ĐẮP NÓNG VÀ LẠNH
Xem thêm về nhiệt trị liệu ở đây
Đắp (chườm) nước nóng
– Tác dụng : giảm xung huyết các phần sâu và cải thiện tuần hoàn, giảm đau, giãn cơ.
– Kĩ thuật : dùng khăn lông, miếng len hay nỉ nhúng vào nước nóng vắt ráo nước (không để quá ướt để tránh bỏng) rồi đắp lên vùng thân thể cần trị liệu.
Thời gian điều trị trung bình từ 20-30 phút. Cứ 10 phút thay tấm len khác vì nước mau nguội.
– Chi định :
- Cứng khớp.
- Đau lưng.
- Đau dây thần kinh ngoại vi.
- Chuẩn bị cho xoa bóp và tập luyện.
Túi nóng hydro-collator
Là một loại đắp nóng ấm, bên trong túi có chất silicagel. Chất này có tác dụng hấp thụ nhiệt và giữ nước. Nhiệt được truyền sang thân mình bằng truyền dẫn cho tới khi nhiệt độ của túi nóng và thân mình cân bằng.
– Tác dụng : ngoài đặc tính giữ nhiệt lâu, tác dụng của túi nóng hydro-collator giống như tắm đắp nhiệt ấm, gây giãn mạch, xung huyết, giảm đau và giảm co cứng cơ.
– Kỹ thuật : túi nóng hydro-collator có nhiều cỡ và hình dạng thích nghi với vùng điều trị. Ở bệnh viện, túi nóng được đun bằng thùng điện tự động, luôn luôn ở nhiệt độ 77º. Túi nóng cũng có thể được dùng để điều trị ở nhà và được đun nóng bằng nổi nước thường. Trước khi đắp, túi nóng được gói trong 4-6 lớp khăn lông. Thời gian điều trị khoảng 15-30 phút. Có thể thay đổi sức nóng bằng cách
thay đối số lớp khăn lông ngăn cách giữa túi nóng và da người bệnh.
– Chỉ định : giống như tắm đắp nóng và chườm nóng. Thường được dùng trong các trường hợp chấn thương, viêm khớp, viêm xơ cơ, co cứng cơ, bệnh thần kinh cơ (như bại liệt), viêm gân, viêm bao hoạt dịch; nhiệt trị liệu chuẩn bị cho tập luyện.
– Chống chỉ định : giống như các trường hợp tắm đắp nóng và chườm nóng.
Túi nước nóng
Là phương tiện sử dụng nhiệt truyền dẫn cục bộ.
Chai hay túi nước nóng được chế tạo bằng cao su. Tình trạng kín của túi phải hoàn hảo, không bị rỉ nước để có thể gây bỏng cho người bệnh. Để nước nóng 66º tới khoảng 1/3 hay 1/2 dung tích của túi. Chỉ đóng nắp túi sau khi đã dồn hết không khí ra ngoài, vì không khí là chất truyền dẫn nhiệt kém. Cần lót một lớp khăn lông giữa da người bệnh và túi cao su nước nóng để tránh bỏng và hấp thụ mồ hôi.
Túi nóng có tác dụng tạo thư giãn mô mềm, giảm đau. Có thể dùng lâu tới 45 phút hoặc hơn. Nếu cần, thỉnh thoảng thay nước nóng trong túi để duy trì nhiệt độ không đổi.
Đắp lạnh
Tác dụng lạnh trị liệu
Khảo sát tác dụng của lạnh, người ta ghi nhận :
- Khởi đầu lạnh gây hiện tượng co mạch.
- Tiếp theo từ 3-5 phút sau là giãn mạch.
- Sau giai đoạn giãn mạch, các huyết quản nhạy cảm trở lại với tác dụng co mạch của độ lạnh.
Nếu đắp lạnh trên một vùng da, lượng máu tới da giảm, nhiệt lượng do máu đưa tới giảm và càng làm hạ nhiệt độ vùng này. Nhưng lưu lượng máu tới vùng còn bị chi phối bởi yêu cầu cân bằng nhiệt độ đối với vùng xung quanh.
Lạnh có tác dụng giảm tốc độ truyền đẫn xung động trên dây thần kinh. Từ mức 27º trở xuống, sự truyền dẫn thần kinh bắt đầu kém. Tác dụng của lạnh làm giảm sự co giật có thể do hậu quả sự giảm sức truyền dẫn thần kinh, giảm tính kích thích của cơ làm mất phản xạ cơ.
Tác dụng lạnh làm giảm các phản ứng, biến dưỡng của dây thần kinh và cơ, tạo giãn nghỉ cơ ở người bệnh bị co giật và co cứng cơ.
Trong các trường hợp như bong gân giai đoạn cấp, đắp lạnh rất hiệu quả làm giảm sưng, giảm đau rất tốt.
Ứng dụng lạnh trị liệu
Lạnh trị liệu phối hợp với các phương pháp vật lý khác được ứng dụng rộng rãi trong các trường hợp rối loạn hệ cơ xương như : bong gân, nhuyễn sụn, viêm khớp cấp, viêm bao hoạt dịch cấp, đau lưng cấp, thoát vị đĩa sống, tai biến mạch máu não, liệt rung.
Áp dụng lạnh trị liệu trước khi bước vào chương trình động tác trị liệu tỏ ra rất tốt, làm gia tăng tầm hoạt động khớp đặc biệt ở những người bệnh co giật do nguyên nhân rối loạn hệ thần kinh trung ương.
Xoa bóp với cục nước đá : sử dụng những cục nước đá với kích thước vừa phải, thoa chậm trên vùng điều trị cho tới khi cảm thấy hơi tê. Thời gian và phương pháp thoa đá ra sao tuỳ thuộc vào vùng điều trị và tình trạng bệnh lý.
Xoa bóp nước đá có hiệu quả tốt đối với một số trường hợp co giật nhẹ.
- Bs Đỗ Thị Thúy Anh chỉnh lý