Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRÍ NHỚ (số 14)

Chuyên ngành: Tâm lý lâm sàng, Phục hồi chức năng

1. ĐẠI CƯƠNG

– Suy giảm trí nhớ là một trong những khiếm khuyết chức năng nhận thức thường gặp nhất sau tổn thương não mắc phải như chấn thương sọ não, đột quỵ não.
– Trí nhớ thường là chức năng bị rối loạn đầu tiên nhưng lại là chức năng phục hồi muộn nhất.
– PHCN trí nhớ là các kỹ thuật can thiệp PHCN giúp khôi phục lại hoặc giúp bù trừ các khiếm khuyết về trí nhớ.
– Có hai chiến lược để ứng phó với tình trạng mất trí nhớ, bao gồm lấy lại khả năng ghi nhớ và bù đắp thiếu hụt trí nhớ. Chiến lược phục hồi trí nhớ được quyết định dựa trên phân loại trí nhớ.

2. CHỈ ĐỊNH

– Tất cả các trường hợp có suy giảm chức năng trí nhớ.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Những người có rối loạn về hành vi, không có khả năng hợp tác trong quá trình can thiệp.

4. THẬN TRỌNG

– Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Hình ảnh
– Giấy màu
– Bút chì
– Sổ ghi chép
– Máy tính Casio
5.4. Trang thiết bị: Không có
5.5. Người bệnh
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
5.6. Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 1 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: Phòng điều trị Phục hồi chức năng
5.9. Kiểm tra hồ sơ
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng chỉ định…

6.  TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1. Kiểm tra hồ sơ
– Chỉ định của bác sĩ.
– Thông tin của người bệnh (các thông tin cá nhân, chẩn đoán, chỉ định, chống
chỉ định …)
Bước 2. Kiểm tra người bệnh
– Tình trạng người bệnh trước khi tập: dấu hiệu sinh tồn, các dấu hiệu của ý thức…
Bước 3. Thực hiện kỹ thuật
Có nhiều phương pháp can thiệp giúp PHCN trí nhớ. Lựa chọn và phối hợp các phương pháp can thiệp PHCN trí nhớ tùy thuộc vào mức độ và dạng suy giảm trí nhớ.
Các phương pháp can thiệp giúp lấy lại trí nhớ
(1)Sử dụng phương pháp Mnemonic để phục hồi trí nhớ về ngôn ngữ
+Viết tắt và đặt câu
+ Áp từ vựng vào đồ vật
+ Xây dựng câu chuyện
+ Âm nhạc và nhịp điệu
+ Âm thanh tương tự
(2)Sắp xếp thông tin theo nhóm để cải thiện trí nhớ về ngôn ngữ
+ Cấu trúc và sắp xếp lại các các thông tin theo nhóm
+ Nhóm các khái niệm và thuật ngữ tương tự
+ Lập dàn ý cho các ghi chú, bài đọc sách giáo khoa
(3)Hình ảnh trực quan để cải thiện trí nhớ về ngữ nghĩa
+ Biểu đồ
+ Bản đồ tư duy
(4)Liên hệ thông tin mới với những gì đã biết để cải thiện trí nhớ về ngữ nghĩa
+ Tìm mối liên hệ giữa thông tin mới với thông tin đã biết
+ Chủ động thiết lập mối quan hệ giúp tăng đáng kể khả năng nhớ lại những thông tin đã học.
(5)Đọc to và lắng nghe để cải thiện trí nhớ ngắn hạn
+ Đọc to tài liệu và lắng nghe giọng nói của chính mình có thể giúp cải thiện đáng kể trí nhớ.
(6)Nhẩm lại chi tiết để cải thiện trí nhớ nhất thời.
Các phương pháp can thiệp bù trừ trí nhớ
(1)Sử dụng thiết bị ghi nhớ để bù trừ thiếu hụt trí nhớ về ngữ nghĩa.
+ Ghi lại thông tin vào giấy ghi chú, sổ hoặc thiết bị điện tử cá nhân
(2)Thời gian biểu
+ Sử dụng thời gian biểu hoặc bảng liệt kê các việc cần làm để sắp xếp công việc theo trình tự thời gian
(3)Sắp xếp đồ đạc có trật tự
+ Sử dụng nhật ký để ghi lại sự kiện hằng ngày để bù trừ thiếu hụt trí nhớ dài hạn.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Đánh giá tình trạng bệnh nhân khi tập luyện.
– Ghi vào bệnh án.
– Theo dõi sự tiến bộ về trí nhớ của người bệnh.
– Nếu người bệnh có các dấu hiệu như co giật, nhức đầu, đau ngực, mất ý thức, ngay lập tức ngừng tập.
– Báo cáo với người quản lý khi xảy ra tai biến, hợp tác với các nhà chuyên môn khác để hỗ trợ người bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lucy Anschutz, Cameron J. Camp, Robert P. Markley & Jack J. Kramer (1987) Remembering mnemonics: A three-year follow-up on the effects of mnemonics training in elderly adults, Experimental Aging Research, 13:3, 141-143
2. Putnam, A. L. (2015). Mnemonics in education: Current research and applications. Translational Issues in Psychological Science, 1(2), 130.
3. Reiner Kaschel, Sergio Della Sala, Anna Cantagallo, Andrea Fahlböck, Ritva Laaksonen & Miguel Kazen (2002) Imagery mnemonics for the rehabilitation of memory: A randomized group controlled trial, Neuropsychological Rehabilitation, 12:2, 127-153.