Giải phẫu và Sinh lý cho nhà Ngôn ngữ trị liệu- Bài 1 Cơ bản về GP và SL 2
MÔ HỌC
Các khối mô xây dựng nên cơ thể sống, gồm các tế bào có chứa nhân và nhiều loại vật liệu tế bào chuyên biệt cho chức năng cụ thể của nó. Các tế bào khác nhau tùy thuộc vào loại mô mà chúng ở trong đó. Nghiên cứu về giải phẫu của chúng tôi sẽ tập trung vào các tế bào cơ, tế bào thần kinh, tế bào tạo nên mô liên kết và biểu mô, cũng như các tế bào kết hợp để tạo thành các cấu trúc liên quan đến lời nói và thính giác.
Các loại mô cơ sở
Bốn loại mô cơ bản tạo nên cơ thể con người và các biến thể của chúng kết hợp với nhau để tạo nên cấu trúc của cơ thể. Đó là biểu mô, mô liên kết, mô cơ và mô thần kinh.
Các mô cơ sở của cơ thể, (như biểu mô, mô liên kết, mô cơ, và mô thần kinh), được kết hợp để tạo thành các cấu trúc lớn hơn. Ví dụ, các cơ quan là tập hợp các mô có chức năng thống nhất, Theo đó, có thể nói rằng, các mô của một tổ chức đều phục vụ cùng một mục đích chung (ví dụ: tim, phổi hoặc lưỡi). Theo nghĩa tương tự chúng ta nói về cơ, (ví dụ cơ hoành) là cấu trúc được tạo thành từ mô cơ co bóp và cơ phải được gắn vào xương hoặc sụn theo một cách nào đó.
Chúng ta hãy xem xét một số đơn vị tổ chức lớn hơn- tập hợp các mô.
Biểu mô
Biểu mô đề cập đến lớp bề mặt bên ngoài của màng nhầy và các tế bào cấu thành da, cũng như lớp lót của các khoang chính trong cơ thể, và tất cả các ống đi vào, ra và xuyên qua cơ thể. Đặc điểm nổi bật của biểu mô là sự thiếu hụt chất liệu gian bào. Điều này trái ngược với xương, sụn và máu, tất cả đều có lượng chất gian bào đáng kể. Sự vắng mặt của vật liệu tế bào cho phép các tế bào biểu mô tạo thành một tấm, được đóng gói chặt chẽ, hoạt động như một lớp bảo vệ. Lớp biểu mô như một rào cản ngăn chặn hoặc cho phép các chất đi qua các cấu trúc được tạo nên bởi chúng. Ví dụ lớp biểu mô của nếp thanh âm giữ cho mô không bị mất nước (một chức năng rất quan trọng mà bất kỳ ca sĩ nào cũng sẽ chứng thực).
Có rất nhiều loại biểu mô. Chúng ta rất quen thuộc với lớp da bao phủ toàn bộ cơ thể nhưng biểu mô thì gần như bao phủ tất cả các khoang trống của cơ thể cũng như các ống nối chúng với nhau. Một số mô biểu mô có chức năng bài tiết (biểu mô tuyến), một số cho phép hấp thụ (lông nhung vili, lót trong ruột của chúng ta) và những mô khác có lông mao hoặc các phần nhô ra giống như tóc, hoạt động tích cực để loại bỏ các chất ô nhiễm khỏi bề mặt biểu mô (biểu mô có lông của đường hô hấp). Nói chung mô biểu mô có thể tái tạo nếu bị tổn thương.
Lông mao (cilia) có thể được tìm thấy trên tất cả các bề mặt khắp cơ thể, và đặc biệt là ở chỗ chúng có khả năng vận động, nghĩa là chức năng của chúng liên quan đến chuyển động. Lông mao được tìm thấy trong các khoang của đường hô hấp, bên trong não thất của não, trong màng ống trung tâm của tủy sống, là một phần của cơ quan thụ cảm khứu giác, thậm chí cả trong các phần của tế bào que và tế bào nón trên võng mạc. Các mô có lông thì có chung một đặc điểm đó là hoạt động chuyển động của phần nhô ra giống như tóc của chúng. Lông mao di động nhanh theo một hướng và chậm theo hướng ngược lại. Bằng cách này chúng có thể di chuyển vật liệu từ vị trí này sang vị trí khác trong quá trình di chuyển chậm nhưng quay trở về vị trí ban đầu bằng một di chuyển nhanh. Chức năng đặc biệt này loại bỏ chất nhầy mang nhiều chất bẩn khỏi đường hô hấp và di chuyển các phân tử vật liệu lên và ra khỏi bề mặt của cảm biến khứu giác. Mặc dù thoạt nhìn đây có vẻ là một cuộc thảo luận bí truyền, nhưng hãy nhận ra rằng chính các yếu tố vận động thúc đẩy lông mao di chuyển chất bẩn ra khỏi phổi cũng mang lại những khám phá thú vị nhất trong thế kỷ 20 về khoa học thính giác. Đó là sự chuyển động tích cực của tế bào lông ngoài của ốc tai, phản ứng với kích thích âm thanh.
