KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CÁC KHIẾM KHUYẾT THỊ GIÁC (số 20)
1. ĐẠI CƯƠNG
Thị giác là quá trình não bộ xác định, diễn giải và phản hồi phù hợp với các thông tin thị giác. Các khiếm khuyết về thị giác có thể ảnh hưởng độ rõ, thị trường, khả năng nhận màu, nhìn vào ban đêm và/hoặc vận động nhãn cầu, nhận biết hình ảnh và phối hợp vận động-thị giác do ảnh hưởng của các bệnh hoặc tình trạng bẩm sinh hoặc mắc phải.
2. CHỈ ĐỊNH
Người có rối loạn khả năng nhìn ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động sống hằng ngày (ADLs)/các hoạt động sống hằng ngày có tương tác (IADLs) hoặc hạn chế sự độc lập và an toàn.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Mất thị giác đột ngột.
– Người bệnh không tỉnh táo, không hợp tác.
4. THẬN TRỌNG
– Không có
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp :
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Gậy dẫn đường, bảng chữ nổi.
– Ghế ngồi
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Dụng cụ thông dụng: bát đũa, chìa khóa, quần áo, bàn chải đánh răng, khăn
mặt…
5.4. Trang thiết bị
– Phòng đủ ánh sáng không trơn trượt
5.5. Người bệnh
Được giải thích về tình trạng bệnh hiện tại, mục đích và chương trình luyện tập và cần phải hợp tác để thực hiện kỹ thuật này, tiên lượng khả năng thích nghi và phục hồi.
5.6. Hồ sơ bệnh án
Xem xét giới tính, độ tuổi, dân tộc, chẩn đoán bệnh, bệnh sử, kết quả lượng giá, mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, trong những trường hợp nặng, người bệnh không thể tìm thấy các vật dụng hàng này, như là thìa và bàn chải đánh răng trừ khi họ sờ vào những vật này.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: phòng hoạt động trị liệu
5.8. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán…
– Tình trạng người bệnh trước khi tập. Ví dụ dấu hiệu sinh tồn, các dấu hiệu của ý thức.
– Kiểm tra sự an toàn môi trường cho người bệnh. Ví dụ phòng đủ ánh sáng, không trơn trượt.
– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
* Phát triển kỹ năng nhận biết nhờ cảm giác ngửi hoặc sờ mó
– Hướng dẫn người bệnh cầm nắm các phần khác nhau của cơ thể, nhiều đồ vật, nhiều vật liệu và cố gắng cảm nhận, phân biệt các phần đó.
– Đối với người lớn, hướng dẫn sờ vào các chỉ điểm trên tờ tiền để biết cách sử dụng tiền trong mua bán, trao đổi hàng hóa.
– Đối với trẻ, hướng dẫn trẻ tránh các vật nguy hiểm: Vật sôi nóng, vật sắc nhọn, …
* Phát triển kỹ năng lắng nghe
– Hướng dẫn người bệnh nghe các loại tiếng động khác nhau và nhận biết âm thanh đó.
– Định hướng được âm thanh, tiếng ồn từ phía nào tới.
* Phát triển kỹ năng nói:
Áp dụng đối với trẻ mới biết đi.
– Đặt bàn tay trẻ lên miệng và mặt người hướng dẫn khi người hướng dẫn nói, và cho tay trẻ sờ miệng, sờ mặt. Cho trẻ cảm nhận không khí thoát ra khỏi mũi, miệng khi người hướng dẫn nói. Bảo trẻ đặt tay lên miệng trẻ và phát âm làm cho không khí thoát ra khỏi mũi miệng của trẻ như người hướng dẫn đã làm.
– Thường trẻ chưa biết tên các đồ vật thì người hướng dẫn cho trẻ sờ đồ vật rồi đọc tên đồ vật. Yêu cầu trẻ nhắc lại nhiều lần để trẻ ghi nhớ tên các đồ vật.
– Dùng các âm độ khác nhau trong giọng nói để trẻ hiểu được ý nghĩa khác nhau trong cùng 1 câu nói.
* Giúp người bệnh định hướng và vận động di chuyển
– Đảm bảo môi trường xung quanh người bệnh được an toàn, ít chướng ngại vật.
– Nếu môi trường có nhiều chướng ngại vật thì dùng dây giăng khoanh vùng lại hoặc các vạch kẻ đường chuyên biệt cho người giảm/mất thị lực.
– Hướng dẫn người bệnh dùng tay sờ định hướng khi di chuyển.
– Hướng dẫn người bệnh sử dụng dụng cụ trợ giúp, chó dẫn đường.
– Hướng dẫn tư thế hỗ trợ để tránh chấn thương khi vấp ngã.
– Khi người bệnh di chuyển có người hướng dẫn bên cạnh, trong lúc vừa đi, người hướng dẫn vừa mô tả cảnh vật xung quanh cho người bệnh cảm nhận.
* Hướng dẫn người bệnh thích nghi với các chức năng sinh hoạt hàng ngày:
– Các chức năng sinh hoạt hàng ngày bao gồm: Ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo, đi vệ sinh, …
– Trong quá trình thực hiện các kỹ thuật, người hướng dẫn luôn động viên, khen ngợi hợp lý dành cho người bệnh.
* Lưu ý:
– Người bệnh có rối loạn thị giác có nguy cơ té ngã, cần đảm bảo tuân thủ phòng ngừa té ngã.
– Người bệnh có thờ ơ nửa bên có nguy cơ tổn thương do giảm nhận biết các kích thích ở bên bị thờ ơ.
7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Đánh giá tình trạng người bệnh trong quá trình tập.
– Ghi chép hồ sơ bệnh án và theo dõi kết quả.
– Lập kế hoạch cho chương trình can thiệp tại nhà.
– Nếu người bệnh có các dấu hiệu như co giật, nhức đầu, đau ngực, mất ý thức, ngay lập tức ngừng điều trị. Sau đó, đặt người bệnh nằm ngửa, khám các dấu hiệu sinh tồn và thông báo cho y bác sĩ để xử trí.
– Khi người bệnh sờ vật sắc nhọt gặp rách da, chảy máu, phải ngưng tập và xử trí.
– Khi người bệnh di chuyển gặp té ngã, phải ngưng tập và xử trí, ổn định tinh thần cho người bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. L. David Ormerod, MD, Sue Mussatt, RN, and Associates (authors: Low vision Assessment and Rehabilitation, School of Health Professions and School of Medicine, University of Missouri, Columbia)
2. Richard L. Windsor, O.D., F.A.A.O. and Laura K. Windsor, O.D. (authors, Low vision Rehabilitation: An Introduction, published in the Rehabilitation Professional Journal, Spring 2001)
3. The Cost of vision Problems at Prevent Blindness America. Retrieved 2013.