Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

KỸ THUẬT RUNG TRONG LỒNG NGỰC BẰNG MÁY (số 11)

Chuyên ngành: Vật lý trị liệu, Phục hồi chức năng

1. ĐẠI CƯƠNG

Kỹ thuật rung trong lồng ngực bằng máy là phương pháp sử dụng một máy khí nén, kết hợp với một dụng cụ rung chuyên biệt để đưa những dòng khí nhỏ có áp lực dương (tần số 100 – 300 nhịp/phút) vào phổi. Giúp đưa khí dung vào phổi làm lỏng đờm, và tạo ra các rung động tương tự như vỗ rung làm long đờm và tăng thông khí giúp đẩy đờm ra ngoài. Máy rung trong lồng ngực có thể kết nối trực tiếp với ống nội khí quản (NKQ), mở khí quản (MKQ), hoặc người bệnh ngậm trực tiếp hoặc qua
mask.

2. CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh thở máy có ứ đọng đờm ở phổi hoặc xẹp phổi với điều kiện Mode thở là: SIMV, CPAP hoặc hỗ trợ áp lực (Pressure Support).
– Người bệnh tự thở qua ống nội khí quản, mở khí quản, khó khăn trong việc tống thải đờm.
– Người bệnh có các bệnh lý như: Viêm phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ kén phổi, các bệnh phổi hạn chế, xẹp phổi, viêm phổi…
– Các bệnh lý thần kinh cơ gây khó khăn trong vấn đề ho khạc đờm và ứ đọng đờm.
– Sau phẫu thuật lồng ngực hoặc ổ bụng.
– Người bệnh khó khăn trong việc tống thải đờm khi sử dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp khác.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Tràn khí màng phổi chưa mở dẫn lưu lồng ngực.
– Ho ra máu.
– Lao phổi đang hoạt động (AFB +). Nếu thực hiện cần quy trình kiểm soát
nhiễm khuẩn chặt chẽ để ngăn chặn lây lan bệnh.

4. THẬN TRỌNG

– Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp :
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ:
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc điều dưỡng được đào tạo về kỹ thuật
5.2. Thuốc: Thuốc giãn phế quản dạng khí dung, Natriclorit 0,9%.
5.3. Vật tư
– Dụng cụ rung trong lồng ngực
– Dụng cụ kết nối máy thở
– Nguồn khí nén 50 psi
– Khăn giấy, cốc đựng đờm
– Sonde hút đờm
– Găng tay
– Phin lọc kháng khuẩn
– Mặt nạ gây mê
– Khẩu trang y tế
– Khăn lau tay
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
5.4. Trang thiết bị
– Máy khí nén (IPV)
– Máy hút dịch liên tục
5.5. Người bệnh
– Giải thích để người bệnh hiểu mục đích của kỹ thuật, các vấn đề cần chú ý trong và sau khi tập để phối hợp thực hiện.
– Không thực hiện kỹ thuật sau bữa ăn < 1 giờ, vì vậy đối với những người bệnh đang ăn qua sonde dẫn lưu liên tục, cần ngừng cho ăn trước khi thực hiện 1 giờ.
– Người bệnh có thể ngồi ghế, hoặc nằm thoải mái, đầu cao > 45 độ để tránh trào ngược.
5.6. Hồ sơ bệnh án:
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,3 – 0,5 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: phòng vận động trị liệu
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

