Tài liệu Y học

Thư viện tài liệu học tập Y học

Lọc nâng cao

Chuyên ngành

Tiếng Việt

PHƯƠNG THỨC SỬ DỤNG THÂU NHIỆT SÓNG NGẮN TRỊ LIỆU

Chuyên ngành: Vật lý trị liệu

- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý

ĐẠI CƯƠNG

Phương thức điện trường tụ điện

Hai điện cực đặt hai bên phần cơ thể tạo thành 2 bản cực của tụ điện. Mô cơ thể và các chất cách điện đóng vai trò điện môi. Khi hai bản cực của tụ điện đã nạp điện, sẽ hình thành một hiệu điện thế. Khoảng không gian giữa hiệu điện thế đó gọi là điện trường tụ điện.

Trong điện trường xoay chiều cao tần, những tổ chức có tính chất dẫn truyền tốt sẽ hình thành một dòng điện tương ứng với tần số của dòng điện chạy trong tụ điện. Dòng điện này được hình thành do sự dao động qua lại của các lon và sự xoay quanh của phân tử lưỡng cực. Ngoài ra, đối với các chất cách điện, dưới ảnh hưởng của điện trường xoay chiều, các phân tử sẽ bị vặn xoắn và có sự biến dạng của các quỹ đạo điện tử. Do đó sẽ hình thành một dòng điện gọi là dòng di chuyển.

Trong cơ thể, ở các mô chứa nhiều dịch, dưới ảnh hưởng của điện trường xoay chiều cao tần sẽ có sự dao động của các ion và sự xoay của các phân tử lưỡng cực. Các mô khác như mỡ cũng xuất hiện dòng di chuyển do sự vặn xoắn của các phân tử, tất cả các quá trình này tạo nên dòng điện và sản sinh ra nhiệt theo định luật Joule.

Điện trường có khuynh hướng toả rộng giữa hai bản cực, vì thế mật độ các đường sức điện gần cực rất lớn nên các mô nông, nằm gần cực hơn các mô sâu, được sưởi nóng nhiều nhất.

Đường sức điện đi qua các chất có hằng số điện môi cao dễ dàng hơn. Hằng số điện môi của các mô khác nhau rất nhiều. Những mô có trở kháng thấp như máu và cơ có hằng số điện môi cao hơn những mô có trở kháng cao như mỡ và mô sợi.

Sự sắp xếp tương đối của các mô trên đường đi của điện trường ảnh hưởng đến sự phân bố của các đường sức điện. Do đó, ảnh hưởng đến sự phân bố nhiệt. Nếu các mô sắp xếp song song nhau, mật độ của điện trường sẽ lớn hơn ở các mô có trở kháng thấp. Điều này xảy ra khi điện trường đi dọc theo chiều dài của cơ thể. Khi đó, máu có trở kháng thấp nhất sẽ nóng hơn.

Ngược lại, nếu các mô sắp lớp nối tiếp nhau trên đường đi của điện trường, mật độ của các đường sức điện tương đương nhau và mô cơ có trở kháng cao nhất. sẽ nóng nhiều hơn. Mô dưới da có mỡ là chất có trở kháng cao nên có khả năng nhận một số lượng lớn nhiệt. Các mô trong cơ thể không có sự sắp xếp song song hay nối tiếp nhau mà là phối hợp của cả hai. Các đường sức điện phải đi qua da, lớp cân nông và cơ rồi chọn đường đi qua các mô sâu. Rất khó đạt được hiệu ứng nhiệt ở những cấu trúc sâu có trở kháng cao.

Khi thâu nhiệt sóng ngắn được sử dụng, nhiệt tạo ra có khuynh hướng tập trung ở mô nông hay mô có trở kháng thấp tuỳ thuộc vào phương pháp đặt cực được chọn để điều trị.

Phương pháp dây cáp

Dây cáp làm bằng kim loại và được bọc bằng một chất cách điện. Dây này cuộn quanh bộ phận điều trị. Khi có một dòng cao tần đi qua đây, ở hai đầu dây sẽ hình thành một trường tĩnh điện và một từ trường bao quanh dây. Nếu dây được cuộn lại thành lò xo hay hình đĩa thì sức từ trường đó tăng lên rất nhiều.

