Lời giải cho bài toán phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở
Nhiều phụ huynh ví kỳ tuyển sinh vào lớp 10 còn căng thẳng, áp lực hơn cả thi đại học. Nguyên nhân chủ yếu là số lượng học sinh tăng, mạng lưới trường công lập chỉ đáp ứng khoảng 60% số học sinh dự thi, trong khi tâm lí chung của phụ huynh và các trường THCS là trúng tuyển trường công lập. Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện cùng TS Hoàng Ngọc Vinh (Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp – Bộ GDĐT) về vấn đề này.
Trước áp lực của kì thi tuyển sinh lớp 10, có không ít học sinh ngay từ lớp 7 đã phải đi học ôn, luyện thi. Ông có quan điểm thế nào về tình hình căng thẳng thi vào 10 hiện nay?
– Chúng ta vẫn luôn nói về câu chuyện phân luồng học sinh sau THCS, nhưng dường như mục tiêu này chưa bao giờ đạt được.
Tại các quốc gia phát triển trên thế giới thuộc châu Âu hay Hoa Kì, học sinh sau THCS có rất nhiều con đường học tập nhờ đa dạng hóa mô hình trường trung học. Đều là trường trung học nhưng có thể có trung học phổ thông (THPT) bình thường, trung học nghề (vocational high school), trung học kỹ thuật (technical high school), trường bán công (ở Hoa Kì là charter school nhà nước hỗ trợ một phần)…
Còn ở Việt Nam, sau lớp 9 quanh đi quẩn lại chỉ có có hai mô hình là THPT và trung cấp nghề, mà nói đến chữ nghề thì người dân có vẻ không mặn mà cho lắm. Đặc biệt là sự phân biệt hai loại văn bằng này (THPT và trung cấp nghề) để tuyển vào đại học và tuyển dụng, thăng tiến trong sự nghiệp lại gặp nhiều cản trở, khiến cho trung cấp nghề kém hấp dẫn.
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã thể chế hóa việc thu hút học sinh sau lớp 9 vào học trung cấp nghề chỉ từ 1 đến 2 năm là có bằng trung cấp, cũng như tốt nghiệp cao đẳng nghề thì gọi là “kĩ sư thực hành” có thể nói là cách áp đặt chủ quan duy ý chí lên Luật GDNN và là sự bóp méo các quy luật sư phạm cũng như đòi hỏi của thị trường lao động.
Tuy nhiên, hầu hết các gia đình đều muốn con có được bằng tốt nghiệp THPT (và nếu có kĩ năng nghề thì tốt hơn) có lẽ cũng là điều may mắn cho một quốc gia trong điều kiện khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng, con người tương lai rất cần một nền tảng kiến thức GDPT chắc chắn để tồn tại và phát triển, ngoại trừ một số gia đình không có điều kiện cho con em đi học hoặc các em không có khả năng để theo học ở các cơ sở giáo dục THPT.
Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, với mô hình trường sau trung học cơ sở khá đơn điệu, cộng với tâm lý phụ huynh và học sinh mà 3 thập kỉ nay, việc phân luồng học sinh vào học nghề chưa đạt kết quả như mong muốn.
Vậy đâu là mấu chốt của vấn đề cần được tháo gỡ, thưa ông?
– Tôi cho rằng, khi không có sự phân biệt giữa THPT và trung cấp nghề, đều được gọi là tốt nghiệp trình độ trung học như thực tế trên thế giới, thì điều kiện phân luồng sẽ dễ dàng hơn do hình thành các trường trung học nghề và trung học kĩ thuật (theo Nghị quyết số 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hình thành trường THPT kĩ thuật). Quốc hội đã nhìn ra vấn đề và điểm mấu chốt cần đa dạng hóa mô hình trường trung học sau lớp 9, tên gọi văn bằng chỉ một mức trình độ là trung học phù hợp với chuẩn mực quốc tế về phân loại trình độ giáo dục.
Kinh nghiệm cho thấy, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) những thập niên 1970, 1980 ở thời kì công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, lực lượng lao động trình độ trung học có vai trò then chốt. Đã tốt nghiệp sau trung học thì người học có thể học các lớp đào tạo kĩ năng nghề sau trung học hoặc vào học cao đẳng, không còn cái gọi là tuyển học sinh trung cấp từ người đã tốt nghiệp trung học hệ 12 năm như hơn hai thập niên qua.
Ông có đề cập đến việc “đa dạng hoá mô hình học tập sau lớp 9” – điều này được hiểu là sẽ giảm áp lực, sức ép học thêm, sức ép của kì thi vào lớp 10. Vậy, ông có gợi ý mô hình nào có thể áp dụng và triển khai trong thời gian tới để thực hiện việc này?
– Hà Nội hay TPHCM và một số thành phố lớn khác, đất đai dành cho trường học rất khó khăn, đội ngũ thầy cô ở THPT công lập cũng đến giới hạn, trường tư thì học phí cao khiến các gia đình nghèo khó cho con vào học được. Mặc dù đã có nhiều giải pháp đưa ra giảm sức ép kì thi vào lớp 10 nhưng tình hình vẫn khá bế tắc.
Hiện nay, khá nhiều trường đại học, cao đẳng tại địa phương sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào và đang rất khó khăn trong tuyển sinh, trong khi nguồn lực thầy cô và đất đai đang có thừa. Người dân có nhu cầu cao, địa phương có nguồn lực các trường, mà không để các trường này được mở các trường trung học hoặc các lớp học dạy chương trình THPT là điều vô lý (nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GDĐT) ngay tại trường để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và có thêm kinh phí để lấy ngắn nuôi dài và tạo nguồn trong tuyển sinh đại học, cao đẳng? Thực tế, các mô hình trường trung học ở một số trường đại học sư phạm tuyển sinh rất tốt.
Đây được coi là sáng kiến đột phá đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Ở đây rất cần quán triệt sâu sắc chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước là phát triển hệ thống giáo dục mở và xã hội hóa giáo dục huy động mọi nguồn lực cho giáo dục, san sẻ tải trọng cho các trường THPT công lập.
Cũng cần nói thêm, để tránh gây ra sự quản lý chồng chéo, khó kiểm soát, cần có giải pháp quản lý một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương mà không chia cắt về giáo dục – đào tạo như hiện nay giao cho hai bộ (Bộ GDĐT và Bộ LĐTB-XH). Ngay cả những doanh nghiệp có điều kiện cũng nên được cho phép mở các trường trung học (THPT, trung học kĩ thuật, trung học nghề) như Hàn Quốc đang làm.
Muốn đổi mới giáo dục thúc đẩy phân luồng và giảm sức ép học thêm, sức ép của kì thi vào lớp 10, muốn cho người dân hài lòng với các chính sách giáo dục của Chính phủ, các nhà quản lý giáo dục nên mạnh dạn đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và đa dạng hóa trường trung học, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Nếu không có sự mạnh dạn đổi mới thể chế giáo dục mà vẫn luẩn quẩn giải bài toán này thì bài toán khác sẽ xuất hiện trong hệ thống, khi mà quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo vẫn phân tán cho hai bộ điều hành, vừa không đáp ứng nhu cầu phân luồng, vừa kém hiệu quả, thất thoát nguồn lực lại vừa không quán triệt nguyên tắc xã hội hóa của Đảng và Nhà nước cho giáo dục đào tạo.
Xin cảm ơn ông!
Đăng nhập để bình luận.