6.1. Đối với người bệnh không đặt ống nội khí quản/mở khí quản
Bước 1: Kết nối máy khí nén IPV với nguồn 50 psi; Kết nối dụng cụ rung với máy khí nén bằng các dây dẫn với màu sắc tương ứng; Cho 15-20 ml dung dịch (khí dung, Natriclorit 0,9%, hoặc pha khí dung với Natriclorit 0,9%) vào bình khí dung ở dụng cụ rung chuyên biệt; Vặn nút điều chỉnh tần số rung về phía easy; Vặn nút điều chỉnh áp lực để áp lực khoảng 20-25 psi.
Bước 2: Cho người bệnh ngậm ống (mask), bật máy, và hít thở khí dung khoảng 1 -2 phút. Khi người bệnh cảm thấy thoải mái thì bắt đầu ấn vào nút “Manual Inps” để bắt đầu vỗ rung.
Bước 3: Hướng dẫn người bệnh ngậm kín môi hoặc người thực hiện hỗ trợ, hai tay áp vào má để tránh mất áp lực khi máy rung, và hít thở chủ động trong vòng 15 -20 phút hoặc kéo dài hơn đến khi hết thuốc khí dung. Điều chỉnh tần số rung tăng lên hoặc giảm xuống sao cho người bệnh cảm thấy thoải mái và đạt được mục tiêu điều trị. Người bệnh có thể ho khạc đờm nếu cảm thấy có đờm trong quá trình điều trị.
Bước 4: Khi kết thúc quá trình điều trị thì tắt máy, khử khuẩn dụng cụ theo quy trình
– Thời gian thực hiện kỹ thuật: Ngày 2 – 4 lần tùy theo mức độ đờm của người bệnh, mỗi lần 15 – 20 phút hoặc có thể kéo dài hơn đến khi hết lượng thuốc khí dung.
6.2. Đối với người bệnh có ống nội khí quản/ mở khí quản
Bước 1: Kết nối máy khí nén IPV với nguồn 50 psi; Kết nối phasitron với máy khí nén bằng các dây dẫn với màu sắc tương ứng; Cho 15-20 ml dung dịch (khí dung, Natriclorit 0,9%, hoặc pha khí dung với Natriclorid 0,9%) vào bình khí dung ở dụng cụ rung chuyên biệt; Vặn nút điều chỉnh tần số rung về phía easy; Vặn nút điều chỉnh áp lực để áp lực khoảng 30-35 psi. Tháo hơi ở bóng chèn (cuff) ở ống nội khí quản/mở khí quản, kết nối phasitron với ống nội khí quản/ mở khí quản.
Bước 2: Bật máy, cho người bệnh hít thở khí dung khoảng 1-2 phút, quan sát sắc mặt và lồng ngực người bệnh, khi người bệnh hít thở thoải mái thì bắt đầu ấn nút “Manual Inps” để bắt đầu vỗ rung.
Bước 3: Người bệnh hít thở chủ động trong vòng 15 -20 phút hoặc kéo dài hơn đến khi hết thuốc khí dung. Điều chỉnh tần số rung tăng lên hoặc giảm xuống sao cho người bệnh cảm thấy thoải mái và đạt được mục tiêu điều trị. Phối hợp hút đờm trong quá trình điều trị.
Bước 4: Khi kết thúc quá trình điều trị thì tắt máy, bơm lại bóng chèn nội khí quản/ mở khí quản, khử khuẩn dụng cụ theo quy trình
– Thời gian thực hiện kỹ thuật: Ngày 2 – 4 lần tùy theo mức độ đờm của người bệnh, mỗi lần 15 – 20 phút hoặc có thể kéo dài hơn đến khi hết lượng thuốc khí dung.
6.3. Đối với người bệnh có ống nội khí quản/ mở khí quản thở máy
Bước 1: Kết nối máy khí nén IPV với nguồn 50 psi; Kết nối dụng cụ rung với máy khí nén bằng các dây dẫn với màu sắc tương ứng; Cho 15-20 ml dung dịch (khí dung, Natriclorid 0,9% hoặc pha khí dung với Natriclorid 0,9%) vào bình khí dung ở dụng cụ rung; Vặn nút điều chỉnh tần số rung về phía easy; Vặn nút điều chỉnh áp lực để áp lực khoảng 20-25 psi. Tháo hơi ở bóng chèn (cuff) ở ống NKQ/MKQ; tắt chế độ hỗ trợ áp lực; Kết nối dụng cụ rung với hệ thống máy thở.
Bước 2: Bật máy, cho người bệnh hít thở khí dung khoảng 1-2 phút theo máy thở, quan sát sắc mặt và lồng ngực người bệnh, khi người bệnh hít thở thoải mái thì bắt đầu ấn nút “Manual Inps” để bắt đầu vỗ rung.
Bước 3: Cho người bệnh hít thở theo máy trong vòng 15-20 phút hoặc kéo dài hơn đến khi hết thuốc khí dung. Điều chỉnh tần số rung tăng lên hoặc giảm xuống sao cho người bệnh cảm thấy thoải mái và đạt được mục tiêu điều trị. Nếu áp lực đường thở cao có thể điều chỉnh lại van điều chỉnh áp lực để áp lực khoảng 20 – 25 psi. Phối hợp hút đờm trong quá trình điều trị.
Bước 4: Khi kết thúc quá trình điều trị thì tắt máy, bơm lại bóng chèn nội khí quản/ mở khí quản, đặt lại chế độ máy thở như ban đầu; khử khuẩn dụng cụ theo quy trình.
– Thời gian thực hiện kỹ thuật: Ngày 2 – 4 lần tùy theo mức độ đờm của người bệnh, mỗi lần 15 – 20 phút hoặc có thể kéo dài hơn đến khi hết lượng thuốc khí dung.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, SpO2.
– Các dấu hiệu bất thường của người bệnh trong tập luyện (đau ngực, nôn, chóng mặt…), sự di động của lồng ngực, tình trạng đờm.
– Đau cơ vùng lồng ngực do tác động của vỗ rung, dừng thực hiện kỹ thuật – Tăng thông khí gây: Đau đầu, chóng mặt, chuột rút, dừng thực hiện kỹ thuật.
– Giảm độ bão hòa oxy do điều chỉnh máy không phù hợp, đóng nắp thanh môn, cung cấp oxy không đủ, đờm dịch được đẩy lên gây bít tắc đường thở…bổ sung oxy, hút đờm

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Varekojis SM, et al. A comparison of the therapeutic effectiveness of and preference for postural drainage and percussion, intrapulmonary percussive ventilation, and high-frequency chest wall compression in hospitalized cystic fibrosis patients. Respiratory Care 2003; 48(1): 24–28.
2. Bird Institute of Biomedical Technology, F.M. Bird, Intrapulmonary Percussive Ventilation(IPV®) and Associated Mechanical Intrathoracic Vesicular Peristalsis; 2000.
3. Fernandez-Restrepo, Lorena et al. “Effects of intrapulmonary percussive ventilation on airway mucus clearance: A bench model.” World journal of critical care medicine vol. 6,3 164-171. 4 Aug. 2017, doi: 10.5492/wjccm.v6.i3.164.
4. Hassan A, Milross M, Lai W, Shetty D, Alison J, Huang S. Feasibility and safety of intrapulmonary percussive ventilation in spontaneously breathing, non-ventilated patients in critical care: A retrospective pilot study. Journal of the Intensive Care Society. 2021;22(2):111-119.
5. A. Fernández-Carmona, et al (2018). Ineffective cough and mechanical mucociliary clearance techniques. Medicina Intensiva. Vol. 42. Issue 1. pages 50-59.