Hình: Trường điện và từ quanh dây cáp

Những mô nằm giữa hai đầu của dây cáp nằm trong trường tĩnh điện, tác dụng của trường này lên các mô tương tự như của điện trường tụ điện. Từ trường của một cuộn dây thay đổi khi dòng điện cao tần dao động, tạo nên dòng xoáy do hiện tượng cảm ứng điện từ. Dòng điện này xuất hiện trong các chất dẫn điện khi đặt chúng cắt ngang các đường sức từ. Dòng điện xoáy sinh ra nhiệt và vì chúng chỉ xảy ra trong chất dẫn điện nên hiệu quả bị hạn chế ở mô có trở kháng cao.

Nếu dây được uốn quanh mô có trở kháng cao, điện trường sẽ chiếm ưu thế. Nhưng khi dòng điện sinh ra do hiện tượng cảm ứng điện từ mạnh nhất ở mô có trở kháng thấp. Vì thế, khi điều trị những vùng có trở kháng cao, đặc biệt là muốn có một tác dụng sâu thì sử đụng điện trường ở hai đầu dây có hiệu quả hơn là từ trường trong cuộn dây. Ngược lại, khi điều trị vùng cơ có trở kháng thấp, nhất là muốn sưởi nóng mô nông thì sử dụng từ trường của cuộn dây có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có thể sử dụng đồng thời cả từ lẫn điện trường của dây cáp.

Hiệu quả sinh lý

Tác dụng chính của dòng thâu nhiệt sóng ngắn trên cơ thể là tạo ra nhiệt trong các mô. Sự tăng nhiệt này tạo nên các hiệu quả sau :

Gia tăng biến dưỡng: sự sưởi nóng các mô thúc đẩy các thay đổi hoá học, nên oxy và chất dinh dưỡng được sử dụng nhiều hơn và lượng chất thải bỏ cũng gia tăng.

Gia tăng tuần hoàn: sự gia tăng cung cấp máu như là hậu quả của sự gia tăng biến dưỡng, các chất thải bỏ từ tế bào gia tăng, các chất này ảnh hưởng đến vách mao quản và tiểu động mạch làm giãn nở các mạch máu. Thêm vào đó, nhiệt ảnh hưởng trực tiếp lên mạch máu làm giãn mạch, đặc biệt ở các mô nông, nơi được sưởi nóng nhiều nhất. Kích thích các đầu thần kinh cảm giác nông cũng có thể gây giãn mạch phản xạ các tiểu động mạch. Hiệu quả của sự giãn mạch là gia tăng lưu lượng máu đến các mô. Nhu cầu oxy và chất dinh dưỡng cung cấp đầy đủ hơn và chất bã được lấy đi.

Tác dụng trên dây thần kinh: với điều kiện sự sưởi nóng không quá cao, nó làm giảm tính kích thích của dây thần kinh.

Tác dụng lên mô cơ: gia tăng nhiệt tạo sự thư giãn cho cơ và gia tăng hiệu suất co bóp, các sợi cơ co và giãn nhanh hơn trong khi sức co bóp không bị ảnh hưởng. Sự thư giãn của nhóm cơ đối kháng cho phép các cơ hoạt động được dễ dàng, gia tăng cung cấp máu bảo đảm điều kiện tốt cho sự co cơ.

Gia tăng thân nhiệt: khi dòng máu đi qua các mô đang được điều trị, nó chuyên chở nhiệt đi đến các phần khác của cơ thể. Vì thế khi điều trị với cường độ cao và kéo dài, thân nhiệt sẽ gia tăng, trung tâm vận mạch và trung tâm điều hòa thân nhiệt bị tác động. Hiệu quả cuối cùng là giãn mạch toàn thể các mạch máu nông và gia tăng hoạt động của các tuyến mồ hôi. Nhiệt cũng làm cho độ nhớt của
máu giảm, sự giãn mạch máu và giảm độ nhớt là 2 yếu tố tạo nên tác dụng hạ huyết áp.