Một tấm nền hoặc màng đáy (baseplate or basement membrane) được làm chủ yếu bằng collagen nằm dưới biểu mô và phục vụ một số chức năng tùy thuộc vào vị trí của biểu mô. Màng đáy có thể hoạt động như một bộ lọc (ví dụ ở thận) hoặc ổn định biểu mô (như ở điểm nối của mô liên kết với biểu mô). Tấm nền rất quan trọng trong việc định hướng các mô hình tăng trưởng cho tế bào biểu mô
Mô biểu mô cung cấp một rào cản đối với một số chất liệu. Ví dụ biểu mô bề mặt mà chúng ta biết là da, là một rào cản đáng kinh ngạc với các tác nhân thù địch trong môi trường (mặc dù nó không thấm nước, nhưng đặc biệt là đối với các dung môi hiện đại, nhiều chất trong số đó có thể nhanh chóng xuyên qua hàng rào biểu mô). Biểu mô có thể bảo vệ cơ thể khỏi mất nước và rò rỉ chất lỏng. Các phiên bản đặc biệt của biểu mô cũng có thể có chức năng bài tiết như biểu mô tiết (tạo ra các tuyến), hoặc đóng vai trò là yếu tố cảm giác (như biểu mô cảm giác của hệ thống khứu giác- cảm giác khứu giác).
Mô liên kết
Mô liên kết có lẽ là loại mô phức tạp nhất, chuyên dùng cho mục đích hỗ trợ và bảo vệ. Không giống như biểu mô mô liên kết được cấu tạo chủ yếu từ vật liệu gian bào được gọi là ma trận (một số y văn gọi là chất nền) trong đó các tế bào của mô liên kết được liên kết với nhau. Mô liên kết có thể ở dạng rắn lỏng hoặc dạng gel. Ma trận nền là thuộc tính chính xác định của một mô liên kết cụ thể.
Mô quầng (areolar tissue) còn được gọi là mô liên kết lỏng lẻo, có bản chất hỗ trợ. Vật liệu đàn hồi này được tìm thấy giữa các cơ và như một tấm màng mỏng giữa các cơ quan. Nó lấp đầy không gian kẽ giữa các cơ quan và các sợi của nó tạo thành một tấm thảm hoặc một bản collagen linh hoạt. Mô mỡ (adipose) là mô quầng được tẩm nhiều tế bào mỡ.
Mô bạch huyết (lymphoid) là mô liên kết chuyên biệt được tìm thấy trong amidan và vòm họng.
Màng nhầy (mucous membrane) phát sinh từ mô nhày phôi thai, lót nhiều khoang rỗng. Màng này bao gồm một lớp biểu mô, có thể có các tuyến niêm mạc tiết ra chất nhầy, cùng với mô liên kết lỏng lẻo gọi là lớp đệm (lamina propria), và thêm một lớp cơ mỏng có thể giúp di chuyển vật chất trong khoang. Chất nhầy là chất tiết bởi các tế bào chuyên biệt có nguồn gốc từ biểu mô.
Mô sợi (fibrous tissue) liên kết các cấu trúc lại với nhau và có thể chứa sự kết hợp của các loại sợi. Mô sợi trắng (white fibrous tissue), chắc khỏe, dày đặc và có tính tổ chức cao. Nó được tìm thấy trong các dây chằng nối các xương lại với nhau cũng như trong màng bao bọc cơ. Mô đàn hồi vàng (yellow elastic) được tìm thấy ở nơi mà mô liên kết phải trở lại hình dạng ban đầu sau khi bị căng ra, chẳng hạn như ở sụn khí quản hoặc đường dẫn phế quản. Sụn vàng (yellow cartilage) có ít collagen hơn, được phủ nhiều sợi đàn hồi hơn. Nó được tìm thấy trong cấu trúc của tai ngoài (pinna), mũi, và nắp thanh quản (epiglottis), là một sụn của thanh quản.
Sụn (cartilage) là một mô quan trọng vì nó có những đặc tính độc đáo về độ bền và độ đàn hồi. Độ bền kéo (tensile strength) của sụn giữ cho các sợi không bị tách ra dễ dàng khi bị kéo trong khi độ bền nén (compressive strength) giúp cho nó giữ được hình dạng bằng cách chống lại lực nghiền hoặc lực nén. Sụn hyaline mịn và có màu xanh trong thủy tinh. Nó cung cấp một bề mặt tiếp xúc mịn màng cho các bề mặt khớp xương, như trong phần sụn của lồng xương sườn. Thanh quản, khí quản và đường phế quản cũng được làm bằng sụn hyaline. Sụn sợi chứa các sợi collagen, cung cấp lớp đệm giữa các đốt sống của cột sống cũng như bề mặt tiếp xúc cho khớp thái dương hàm, giữa hàm dưới và hộp sọ. Sụn sợi hoạt động như một chất hấp thụ các chấn sốc và cung cấp một bề mặt tương đối mịn để trượt.
