Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG ĐIỀU HÀNH (số 16)

Chuyên ngành: Tâm lý lâm sàng, Phục hồi chức năng

1. ĐẠI CƯƠNG

– Chức năng điều hành là chức năng nhận thức liên quan đến các hành vi tự phục vụ, có mục đích và độc lập. Chức năng điều hành cho phép một cá nhân lập kế hoạch, thiết lập mục tiêu, thực hiện hành vi, giải quyết vấn đề, tiên lượng hậu quả, theo dõi quá trình thực hiện hành vi, từ đó có những phản hồi linh hoạt và thích ứng với hoàn cảnh.
– Suy giảm chức năng điều hành có thể dẫn đến khiếm khuyết các chức năng nhận thức trên cũng như hiệu quả thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
– Có nhiều kỹ thuật PHCN điều hành khác nhau, trong đó Phương pháp Luyện tập nhận thức tổng hợp MST (Metacognitive Strategy Training) được đánh giá là có hiệu quả tốt nhất.
– Phương pháp PHCN điều hành MST giúp người bệnh thực hiện các hoạt động chức năng và giảm thiểu sai sót khi thực hiện thông qua các chỉ dẫn có tính cấu trúc và lặp đi lặp lại nhiều lần, hoặc thông qua việc khuyến khích người bệnh tự giám sát quá trình tập.
– Các tác vụ phức tạp có thể được chia nhỏ thành nhiều bước để tập luyện từng bước một.
– Phương pháp MST không chỉ giúp cải thiện chức năng điều hành mà còn thúc đẩy sự tiến bộ của các chức năng trí nhớ, tập trung, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội.

2. CHỈ ĐỊNH

– Tất cả các trường hợp có suy giảm chức năng điều hành

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Những người có rối loạn về hành vi, không có khả năng hợp tác trong quá trình can thiệp

4. THẬN TRỌNG

– Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Hình ảnh
– Giấy màu
– Bút chì
– Sổ ghi chép
– Máy tính Casio
5.4. Trang thiết bị: Không có
5.5. Người bệnh
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra…
5.6. Hồ sơ bệnh án:
– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 1 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng tập Phục hồi chức năng
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán…
– Chỉ định của bác sỹ
– Tình trạng người bệnh trước khi tập: dấu hiệu sinh tồn, trạng thái tỉnh táo…
– Thông tin của người bệnh (các thông tin cá nhân, chẩn đoán, chỉ định, chống chỉ định…)

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bảy bước thực hiện phương pháp MST

Bước 1: Kỹ năng thực hiện tác vụ
+ Đánh giá kỹ năng, cách thực thực hiện tác vụ của người bệnh
+ Ghi nhận điểm mạnh và điểm yếu của người bệnh khi thực hiện tác vụ
Bước 2: Giám sát
+ Sử dụng các câu hỏi gợi mở để xem người bệnh hiểu tác vụ đến mức nào, và xử lý tác vụ đó ra sao
+ Đưa ra các gợi ý để giúp người bệnh nhận thức rõ hơn về tác vụ thực hiện
+ Ghi nhận các sai sót khi thực hiện tác vụ
Bước 3: Làm mẫu
+ Người can thiệp làm mẫu cách hoàn thành tác vụ trong trường hợp người bệnh gặp khó khăn trong việc thực hiện đúng tác vụ đó
+ Người bệnh thực hiện lại tác vụ sau khi được làm mẫu
Bước 4: Thách thức
+ Sau khi người bệnh đã thực hiện được tác vụ trước đó, người can thiệp đưa ra một tác vụ khác nâng cao hơn, có tính thách thức hơn.
+ Tác vụ sau không nên quá khó so với tác vụ trước
Bước 5: Tương tác hai chiều
+ Tạo điều kiện cho người bệnh được phản hồi, đặt câu hỏi hoặc trình bày, thảo luận về các vấn đề khác nhau liên quan đến quá trình thực hiện tác vụ
Bước 6: Đánh giá
+ Tạo điều kiện cho người bệnh đánh giá và nhận xét về tác vụ vừa thực hiện
+ Cùng với người bệnh đánh giá hiệu quả thực hiện tác vụ
Bước 7: Điều chỉnh
+ Điều chỉnh cách thức thực hiện tác vụ
+ Điều chỉnh mục tiêu tập luyện
+ Điều chỉnh chương trình và cường độ luyện tập

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Đánh giá tình trạng của người bệnh trong quá trình tập luyện, ghi chú vào bệnh án.
– Theo dõi sự tiến bộ về chức năng điều hành của người bệnh.
– Nếu người bệnh có các dấu hiệu như co giật, nhức đầu, đau ngực, mất ý thức, ngay lập tức ngừng tập.
– Báo cáo với người quản lý khi xảy ra tai biến, hợp tác với các nhà chuyên môn khác để hỗ trợ người bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Haugen, I., Ueland, T., Stubberud, J., Brunborg, C., Wykes, T., Øie, M. G., & Haug, E. (2023). Moderators of metacognitive strategy training for executive functioning in early schizophrenia and psychosis risk. Schizophrenia Research: Cognition, 31, 100275.
2. Meltzer, L. (2013). Teaching executive functioning processes: Promoting metacognition, strategy use, and effort. In Handbook of executive functioning (pp. 445-473). New York, NY: Springer New York.
3. Roebers, C. M. (2017). Executive function and metacognition: Towards a unifying framework of cognitive self-regulation. Developmental review, 45, 31-51.