Ứng dụng điều trị

Tác dụng lên quá trình viêm

Với tính chất gây xung huyết động mạch tốt và kéo dài, sóng ngắn là một trong những yếu tố điều trị vật lý chống viêm nhiễm rất mạnh.Sự giãn nở các tiểu động mạch và mao mạch làm gia tăng lưu lượng tuần hoàn đến các vùng điều trị. Oxy và chất dinh dưỡng được cung cấp nhiều hơn, kháng thể và bạch cầu cũng đến nhiều hơn. Các chất đào thải được loại bỏ nhanh chóng làm giảm sưng và quá trình viêm thoái triển.

Trong các trạng thái viêm cấp tính, thâu nhiệt sóng ngắn có thể làm gia tăng các triệu chứng của viêm, ở tình trạng bán cấp, liều mạnh hơn có thể được sử dụng với hiệu quả thấy rõ, trong tình trạng viêm mãn, liều gây nóng được sử dụng rất có hiệu quả. Thâu nhiệt sóng ngắn, đặc biệt có giá trị đối với những tổn thương của cấu trúc nằm sâu như khớp háng mà các hình thức điều trị khác của
điện hay bức xạ rất khó tác dụng đến. Vì thế thâu nhiệt sóng ngắn được áp dụng riêng rẽ hoặc liên kết với các hình thức điều trị vật lý khác trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp, viêm bao khớp, viêm dây gân và những thay đổi của dây chằng quanh khớp viêm.

Chấn thương

Sóng ngắn tác dụng tốt trên các trường hợp chấn thương tương tự như tác dụng được tạo ra trong các tình trạng viêm. Thâu nhiệt sóng ngắn làm gia tăng cung cấp chất dinh dưỡng và loại bỏ nhanh các chất thải.

Điều trị các chấn thương mới cần thận trọng như trong trường hợp viêm cấp, vì gia tăng nhiệt tối đa có khả năng làm tăng sự thẩm xuất dịch từ các mạch máu bị chấn thương. Các khớp bị cứng và những hậu quả thứ cấp của tổn thương cho phép sử dụng liều mạnh hơn, vận động tập là một phương thức điều trị cần thiết trong các trường hợp chấn thương và cần sử dụng thâu nhiệt sóng
ngắn trước khi tập.

Giảm đau

Liều nóng nhẹ có hiệu quả giảm đau. Có thể là do tác dụng làm dịu thần kinh cảm giác. Liều mạnh có lẽ làm giảm đau qua cơ chế phản kích thích, nhưng không chắc chắn rằng sự sưởi nóng da bằng thâu nhiệt sóng ngắn là đủ mạnh để có tác dụng này.

Khi đau do viêm, sự thoái triển phản ứng viêm làm giảm đau.

Tuy nhiên, liều mạnh có thể gia tăng cảm giác đau, đặc biệt trong trường hợp viêm cấp, vì gia tăng lưu lượng tuần hoàn và thấm dịch gây nên sự tăng sức ép lên các mô.

Vì thế khi sử dụng sóng ngắn để điều trị các trường hợp viêm và chấn thương, để đạt hiệu quả giảm đau cần phải chú ý đến các tác dụng vừa nêu trên.

Tác dụng lên mô cơ

Nhiệt làm cơ thư giãn và vì thế thâu nhiệt sóng ngắn có thể được áp dụng để làm giảm sự co thắt cơ do viêm hay chấn thương, gia tăng hiệu suất co cơ cũng tạo điều kiện để tập chủ động. Tác dụng này được sử dụng để làm giảm sự co thắt cơ trong tổn thương neuron vận động trên, nhưng các phương pháp khác để tạo thư giãn cơ có nhiều hiệu quả hơn trong trường hợp này.

Vì có tác dụng nhiệt sâu hơn các phương pháp khác nên thâu nhiệt sóng ngắn có hiệu quả làm giảm sự co thắt các cơ trơn ở ống tiêu hoá, tiết niệu, hô hấp v.v..

PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN TRƯỜNG TỤ ĐIỆN

Khi thâu nhiệt sóng ngắn được sử dụng bằng phương pháp điện trường tụ điện, sự tạo nhiệt (nội nhiệt) được xác định bởi sự phân bố của điện trường. Nó có khuynh hướng lớn nhất ở mô nông và mô có kháng trở thấp. Để gây được sự sưởi nóng sâu, cần phải hạn chế bớt sự đốt nóng da vì làm giới hạn sự chịu đựng của cơ thể đối với dòng điện. Trong tất cả các trường hợp để đạt được yêu cầu, cần phải có một điện trường đồng đều phân bố cho cả mô nông và mô sâu.

