bệnh án
– Chẩn đoán bệnh, lượng giá, chương trình phục hồi chức năng và theo dõi kết quả tập. Xem xét giới tính, độ tuổi, dân tộc, chẩn đoán bệnh, bệnh sử trong quá khứ và hiện tại, biến chứng, mức độ ảnh hưởng trong các hoạt động sống hằng ngày. Ví dụ: trong những trường hợp bệnh nặng liên quan đến cảm giác khoanh tủy, người bệnh không thể cảm nhận bất kì cảm giác đau nào ngay cả khi bị kim đâm vào da. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh có thể thao tác đồ vật nhỏ khi nhìn, nhưng không thể thực hiện khi nhắm mắt hoặc không nhìn thấy đồ vật đó.
– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: phòng hoạt động trị liệu
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

* Đối với người bệnh có khiếm khuyết cảm giác ở bàn chân
– Thực hiện lăn, chà xát bàn chân trên các bề mặt vật liệu, bàn chà. Trước khi thực hiện các kỹ thuật hãy kiểm tra tình trạng bị xước da hoặc chảy máu.
– Thực hiện các bài tập sau:
+ Bước 1: Bắt chéo một chân qua chân kia. Một tay giữ bàn chân của chân nằm trên, tay kia kéo ngón chân cái xuống dưới càng nhiều càng tốt, rồi kéo duỗi ngón cái lên phía trên.
+ Bước 2: Sau đó hai tay giữ 2 ngón chân trên. Kéo các ngón duỗi ra rồi đưa lại sát nhau.
+ Bước 3: Tiến hành tương tự với các ngón 2, 3. Tiếp tục thực hiện với các ngón khác cho tới khi các ngón đều được kéo riêng ra 1 lần.
Lặp lại mỗi động tác 10 lần trong một lần tập. Sau khi tập với người điều trị thì người bệnh tự thực hiện 2 -3 lần một ngày như hướng dẫn.
* Đối với người bệnh có khiếm khuyết cảm giác ở bàn tay
– Thực hiện lăn, chà xát bàn tay trên các bề mặt vật liệu khác nhau.
– Thực hiện các bài tập:
+ Bài 1: Úp lòng bàn tay xuống, các ngón tay duỗi thẳng, khép lại – Xòe các ngón tay ra, căng giãn tối đa – Khép chụm các ngón tay về phía ban đầu – thực hiện 20 lần/ngày.
+ Bài 2: Ngửa lòng bàn tay, các ngón tay khép, duỗi thẳng – Nắm tối đa các ngón tay thành nắm đấm – Duỗi các ngón tay ra, khép lại – thực hiện 20 lần/ngày.
+ Bài 3: Ngửa lòng bàn tay ra, các ngón duỗi thẳng và khép – Khép ngón cái vào mô ngón út – Duỗi ngón cái về vị trí ban đầu.
– Lặp lại mỗi động tác 10 lần trong một lần tập. Sau khi tập với người điều trị thì người bệnh tự thực hiện 2 -3 lần một ngày như hướng dẫn.
* Bài tập giải dị cảm cho người bệnh có tăng cảm
– Khởi đầu người bệnh cần sử dụng các công cụ bù trừ như mang đai hoặc đệm ở vùng tăng cảm rồi dần dần tập ngưng sử dụng các phương thức bù trừ. Tập giải dị cảm bắt đầu từ vùng ít nhạy cảm (vùng xa) và tiến dần đến vùng dị cảm. Các dụng cụ tập cần được duy trì tiếp xúc liên tục thay vì ngắt quãng. Tăng tiến lên mức cao hơn khi người bệnh cho thấy họ có thể chịu được mức hiện tại mà không có các dấu hiệu kích thích.
– Chương trình tập tăng bậc theo Hardy, Moran và Merritt (1982):
+ Mức 1: Tập với nĩa, sáp paraffin, mát-xa.
+ Mức 2: Thiết bị rung nhỏ bằng pin, mát-xa sâu, sờ chạm có áp lực bằng đầu có cục tẩy của bút chì.
+ Mức 3: Thiết bị rung điện, định vị xúc giác.
+ Mức 4: Thiết bị rung điện, xác định vật thể.
+ Mức 5: Các hoạt động hàng ngày và trong công việc.
* Các phương pháp bù trừ và bảo vệ
Người bệnh chú ý phần chi thể có rối loạn cảm giác tránh tổn thương do các tác nhân nhiệt, ma sát và áp lực.
– Thay đổi tư thế thường xuyên.
– Tập cho người bệnh cách chọn và mang giày, dép, guốc, găng tay. Người bệnh mang giày, dép, guốc thường xuyên, chỉ trừ lúc nằm.
– Thiết kế giày, dép, guốc cho người bệnh vừa chân, thoải mái, dễ sửa chữa, được dán và khâu, nên có miếng lót đệm, không được sử dụng đinh.
– Đối với bàn chân yếu, đi lết, thì giày dép, guốc có đai đỡ.
– Thiết kế các bọc tay cầm của các dụng cụ người bệnh hay sử dụng hằng ngày, hoặc hướng dẫn sử dụng bao tay khi cầm nắm các vật nóng.
Lưu ý:
– Thận trọng khi sử dụng các tác nhân nhiệt và đồ vật có thể gây tổn thương khi người bệnh có tình trạng giảm cảm giác mức độ nặng.
– Thận trọng với người bệnh có tình trạng tăng cảm giác quá mức.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Đánh giá tình trạng người bệnh trong quá trình tập.
– Ghi chép hồ sơ bệnh án và theo dõi kết quả.
– Lập kế hoạch cho chương trình can thiệp tại nhà.
– Người bệnh lo lắng, khó chịu khi có tình trạng tăng cảm: Cần trấn an, động viên, chọn lựa loại kích thích và mức độ kích thích theo diễn tiến phục hồi cảm giác của người bệnh.
– Chấn thương như rách da, chảy máu, bỏng thì ngưng tập và phối hợp với các nhà chuyên môn khác để xử trí hợp lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Van Buskirk C, Webster D. Prognostic value of sensory defect in rehabilitation of hemiplegics. Neurology. 1955 Jun;5(6):407–411.
2. Dannenbaum RM, Dykes RW. Sensory loss in the hand after sensory stroke: therapeutic rationale. Arch Phys Med Rehabil. 1988 Oct;69(10):833–839.
3. Zeman BD, Yiannikas C. Functional prognosis in stroke: use of somatosensory evoked potentials. J Neurol Neurosurg Psychiatry. 1989 Feb;52(2):242–247.