Máu cũng là một mô liên kết. Thành phần chất lỏng của máu được gọi là huyết tương và các tế bào máu (bao gồm cả té bào đỏ và trắng) lơ lửng trong ma trận này. Các tế bào máu phát sinh từ bên trong tủy của một loại mô liên kết khác là xương.
Xương là mô liên kết cứng nhất. Độ cứng đặc trưng của xương là chức năng trực tiếp của các muối vô cơ tạo nên phần lớn xương. Xương thường được phân loại là đặc hoặc xốp (compact or spongy). Xương đặc được đặc trưng dưới kính hiển vi bởi cấu trúc dạng phiến hoặc dạng tấm trong khi xương xốp thì trông thấy xốp. Xương xốp chứa tủy tạo ra các tế bào hồng cầu và bạch cầu cũng như ma trận (chất nền) huyết tương.
Chức năng bảo vệ của mô liên kết được thực hiện bởi các loại tế bào khác nhau.
Các nguyên bào sợi (fibroblasts) chịu trách nhiệm sản xuất ma trận ngoại bào nên chúng có khả năng tổng hợp và tiết ra protein. Một chức năng quan trọng khác của nguyên bào sợi là sửa chữa vết thương. Các nguyên bào sợi tiếp cận vị trí vết thương và tạo ra một ma trận, ma trận này bị thâm nhập với nguồn cung cấp mạch máu, để trở thành mô hạt (granulation). Bằng cách này vết thương được đóng lại và bịt kín, đồng thời nguồn cung cấp máu được phục hồi cho vùng vết thương. Ma trận cuối cùng co lại do đặc tính co bóp của nguyên bào sợi, ít nhất đóng lấp một phần vùng vết thương.
Đại thực bào (macrophage) là một lớp mô liên kết chữa lành rất quan trọng khác. Chúng chịu trách nhiệm thu thập chất thải hoặc hoại tử mô. Đại thực bào nhấn chìm vi khuẩn và mô chết trong nó, đồng thời tiêu hóa chúng và tiết ra các protein hòa tan. Quá trình tiêu hóa và loại bỏ mô là quá trình quan trọng trước khi tái tạo mô.
Hai loại tế bào bảo vệ quan trọng khác bao gồm tế bào lympho và tế bào mast. Tế bào lympho B phát sinh từ tủy xương và bị kích thích khi có vật lạ để sinh sôi nảy nở trong mô bạch huyết. Cuối cùng chúng tạo ra các kháng thể để chống lại sự tấn công của virus. Các tế bào lympho T cũng phát sinh từ tủy xương nhưng cuối cùng lại chứa ở tuyến ức. Sự sinh sôi nảy nở được kích thích bởi virus, nhiệm vụ của chúng là tìm kiếm và tiêu diệt tác nhân virus. Tế bào mast được tìm thấy trong mô liên kết lỏng lẻo và một số cơ quan. Chúng cung cấp phản ứng đầu tiên đối với kích ứng cụ thể là viêm. Rõ ràng tình trạng viêm của các mô liên kết thúc đẩy sự di chuyển của các tế bào khác đến vị trí bị hư hỏng nhằm mục đích bảo vệ. Chức năng bảo vệ này có thể trở nên tồi tệ, như đã thấy trong sốc phản vệ, một phản ứng viêm quá mẫn nhanh chóng.
Mô cơ
Cơ là mô co bóp chuyên biệt, có các sợi cơ có khả năng nhận kích thích để co lại. Cơ thường được phân loại là cơ vân, cơ trơn hoặc cơ tim.
Cơ vân có dạng sọc khi nhìn qua kính hiển vi, thường được gọi là cơ xương, vì chúng dùng để di chuyển các cấu trúc xương. Nó còn gọi được là cơ tự nguyện hoặc cơ soma bởi vì nó có thể được di chuyển để đáp ứng với các quá trình tự nguyện, có ý thức.
Ngược lại, cơ trơn bao gồm mô cơ nội tạng của đường tiêu hóa và mạch máu, thường có dạng tấm với các tế bào hình thoi.
Cơ tim bao gồm các tế bào liên kết với nhau theo kiểu giống như mạng lưới. Cơ trơn và cơ tim, nói chung, nằm ngoài tầm kiểm soát tự nguyện, thuộc về hệ thần kinh tự chủ hoặc không tình nguyện.
Mô thần kinh
Mô thần kinh là mô giao tiếp có tính chuyên biệt cao. Mô thần kinh bao gồm các neuron và tế bào đệm có nhiều dạng khác nhau. Chức năng của mô thần kinh là truyền thông tin từ neuron này đến neuron khác, từ neuron đến cơ, hoặc từ các thụ thể cảm giác đến cấu trúc thần kinh khác.
Nguồn: Anatomy & physiology for speech, language, and hearing-Drumright, David G._ Hudock, Daniel J._ Seikel, John A-Plural Publishing (2021)
Đăng nhập để bình luận.