Kích thước điện cực

Quy tắc chung là điện cực phải hơi lớn hơn vùng điều trị. Điện trường có khuynh hướng lan rộng, đặc biệt ở vùng chu vi, và giảm mật độ ở mô sâu. Nếu điện cực lớn, phần ngoại vi của điện trường là nơi toả rộng nhất, được xem như không sử dụng. Khi đó, các cấu trúc ở trung tâm điện trường sẽ có mật độ đồng đều.

Hình: Khớp nằm ở trung tâm, nơi có điện trường đồng đều.

 

Mô của cơ thể có hằng số điện môi cao hơn không khí. Vì thế, nếu đường kính phần chi thể giữa 2 điện cực nhỏ hơn, đường sức điện sẽ uốn cong vào mô (A). Nếu đường kính của điện cực nhỏ hơn, đường sức điện sẽ lan rộng gây nên mô nông được sưởi nóng nhiều hơn (B). Nếu đường kính điện cực quá lớn, một số đường sức điện sẽ đi qua không khí và một phần năng lượng điện sẽ bị lãng phí, mặc dầu hiệu quả nhiệt ở mô vẫn đạt được (C).

Hình: Sự phân bố điện trường của các cỡ điện cực đối với mô điều trị

Điện cực lớn cho phép sử dụng với một khoảng cách lớn hơn. Điện dung của tụ điện thay đổi liên quan trực tiếp với kích thước của bản cực và tỷ lệ nghịch với bề rộng của điện môi. Vì thế, với một điện cực lớn và khoảng cách rộng có thể được dùng mà không làm cho tụ điện có điện dung nhỏ quá mức dễ gây nên gia tăng trở kháng.
Khoảng cách lớn với điện cực nhỏ làm tụ điện có điện dung rất nhỏ gây nên tình trạng gia tăng đáng kể điện dung trở.

Hai điện cực cần có kích thước bằng nhau, hai điện cực khác cỡ sẽ tạo nên một tụ điểm có 2 bản cực không bằng nhau. Dưới một điện thế như nhau, sự tích điện sẽ khác nhau tạo khó khăn cho sự điều chỉnh.

Khoảng cách điện cực

Khoảng cách giữa điện cực và mô bệnh nhân càng lớn càng tốt trong giới hạn cho phép của công suất máy. Chất đệm giữa điện cực và da cần có hằng số điện môi thấp và không khí là chất thích hợp.

Đường sức điện toả rộng như chúng băng qua giữa 2 bản cực tụ điện, đặc biệt nếu khoảng cách nhỏ và hằng số điện môi cao. Trong trường hợp này, các mô nông nằm gần điện cực là nơi có mật độ điện trường lớn sẽ được sưởi nóng hơn.

Khi khoảng cách giữa 2 bản cực gia tăng, sự lan rộng của điện trường là tối thiểu. Khi đó mật độ của các đường sức điện tương đối đồng đều hơn giữa các mô nông và mô sâu. Điều này giúp đạt được tác dụng nhiệt sâu mà bệnh nhân có thể chịu đựng được do hạn chế sự sưởi nóng quá cao ở da. Tuy nhiên, khoảng cách này phụ thuộc vào công suất của máy.

Nếu một điện cực đặt gần da hơn điện cực kia, cảm giác nóng của da ở cực gần sẽ lớn hơn. Khi điều trị một cấu trúc của cơ thể nằm với khoảng cách không đối xứng so với bề mặt da, ví dụ như khớp háng, điện cực hướng dẫn ở mặt da xa được đặt với khoảng cách lớn hơn điện cực hoạt động. Điều này làm cho người bệnh có thể chịu đựng được do giảm sự sưởi nóng da dưới điện cực hướng dẫn.

Vị trí điện cực.

Vị trí của điện cực được bố trí thế nào để điện trường hướng vào vùng điều trị.

Điện cực được đặt song song với mặt da, nếu không điện trường sẽ tập trung ở các nơi gần điện cực nhất, tạo tác dụng mũi nhọn, nghĩa là nơi đó sẽ nóng nhất.

Hình bên miêu tả mặt bên của vai với phần trên hẹp hơn phần dưới. Khi đặt điện cực song song với mặt da (A), hai điện cực tạo thành một góc nhưng điện trường phân bố đều. Khoảng cd dài hơn ab nhưng độ dài thêm vào là ở trong mô và cả 2 đường đều có trở kháng tương đương nhau. Nếu đặt 2 điện cực đứng dọc song song nhau (B), khoảng ab và cd có độ dài bằng nhau, nhưng khoảng ab đi qua không khí nhiều hơn cd. Vì vậy, ab trở kháng cao hơn và điện trường có khuynh hướng tập trung ở cd.

Khoảng cách gần nhất giữa 2 điện cực phải lớn hơn tổng số bề rộng của điện cực đối với da.

Ở hình bên, khoảng cách giữa 2 điện cực tại A nhỏ hơn tổng khoảng cách S1+S2 và như vậy sẽ tập trung rất nhiều đường sức điện đi thẳng trực tiếp mà không qua mô.

Điện cực được đặt ở nơi da bằng phẳng. Khi bề mặt không đều, điện trường có khuynh hướng tập trung ở phần lồi nhất tạo tác dụng mũi nhọn. Do đó để làm giảm tác dụng này nên đặt điện cực ra xa để sự sai biệt khoảng cách giảm thiểu.

Có nhiều phương pháp đặt điện cực.

(i) Đặt đối diện :

Cách này thường được dùng nhất, đặc biệt là để điều trị các cấu trúc nằm sâu. Nếu cần, cách đặt này có thể cải biên, không nhất thiết phải đối điện nhau qua mô điều trị, miễn là cả hai phải song song với mặt da.

(ii) Đặt đồng diện :

Hai điện cực có thể đặt cùng một bên vùng điều trị, với điều kiện là có một khoảng cách thích hợp giữa chúng. Khoảng này phải lớn hơn tổng khoảng điện cực – da, nếu không điện trường sẽ đi thẳng trực tiếp giữa 2 bản cực mà không qua mô.

Trong cách bố trí điện cực này, mô nông được sưởi nóng nhiều hơn, nhưng phương thức này lại đáp ứng được một số yêu cầu điều trị. Khi cần điều trị nhưng cấu trúc nông quá rộng để có thể đặt các đối diện, ví dụ cột sống; khi cảm giác da ở vùng cần điều trị mất nên không thể đặt điện cực trên vùng trị liệu và khi không cần thiết phải sưởi nóng mô sâu thì đây là phương thức bố trí thích hợp nhất.

(iii) Điều trị theo đường đan :

Các điện cực được đặt đối diện nhau trong nửa thời gian điều trị. Sau đó sắp xếp hai điện cực thế nào để phương các đường sức điện lần này thẳng góc với lần trước.

Hình: Điều trị theo đường đan

 

Phương thức này được dùng để điều trị cho cấu trúc nằm sâu, đặc biệt nếu nó nằm ở những vùng có nhiều mạch máu, ví dụ như hố chậu, khớp hông.
Hằng số điện môi của máu cao và mặt cắt vùng điều trị lớn hơn điện cực làm điện trường lan rộng trong các mô sâu, vì thế nó tiếp nhận nhiệt ít (?) hơn mô nông. Khi điện trường đi qua vùng điều trị theo 2 hướng các mô sâu được sưởi nóng 2 lần so với da.

(iv) Đơn cực :

Điện cực hoạt động đặt trên vùng điều trị. Điện trường toả rộng dưới điện cực này. Vì thế mật độ điện trường sẽ giảm dần khi đến các mô sâu. Phương thức này tạo nhiệt nông và được áp dụng để điều trị cho các mô rất nông.

Hình: Phương thức đơn cực

PHƯƠNG PHÁP DÂY CÁP

Trong phương pháp điều trị bằng dây cáp này, có thể dùng tác dụng của điện trường, từ trường lưới hoặc đồng thời cả hai.

Để sử dụng hoàn toàn được điện trường, hai đầu cuộn dây được đặt càng xa càng tốt, trong giới hạn cho phép, để các đường sức điện đi qua toàn bộ vùng trị liệu (hình 9). Để thu được hiệu quả tối đa từ dòng điện xoáy, dây được cuốn theo cùng một chiểu từ đầu đến cuối, nếu không thì các từ trường đối nhau sẽ xảy ra và năng lượng bị tiêu hao.

Hình: Toàn bộ dây cáp cuộn quanh chi dưới.

Để điều trị các chi, dây cáp thường được cuộn quanh chúng. Nếu vùng điều trị rộng, như khi điều trị toàn bộ một chi hay hai chi, tất cả dây cáp được dùng và cả điện trường lẫn từ trường đều được sử dụng.

Khi điều trị một vùng nhỏ hơn, toàn bộ dây cáp không cần sử dụng đến, và chỉ hai đầu dây/ trung tâm cuộn dây được dùng, tuỳ thuộc vào độ sâu cần sưởi nóng và trở kháng của mô. Nếu vùng có trở kháng cao, trường tĩnh điện giữa hai cuộn dây có hiệu quả cao. Ví dụ khi điều trị khớp gối hai vòng cuộn được tạo ra từ hai đầu dây và đặt ở trên hoặc ở dưới gối. Khi điều trị hai khớp ví dụ hai vai, vài vòng cuộn được thực hiện từ một đầu dây quanh một khớp và một đầu dây cung làm tương tự cho khớp kia.

Nếu vùng có trở kháng thấp, dùng dây điện xoáy (?) để tạo nhiệt sẽ hữu hiệu hơn. Ví dụ điều trị teo cơ bắp chân hay đùi.

Để điều trị cho một mặt bằng như lưng hay bụng, dây cáp có thể cuộn thành hình đĩa. Vì dòng điện xoáy (dòng cảm ứng?) được tạo ra thẳng góc với đường sức từ nên nhiệt sinh ra một đĩa đơn có hình thức một vòng rỗng trong những mô nằm dưới cuộn dây.

 

Khi sử dụng đĩa đôi, các đường sức từ nối với nhau giữa hai đĩa và dòng điện xoáy tạo ra ở mô nằm giữa hai đĩa. Chú ý khoảng cách giữa hai đĩa vì cường độ dòng điện xoáy có thể lớn gây bỏng. Hai đĩa có thể được đặt trên cùng một mặt như ở hình hoặc đặt đối diện nhau tương tự như kỹ thuật của bản cực tụ điện.
Dây cáp có thể dùng phối hợp với một bản cực tụ điện và phương pháp này tiện lợi để điều trị khi khớp hông bị biến dạng gập. Dây cáp cuộn quanh đùi, một đầu gắn vào máy và đầu kia bọc bằng một chất cách điện. Một bản cực tụ điện đặt ngang mức xương cùng ở phía trên khớp bị biến dạng và hướng điện trường đi qua vùng khớp hông.

Phương thức dây cáp tiện lợi để điều trị vùng rộng cũng như vùng không đều, hay khi cần sưởi nóng mô mỡ dưới da. Sự bất tiện của phương pháp này là không thể dùng khoảng cách không khí, vì da sẽ trở nên nóng hơn và giới hạn tác dụng đến các mô trên.

KỸ THUẬT ÁP DỤNG

Thử máy

Máy phải được thử trước khi dùng. Khi sử dụng phương pháp tụ điện, hai bản cực được đặt đối diện nhau, với một khoảng hở ở giữa. Kỹ thuật viên đặt tay ở giữa hai điện cực, bật và điều chỉnh máy, rồi gia tăng cường độ cho đến khi có cảm giác ấm dễ chịu. Khi sử dụng dòng điện cảm ứng, dây cáp được cuộn thành một vòng và thử bằng một ống neon. Đèn sẽ sáng lên khi có dòng điện trong dây, hoặc có thể cuộn dây quanh cánh tay kỹ thuật viên và thử như trên. Sau khi thử, trả các nút trở về vị trí số 0.

Chuẩn bị bệnh nhân

Giường ghế hay bàn không được chứa vật kim loại vì nó làm tập trung điện trường vào một điểm. Quần áo được cởi bỏ và vùng trị liệu phải khô. Nếu vùng trị liệu ẩm ướt, hơi ẩm trên bề mặt da hấp thụ nhiệt nhanh làm da nóng lên, do đó cường độ dòng điện được sử dụng bị giới hạn. Quần áo có thể bị ướt do mồ hôi và do đó làm ngăn cản sự lưu thông của không khí. Nếu quần áo không được cởi bỏ rất khó quan sát da bệnh nhân trước và sau khi điều trị. Khoảng cách và vị trí điện cực không thể xét đoán chính xác. Ngoài ra quần áo làm bệnh nhân khó nhận biết chính xác cảm giác nhiệt và vật kim loại có thể để quên trong đó. Cả kim loại lẫn khí ẩm có hằng số điện môi cao, làm cho điện trường tập trung, có thể gây bỏng. Kim loại hay vật ẩm ướt phải đặt cách đều vùng điều trị ít nhất là
30cm. Vết thương phải được rửa sạch và đắp băng khô.

Bệnh nhân được đặt trong tư thế thoải mái và vững chắc để tránh xê dịch làm lệch khoảng cách da và điện cực.

Ampe kế không cho biết mức độ sưởi nóng của mô, mà chỉ cho biết sự điều chỉnh của dòng điện. Vì thế, liều lượng được tính bằng cảm giác nhiệt của bệnh nhân. Bệnh nhân cần hiểu rõ cảm giác nhiệt nào là vừa đủ để có thể báo cho kỹ thuật viên kịp thời vì có thể xảy ra tai biến bỏng do nhiệt. Phải thử cảm giác da bệnh nhân trước khi điều trị lần đầu. Thử bằng các ống nghiệm chứa nước nóng
và nước lạnh. Không điều trị ở vùng có rối loạn cảm giác nhiệt.

Điện cực

Có nhiều loại điện cực và nhiều cỡ khác nhau. Nhưng nói chung, chúng chứa một đĩa kim loại được bọc bằng một chất cách điện làm bằng nhựa hoặc cao su, hay đặt trong vỏ thuỷ tỉnh. Ngoài ra còn có các điện cực đặc biệt để điều trị cho các vùng đặc biệt như nách. Một kiểu điện cực khác là đĩa kim loại cứng được uốn cong lên ở chu vi để tạo thành một điện trường đồng đều hơn là đĩa kim loại
phẳng. Một loại khác chứa một đĩa kim loại mềm hay một tấm lưới dệt bằng sợi đồng bọc bằng một lớp cao su mỏng. Điện cực này có thể uốn cong được để phù hợp với hình thể vùng điều trị. Loại điện cực này được đặt cách da bằng một lớp nỉ thủng lỗ và có thể cố định chúng bằng băng hay chính trọng lượng cơ thể. –

Dây cáp làm bằng dây kim loại dệt thành ống dễ uốn cong bọc trong một lớp cao su. Nó được ngăn cách với da bởi ít nhất 4 lớp khăn lông khô, các vòng dây uốn cách nhau ít nhất 2,5cm.

Dây dẫn

Trong tất cả các trường hợp, dây dẫn phải có độ dài thích hợp cho các điện cực và máy sử dụng. Các dây dẫn được đặt song song và cách nhau ít nhất bằng khoảng giữa hai ổ cắm của điện cực ở máy. Dây dẫn được đặt xa chất dẫn điện để tránh tình trạng tạo dòng điện cảm ứng. Các dây dẫn cũng được đặt cách da một khoảng ít nhất là lớn hơn khoảng cách điện cực – da.

Phương thức tiến hành

Khi bệnh nhân, điện cực và dây dẫn ở đúng vị trí, mở máy và điều chỉnh máy.

Tăng cường độ dần dần để có thời gian cho mạch máu giãn nở và bệnh nhân đánh giá được độ nóng. Kỹ thuật viên phải ở gần bệnh nhân để có thể xử trí kịp thời khi người bệnh quá nóng.

Khi điều trị xong, vặn các nút về lại vị trí số 0 và tất điện, tháo bỏ các điện cực. Da bệnh nhân có thể có màu hồng nhạt-nhưng phải không có phản ứng mạnh. Ghi vào hồ sơ kích thước và khoảng cách điện cực, cường độ dòng điện, thời gian trị liệu và bất kỳ phần ứng nào nhận thấy được.

Liều lượng

Trong hầu hết trường hợp cường độ dòng điện cần đủ mạnh để tạo cảm giác ấm áp, dễ chịu và thời gian điều trị trung bình từ 15 – 20 phút. Để điều trị các trường hợp mãn tính, thời gian trị liệu có thể đến 30 phút, điều trị hàng ngày hay cách nhật.

Trong các trường hợp viêm cấp tính hay tổn thương mới, cường độ dòng điện thấp hơn, nhưng có thể tăng số lần điều trị, ví dụ 2 lần/ngày. Cường độ dòng điện chỉ vừa đủ gây cảm giác ấm. Thời gian điều trị giới hạn từ 5-10 phút. Sự gia tăng liều lượng cần cẩn thận và tuỳ thuộc vào tác dụng nhận thấy.

CÁC TẠI BIẾN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

Bỏng

Bỏng nhiệt có thể xảy ra. Trong những trường hợp nặng mô có thể bị đông đặc và huỷ hoại. Những trường hợp nhẹ hơn vùng điều trị đỏ rực và có thể nổi bọng nước. Các nguyên nhân có thể gây nên bỏng là :

– Điện trường bị tập trung tại một nơi, do đó các mô ở đó bị sưởi nóng quá mức. Thường nhất là do sự hiện diện của một vùng nhỏ có hằng số điện môi cao ở trong điện trường như mảnh kim loại hay vùng da ẩm, hoặc có thể do đặt điện cực quá gần da ở một vùng gồ ghề gây nên tác dụng mõi nhọn.

– Cường độ dòng điện quá lớn.

– Da nhạy cảm, thường do bệnh nhân xoa dầu nóng, liều lượng an toàn có thể trở nên nguy hiểm trong những trường hợp này.

– Tuần hoàn kém làm nhiệt lượng không được phân tán ra mô xung quanh nhanh chóng.

– Dây dẫn chạm vào da.

– Đắp bằng khăn ướt trong phương thức điều trị bằng dây cáp. Nếu hơi ẩm không khu trú một chỗ để gây nên sự tập trung điện trường, nó có thể trở nên rất nóng làm rộp da.

Quá liều

Điều này làm gia tăng các triệu chứng bệnh lý, đặc biệt là đau. Vì thế khi triệu chứng đau xuất hiện sau khi điều trị phải giảm liều trong những lần điều trị kế tiếp.

Hoại thư

Nhiệt gia tốc các thay đổi hoá học như biến dưỡng mô, vì thế nhu cầu oxy gia tăng. Nếu như cung cấp máu cho mô không đủ, oxy đáp ứng không đủ có thể gây nên hoại thư. Vì thế nhiệt không bao giờ sử dụng trực tiếp trên những vùng có thiểu năng tuần hoàn.

Điện giật

Với những máy hiện đại, điều này khó xảy ra.

Tia lửa điện

Xây ra khi chạm vào điện cực khi đang có điện, nhất là vỏ bọc cách điện không còn hoàn hảo. Nó còn xảy ra khi sờ vào các vật kim loại để gần hay do kỹ thuật viên chạm vào bệnh nhân khi đang điều trị.

Ngất xỉu

Xây ra vì thiếu máu não do hạ huyết áp. Điều này thường xảy ra sau khi điều trị với diện rộng mà bệnh nhân ngồi dậy ngay.

Chóng mặt

Chóng mặt do dòng điện tác dụng lên các ống bán khuyên. Vì thế khi điều trị vùng đầu, nên nâng đỡ cẩn thận và nếu có thể, đặt đầu ở tư thế nằm ngang hay thẳng đứng.

Ớn lạnh

Khi điều trị diện rộng, có sự gia tăng thân nhiệt và nếu bệnh nhân đi ra ngoài đột ngột có thể có cảm giác ớn lạnh.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không sử dụng thâu nhiệt sóng ngắn khi có nguy cơ chảy máu như chấn thương mới, xuất huyết tiêu hoá, khi tình trạng cảm giác không bình thường.

Chống chỉ định với vùng nghi ung thư, viêm tĩnh mạch hay viêm tắc tĩnh mạch, khớp tràn dịch, các mô đang sưng nhiều và các nhiễm trùng sâu có mủ.

Hoàn toàn chống chỉ định trong vùng bị trở ngại tuần hoàn, trên vùng bụng có thai hay đang kì kinh, còn mảnh kim loại trong mô, ở trẻ em, người già và những người bị bệnh tìm mạch, tâm thần.